Nỗ lực trong cuộc đấu trí với tội phạm kinh tế

Thứ Hai, 29/01/2018, 11:40
Càng về cuối năm, công việc của cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) CA tỉnh Lạng Sơn càng bận rộn. Với đặc thù về địa hình giáp Trung Quốc, nhiều cửa khẩu, nhiều đường mòn và đường biên giới dài, Lạng Sơn trở thành “điểm nóng” tội phạm buôn lậu. Mặc dù lực lượng mỏng, phụ trách một địa bàn rộng như vậy nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ về tình hình công việc của phòng cuối năm, cán bộ, chiến sĩ của PC46 cho biết, công việc của anh em lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Do tính chất địa bàn rộng, nhiều đường mòn lối mở khó quản lý, đơn vị lại chỉ có hơn 30 cán bộ nên lúc nào đầu óc cũng căng như dây đàn.

Cùng với đó là sự ranh ma, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, biết lợi dụng kẽ hở của pháp luật để hoạt động tội phạm kinh tế cũng là một sự khó khăn của anh em trong cuộc chiến này.

Lực lượng liên ngành tiến hành thị sát khu vực đường biên.

Cũng theo đó, tình hình hoạt động của tội phạm kinh tế về càng cuối năm thì càng phức tạp. Về phương thức, thủ đoạn, địa bàn hoạt động của các đối tượng buôn lậu vẫn không có thay đổi so với năm trước, các đối tượng vẫn chủ yếu lợi dụng địa hình đêm tối, đường mòn hiểm trở, để thuê cư dân nhàn rỗi mang vác hàng hóa theo địa phận các huyện Văn Lãng và Cao Lộc nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Sau đó các đối tượng sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng để hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa để vận chuyển về các tỉnh phía sau tiêu thụ.

Đối với hoạt động gian lận thương mại vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức như tại khu vực biên giới, các đối tượng lợi dụng những chính sách về thuế, những chính sách thông thoáng về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa được hệ thống phân luồng xanh, luồng vàng, để khai báo sai về số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ để thực hiện các hành vi gian lận thương mại, gian lận tiền hoàn thuế giá trị gia tăng…

Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Các đối tượng lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, quản lý bảo vệ rừng… để hoạt động.

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của người dân vùng biên và số lao động ngoại tỉnh tham gia vận chuyển hàng lậu qua biên giới vẫn đang diễn ra phức tạp, khó lường. Quốc lộ 1A nối liền Lạng Sơn với các tỉnh trung bình mỗi ngày có từ 8 – 10 nghìn lượt phương tiện qua lại, các đối tượng lợi dụng giao thông thuận tiện, xé lẻ hàng hóa gửi theo các xe khách đã khiến công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện khó khăn.

Kiểm tra một kho hàng lậu

Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng Công an tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, nhằm ổn định tình hình, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và đã phát huy hiệu quả tích cực.

Phòng PC46, Công an các địa bàn biên giới thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cư dân biên giới không tiếp tay vận chuyển, buôn bán hàng lậu. Tổ chức ký cam kết, nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu rõ tác hại của hàng lậu, gian lận thương mại.

Đồng thời đơn vị cũng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch có hiệu quả của Cục Cảnh sát kinh tế, Cục Cảnh sát chống buôn lậu, phối hợp với địa phương, các ban, ngành đặc biệt là Ban chỉ đạo 389, trong năm 2017, Phòng PC46 Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 56 vụ hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu giữ hàng hóa giá trị trên 9,8 tỷ đồng; 6 vụ mua bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm động vật chế biến sau giết mổ nhập lậu, 5 vụ buôn bán vận chuyển gỗ trái phép, 5 vụ mua bán, vận chuyển trái phép vật liệu nổ do Trung Quốc sản xuất, 2 vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu.

Với lực lượng Cảnh sát kinh tế, tuy không trực tiếp đối đầu với tội phạm nguy hiểm như hình sự, ma túy, thế nhưng để phá được một vụ án kinh tế không hề đơn giản chút nào. Vì các đối tượng phạm tội là những kẻ có trình độ, học thức, lợi dụng mọi kẽ hở để trục lợi.

Muốn phá được án, đòi hỏi các điều tra viên, các trinh sát phải có kiến thức, trình độ để nghiên cứu, tìm hiểu được những sai phạm qua những văn bản, giấy tờ, hồ sơ…

Bắt giữ một xe hàng.

Có khi anh em phải mất vài tháng trời với một đống hồ sơ, tài liệu dầy cộp, rồi mất thời gian đi thu thập thông tin, tài liệu mới tìm ra được sai phạm của các đối tượng. Một vụ án kinh tế bao giờ cũng tốn nhiều thời gian, công sức, có khi cả năm mới phá được.

