Nữ cảnh sát giao thông sẻ chia với bà con vùng lũ

Thứ Năm, 05/11/2020, 19:00
Thức giấc lúc 3 sáng ngày 30-10 - giấc ngủ mệt sau một chặng đường dài 2 ngày về với Quảng Bình trong đợt lũ, tôi không ngủ lại được vì những hình ảnh lần lượt tái hiện trong đầu...


Ngày 28-10, trước khi đoàn xuất phát đi công tác từ thiện tại tỉnh Quảng Bình, tôi điện thoại vào hỏi thông tin trong ấy qua người bạn, chị bảo, Quảng Bình vẫn lúc mưa lúc ngớt. Trước giờ đi 15' tôi hỏi lần nữa. Quảng Bình vẫn mưa nhỏ, gió nhẹ. Quyết lên đường. 15h ngày hôm trước, chị em trong đơn vị đều thốt lên: “mai á?” khi tôi thông báo mai đi vì đi gấp quá. Chúng tôi vừa đi ủng hộ CBCS Công an xã khó khăn ở Hà Giang về mà.

Ngạc nhiên thế, nhưng hiểu rằng, bà con ở miền Trung đang bão chồng bão, lũ chồng lũ, rất khó khăn, gian khổ trăm bề, cần sự giúp đỡ hơn bao giờ hết. Thế nên, ai cũng khẩn trương sắp đặt việc gia đình để kịp chuyến đi sáng sớm hôm sau.

Cán bộ Hội Phụ nữ Cục CSGT tặng áo phao cho bà con.

Thật ra, theo dự định, chúng tôi sẽ xuất phát vào ngày 29/10 nhưng tôi đã quyết định đoàn sẽ xuất phát sớm hơn 1 ngày so với dự kiến sau khi nghe cơn bão số 9 sắp đổ bộ miền Trung. Quảng Bình không nằm trong tâm bão nhưng sẽ chịu ảnh hưởng của mưa lớn và nước sông chắc sẽ lại dâng lên gây ngập lụt trở lại.

Tôi nhìn đống áo phao chị em chúng tôi đã xếp đặt gọn gàng một góc phòng rồi quyết định rất nhanh: Mai đi. Tôi báo cáo các đồng chí lãnh đạo rồi gọi từng đơn vị để xin người. Khi kêu gọi đi trao quà Quảng Bình, chị em ai cũng muốn đi nhưng còn công việc ở đơn vị nên chúng tôi đành quyết định chỉ chọn 3 cán bộ hội cơ sở, tôi và 2 thanh niên nữa đi cùng đoàn. 

Lúc chúng tôi lên đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trời hửng sáng và chiếu ánh nắng sau đám mây mờ trên cao. Bản tin buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam đưa thông tin tình hình bão đổ bộ khiến Thủ trưởng của tôi rất lo lắng, gọi điện giao cho tôi quyết định quay về hay đi tiếp.

Cả đoàn hội ý nhanh và chúng tôi thuyết phục Thủ trưởng hãy cho chị em phụ nữ liều 1 lần nữa, vì bà con đã được thông báo từ hôm qua sẽ mong đợi, rằng Quảng Bình chỉ hoàn lưu và nếu không an toàn chúng em sẽ dừng lại và quay về... Nghe thế, Thủ trưởng đành miễn cưỡng đồng ý. Còn tôi và mọi người trong đoàn chỉ nghĩ đến những chiếc áo phao trên xe sẽ giúp được người dân khi họ ngập nước.

Đoàn tới Nghệ An thì trời bắt đầu mưa. Tôi điện thoại cho đồng nghiệp ở Quảng Bình - anh ấy bảo chỉ mưa và gió nhỏ. 16h45 ngày 28/10, xe dừng trước thềm cửa xã Hàm Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình, muộn hơn 1h so với dự kiến vì mưa không thể đi nhanh. Đây là huyện thiệt hại nặng thứ hai sau Lệ Thuỷ; thôn Trấn Xá - nơi chúng tôi đến có nhiều hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thương tâm khiến chúng tôi không ai cầm được nước mắt.

Qua kính xe, chúng tôi không ai nói được lời nào khi nhìn cảnh bà con khoác áo mưa đứng đợi; những khuôn mặt gầy gò mệt mỏi vì những ngày qua bừng sáng khi nhận trên tay những thùng nước uống, áo phao và chút tiền giúp bà con sửa sang lại nhà cửa. Bỗng có tiếng nói: “sao dì đưa 4 áo phao?”.

Tôi bất chợt dừng lại. Sau chút ngỡ ngàng, tôi giải thích: "Mỗi bà con đều có 1 người nhận nhưng gia đình có ít nhất 4 người nên chúng tôi sẽ gửi mỗi gia đình 4 áo phao". Những nụ cười oà. Tình cảm chân thực đó khiến chúng tôi càng trân trọng sự chân thật và hiền lành của người dân. Dù khó khăn nhưng họ không nhận hơn những gì mình được.

Có cụ bà cứ loay hoay lấy túi nilon gói buộc thùng nước ngọt chỉ sợ mưa ướt và không vác được về tới nhà vì chỉ có 1 mình đi bộ tới. Đoàn chúng tôi đề nghị đưa cụ về nhà và lần lượt chở 2 hộ cùng số hàng tặng về nhà. Trò chuyện với lãnh đạo xã, tại nơi vạch nước ngập qua đầu, chúng tôi được biết, tại đây, nước ngập trong 3 ngày, 1 tuần mới rút hết. Người dân được di dời trước lũ nhưng nhiều nhà không đi vì chỉ nghĩ là mưa và ngập lụt bình thường. Nhưng trong đêm đỉnh điểm, đó là tối 25/10, nước ào về dữ dội nhất từ trước đến nay. Kèm theo đó, gió to nên nhà đổ hoặc nước ngập tận mái. Lực lượng cứu hộ kiệt sức vì làm việc không ngừng nghỉ để bơi trong dòng nước cứu dân.

