Phẫu thuật chuyển giới tại Việt Nam: Pháp luật chưa cho phép

Chủ Nhật, 16/04/2017, 12:04
Thông tin về Bệnh viện Bình Dân TP HCM vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ có nguyện vọng phẫu thuật chuyển giới thành nam và hiện đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị thực hiện ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam đã khiến dư luận rất quan tâm. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này còn khá nhiều ý kiến bàn cãi…


Thuyết phục bác sĩ để được chuyển giới

Ngày 11-4-2017, Thạc sĩ, bác sĩ (ThS.BS) Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện (BV) Bình Dân TP Hồ Chí Minh cho biết, BV này đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng, đây chỉ là ca phẫu thuật dự kiến bởi còn rất nhiều thủ tục pháp lý cần hoàn tất trước khi chính thức được cho phép thực hiện ca phẫu thuật.

Bệnh nhân V. đã lấy băng vải cột ép ngực lại với ước mong trở thành nam giới.

Theo ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, bệnh nhân này trên giấy tờ nhân thân là nữ và hình dáng cũng là nữ, tên N.A.V (25 tuổi, quê Nha Trang, Khánh Hòa). Cô có nguyện vọng phẫu thuật chuyển thành nam giới.

Khi tới khám tại BV Bình Dân, bệnh nhân này tâm sự với bác sĩ rằng, dù bản thân có thân hình nảy nở như con gái, nhưng bộ phận sinh dục lại "nửa gái, nửa trai".

Tuy vậy, trong suy nghĩ, cô gái này luôn coi mình là con trai nên luôn ăn mặc theo phong cách nam giới, thậm chí V. đã lấy băng vải cột ép ngực lại khiến cho việc sinh hoạt hằng ngày cũng gặp nhiều khó khăn.

ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng chia sẻ, trước quyết tâm của bệnh nhân và sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, xem xét hoàn cảnh, các bác sĩ nhận thấy nguyện vọng của bệnh nhân là xác đáng nên đã trình Ban Giám đốc BV và đưa ra hội đồng chuyên môn hội chẩn về trường hợp này.

Nếu được hội đồng chuyên môn thông qua, BV Bình Dân sẽ làm đề xuất gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh; tiếp đến là cử một đoàn về địa phương của người có nhu cầu phẫu thuật chuyển giới nói trên để làm việc.

"Các thủ tục sẽ được làm thật kỹ càng, giúp sau khi phẫu thuật bệnh nhân tránh gặp những rắc rối vì phải thay đổi tên, giới tính trong giấy khai sinh và chứng minh nhân dân", ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng cho biết. 

Nói thêm về trường hợp này, ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng nhận định: "Kết quả xét nghiệm bộ nhiễm sắc thể của bệnh nhân là 46XX (giới tính nữ). Đồng thời, chụp CT scanner, chúng tôi thấy bệnh nhân tồn tại cả tinh hoàn phải và tiền liệt tuyến lẫn tử cung (lưỡng giới thật).

Ca này nếu tiến hành sẽ tạo hình thành nam rất thuận lợi vì bệnh nhân đã có sẵn hai bìu, chỉ cần đặt tinh hoàn nhân tạo vào. Như vậy, nếu được phẫu thuật thành nam giới thì đây chính thức là ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên tại Việt Nam".

Tuy nhiên, quy trình thực tế của công việc này có khá nhiều công đoạn phức tạp và bệnh nhân sẽ phải chịu đựng quá trình điều trị lâu dài và tốn kém. Theo tìm hiểu, mỗi ca chuyển đổi giới tính đòi hỏi thời gian thực hiện lâu dài với hàng chục lần phẫu thuật, cùng sự tham gia của bác sĩ tâm lý, bác sĩ nội tiết, bác sĩ phẫu thuật tạo hình…

Bệnh viện Bình Dân đang tiến hành các thủ tục pháp lý để chuẩn bị cho ca phẫu thuật chuyển giới đầu tiên ở Việt Nam.

