Những đứa trẻ mưu sinh trên biển
- Mưu sinh mùa nước nổi
- Ám ảnh những bàn chân nhỏ mưu sinh ở phố núi Sa Pa
- Những đứa trẻ vật lộn mưu sinh giữa đại ngàn
- Xúc động em bé cùng mẹ mưu sinh giữa ngày đông giá rét
- Mưu sinh trên “ốc đảo” giữa dòng sông Hậu
- Nữ cửu vạn mưu sinh trong ngày lễ
Đôi chân những đứa trẻ in hằn vào lèn cát, bé tý giữa biển đêm. Chúng quen mùi biển và say đắm với những chú tôm béo mập, tươi giòn.
1.22h, khi biển chỉ còn sóng và cát, những đứa trẻ bắt đầu hành trình đi câu tôm. Dụng cụ câu tôm là một vỏ ốc xoắn, to vừa bằng đầu đũa buộc vào sợi dây dài tầm 50cm và một chiếc thìa để khoét lỗ.
Mỗi đứa gắn một chiếc đèn pin trên đầu, ánh sáng như chấm sao trời, vừa đủ soi thấy chiếc lỗ nhỏ xíu như đầu tăm, nơi những con tôm tích béo tròn ẩn mình ngủ đêm.
Cuội (8 tuổi, nhà ở làng chài Bến Đá, TP Vũng Tàu) được xem là "thủ lĩnh" của đội câu, với thâm niên ba mùa hè. Mẹ làm nghề cào nghêu ở bãi biển, bố đi bạn tàu (làm thuê) cả tháng mới về một lần.
Nó học được cách bắt tôm hiệu quả này là nhờ những lần theo bố ra bãi biển tắm. Bố chỉ cách nhận biết hang ổ của tôm tích, rồi câu thử cho xem. Nó mê tít từ đó.
Hè năm lớp một, nó nằng nặc xin mẹ cho đi làm. Mẹ nó trợn mắt ngạc nhiên: "Ăn còn chưa xong đi làm cái nỗi gì". Nó lẳng lặng trốn đi. Đêm đầu tiên câu được hơn một kilogam tôm tích, con nào con nấy đẫy đà, tươi nguyên, nó hào hứng xách về khoe với mẹ, nhưng mẹ nó im lặng không nói gì.
Tối hôm sau nó lại đi tiếp, lần này có người hỏi mua nó bán luôn. Những đồng tiền đầu đời kiếm được, nó "nuôi" heo đất hết. Cứ ba tháng "mổ" heo, nó có hơn một triệu đủ sắm đồ dùng học tập. Trước thì đi mùa hè thôi, nhưng từ ngày mẹ nghỉ sinh em bé, đêm nào nó cũng đi, một phần tiền dành mua sữa cho em.
Tôm tích câu được trên bãi cát. |
Mới 8 tuổi, nhưng trông nó nhanh nhẹn, hoạt bát như thanh niên. Nó thoắt ẩn thoắt hiện giữa biển đêm, quần nát bãi cát tìm tôm. Tôm tích có vảy cứng, sắc nhọn đâm vào tay tóe máu liên tục. Nó bảo, phải chấp nhận chảy máu mới bắt được, loại tôm này rất nhanh, mình chậm là nó lủi vào cát biến mất.
Tay nó đầy máu, chân nó cũng vậy, vì giẫm phải vỏ ốc, hến và những vật cứng nhọn vươn trong cát. Chìa bàn chân ra cho chúng tôi xem, nó nói tỉnh bơ: "Đêm nào cũng bị cứa chảy máu nhưng nhờ có nước biển mặn sát trùng nên lành ngay. Da em giờ cứng lắm, con gì đâm cũng chẳng sao cả".
Ba mùa câu tôm, nước biển đã bào mòn làn da của thằng bé. Nó sở hữu nước da đặc quánh, đặc trưng của dân miền biển. Bằng kinh nghiệm có được, đến nay, tài săn tôm của nó không ai sánh kịp.