Anh Cương, Phó Chủ tịch xã trầm ngâm: "Mai mưa bắt đầu to nên nguy cơ  ngập lụt trở lại rất lớn nên Công an, chính quyền xã đang vận động bà con đi tránh lũ".

Chúng tôi tiếp tục lên xe đi xuống thôn. Những đứa bé rạng rỡ cầm bánh kẹo được chia phần. Chúng tôi tới hộ gia đình đầu tiên nhưng không thể gọi đó là nhà, chỉ là cái góc bé tí nằm ngay đầu ngõ do bà con cho mượn để kê 2 cái giường liền nhau.

Trong căn phòng tối lờ mờ không có 1 đồ đạc nào giá trị, anh Hoàng Văn Phú - chủ hộ - thẫn thờ. Anh vừa mất vợ trước trận bão lũ do bị ung thư, 1 đứa con của anh cũng đã mất vì vỡ ruột thừa nhiễm trùng nhưng không có tiền chữa trị nên đành bất lực. Anh làm nghề kiếm củi và giúp bà con xung quanh việc nặng, người ta trả đồng nào có đồng đó. Hiện anh và đứa con bé sống trong cảnh túng thiếu.

Cán bộ hội phụ nữ Cục CSGT chia sẻ với bà con ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.

Bão, lũ đi qua, gia cảnh đã khó khăn nay càng khó hơn. Anh cứ ngơ ngác nhìn ảnh vợ rồi lại nhìn chúng tôi trả lời đứt quãng. Nhìn người đàn ông khốn khó, chúng tôi ước ao, giá như có thể giúp anh nhiều hơn, nhiều hơn nữa, để người đàn ông này vợi bớt những mất mát, đau thương mà anh đã trải qua, để anh có những ngày vui vẻ hơn trong suốt cuộc đời đằng đẵng của mình...

Sang hộ gia đình tiếp theo, bước vào căn nhà trước sân bừa bộn quần áo bị ngập nước đang giặt dở, một bà cụ 85 tuổi tay đang lần cởi mảnh nilon buộc 2 chân để đỡ ngứa bị nước ăn. Chúng tôi người đứng, người ngồi trên chiếc giường không chiếu, cạnh đứa cháu nội 12 tuổi bị não úng thuỷ.

Thấy tôi đưa tay vuốt ve, đứa bé cười ngây dại khiến lòng chúng tôi buốt nhói. Bố cháu đi làm thuê, chỉ có mẹ và bà nội và chị nó ở nhà.  Nó cứ thi thoảng đạp đập tay tôi khi thấy tôi mải nói chuyện với bà nó và mẹ mà không quay sang vuốt ve nó nữa. Hàng xóm xung quanh thấy chúng tôi đến kéo sang kể chuyện gia đình này tội lắm, bệnh tật di truyền từ bác, mẹ rồi cả nó - đứa con trai duy nhất của gia đình... Bà nội nó chỉ cầu mong 1 điều, lũ qua, bão rút, gia đình có thể trồng rau, bới đất qua ngày để sống, để bà được sống lâu hơn đỡ đần trông cháu cho mẹ nó đi làm thuê.

Trận lũ lụt vừa qua khiến nhiều nhà mất trắng, người chết, trâu bò không còn, nhà cửa sập nát. Bà con ai cũng nói, chưa bao giờ có trận lũ nào lớn như thế nên người dân ở đây đã khổ lại càng vạn lần khổ hơn. Nước rút, lũ bớt nhưng bùn ngập khắp nơi, tanh rữa mùi xác động vật đang kỳ phân huỷ khiến không khí ô nhiễm, ngột ngạt. Điều người dân cần nhất bây giờ là tiền để mua vật dụng sửa chữa nhà cửa, bởi tài sản gia đình họ chẳng còn gì...

7h ngày 29/10, Đoàn chúng tôi rời Đồng Hới chạy về Tuyên Hoá, nơi quê Thủ trưởng cũ của chúng tôi. Vùng núi đá có con sông Gianh chảy qua vốn đẹp đẽ thơ mộng nhưng những ngày qua lại là ác mộng của những căn nhà dọc bên sông. Nước cứ ào về và cuốn trôi không vật cản bởi chỉ có một con đường cho nước đi qua là làng xã dọc con sông. Người dân nơi đây đã quen với lũ nên hễ cứ nước sông dâng lên là nhà cửa để vườn không nhà trống cho nước lũ đi. Không có đồ sẽ không va đập nên nhà bớt thiệt hại trừ khi bị cuốn phăng đi.

Lần này, bà con bảo chưa từng thấy cơn lũ nào lớn thế; nước ngập 3-4m, có những chỗ nhà 2 tầng cũng bị ngập không còn chỗ nào tránh. Lúc chúng tôi rời đi, Quảng Bình bắt đầu mưa to trắng trời, nước sông Gianh lại dâng đỉnh điểm. Chúng tôi dành tặng áo phao cho thanh niên trai tráng và đàn ông trong thôn để họ có sức cứu hộ bà con. Ra về lòng nặng trĩu và ngổn ngang những suy nghĩ. Thương lắm miền Trung ơi. Ước gì được hỗ trợ nhiều hơn nữa cho bà con để vợi bớt những khó khăn lúc này...

Phương Thuỷ (Ghi theo lời kể của Thượng tá Đặng Thị Lanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ Cục CSGT)
.
.
.