Phiên chợ Tết đặc biệt với những mảnh đời bất hạnh

Thứ Năm, 08/02/2018, 21:53
Sở dĩ gọi đó là phiên chợ Tết đặc biệt, bởi lẽ khách hàng chủ yếu là những người nghèo, những bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân sinh sống trên địa bàn Hà Nội.


Đến phiên chợ này, họ được thỏa thích lựa chọn 10 món đồ mình thấy thực sự cần thiết mà không mất đồng nào. Với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì phiên chợ 0 đồng này quả thực có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Nhiều "khách hàng" đến đây đã nói vui rằng: "Chưa năm nào gia đình tôi được ăn Tết to như năm nay".

Món quà tri ân những người nghèo

Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Nguyệt (77 tuổi) và bà Lưu Thị Thêu (70 tuổi) đã rủ nhau đi bộ từ khu lưu trú của Bệnh viện Bạch Mai tới Công viên Thống Nhất để mua hàng miễn phí. Mặc dù tuổi đã cao, lại có thâm niên chạy thận nhiều năm nên sức khỏe rất yếu, nhưng bà Thêu và bà Nguyệt vẫn háo hức lắm. 

Bởi lẽ trong đời, hai bà chưa từng bao giờ được đi mua sắm thứ gì mà lại không mất tiền. Đến nơi, hai người già ấy rất bất ngờ vì có quá nhiều mặt hàng để lựa chọn. Từ quần áo, bánh kẹo, mứt tết, bánh chưng, giò chả, đỗ xanh, gạo nếp, măng miến, nước mắm, dầu rán đến chăn màn, hoa đào và cả các đồ gia dụng như xoong, chảo…

Không khí nhộn nhịp tại phiên chợ 0 đồng.

Với hoàn cảnh như bà Nguyệt và bà Thêu thì có vẻ như những mặt hàng không cần phải chế biến như bánh kẹo, mứt tết, bánh chưng… sẽ được ưu tiên hơn cả. 

Bởi lẽ, như bà Nguyệt, quê ở Hà Nam nhưng đã có thâm niên 9 năm "đóng đô" ở nhà lưu trú Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận. Sống cô độc vì không chồng, không con nên bà Nguyệt đã phải bán cả mảnh đất được cha mẹ chia cho để có tiền chữa bệnh. Từ đó đến nay bà gần như không về quê nữa mà bám trụ lại cái bệnh viện này để duy trì sự sống. 

"Hồi trước lúc còn khỏe thì ngày nào tôi cũng đi nhặt chai lọ để có thêm tiền ăn uống, chữa bệnh. Có lần tôi đang đi thì có người gọi giật lại, vì không để ý nên tôi bị vấp ngã gãy tay phải bó bột. Hồi đó một bên tay bó bột không thể mặc áo vào được nên phải quấn quanh ngoài nhưng tôi vẫn phải đi nhặt chai lọ. 

Ra đường nhiều người thấy thương nên đã cho tiền để tôi chữa bệnh. Hai năm nay sức khỏe tôi yếu đi nhiều lắm rồi nên chả làm ăn được gì nữa. Cơm ăn cũng là cơm từ thiện, thuốc thang, tiền lọc thận cũng được Nhà nước lo cho. Đời tôi chả có ai thân thiết nên nếu có chết đi cũng chẳng ân hận gì" - bà Nguyệt bùi ngùi chia sẻ. Hôm nay được đến phiên chợ 0 đồng này bà Nguyệt phấn khởi lắm.

 Bà đùa bảo: "Năm nay tôi được ăn Tết to quá rồi. Đây này, có thiếu thứ gì đâu: bánh kẹo, mứt, bánh chưng và cả chăn nữa nhé".

Đứng ở quầy hàng gạo nếp là cô Lê Thị Hà (Mê Linh, Hà Nội). Để đến được đây, sáng nay, cô Hà đã phải dậy sớm bắt xe ôm đi từ Bệnh viện Ung Bướu. Nhìn khuôn mặt tươi tắn khi chọn đồ không ai tin rằng cô Hà đang mang trong mình căn bệnh ung thư phổi, giai đoạn cuối. 

"Tôi bị bệnh này hơn 1 năm rồi, mệt mỏi lắm. Trải qua mấy lần hóa trị rồi, tóc tai cũng rụng hết, tiền của bao nhiêu cũng đổ vào bệnh cả rồi. Hơn một năm chẳng làm được việc gì giúp gia đình lại còn hao tiền tốn của nên cũng buồn lắm. Nhưng hôm nay được đến đây, chọn những món đồ về phụ thêm với gia đình tôi cũng thấy phấn chấn hẳn lên".

Cùng điểm xuất phát như cô Hà là bà Nguyễn Thị Thập, quê Phú Thọ. Đã 2 năm nay bà Thập "định cư" tại Bệnh viện Ung Bướu để chăm sóc cho chồng. Hoàn cảnh của vợ chồng bà Thập rất éo le. Chồng bà trước là bộ đội chiến đấu nên bị nhiễm chất độc da cam. 

Vì thế hai vợ chồng bà lấy nhau đã lâu nhưng không sinh được người con nào. Khoảng chục năm trước ông bà quyết định xin một đứa trẻ về làm con nuôi nhưng số phận lại trớ trêu vì đứa trẻ ấy bị bệnh tim bẩm sinh nên đã mất khi mới vừa tròn 3 tuổi. 

"Vợ chồng tôi xin nó về cũng định sẽ chăm sóc nó thật tốt để có chỗ dựa về sau, vậy mà nó bị tim bẩm sinh nên mất. Giờ ông nhà tôi lại bị ung thư thế này cũng chả biết sống chết ra sao. Giờ chỉ có hai vợ chồng già, ông ấy mà đi chắc tôi cũng đi theo nốt" - bà Thập nói mà nước mắt chảy dài.

