Những án phạt của Google

Thứ Hai, 26/06/2017, 10:32
Theo tờ Financial Times, Google có thể bị Brussels, Bỉ tuyên mức phạt lên tới 9 tỉ USD trong mấy tuần tới vì đã lạm dụng hoạt động tìm kiếm trên internet, để kiếm lợi trong dịch vụ Google Shopping của mình.


Google Shopping cung cấp dịch vụ so sánh giá các sản phẩm được bày bán và việc phạm luật khi thao túng các kết quả của công cụ tìm kiếm nhằm làm lợi cho dịch vụ của Google đang là chủ đề gây tranh cãi của giới chuyên môn và giới truyền thông.

Nếu việc này diễn ra thì đây sẽ là mức phạt lớn kỷ lục trong các vụ doanh nghiệp độc quyền trên thế giới bởi nó vượt qua mức phạt mà nhà sản xuất chip Intel từng phải đối mặt 8 năm trước (2009-2017).

Một trong những cơ sở của Google.

Ngoài ra, quyết định của Brussels còn mở đường cho nhiều đối thủ cạnh tranh trong mảng mua sắm so sánh giá với Google, và những khách hàng nộp đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại với gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Theo giới chuyên môn, khoản phạt kể trên được giới hạn ở mức tối đa 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp và năm 2015 Google thu về 90 tỉ USD năm ngoái.

Bên cạnh đó, hãng này còn bị yêu cầu đề xuất kế hoạch hoạt động mảng mua sắm tương lai trong thời gian quy định. Và nếu không đạt được thỏa thuận với giới quản lý trong thời gian kể trên, Google có thể bị phạt tới 5% doanh thu trung bình hàng ngày cho mỗi ngày quá hạn.

Đây là kết luận từ cuộc điều tra kéo dài 7 năm của Ủy ban châu Âu, sau khi họ nhận nhiều đơn khiếu nại từ các đối thủ cạnh tranh với Google ở cả Mỹ và EU. Google từng 3 lần tìm kiếm giải pháp dàn xếp vụ này, nhưng bất thành. Theo kết quả điều tra của Ủy ban châu Âu, Google đã đưa người đọc đến những kết quả tìm kiếm liên quan tới những dịch vụ mua sắm của mình.

Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang điều tra xem liệu Google có cấm bất hợp pháp các đối thủ cạnh tranh từ những trang web sử dụng thanh tìm kiếm và quảng cáo của họ hay không.

Đồng thời kiểm tra cách Google trả và giới hạn các nhà cung ứng di động, những hãng sử dụng Android và Play app store của họ. Theo giới truyền thông, việc EU tiến hành điều tra (từ năm 2000) về vấn đề chống độc quyền với Microsoft, Intel, Apple, Google, Facebook, Amazon đã làm dấy lên đồn đoán rằng, Brussels đang mở chiến dịch chống lại giới doanh nghiệp Mỹ, nhưng EU đã phản đối nhận định này.

Thông tin trên tờ Financial Times xuất hiện sau khi tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google) quyết định đóng thuế tại Indonesia sau nhiều tranh cãi. Ngày 16-6, hãng Reuters dẫn lời Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Indonesia Rudiantara cho biết, tập đoàn này đã đồng ý đóng thuế kể từ nay trở đi và Chính phủ Indonesia cũng sẽ thay đổi quy định liên quan đến lĩnh vực quảng cáo.

Google đang đối mặt với mức án kỷ lục

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati thông báo, Alphabet đồng ý đóng thuế năm 2016, nhưng không tiết lộ chi tiết của việc này. Được biết, Indonesia đang có kế hoạch truy thu thuế đối với Google và chỉ riêng khoản thuế năm 2015 đã lên đến 400 triệu USD. Theo giới truyền thông, năm 2015, Google từng chấp nhận chi 164 triệu USD để dàn xếp cuộc điều tra của cơ quan thuế tại Anh.

Hãng Reuters cho biết, Cơ quan chống độc quyền của EU có thể yêu cầu Alphabet dừng ưu đãi tài chính cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh để cài đặt trước công cụ tìm kiếm Google Search vào các thiết bị di động, đồng thời cảnh báo tập đoàn này sẽ phải chịu một khoản phạt lớn.

Cơ quan chống độc quyền của EU cho biết, họ muốn ngăn Google buộc các nhà sản xuất điện thoại thông minh cài đặt trước các ứng dụng độc quyền của hãng nếu việc này hạn chế khả năng sử dụng các hệ điều hành cạnh tranh khác.

Động thái này diễn ra sau khi FairSearch khởi kiện - các công ty muốn đảm bảo họ không bị thiệt thòi bởi sự thống trị thị trường công cụ tìm kiếm của Google. Và theo hồ sơ kiện, Google phải đối mặt với khoản tiền phạt lớn vì các hành vi phản cạnh tranh.

"Google đã đưa ra nhiều sản phẩm sáng tạo, tạo sự khác biệt cho cuộc sống của chúng ta. Nhưng điều đó không mang tới cho Google quyền từ chối các công ty khác có cơ hội để cạnh tranh và đổi mới", Ủy viên cạnh tranh châu Âu Margrethe Vestager từng tuyên bố như vậy tại cuộc họp báo ở Brussels.

Google có thể phải đối mặt với án phạt chống độc quyền lên tới 3,4 tỷ USD, thậm chí là 7 tỷ USD. Và để chống khủng bố, EU cũng buộc Facebook và Google phải cung cấp dữ liệu cho cảnh sát, bất chấp việc này có thể gây nguy hiểm tới sự an toàn của thông tin.

Do đó, việc truy cập phải thực hiện theo quy định của luật pháp sở tại hoặc các công ty phải giao nộp dữ liệu ngay cả khi họ ở nước khác. Và đề xuất này sẽ được các Bộ trưởng Tư pháp EU thảo luận, xây dựng phương án trước khi đưa vào thực thi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Phạm Huy Anh
.
.
.