Nỗ lực chấn chỉnh hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ

Chủ Nhật, 27/08/2017, 13:43
Những ngày qua, dư luận hoang mang khi liên tiếp xảy ra các trường hợp tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong. Nguy hiểm tiềm ẩn trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ và việc quản lý các cơ sở thẩm mỹ hiện nay đang được dư luận đặc biệt quan tâm và đặt ra cho các cấp quản lý.


Ngày 17-8, Cổng thông tin điện tử Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã cho ra mắt phần mềm ứng dụng tra cứu thông tin hoạt động khám chữa bệnh nhằm nỗ lực chấn chỉnh hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, sau hàng loạt tai biến, sai phạm xảy ra thời gian qua.

Phần mềm này giúp người dân và các đơn vị, tổ chức có thể tra cứu nhanh về hai điều kiện tối thiểu bắt buộc đối với một cơ sở hành nghề khám chữa bệnh, đó là giấy phép hoạt động của phòng khám và chứng chỉ hành nghề của bác sĩ.

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, xuất phát từ việc thời gian qua, một số sự cố đã xảy ra tại cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn thành phố, gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, tạo sự hoang mang, lo lắng trong dư luận xã hội.

Gần đây nhất, theo thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, qua phản ánh của người dân, ngày 8-8, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an TP.Hồ Chí Minh, Phòng Y tế và Công an phường 4, quận Phú Nhuận kiểm tra đột xuất cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép tại địa chỉ số 694/5 Nguyễn Kiệm (phường 4, quận Phú Nhuận).

Qua kiểm tra, cơ sở này không có biển hiệu; người của cơ sở chưa xuất trình được bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Trong khi đó, tại khu lầu 1 có một phòng tư vấn và các dụng cụ trang thiết bị y tế chuẩn bị thực hiện thủ thuật nâng mũi do bà Lê Thị Tuyết Nga thực hiện.

Qua đó, Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu bà Nga ngưng ngay việc tư vấn và thực hiện thủ thuật thẩm mỹ khi chưa có giấy phép hoạt động. Thanh tra Sở Y tế đã bàn giao cho Phòng Y tế, UBND phường 4, Công an phường 4, quận Phú Nhuận giám sát, kiểm tra việc ngưng hoạt động của cơ sở này.

Chấn chỉnh hoạt động trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ để hạn chế các sự cố xảy ra.

Hai ngày sau, (10-8), Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và Phòng Y tế quận 10 cũng đã kiểm tra đột xuất cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ tại số 147 - 149 đường 3 Tháng 2, phường 11, quận 10.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa có giấy phép hoạt động nhưng có dấu hiệu hoạt động tư vấn nâng mũi, cơ mắt, ngực..., nên thanh tra niêm phong ổ điện tại phòng tiểu phẫu, giao địa phương giám sát hoạt động. Đoàn kiểm tra tạm giữ 4 phiếu thông tin khách hàng, hai bệnh án.

Điều đáng nói là trước đó, cơ sở này đã từng bị kiểm tra, phát hiện có bác sĩ phẫu thuật không phép hoạt động. Sở Y tế đã phạt 60 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng. Ngày 7-8, Phòng Y tế quận 10 tiếp tục có văn bản báo cáo HĐND, UBND quận 10, Sở Y tế vì cơ sở này có dấu hiệu hoạt động trở lại…

Đặc biệt, thời gian qua, đã có hai trường hợp tử vong liên quan đến việc phẫu thuật thẩm mỹ khiến dư luận bàng hoàng. Trong đó, vụ gần đây và gây xôn xao dư luận là cái chết của thai phụ S.B.T (22 tuổi, ngụ Cà Mau, tạm trú huyện Hóc Môn) sau khi đi làm phẫu thuật nâng ngực.

Điều khiến dư luận quan tâm nhiều nhất chính là chị T. đang mang thai ở khoảng 16 -17 tuần nhưng bác sĩ vẫn thực hiện phẫu thuật nâng ngực cho bệnh nhân. Theo thông tin ban đầu, cả nạn nhân và bác sĩ làm phẫu thuật đều không biết chị T. đang mang thai.

Ca phẫu thuật được bác sĩ Lê Tấn Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TP. Hồ Chí Minh thực hiện tại Bệnh viện Vạn Hạnh vào giữa tháng 4, sau đó bị biến chứng. Theo giấy phép hành nghề, bác sĩ Hùng không được thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nâng ngực.

Thai phụ S.B.T tử vong sau khi phẫu thuật nâng ngực.

Trước đó, một vụ việc nghiêm trọng khác xảy ra vào ngày 19-7-2017. Vào thời gian trên, ông Edward Hartley (53 tuổi, quốc tịch Mỹ) đến Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Việt Thành (565 Sư Vạn Hạnh, phường 13, quận 10), với lý do muốn cắt da dư vùng hông lưng sau khi sụt cân khoảng 18kg.