Với những người nghèo đây là ngày hội thực sự.

Những quầy hàng yêu thương

Để những chiếc phiếu mua hàng miễn phí đến được tay những người nghèo và những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thì những tình nguyện viên đã phải chia nhau tới từng bệnh viện, từng khu tạm cư để phát những phiếu này. 

Thế nên khi phiên chợ chính thức diễn ra thì những người đến chợ sẽ không phải xuất trình thêm bất kỳ một loại giấy tờ nào ngoại trừ tấm phiếu đã được phát trước đó. Người bán hàng trong phiên chợ đặc biệt này hầu hết đều là những doanh nghiệp, những nhà hảo tâm, các cá nhân có tấm lòng thiện nguyện. Hàng hóa sẽ được chia ra theo từng gian hàng. 

Ai có nhu cầu về mặt hàng gì thì sẽ đến gian hàng đó để mua. Có một điều rất đặc biệt là, khi những "khách hàng" đến mỗi gian hàng bất kỳ họ đều được chào mời rất lịch sự: "Cô chú ơi, cô chú xem và mua hàng đi ạ". Hỏi lý do vì sao mà những người "bán hàng" không nói "Cô, chú lấy hàng đi ạ" thì một tình nguyện viên đã cười rất tươi và đáp rằng: "Chúng em nói thế để những người đến đây họ không có cảm giác là mình đang được cho. Ngược lại họ sẽ có suy nghĩ như mình đang đi mua hàng thực sự".

Bà Nguyệt được các tình nguyện viên giúp chọn các mặt hàng thiết yếu.

Đây là năm thứ 2 phiên chợ Tết 0 đồng được diễn ra ở Công viên Thống Nhất để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Theo Ban tổ chức cho biết, năm thứ nhất họ đã phát ra 2.000 phiếu mua hàng miễn phí nhưng năm nay thì đã tăng lên 3.000 phiếu. Hơn nữa, năm nay các mặt hàng cũng đa dạng, phong phú hơn năm ngoài. 

Và trị giá mỗi phiếu mua hàng cũng được tăng lên, tối thiểu là 500 nghìn đồng. Với mỗi món hàng đã được mua, tình nguyện viên sẽ tích vào ô được khoanh tròn trong phiếu 1 cái. Khi nào phiếu đủ 10 cái tích thì sẽ được các tình nguyện viên thu lại, điều đó cũng đồng nghĩa với việc người mua đã hết quyền mua hàng. Bên cạnh các mặt hàng tích điểm thì phiên chợ Tết 0 đồng còn có những quầy hàng như quần áo cũ, bị lỗi mốt hay sách truyện là khách hàng có thể lấy thoải mái.

Tuy là phiên chợ miễn phí nhưng khâu tổ chức rất chặt chẽ và chu đáo. Ngoài việc cắt cử các tình nguyện viên xách đồ cho những người già, yếu nếu người nào nhà ở gần chợ hoặc cần đến các điểm xe bus cũng sẽ có tình nguyện viên đưa đến tận nơi. 

Bà Lê Thị Thanh, bệnh nhân K của Bệnh viện Tân Triều xúc động chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi đến phiên chợ này, được các cô chú tình nguyện viên ở đây giúp đỡ nhiệt tình tôi cảm động lắm. Mình đã được mua hàng miễn phí rồi mà thái độ các cô chú ấy đối với mình rất vui vẻ, chu đáo. 

Khi tôi đi qua quầy hàng bánh trưng ở đấy họ mời tôi mua hàng. Tôi bảo phiếu của tôi đã tích hết rồi nên không mua được nữa thì họ bảo thế thì chúng cháu tặng thêm bà chiếc bánh chưng này để về bà ăn Tết ạ. Thật chẳng mấy khi người nghèo chúng tôi được đối xử tử tế và ân cần thế đâu".

Cô Hà kiểm tra lại phiếu tích điểm để mua hàng.

Đến quầy hàng của Nhóm cơm Thiện Tâm chúng tôi thấy các thành viên đang vui vẻ bán hàng cho khách. Một xuất hàng sẽ gồm: 1 chảo chống dính, một gói mì chính và một khuôn gói bánh chưng. 

Theo lời của các thành viên trong nhóm chia sẻ thì mặt hàng hôm qua của họ bán là những chiếc chăn ấm. "Không ngờ hàng trăm chiếc chăn của nhóm bọn em đã bán hết veo trong ngày đầu tiên diễn ra phiên chợ. Cháy hàng nên hôm nay bọn em lại chuyển sang phát chảo, mì chính và khuôn gói bánh chưng cho khách. Đây cũng là mặt hàng thiết yếu mà gia đình nào cũng cần mỗi dịp Tết" - một thành viên Nhóm cơm Thiện Tâm chia sẻ. 

Để có được những món hàng Tết ý nghĩa cho người nghèo, các thành viên trong nhóm cơm Thiện Tâm đã rất tích cực đi xin tài trợ và lên mạng xã hội kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ.

Chị Đỗ Thị Thanh Hà, thành viên Ban tổ chức phiên chợ 0 đồng chia sẻ: "Việc những người có hoàn cảnh khó khăn có thể đến phiên chợ này và chọn những món đồ họ thực sự thấy cần thiết nó sẽ có ý nghĩa hơn là việc chúng ta đến tận nơi nhưng chưa chắc đã tặng được những món quà mà người nghèo cần". 

Phiên chợ Tết 0 đồng là hoạt động ý nghĩa được tổ chức bởi nhóm thiện nguyện Ngôi trường ước mơ và những người bạn. Đó cũng là món quà Tết ý nghĩa mà nhóm muốn tri ân tới những mảnh đời bất hạnh.

Song Anh
.
.
.