Những người chuyên đấu trí với tội phạm "cổ cồn trắng"
- Xét xử các đại án án tham nhũng trước Tết Nguyên đán
- Khởi tố thêm nhiều bị can trong đại án OceanBank
- Khai thác nhiều vụ đại án trong phim về chống tham nhũng – “Sinh tử”
Những vụ án trên đã tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Thành công ấy có sự đóng góp không nhỏ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an).
1.Ngay từ khi nhận nhiệm vụ Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, ngoài việc chỉ đạo lực lượng chức năng tích cực điều tra, mở rộng các vụ án kinh tế, tham nhũng, Đại tá Nguyễn Văn Long trăn trở nhiều về tình trạng buôn lậu trên các tuyến biên giới.
Cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu lập biên bản đối tượng buôn lậu. |
Bởi lẽ thời gian gần đây và theo quy luật gần cuối năm, hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Bộ Công an cũng đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tết nguyên đán Canh Tý 2020. Chính vì vậy, "đề bài" anh đưa ra là phải làm thế nào đấu tranh, bắt giữ được các đường dây buôn lậu lớn, tập trung vào các mặt hàng buôn lậu gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và sức khoẻ người dân.
"Trong các hàng hoá mà các đối tượng buôn lậu thì đường cát và thuốc là những hàng hoá ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nhất, vì hiện nay ngành mía đường hết sức khó khăn, sản phẩm tồn kho lớn, giá đường cát buôn lậu từ Campuchia về rẻ hơn đường trong nước từ 3.000đ/kg đến 4.000đ/kg; hoạt động buôn lậu đường gia tăng khiến các nhà máy đường không tiêu thụ được sản phẩm, dẫn đến việc người dân trồng mía không có đầu ra.
Người nông dân chỉ trông chờ vào thu hoạch sản phẩm, nếu không bán được thì kinh tế của họ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Qua công tác nắm tình hình, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhung, kinh tế, buôn lậu phát hiện có số lượng lớn đường cát do Thái Lan sản xuất được nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.
Bên cạnh đó, mặt hàng dược liệu (thuốc bắc) là mặt hàng trực tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Việc buôn lậu thuốc bắc không chỉ bán cho các cửa hiệu thuốc mà có dấu hiệu nhập cho các công ty sản xuất dược phẩm. Chính vì vậy, đơn vị đã chọn hai mặt hàng này để tập trung đấu tranh, xử lý", Đại tá Nguyễn Văn Long cho biết.
Quá trình xác minh, các trinh sát đã triệt phá 2 đường dây buôn lậu rất lớn. Đó là đường dây buôn lậu đường cát từ Campuchia về Việt Nam do Vi Hoàng Minh cầm đầu, chỉ đạo đồng bọn sử dụng vỏ nhãn mác ghi tên Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Kim Hưng Lợi từ Việt Nam sang Campuchia để thay vỏ bao đường in chữ nước ngoài nhằm che giấu, đối phó với cơ quan chức năng kiểm tra trong quá trình vận chuyển; tổ chức lực lượng thuê người bốc vác, vận chuyển hàng bằng ghe từ Campuchia về Việt Nam qua đường Rạch, kênh Vĩnh Tế (ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Sau đó, các đối tượng thuê xe ôtô tải chở hàng từ bãi tập kết (bãi Cống Đồn, ấp Bà Bài) về kho của Công ty TNHH Di Thạnh (địa chỉ đường Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Thành, thành phố Châu Đốc). Đồng thời, các đối tượng tổ chức lực lượng canh gác, cảnh giới dọc tuyến đường ra, vào từ khu vực bãi bốc hàng về kho nhằm phát hiện, đối phó các lực lượng chức năng.
Toàn bộ số lượng đường cát trắng được vận chuyển từ kho của Công ty TNHH Di Thạnh đến kho của Công ty TNHH Một thành viên Kim Hưng Lợi (tại phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) và các nơi khác để tiêu thụ. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại Công ty TNHH một thành viên Kim Hưng Lợi và Công ty TNHH Di Thạnh, thu giữ gần 1.000 tấn đường cát trắng, trị giá hàng tỷ đồng.
Cùng thời điểm đó, ở phía Bắc, tại cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã triệt phá đường dây buôn lậu thuốc Bắc che giấu dưới giấy phép kinh doanh, tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa là hoa quả khô.
Theo đó, để hợp pháp hoá thuốc Bắc nhập lậu, các đối tượng đã thành lập hàng loạt công ty khác nhau như, trong đó có những công ty đã hoạt động rất lâu như Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hà Bắc đã hoạt động từ tháng 1-2014, đến nay đã được gần 6 năm. Nhiều công ty khác cũng đã hoạt động được 2-3 năm, để khai báo gian dối, nhập lậu vào nước ta.
