Nơi thường xuyên đối mặt với "chảo lửa"
- Đại tá CSHS tiết lộ bí mật "vũ khí" hạ gục trùm giang hồ Khánh "trắng"
- Lời kể của CSHS đã khống chế kịp thời kẻ giết vợ1
- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng CSHS với BĐBP
- Phòng CSHS CATP Hà Nội: 20 giờ phá vụ trọng án giết người trên phố
Người được chọn để ngồi vào "ghế nóng" ở đây, ngoài những tố chất cần thiết như mưu lược, quyết đoán, khả năng quy tụ nhân tâm… còn cần tới "độ bền" của hệ thống thần kinh, chịu được những áp lực nặng nề đến từ công việc, mà không phải ai cũng có được.
Chặng đường vẻ vang
Còn nhớ trong một tiết học ở Học viện Cảnh sát nhân dân, người thầy đứng lớp đã nói: "Nhanh chóng điều tra khám phá các vụ án đặc biệt nghiêm trọng chưa rõ thủ phạm là một trong số những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công an. Có thể nói, dù làm tốt bao nhiêu việc, nhưng chỉ cần một vụ trọng án bị "thối", thì danh dự, uy tín của ngành sẽ giảm sút nghiêm trọng. Bởi vì người dân không thể biết đến những hy sinh thầm lặng của Công an. Họ thường căn cứ vào kết quả điều tra những vụ án chấn động dư luận xã hội để đánh giá. Do đó, việc khám phá thành công các trọng án đã xảy ra, luôn là mục tiêu phấn đấu của lực lượng.
Lính trọng án cần phải có những phẩm chất năng lực đặc biệt, ý thức trách nhiệm cao. Hơn nữa, cần phải có một thần kinh thép đủ sức chịu đựng được những áp lực trong công việc".
Điều ấy đã được minh chứng qua thực tiễn chiến đấu 27 năm của Đội 9 - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội. Giới thiệu về Đội, Thiếu tá Trần Quang Nhất - (Phó đội trưởng) cho biết: "Vào cuối những năm 90, tình hình tội phạm hai miền Nam - Bắc diễn biến rất phức tạp. Tại Hà Nội, nhiều băng ổ nhóm bung ra hoạt động khá mạnh, gây ra những vụ trọng án khiến nhân dân hoang mang, lo lắng. Đây đó xuất hiện những "thủ lĩnh" giang hồ, chúng tập hợp lực lượng, giành giật địa bàn làm ăn. Manh nha hình thành nên các tổ chức tội phạm, đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân.
Một buổi họp án của CBCS Đội điều tra trọng án (Phòng CSHS Công an TP Hà Nội). |
Với vị trí trọng yếu của Thủ đô, việc bài trừ tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm của Công an TP Hà Nội. Yêu cầu phải có một lực lượng đủ mạnh để trấn áp các băng nhóm tội phạm đã trở nên cấp bách. Năm 1989, Giám đốc Công an TP đã quyết định thành lập Đội Điều tra trọng án, trực thuộc Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT), bản doanh đặt tại số 55 Lý Thường Kiệt. Đội có chức năng tổ chức điều tra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng chưa rõ thủ phạm, các vụ án nhạy cảm, phức tạp, gây nhức nhối dư luận, giải quyết những vụ việc quan trọng theo yêu cầu của cấp ủy, chính quyền thành phố.
Quân số buổi đầu gồm 19 người, được lựa chọn kỹ càng từ các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP. Đó là những Điều tra viên dày dạn kinh nghiệm trận mạc, có óc tổ chức công việc, tư duy lôgic, nhạy bén và quan hệ xã hội rộng khắp, hiểu biết về "thế giới ngầm", thông thuộc địa bàn và đối tượng. Thực tiễn công tác đã chứng minh 19 thành viên nòng cốt ngày ấy, thực sự là những "cao thủ" trong nghề. Họ đã nhanh chóng trưởng thành và hiện giữ những vị trí lãnh đạo chỉ huy chủ chốt trong và ngoài lực lượng Công an".