Bác sĩ Nguyễn Việt Thành (BS. Thành là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám này) khám và chỉ định phẫu thuật cắt da dư. Lúc 16h cùng ngày, bệnh nhân trở lại phòng khám để thực hiện phẫu thuật.

Sau khi tiêm thuốc tê khoảng 10-15 phút, ông Edward Hartley có dấu hiệu trụy mạch qua monitoring theo dõi. BS. Thành tiến hành hồi sức tim phổi (đặt nội khí quản bóp bóng, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt đường truyền dùng thuốc...) song song với việc gọi Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương đến hồi sức. Bệnh viện Trưng Vương đến sau 20 phút và tiếp tục hồi sức tim phổi nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân Edward Hartley đã tử vong và phòng khám đã báo cơ quan chức năng đến làm việc.

Sau khi sự việc xảy ra, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra và phát hiện cơ sở này thực hiện phẫu thuật cắt da thừa vùng bụng nằm ngoài danh mục kỹ thuật được Sở Y tế phê duyệt, phòng khám không đảm bảo an toàn cho công tác khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cơ sở này còn quảng cáo trên facebook và trên website với những kỹ thuật ngoài danh mục được cấp phép là nâng ngực, hút mỡ bụng... trong khi chỉ được phép tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, tạo hình gò má, mũi...

Do đó, Thanh tra Sở đã lập biên bản yêu cầu phòng khám tạm ngưng hoạt động khám, chữa bệnh cho đến khi Sở Y tế xem xét, đánh giá lại các điều kiện hoạt động của phòng khám và báo cáo chi tiết về trường hợp tử vong của ông Edward Hartley đến Sở Y tế.

Có thể nói, đây là hai trường hợp tử vong do tai biến trong phẫu thuật thẩm mỹ điển hình mới xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh. Những sự cố này đã gióng lên hồi chuông báo động trong việc quản lý các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ.

Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Việt Thành - nơi bệnh nhân người Mỹ tử vong sau khi được tiêm thuốc tê.

Theo thống kê của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 185 cơ sở khám chữa bệnh có loại hình phẫu thuật thẩm mỹ, bao gồm: 7 bệnh viện công lập có khoa/đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, 13 bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 9 bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa phẫu thuật thẩm mỹ, 2 bệnh viện chuyên khoa tư nhân có đơn vị phẫu thuật thẩm mỹ, 4 phòng khám đa khoa tư nhân có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và 150 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.

Nói chung, với sự đa dạng về loại hình hoạt động, các cơ sở đã đáp ứng nhu cầu của người dân về phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những sự cố nghiêm trọng như kể trên.

Theo TS.BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ không phép đang gây hậu quả rất nghiêm trọng cho người bệnh.

Vừa qua, quá trình kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế đã phát hiện nhiều sai phạm tại các cơ sở thẩm mỹ như quảng cáo sai phép, bố trí người thực hiện không có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giải phẫu thẩm mỹ khoán trắng chuyện tư vấn cho nhân viên không có chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến việc tư vấn không đúng cho khách hàng...

Trước nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xây dựng, hoàn thiện, bổ sung và tổ chức tập huấn, bổ túc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về giải quyết khủng hoảng xảy ra tại cơ sở.

Đồng thời, tiếp tục chấn chỉnh các dịch vụ thẩm mỹ nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung để chấm dứt các tai biến xảy ra tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn.

Trên cơ sở đó, ngày 16-8, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản đến tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nhằm chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ và hạn chế ở mức thấp nhất các sự cố xảy ra.

Các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề cho tất cả bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ có tham gia khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật tại cơ sở.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các phòng y tế quận, huyện tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn; hướng dẫn các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện thủ tục đăng ký người hành nghề, thủ tục đề nghị phê duyệt danh mục kỹ thuật, thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định.

Các phòng y tế quận, huyện phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các cơ sở thực hiện khám chữa bệnh phẫu thuật thẩm mỹ không có giấy phép hoạt động theo quy định theo địa bàn phụ trách, báo cáo đột xuất và định kỳ hàng tháng kết quả kiểm tra về Sở Y tế.

Đồng thời chủ động có giải pháp khuyến khích người dân trên địa bàn khi phát hiện có cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phép, trá hình... phản ánh ngay về phòng y tế quận, huyện hoặc Sở Y tế để kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật…

Có thể nói, bên cạnh sự kỳ diệu của phẫu thuật thẩm mỹ khi mang lại những nét đẹp cho con người thì những sự cố gần đây đã làm không ít người hoang mang. Tính an toàn cao và ít biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ chỉ có được nếu bệnh nhân được phẫu thuật tại các bệnh viện chuyên khoa, với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ gây mê hồi sức tốt và các phẫu thuật viên có kinh nghiệm.

Phú Lữ
.
.
.