Những cuộc đời "lịm" dần vì ma túy
- Mãn hạn tù về tội giết người lại đi buôn ma túy
- Xin hối lộ 5 chỉ vàng để trốn tội ma túy
- Vừa ra tù về tội ma túy, lại đi bán heroin
- Hai mẹ con cùng vào tù vì ma túy
1.Những ngày hè đỏ lửa, căn nhà mái tranh xiêu vẹo trên lưng chừng con dốc đất đỏ quánh dẫn vào xã Ea Wy của gia đình Nông Văn Tiến (38 tuổi) vắng như chùa bà đanh, chỉ có hai mẹ con còm cõi nuôi nhau. Tiến là con nghiện ma túy dai dẳng và trường kỳ nhất ở vùng này. Bao nhiêu lần đi cai về rồi lại đâu vào đó, đến nỗi chính quyền cũng chán khi nhắc đến Tiến. Vợ Tiến sau nhiều năm bám hơi ma túy của chồng, cũng nghiện nốt, giờ thị bỏ nhà đi đâu không rõ. Đứa con gái lên 7 tuổi được nhà ngoại mang về nuôi, sợ con sẽ bị nhiễm thói hư tật xấu của cha mẹ nên ông bà ngoại không cho cháu bén mảng về thăm đằng nội.
Nằm dật dờ như cái bóng ma trên manh chiếu rách, Tiến vẫn hùng hổ… lý luận: "Đây xác định số phận rồi, không có một tý (thuốc phiện) vào người cũng giống như chết thôi, chả còn sức sống nữa. Người ta khinh thường cũng nhục lắm, nhưng mãi đâm ra quen, mai này chết thì còn biết gì đời nữa mà lo".
Công an huyện Ea H'leo bắt nhóm đối tượng có liên quan đến ma túy. |
Ngay cả dòng họ cũng từ mặt Tiến, chỉ còn mẹ già vì không bỏ được “khúc ruột” trời đánh mà phải cắn răng sống cùng. Đến mùa ngô, Tiến giấu diếm xúc mang đi bán, mùa lúa, mùa cà phê đều vậy cả. "Nếu nhà không có thì nó ra ngoài ăn trộm, ăn cắp của người ta, không bị đánh chết cũng tù tội mọt gông. Thôi thì cứ để nó ăn cắp của nhà cho lành. Nó cũng chả sống được bao lâu nữa mà gắt gỏng, chửi bới", bà Minh ngồi băm rau lợn ở bậu cửa, chép miệng, thở dài buông lời buồn rầu.
Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, làn sóng di cư từ các tỉnh Tây Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp rầm rộ. Trong đó, xã Ea Wy có hàng ngàn hộ dân đổ vào mang theo thói quen sử dụng thuốc phiện. Thanh niên mới nứt mắt ra đã tập đòi hút hít rồi nghiện lúc nào không hay. Riêng năm 2011, Công an xã Ea Wy phối hợp với Công an huyện Ea H'leo triệt phá 7 vụ mua bán, tàng trữ ma túy, bắt nhiều đối tượng cộm cán.
Một lãnh đạo Công an cho biết, ma túy tràn vào Ea Wy theo hai hướng, từ phía Bắc quá cảnh qua Lào rồi vào H'leo và từ Tây Ninh, Campuchia theo đường xe khách về. Được xem là "kho" vận ma túy, các đối tượng buôn bán không chỉ sử dụng trong địa bàn xã Ea Wy và huyện E'Leo mà còn vươn vòi bạch tuộc ra tận các tỉnh phía Bắc, miền Trung và cung cấp một lượng ma túy đáng kể cho con nghiện các địa phương lân cận. Chúng hoạt động rất tinh vi khiến cơ quan chức năng rất khó theo dõi, phát hiện, bắt quả tang.
Quốc lộ 14 là con đường huyết mạch từ TP Buôn Mê Thuột đi Ea H'leo. |
Ma túy khiến bao gia đình ở Ea Wy tan hoang, cái đói cái nghèo triền miên, dai dẳng ám ảnh những đứa con của họ. Không có tiền mua ma túy, nhiều con nghiện cùng quẫn đi trộm cắp tài sản của dân. Đó là trường hợp của Hoàng Văn Tòa (43 tuổi, trú thôn 7B). Tòa phải vào trại bóc lịch vì tội trộm cắp. Ra tù, Tòa không bỏ được ma túy, tiếp tục sa chân vào thói hư tật xấu. Vợ ôm con bỏ đi, anh em, làng xóm xa lánh, xua đuổi, Tòa rơi vào cảnh cô đơn, bĩ cực, không có lối thoát đã chọn cho mình cái chết để giải thoát cuộc đời. Tòa chết, nhiều con nghiện hoang mang, nhiều gia đình giật mình có con em nghiện hút, nhưng rồi sức hút của "bột trắng" không thể cưỡng lại được, nó cuốn con người lao dốc không phanh, tàn phá cuộc sống, hủy hoại sự nghiệp dẫn đến những kết cục bi thảm.
Hai anh em ruột Lương Văn Phong (SN 1988) và Lương Văn Cảnh (SN 1991) từ hai chàng trai khôi ngô tuấn tú, sức khỏe vạm vỡ, nhiều cô gái để ý, chỉ hai năm làm bạn với "nàng tiên nâu", Phong, Cảnh đã trở thành hai cái xác vô hồn, sống dật dờ với ma túy. Hàng xóm xa lánh, sợ hãi khi nhìn thấy hai con "ma nghiện" không chịu đi làm, tối ngày la cà, vất vưởng ngoài đường chỉ chờ nhà ai sơ hở là "thó" của.