Nhớ lại quá trình điều tra, xác minh những sai phạm của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hùng Sơn do Vi Văn Sơn làm giám đốc, tại đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn, một cán bộ Phòng PC46 cho biết, anh em đã phải mất cả mấy tháng để thu thập, tìm kiếm những sai phạm của đối tượng Sơn.

Trong quá trình thi công công trình nước sinh hoạt tại xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Sơn đã lập chứng từ khống khối lượng các hạng mục xây dựng thanh quyết toán rút tiền ngân sách Nhà nước để lấy số tiền chênh lệch khoảng 200 triệu đồngphục vụ mục đích cá nhân.

Trong năm 2017, Phòng PC46 đã phát hiện 7 vụ việc có dấu hiệu sai phạm về kinh tế, tham nhũng, liên quan đến nhiều lĩnh vực như vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, sai phạm tiêu cực trong việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xã hội tại cơ sở, thi công sai thiết kế, lập khống hồ sơ, chứng từ để quyết toán trong đầu tư xây dựng cơ bản, khai khống tiền vật tư..

Lạng Sơn không có nhiều án kinh tế, tham nhũng lớn nhưng lại là điểm nóng về buôn lậu. Theo Thiếu tá Triệu Trung Kiên, Phó đội trưởng Đội 3, PC46 Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Với địa bàn biên giới kéo dài, có nhiều cửa khẩu, nhiều đường mòn lối mở nên dễ dàng cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng để hoạt động.

Các đầu nậu thường rất ít lộ diện mà chủ yếu mua hàng qua điện thoại, rồi thuê các đối tượng có nhân thân phức tạp ở nơi khác đến khu vực biên giới làm ăn sinh sống cùng người địa phương sang Trung Quốc lấy hàng và áp tải hàng về Việt Nam. Đặc biệt chúng còn dùng thủ đoạn khisử dụng bộ đàm, điện thoại di động theo dõi chặt chẽ các lực lượng chức năng chống buôn lậu.

Ban đêm, hoặc gần sáng, chúng mới thuê người mang, vác hàng hóa qua các đường mòn, đường tránh. Ngoài ra, các đầu nậu còn cắt cử người thường xuyên theo dõi lực lượng chống buôn lậu, trang bị xe gắn máy phân khối lớn, điện đàm, dao kiếm, vũ khí thô sơ, vũ khí nóng… để đối phó lại.

Nhiều vụ việc khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng vác hàng thuê tập trung đông người kích động chống đối quyết liệt nhằm cướp lại, tẩu tán hàng hóa bị thu giữ. Toàn bộ hàng hóa nhập lậu sau đó được hợp thức bằng cách viết biên lai thuế, hóa đơn bán hàng rồi được đưa vào ô-tô 7 - 15 chỗ vận chuyển theo quốc lộ 1A, 1B đưa về nội địa tiêu thụ”.

Hàng nhập lậu bị tiêu hủy.

Kiên quyết đấu tranh đến cùng, không bỏ lọt tội phạm, lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với nhiều lực lượng chức năng, đặc biệt là Ban chỉ đạo 389 tích cực truy quét. Mặc dù lực lượng mỏng nhưng anh em vẫn thay nhau chốt chặn ở những điểm nóng 24/24h, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh; quản lý sử dụng hóa đơn; tăng cường kiểm tra xử lý các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu trên các tuyến đường giao thông, các điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chống lậu trên địa bàn Lạng Sơn đã phát hiện 3.998 vụ vi phạm trong đó cơ quan Công an xử lý 879 vụ; Hải quan xử lý 521 vụ… trị giá hàng hóa vi phạm hơn 77 tỷ đồng.

Kết quả qua công tác xử ly, cơ quan chức năng thu nộp ngân sách hơn 45,6 tỷ đồng (trong đó, xử phạt vi phạm hành chính hơn 21,5 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt bổ sung hơn 18,8 tỷ đồng); tịch thu hàng hóa trị giá gần 73 tỷ đồng.

Điển hình là vụ bắt giữ đối tượng Lý Gia Kỳ (quốc tịch Trung Quốc) vận chuyển trái phép hơn 900 nghìn USD qua biên giới. Tại cơ quan điều tra, Lý Gia Kỳ đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Theo đó, toàn bộ số tiền trong ba lô gồm hơn 900 nghìn USD, được Lý Gia Kỳ vận chuyển trót lọt từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường mòn phía Đông mốc 1106 (thuộc địa phận thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).

Để không bị chú ý, đối tượng này sau đó đã thuê xe ôtô khác tiếp tục đi Quảng Ninh nhưng chưa kịp thì bị bắt giữ.Trước đó vào giữa tháng 7-2017, lực lượng chức năng đã bắt giữ ba đối tượng đang vận chuyển 22,7kg ngà voi từ Hà Nội để mang sang Trung Quốc tiêu thụ.

Phong Trâm
.
.
.