Theo đó, bước đầu tiên khi muốn chuyển giới, bản thân người đó cần gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được tư vấn và qua đó để bác sĩ xác định bệnh nhân thuộc nhóm nào…

Khi bệnh nhân xác định thật sự muốn chuyển giới thì bác sĩ sẽ điều trị hoocmôn thay thế (toàn phần hoặc một phần) để tạo ra sự thay đổi về mặt sinh lý và cơ thể. Với nữ muốn trở thành nam sẽ được chỉ định uống hoặc tiêm androgen. Với nam muốn trở thành nữ sẽ chỉ định estrogen, progesterone.

Thời gian sử dụng hoocmôn trong khoảng 6 tháng đến 1-2 năm. Mức độ và thời gian thay đổi khi sử dụng hoocmôn thay thế rất đa dạng, tùy từng người nhưng những thay đổi này sẽ lần lượt xảy ra trong thời gian điều trị.

Sau điều trị hoocmôn, khi các thay đổi về tâm sinh lý của người chuyển giới ổn định mới phẫu thuật sửa cơ quan sinh dục để một người trở thành nam hoặc nữ hoàn toàn. Khi đã cắt cơ quan sinh dục, người chuyển giới phải dùng hoocmôn thay thế suốt đời.

Tuy nhiên, việc sử dụng hoocmôn nam hóa hay nữ hóa phải được chỉ định, kiểm soát và theo dõi bởi bác sĩ, vì có nhiều tác dụng phụ như tăng men gan, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch...

Ngoài ra, hoocmôn nữ hóa còn có thể gây huyết khối tĩnh mạch, sỏi mật, tăng cân, triglycerid máu cao, khối u tuyến yên; hoocmôn nam hóa có thể gây bệnh lý đa hồng cầu, tăng cân, rụng tóc, ngưng thở lúc ngủ, tăng mỡ máu, giảm mật độ xương, ung thư vú, tử cung, buồng trứng…

Theo kết quả nghiên cứu "Khát vọng được là chính mình" (Người chuyển giới ở Việt Nam - Những vấn đề thực tiễn và pháp lý) do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) thực hiện, do phải chịu nhiều rủi ro cũng như đau đớn nên trước khi đi đến quyết định phẫu thuật, người chuyển giới phải cân nhắc.

Có người vì lý do tài chính, bởi phẫu thuật cần số tiền khá lớn, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Hơn nữa, do hệ thống y tế để can thiệp phẫu thuật cho người chuyển giới ở Việt Nam chưa thịnh hành nên phần lớn người chuyển giới đều có mong ước được làm tại Thái Lan hoặc Hàn Quốc, và điều đó đòi hỏi chi phí còn lớn hơn nữa. Thực tế, có những người sẵn sàng đánh đổi cả tuổi thọ, bất chấp rủi ro để được trở thành giới như họ mong muốn nếu có tiền đi làm phẫu thuật…

Vi phạm pháp luật nếu phẫu thuật chuyển giới?

Hiện việc phẫu thuật chuyển giới không khó và các bác sĩ Việt Nam có thể thực hiện được. Thực tế, tại nước ta đã và đang phẫu thuật cho các trường hợp có giới tính bẩm sinh không rõ ràng nam hay nữ, như mới nhất là trường hợp Bệnh viện E Trung ương (Hà Nội) ngày 11-4-2017 cho biết, đã thực hiện phẫu thuật cho cô gái N.T.X, 24 tuổi, ở Hà Nội, bị lưỡng tính bộ phận sinh dục.

Theo đó, sau khi thăm khám, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt bỏ bộ phận sinh dục nam, đồng thời chỉnh hình cơ quan sinh dục nữ cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật đã thành công và hiện bệnh nhân đã thật sự trở thành một người phụ nữ hoàn chỉnh…

Người được phẫu thuật chuyển giới sẽ phải chịu hàng chục ca phẫu thuật lớn nhỏ. (hình minh họa)

Tại Việt Nam, BV Xanh Pôn, BV Việt Đức, BV Nhi Trung ương (Hà Nội), BV Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh)... cũng đã thực hiện thành công hàng chục ca xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính được áp dụng cho người khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.