Được biết, bản thân tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội hiện nay chính là một trong số những vị Đội trưởng đã có nhiều công lao trong sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng điều tra trọng án của Công an TP Hà Nội. Ngay sau buổi lễ ra quân, những chuyên án điều tra khám phá các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhằm vào các tổ chức tội phạm được lính trọng án rốt ráo triển khai. Nhiều thủ lĩnh băng đảng và hung thủ gây ra những án kinh hoàng đã lần lượt bị bắt giữ. Tình hình Thủ đô yên bình trở lại.
Với thành tích "đánh Đông, dẹp Bắc", vào tháng 8-1990 đội đã được Nhà nước tặng thưởng Danh hiệu cao quý "Anh hùng LLVTND", nghĩa là chỉ sau chưa đầy 1 năm tính từ ngày thành lập. Năm 2004, Đội 9 được chuyển về Phòng CSHS. Sự kiện này được ví như "hổ mọc cánh", bởi ngôi nhà số 7 phố Thiền Quang từ lâu đã là một trong những "thương hiệu" mạnh nhất của Công an Thủ đô trong đấu tranh trấn áp tội phạm. Từ đây, truyền thống anh hùng vẫn được lính trẻ của Đội 9 kế thừa và phát huy. Hàng loạt vụ giết người-cướp tài sản… đã được quân trọng án khám phá thành công. Phòng CSHS Hà Nội trở thành một "thương hiệu của niềm tin", là địa chỉ gửi gắm hy vọng của người dân trước nỗi bất hạnh đến từ tội phạm.
Không chỉ làm giang hồ khiếp đảm, mà ngay trong lực lượng CSHS cả nước, lính "hình sự số 7" luôn nhận được sự yêu mến, nể vì của đồng đội. "Dàn chỉ huy" đội qua các thời kỳ, đã lần lượt được bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các đơn vị Công an, như Đại tá Trần Hải Quân hiện giữ chức vụ Trưởng phòng Tổ chức- Công an TP Hà Nội; Đại tá Trần Ngọc Hà - Thư ký Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tá Trần Quốc Trung - Phó trưởng Phòng CSHS; Thượng tá Ngô Minh An - Phó trưởng Phòng PC50; Thượng tá Nguyễn Thành Tín và Đại úy Nguyễn Viết Điệp giữ chức vụ Phó trưởng Công an quận Hai Bà Trưng…
Những trận đánh đã đi vào… sách
"Làm" trọng án, tức là phải "thuận" cả hai tay: Nghiệp vụ trinh sát và điều tra theo tố tụng hình sự. Hãy hình dung từ một thi thể bên đường với những vết dao đâm, súng bắn, lực lượng phá án đứng trước bao nhiêu câu hỏi, mà đích cuối cùng là tìm ra và bắt giữ kẻ thủ ác, lập hồ sơ đề nghị truy tố chúng trước pháp luật. Nói thì đơn giản vậy, nhưng đó là một khối lượng công việc khổng lồ. Ở một thành phố có tới 7-8 triệu dân, lại là đầu mối giao thông quan trọng của đất nước, với lượng khách vãng lai ra vào, lưu lại hàng ngày thật khó thống kê, thì việc lần tìm ra manh mối hung thủ, tái hiện lại diễn biến hành vi phạm tội, khác nào "đáy biển mò kim".
Khó, nhưng họ vẫn phải "mò", với quyết tâm cao nhất. Trách nhiệm trước nhân dân, cùng danh dự, uy tín của ngành, của cơ quan đơn vị luôn đè nặng lên vai CBCS toàn đội trong từng việc làm cụ thể. Đối thủ của Đội, thường là những tên giang hồ, lưu manh chuyên nghiệp, có nhiều tiền án, tiền sự. Sau khi gây ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, chúng luôn có những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, hòng che giấu hành vi phạm tội, như tạo hiện trường giả, ngụy tạo chứng cứ ngoại phạm, manh động chống đối nếu bị phát hiện bắt giữ hoặc ngoan cố chối tội… Đây là những thách thức lớn đối với năng lực và bản lĩnh của CBCS nơi đây.