Chỉ cần nó phát hiện thì không một chú tôm nào chạy thoát. Dù có luồn sâu, trốn kín đến đâu, nó cũng moi lên cho bằng được. Theo chân của nó, chúng tôi muốn "bở hơi tai". Đang câu nhử bên này nhưng mắt của nó đã quắc sang chỗ khác tìm mồi. Có khi, nó giật một lúc hai con tôm.
Chỉ hơn tiếng, nó đã kiếm được ngót một ký tôm tươi, bán ngay cho bà buôn được gần hai trăm ngàn. Nó cho biết, câu tôm thích nhất là lúc thủy triều xuống, để lộ những trảng cát láng mịn, tôm từ trong hang ngoi lên thở sẽ tạo bong bóng, rất dễ nhận biết. Có hôm mải mê câu, nó quên mất thủy triều đang lên, nó "ba chân bốn cẳng" chạy vào bờ. Lúc ấy tầm hai giờ sáng.
Bố trở về cũng theo nó đi câu tôm. Hai bố con say sưa trên bãi biển, nó được bố kể cho nghe nhiều chuyện về đời cá và những chuyến vươn khơi. Nó ước sau này chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ để đi biển cùng bố. Nhưng bố nó mắng vốn, bắt phải học hết cấp ba.
Những đêm mưa giông hay bão tố, nó vẫn thích ra biển câu tôm. Mẹ lo lắng thì nó giải thích rằng, câu tôm ở trên cạn chứ không lặn biển, gặp giông bão thì chạy vào bờ ngay không nguy hiểm gì cả. Mẹ nó tặc lưỡi gật đầu.
Vậy là đêm nào nó cũng thủng thỉnh ra biển, khi sóng thôi ì oạp vào mạn bờ, nước rút để lộ ra dải cát trắng mịn màng là lúc nó sà xuống. Đôi chân của nó in hằn vào lèn cát, bé tý giữa biển đêm.
Đêm nào không đi là nó cồn cào không yên, nó quen mùi biển và say đắm với những chú tôm béo mập, tươi giòn. Chừng ấy chưa hẳn là nguyên nhân kéo chân nó ra biển, nó cúi đầu thủ thỉ với chúng tôi: "Ra đây ngắm biển và chờ bố về".
Nỗi nhớ bố được hiện thực hóa bằng những đêm câu tôm trên bờ cát. Nó thường nhẩm ngón tay ngày bố vào bờ và hồi hộp chờ đón. Nếu không có bão tố hay giông lốc hoặc tai nạn gì ngoài biển thì bố nó về đúng ngày hẹn. Bao nhiêu năm bố đi biển, chỉ có đôi lần trễ ngày nên nó rất yên tâm.
Chỉ cần một sợi dây nhỏ là có thể câu được chú tôm nằm sâu dưới lòng cát. |
2. Thấy thằng Cuội đi câu tôm bán có tiền, mấy đứa trong xóm chài xin đi theo. Bây giờ thì Cuội có hẳn một đội "sửu nhi" câu tôm, đứa nào cũng lanh lẹ, giỏi mẹo, tối nào cũng có tiền mang về. Trong đó phải kể đến thằng Nam (12 tuổi).
Gia đình Nam nghèo nhất đội, mẹ bệnh tật phải nuôi 3 đứa con, bố thì bỏ đi biệt xứ. Học hết lớp 5, Nam đã phải nghỉ đi bán vé số phụ mẹ. Từ ngày gia nhập đội câu tôm, học được ngón nghề từ thằng Cuội, Nam trổ tài là một đàn anh thực thụ.
Khi những đứa trẻ khác lần lượt lên bờ, trở về nhà ngủ thì Nam vẫn cặm cụi ở lại một mình. Nam câu đến khi nào thủy triều lên mới chịu về. Thường thì Nam sẽ ngủ bù vào sáng hôm sau. Hiện Nam là trụ cột trong gia đình, tiền bán tôm mỗi đêm có thể mua gạo, mua thức ăn cho cả nhà.