Quay trở lại với vấn đề các công đoạn chuyển giới, ngoài quá trình điều trị kéo dài và phức tạp thì bệnh nhân sau khi thực hiện chuyển giới sẽ phải đối diện rất nhiều khó khăn, bởi chuyển giới là thay đổi toàn bộ hồ sơ pháp lý.

Bên cạnh đó, người chuyển giới còn có thể gặp những khó khăn như không được cộng đồng chấp nhận, "mất" gia đình hoặc bạn bè, mất việc làm và bị các tác dụng phụ của hoocmôn thay thế.

Mấy năm gần đây, nhiều người đã ra nước ngoài chuyển giới với nhiều rủi ro do không đảm bảo an toàn, không ai chịu trách nhiệm khi bị tai biến, biến chứng. Chưa kể nhiều khả năng họ sẽ gặp khá nhiều phiền toái khi đi máy bay bởi những thông tin và hình ảnh trên giấy tờ khác hoàn toàn với hình dạng bên ngoài…

Liên quan đến vấn đề này, theo các nhà chuyên môn, tuy Bộ luật Dân sự sửa đổi cho phép chuyển giới nhưng do chưa có Luật Chuyển đổi giới tính và thông tư hướng dẫn nên các cơ sở y tế chưa thể tiếp nhận người có nhu cầu chuyển giới.

Trao đổi với báo chí về trường hợp bệnh nhân muốn chuyển giới ở BV Bình Dân, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: "Nếu tiến hành phẫu thuật chuyển giới thì có thể sẽ vi phạm pháp luật Việt Nam".

Lý do, tuy Bộ luật Dân sự sửa đổi (Điều 37) về quyền chuyển đổi giới tính đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 nhưng hiện tại, phẫu thuật chuyển giới vẫn chưa được phép thực hiện tại Việt Nam.

Hơn nữa, đến nay, các văn bản dưới luật hướng dẫn vấn đề này vẫn chưa được ban hành. Trên thực tế còn nhiều vấn đề đặt ra và bàn cãi trong chính giới chuyên môn như cơ sở y tế nào được phép điều trị hoocmôn thay thế và phẫu thuật chuyển giới, ai là người sẽ điều trị, phải có chứng chỉ thế nào, thành lập hội đồng giám định y khoa trước phẫu thuật chuyển giới ra sao...

Có lẽ những điều này sẽ cần một khoảng thời gian để Luật Chuyển đổi giới tính ra đời hay ít nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành khác của Bộ Y tế. Như vậy, phía BV Bình Dân TP Hồ Chí Minh vẫn còn chặng đường khá dài về mặt thủ tục pháp lý nếu muốn trở thành nơi phẫu thuật chuyển đổi giới tính đầu tiên tại Việt Nam.

Ở khía cạnh khác, các chuyên gia pháp lý đánh giá, điều luật đã quy định: "Không được thay đổi giới tính trên giấy tờ nếu chưa phẫu thuật chuyển giới", đồng nghĩa với việc pháp luật chưa cho phép một người thay đổi giới tính trên giấy tờ sau thời điểm 1-1-2017 nếu họ chưa phẫu thuật chuyển giới.

Cho nên, khát vọng nhân đạo được xác định lại giới tính về mặt pháp lý mà không cần can thiệp về mặt y học cũng đáng được xem xét, điều chỉnh nhân văn, tạo sự công bằng, phù hợp với điều kiện kinh tế, đáp ứng khát vọng chính đáng của người chuyển giới…

Cũng cần nhấn mạnh, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm can thiệp y học chuyển đổi giới tính với những người đã hoàn thiện về giới tính. Tuy nhiên, những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác thì được phép xác định lại giới tính.

Trong đó, khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như: nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật. Giới tính chưa được xác định là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.

Ánh Xuân
.
.
.