Lực lượng chức năng khám xét, thu giữ tài liệu phạm tội tại Công ty Nhật Cường. |
Trong vụ án này, các đối tượng làm thành đường dây khép kín từ việc sang Trung Quốc mua nguyên liệu, đến khai báo hải quan, vận chuyển về Việt Nam rồi bán cho khách hàng đều do các công ty khác nhau của các đối tượng thực hiện. Cũng chính vì hoạt động khép kín như vậy, nên các hành vi vi phạm pháp luật của chúng được che giấu, ngụy trang khá kỹ lưỡng.
Bước đầu, cơ quan điều tra đã làm rõ các đối tượng vận chuyển trót lọt hàng trăm tấn thuốc Bắc vào Việt Nam tiêu thụ. Với hàng trăm tấn thuốc Bắc trên, các đối tượng bán cho một số công ty sản xuất dược phẩm để chế biến thành thuốc, thực phẩm chức năng bán cho người tiêu dùng. Việc triệt phá 2 đường dây buôn lậu đã góp phần ổn định thị trường trong nước đối với mặt hàng đường cát và dược liệu.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam trao đổi, sau khi vụ buôn lậu đường ở An Giang được Bộ Công an chỉ đạo triệt phá, số lượng đường cát trong nước tiêu thụ tăng và giá thu mua nguyên liệu mía từ các hộ nông dân đã tăng từ 50.000đ đến 100.000đ/tấn.
2.Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, đơn vị coi công tác nắm tình hình, công tác nghiệp vụ là rất quan trọng, đồng thời cán bộ chiến sỹ phải có tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, lập luận sắc bén, kết hợp với cảm hóa giáo dục, thuyết phục đối tượng khai nhận hành vi phạm tội của mình và các đối tượng có liên quan để được sự khoan hồng của pháp luật.
Như khi điều tra những sai phạm tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (có vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng), để có căn cứ chứng minh sai phạm của các đơn vị thi công, chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các cơ quan quản lý... các điều tra viên phải khảo sát điều tra tại thực địa công trình, đo đạc thực tế tại các điểm xảy ra lún nứt, sự cố tại đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gần 6 tháng ròng rã trong điều kiện thời tiết của Miền Trung rất khắc nghiệt.
Hơn nữa, trong các vụ án về xây dựng cơ bản, giao thông, việc củng cố tài liệu chứng cứ cũng gặp rất nhiều khó khăn vì công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, hiện trạng công trình, hạng mục công trình đã có nhiều thay đổi.
Để làm rõ được hành vi của các cá nhân liên quan, các các bộ của Cục đang tập trung lực lượng, tiến hành phân loại, nghiên cứu các hồ sơ tài liệu thu giữ được để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án và xác minh thu hồi tài sản bị thiệt hại.
Hay ở vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Nhật Cường cũng đang được dư luận quan tâm đặc biệt, để ra quyết định khởi tố vụ án, các trinh sát, điều tra viên của Cục đã mất nhiều công sức củng cố tài liệu chứng cứ, tập trung xác minh làm rõ.
Khi có đủ tài liệu, chứng cứ, ngày 14-5-2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhật Cường vì có hành vi cầm đầu đường dây buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính, để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Bùi Quang Huy và đồng phạm về tội buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Rửa tiền và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đang tiếp tục điều tra các sai phạm của các đối tượng ở Công ty Nhật Cường và một số cơ quan liên quan trong đấu thầu, triển khai thực hiện các gói thầu dịch vụ trực tuyến công ở Hà Nội…
Song song với công tác chứng minh, làm rõ tội phạm, đơn vị cũng đặc biệt chú trọng đến công tác thu hồi tài sản, đây cũng là một "điểm sáng" trong năm qua. Chỉ tính riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo năm 2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã thu hồi, kê biên, phong toả tài sản trị giá trên 10.000 tỷ đồng trong tổng số thiệt hại là 14.656 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 67%).
3.Bên cạnh việc trực tiếp phát hiện, đấu tranh các vụ án, chuyên án lớn về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu còn thường xuyên quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, thông qua điều tra các vụ án đã kịp thời báo cáo Bộ Công an để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 10 giải pháp lớn trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như: tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; phòng ngừa tội phạm sử dụng phần mềm can thiệp trái phép hệ thống quản lý tài chính, dữ liệu để chiếm đoạt tài sản; phòng ngừa vi phạm pháp luật thông qua hoạt động "tín dụng đen", cho vay ngang hàng (P2P), chấn chỉnh hoạt động thu phí BOT, xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng buôn lậu phức tạp, kéo dài...
Thông qua công tác nghiệp vụ, Cục còn thể hiện vai trò trong chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Công an các địa phương trong toàn quốc, tạo chuyển biến tích cực trong hệ lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu cả nước.
Với những thành tích nói trên, năm 2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì và Huân chương Chiến công hạng Nhì cho 2 cá nhân; Huân chương Chiến công hạng Ba cho 1 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 1 cá nhân; Bộ Công an tặng Bằng khen cho 4 tập thể, 15 cá nhân. Đặc biệt, năm 2019 là năm thứ 8 liên tiếp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì An ninh Tổ quốc.