Cha của Phong, Cảnh nguyền rủa, sỉ vả hai con thậm chí là dọa giết nhưng vẫn không ăn thua, cho đến một ngày ông chán nản buông xuôi. Ông tuyên bố sẽ chơi ma túy để xem nó khủng khiếp đến mức nào mà đánh gục được hai người con trai lực điền của ông. Sau lời tuyên bố, ông chính thức bước chân vào thế giới "đen", gia đình có thêm một con nghiện. Người vợ uất quá tự tử chết.
Ba con nghiện bán hết sạch những gì có giá trị trong nhà để có tiền mua ma túy. Đến khi khánh kiệt, không còn gì để bán, Phong, Cảnh đi buôn ma túy và cả hai bị bắt, bị kết án 7 năm tù. Ông bố ở nhà ngáp ngắn ngáp dài, quằn quại, vật vã ba tháng sau thì về với ông bà tổ tiên. Cả dòng họ còn lại bà nội và đứa em gái 6 tuổi côi cút, chơi vơi không có nơi nào nương nhờ. Chính quyền địa phương đã làm thủ tục đưa bé gái vào trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh.
Đã là năm thứ 2 bé Lương Thị Hiền không có người thân bên cạnh. Hỏi về bố mẹ, đứa trẻ lên 7 cứ ngơ ngác, mắt tròn mắt dẹt. Bố mẹ chết, ở cái tuổi của bé nào biết đến nỗi đau là gì. Hai anh trai đi tù không biết ở nơi nào, không biết bao giờ về. Bi kịch gia đình đổ ập xuống đầu đứa trẻ này khiến nó trở thành một con người khác, luôn sợ hãi trước người lạ.
Sau những cuộc phủ phê với "nàng tiên nâu" là những cuộc mưu sinh bầm dập nơi rừng sâu. |
2.Ea Wy từ nhiều năm nay được xem là vùng “rốn” ma túy ở Tây Nguyên. Mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt vào cuộc triệt phá nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ ma túy, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy giảm rõ rệt, nhưng hệ lụy về ma túy gây ra vẫn chưa bao giờ thôi nhức nhối ở vùng đất này.
Từ ngày ma túy tràn về Ea Wy, những đứa trẻ mất gia đình như bé Hiền không thiếu. Ma túy đã cuốn theo nhiều đàn ông trai tráng dấn thân vào rồi "lịm" đi trong cơn mê man tàn khốc. Họ đi buôn, rồi sa ngã vào con đường hút chích. Con cái kéo theo bố mẹ, bố mẹ lây sang con cái… Cái vòng luẩn quẩn ma túy ấy cứ bám riết lấy cuộc đời những con người nơi rẻo cao này. Tham vọng đổi đời hay chỉ là sự sung sướng hả hê phút chốc mà họ phải trả giá quá đắt.
Đến Ea Wy những ngày này, hoa cà phê đang trổ bông trắng xóa. Màu trắng tinh khôi, ngọt ngào kéo theo những đàn ong bay về hút mật. Giá như không có sự xuất hiện của cái "màu trắng" chết chóc kia thì vùng đất này sẽ sầm uất và no đủ biết nhường nào. Lẩn giữa những vạt hoa trắng cà phê, thi thoảng lại thấy ngôi nhà cửa đóng then cài, hoang hóa, rêu phong phủ kín, kéo theo nỗi buồn thê lương, trầm ải.
Ngoài đấu tranh quyết liệt đẩy lùi ma túy, lực lượng Công an ở Tây Nguyên thường xuyên xuống địa bàn giúp dân. |
Không khí lao động mùa tưới cà phê, mùa thu hoạch tiêu, điều dường như vắng ngắt trong gia đình ông Lương Văn Mừng (thôn 5A). Nỗi buồn còn váng vất từ nhà ra đến cổng, đọng trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió cơ hàn của người cha, người mẹ về đứa con tên Lương Văn Linh. Mới 20 tuổi, nhưng Linh 3 lần vào ra trại giam vì liên quan đến ma túy.
Những tưởng ra tù lần thứ 3 sẽ khiến Linh nhục nhã mà quay đầu vào bờ, bỏ lại quá khứ làm lại cuộc đời. Nhưng vừa chân ướt chân ráo được tự do, Linh đã "ẵm" ngay cái máy công nông của gia đình đi cầm lấy 20 triệu ném vào ma túy. Linh quay cuồng, vần vũ với ma túy như con ngựa bất kham, y giẫm đạp lên danh dự gia đình, chẳng thèm rung động trước tiếng khóc thê thảm của mẹ. Ông Mừng lực bất tòng tâm, chẳng biết phải làm sao "trị" đứa con hư này. Ông cắn răng viết đơn gửi lên chính quyền tố cáo con ruột của mình và "xin" cho nó được vào tù. Vậy là lần thứ 4, Linh phải mặc chiếc áo kẻ sọc trắng đen, chôn vùi tuổi trẻ trong bốn bức tường nhà lao.
Sau khi chấp hành án phạt tù, Linh trở về với gia đình và lần này chàng trai vừa bước qua ngưỡng tuổi 20 bắt đầu có dấu hiệu ăn năn, hối lỗi. Linh mong muốn được rời xa vùng "rốn" ma túy này, rời xa những người "bạn" một thời ôm ấp nhau ngập ngụa trong "cái chết trắng". Linh muốn đi học nghề để có việc làm ổn định, có danh phận với xóm giềng và để trả nợ bố mẹ.