Trong giáo trình nghiệp vụ của Học viện CSND, có kinh nghiệm từ nhiều vụ án nổi tiếng do Đội 9 khám phá. Vụ cô giáo Nguyễn Thị Thuận thuê người đổ xăng thiêu sống cả nhà anh chồng ở Mỹ Đình (Từ Liêm) ngày nào, đã được lính trọng án báo cáo thực tế tại Học viện. Vụ án với 3 người chết, tưởng như đã " thối ", vì sau gần 1 năm đã làm hết cách mà bóng dáng thủ phạm vẫn " mịt mù tăm cá ".
Không thể đo đếm xuể công sức của những người lính đã bỏ ra, để có một ngày lần lượt những kẻ thủ ác lộ diện. Vụ bác sỹ Trần Chí Công giết chết bà N. để cướp tài sản rồi châm lửa đốt xác phi tang ở phố Chùa Liên Phái, cũng là một vụ khó điển hình. Hung thủ vốn là người… "có chữ ", nên đủ thông minh để tạo ra cho mình những chứng cứ ngoại phạm thật khó bác bỏ.
CBCS Đội điều tra trọng án bắt giữ đối tượng giết người. |
Trước khi gây án, chiều nào y cũng ra công viên tập thể dục, cố gắng để người dân trong xóm biết việc này. Chiều ấy, Công cũng quần cộc, áo phông chạy ra công viên. Đến nơi, y thay đồ rồi đến hiện trường gây án. Xong xuôi y trở lại công viên tập cho đến tối mới về. Khi bị bắt, biết rõ cái giá phải trả với tội ác của mình, nên Công kiên quyết "đổ bê tông" - (không khai báo). Các "cao thủ" của đội phải rất vất vả mới bẻ gãy được ý chí chống đối của Công, buộc y phải mở miệng thú nhận tội lỗi.
Trong vụ án Nguyễn Thế Đô giết chủ đại lý ma túy cướp vàng năm ấy, Đội trưởng Trần Hải Quân đã khiến tên thủ ác ôm mặt khóc, khi nghe con gái kể lại việc chú Quân xuống nhà cho tiền đóng học phí.
Những năm gần đây, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra trên địa bàn Thủ đô. Lính trọng án lại "lăn" vào trận, để rồi tiếp tục mang về những chiến công. Những cái tên như Nguyễn Đức Nghĩa, Bàn Phúc Trung, Nguyễn Mạnh Tường… đã "đóng đinh" trong dư luận bởi sự rùng rợn trong các vụ án mà chúng gây ra. Điểm chung của chúng đều là về Đội 9, vào Trại tạm giam rồi từ đây nhiều tên ra thẳng… pháp trường để trả nợ máu. Gần đây nhất là cuộc truy xét thủ phạm gây ra vụ giết cướp tại Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội vào rạng sáng ngày 7-12-2015. Chỉ trong thời gian rất ngắn, tên Nguyễn Văn Kỳ đã sa lưới pháp luật, bởi những nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng phá án.
Đại úy Lê Minh Hải - (Đội trưởng) chia sẻ: "Tập thể CBCS Đội 9 hôm nay luôn tự hào và gìn giữ truyền thống hào hùng do các thế hệ đi trước đã tạo dựng. Để chủ động phòng ngừa tội phạm, chúng tôi đã tích cực tham mưu cho cấp trên chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa trọng án, đặc biệt là loại tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, các vụ việc phòng ngừa trọng hộ và các loại tội phạm giết người do đối tượng mắc bệnh tâm thần gây ra... Bên cạnh đó, đội tăng cường công tác nắm tình hình tội phạm, công tác nghiệp vụ cơ bản. Khi có vụ trọng án xảy ra nhanh chóng phong tỏa hiện trường, rà soát nhân chứng, phối hợp với các đơn vị chuyên môn thu thập, đánh giá tài liệu chứng cứ để đưa ra định hướng điều tra, nhằm nhanh chóng điều tra làm rõ vụ án".