Thằng Cuội nhận xét, Nam chịu khó và sống rất đẹp. Bạn nào đi câu tôm gặp sự cố là Nam ra tay trợ giúp. Có hôm thằng Hải bị thủng bịch rơi hết số tôm câu được, Nam không ngần ngại chia cho em út một nửa "thành quả" của mình.
Câu tôm dễ dàng lại có tiền nên Nam rủ thêm cậu em trai là Tèo (7 tuổi) gia nhập đội. Sau một tuần đi xách giỏ, học hỏi kinh nghiệm, Tèo cũng tập tành câu. Hai anh em hợp sức, có đêm kiếm được vài trăm ngàn. Trong một đêm trời không sao, ánh đèn pin nhập nhòe khiến Tèo giẫm trúng vỏ hào, cứa vào chân thành một đường, máu chảy thấm vào cát. Tèo chạy ra biển, rửa chân khử trùng rồi lại tiếp tục công việc.
Nhưng không phải máu ai cũng lành, sau đêm ấy, chân Tèo bị mưng mủ, sưng tấy. Mấy ngày trời Tèo sốt li bì, phải đi bệnh viện. Bác sĩ khám bảo Tèo bị nhiễm trùng, có nguy cơ hoại tử vết thương. Mẹ Tèo khóc ngất khi nghĩ đến con sẽ bị cắt chân, nhưng rất may là bác sĩ đã tận tình giữ lại được. Từ ngày đó, Tèo đoạn tuyệt luôn với biển, giã từ nghề câu tôm.
Câu tôm chỉ thực hiện được khi trời trong gió mát, hễ đổ mưa là chịu thua vì nước mưa sẽ lấp hết lỗ tôm. Đây chỉ là nghề thời vụ, sôi động nhất là mùa hè. Hết mùa, Nam lại quay về bán vé số. Ước mơ lớn nhất của Nam là đi biển, do còn nhỏ nên người ta không nhận. Ông chủ tàu bảo về nhà ăn nhiều cơm vào, vài năm nữa trổ tướng ông sẽ nhận làm thủy thủ.
"Lớp học" dạy câu tôm diễn ra ngay trên bãi biển. |
3 .Ở bãi biển Vũng Tàu, mỗi đêm có hàng trăm đứa trẻ theo cha mẹ đi nghỉ mát. Thấy lũ nhỏ câu tôm thích quá, chúng bám theo hò reo phấn khích. Cuội, Nam có thêm nghề nữa là dạy... câu tôm.
Lớp dạy diễn ra trên bãi biển, thầy trò trạc tuổi nhau. Thầy đi chân đất, quần đùi lấm lem cát bụi, trò áo quần sạch tươm, mặt mũi trắng hồng. Tuy nhiên, khoảng cách và ranh giới giữa thầy trò nhanh chóng bị xóa nhòa bởi sự hào hứng, phấn khích của bài học câu tôm. Chúng sẽ trả phí cho thầy là những con tôm câu được, thế thôi. Rồi tất cả cùng cười.
Cuội tiết lộ, đêm nào có nhiều học trò là đêm ấy thu hoạch kha khá vì các em câu được bao nhiêu đều đổ vào giỏ của thầy hết. Với chúng, đây là trò chơi tuổi thơ thật ý nghĩa trong những ngày hè bỏng rát. Còn với "thầy" lại là dịp kiếm cơm vất vả...
Năm học mới sắp bắt đầu, lớp học câu tôm giữa bãi biển cũng giải tán. Những đồng tiền kiếm được trong ngày hè, Cuội sẽ có một bộ quần áo mới toanh sánh bước cùng các bạn tới trường. Và khi đêm về, Cuội lại buông mình ra biển. Chỉ có thế, con đường học vấn của cậu bé mới hanh thông.