Nhiếp ảnh gia đi xe máy dọc bờ biển Việt Nam "săn rác"

Chủ Nhật, 17/02/2019, 12:50
Vốn là một nhiếp ảnh gia nên anh Nguyễn Việt Hùng (biệt danh Hùng Lekima) có cơ hội được đi nhiều nơi, đặt chân tới nhiều miền của Tổ quốc. Trong những chuyến “lang thang” ấy, anh Hùng nhận ra môi trường của Việt Nam nói chung và môi trường biển nói riêng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Điều này đã khiến anh ấp ủ ý tưởng và quyết định sẽ thực hiện một cuộc hành trình đi dọc bờ biển Việt Nam từ Bắc tới Nam bằng xe máy để ghi lại tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường. Mong ước của nhiếp ảnh gia này là muốn góp một phần bé nhỏ để nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm rác thải nhựa.

Trước khi chuẩn bị cho cuộc hành trình dài, anh Hùng đã bỏ ra một năm để nghiên cứu về rác thải nhựa. Thấy anh Hùng thực sự tâm huyết với ý tưởng của mình nên những người thân và bạn bè đã luôn ủng hộ để anh có thể biến ý tưởng thành hiện thực.

Anh Hùng chia sẻ: “Tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé từ khả năng, chuyên môn của mình vào việc ghi nhận những điều đang xảy ra dọc các bờ biển Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này. Từ đó tôi hy vọng có thể lý giải phần nào đó nguyên nhân và giúp các nhà chuyên môn đưa ra được giải pháp ngắn và dài hạn. Tất nhiên, sự thay đổi trong nhận thức và hành động của nhiều người sẽ không thể có được ngay lập tức, nhưng họ có thể thay đổi hành vi của mình ngay từ bây giờ”.

Khu chợ ở xã Chí Công (huyện Tuy Phong, Bình Thuận, có hàng ki-lô-mét rác thải, chủ yếu là nhựa.

Chuyến đi thông qua các hình ảnh thu thập với thông điệp mạnh mẽ, nhấn mạnh đến 3R trong việc sử dụng rác thải nhựa: Reduce (giảm thiểu), Reuse (tái sử dụng), Recycle (tái chế).

Hành trình của nhiếp ảnh gia này được bắt đầu từ tháng 8-2018, điểm xuất phát là Hà Nội đi theo hướng Ninh Bình và sau đó bám theo đường bờ biển vào đến đất mũi Cà Mau. Từ đây, anh Hùng lại bám dọc bờ biển tới Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia rồi quay lại TP Hồ Chí Minh và sau đó ngược ra Hà Nội.

Để trang bị cho chuyến đi dài này, anh Hùng đèo sau xe máy 3 chiếc thùng, trong đó gồm có vật dụng cá nhân và đồ nghề máy ảnh. Do đi xe máy và vào địa hình phức tạp, có thể gặp mưa gió dễ ngã nên anh Hùng đã phải dùng hộp đựng đồ nghề chụp ảnh chuyên dụng, loại có khả năng chống va đập và chống nước.

Kèm theo là flycam, máy quay chụp dưới nước nhỏ xinh (GoPro), đèn và các dụng cụ cần thiết khác. “Quần áo tôi chuẩn bị sẵn cho 7 ngày có thể giặt một lần. Đường đi nhiều đoạn khó khăn và di chuyển cả trên cát nên ngoài đèn pin, túi sơ cứu, tôi còn chuẩn bị một chiếc còi luôn đeo trên cổ, nếu không may bị làm sao có thể dùng nó cho đỡ mất sức khi phải kêu cứu” – anh Hùng chia sẻ.

Có lần anh Hùng đi theo con đường đê ven biển hoang vắng, gặp ngay xe tải có ý định đổ rác xuống biển. Anh vác máy ra quay, tài xế nhìn thấy. Thế là ông ta đỗ xe ở đó và không dám đổ rác...

Hai bên thi gan một hồi lâu, sau đó thấy người tài xế này mang máy điện thoại ra gọi. “Lúc đó tôi nghĩ, biết đâu ông ta đang gọi đồng bọn tới. Thôi thì để giữ an toàn cho mình, tôi đành rút lui” – anh Hùng nhớ lại.

Anh Hùng bảo rằng mình đã đi qua hơn 100 cửa sông, nhiều kênh ngòi, lúc đi đò, khi lại đi phà. Đôi khi phải cho xe máy lên chiếc thuyền khác để kéo sang bờ sông bên kia. Đoạn đường mà anh Hùng cảm giác sợ hãi nhất là từ Phan Rang đi Cà Ná.

Đổ xăng lúc 18h tối, anh nhân viên bán xăng cẩn thận dặn nhiếp ảnh gia là cần khẩn trương đi sớm, bởi nơi này hỏng xe, thủng lốp là rất mệt. Đúng như những gì người bán xăng cảnh báo trước.

Trời tối nhanh, cơn dông chuẩn bị ập đến, bầu trời đen vần vũ. Trong suốt đoạn đường đó anh Hùng chỉ gặp đúng 2 chiếc xe đi ngược chiều, còn cùng chiều thì tuyệt nhiên không có chiếc xe nào.

Chia sẻ về những khó khăn trong cuộc hành trình dài của mình, anh Hùng cười bảo: “Có những nơi tôi đến, mới chỉ vừa rút cái máy ảnh ra khỏi thùng, chưa kịp xin phép chụp thì đã bị dọa đánh, dọa đập nát máy ảnh.

Việc chụp ảnh, ghi hình thường sẽ được anh Hùng bắt đầu từ 5-6 giờ sáng và kéo dài đến 18-20 giờ tối. Anh Hùng chia sẻ: “Tôi thường tranh thủ chụp từ khi nắng lên cho đến khi tắt nắng. Phải tận dụng tối đa thời gian vì có phải lúc nào mình cũng có thể sắp xếp được một chuyến đi như thế này đâu”.

Sau khi đã hoàn thành công việc của một ngày anh Hùng mới bắt đầu nghĩ đến việc tìm nhà nghỉ. Thường thì anh sẽ tìm những nhà nghỉ giá cả phải chăng để tiết kiệm chi phí. “Đi nhiều nơi mới thấy còn nhiều người dân tốt lắm.

Có người họ sẵn sàng dẫn mình đi tìm nhà nghỉ, có người còn mời mình về nhà họ nghỉ. Nhưng thường thì tôi từ chối vào nghỉ nhà dân vì lý do mình nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh lại lọ mọ đêm hôm để chỉnh sửa ảnh sợ gây bất tiện cho họ” – anh Hùng tâm sự.

Nhiều người dân vẫn thản nhiên đổ rác ra biển.

Một lần khác, anh Hùng tìm đến khu nhà trọ ở miền Tây Nam Bộ, khi hỏi thì được trả lời là đã hết phòng. Tuy nhiên, khi anh kể về chuyến đi của mình thì bà chủ nhà trọ đã nhường phòng con trai cho anh nghỉ qua đêm.

Anh Hùng đã từng ghé qua xã Bình Châu, nơi có cảng Sa Kỳ để ra đảo Lý Sơn nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Ở đây, rác đầy đường, còn người dân thì hồn nhiên xả rác ra cửa biển. Một con đê dọc sông chuẩn bị đổ ra biển cũng toàn rác và rác. Khi được hỏi tại sao không để rác vào thùng, người dân cho biết thùng rác duy nhất chỉ có ở cảng Sa Kỳ. Cửa biển chính là bãi đổ rác của họ.

Câu nói đó đã khiến anh Hùng tò mò nên cất công đi khắp xã. Ở đây, các biển hiệu tuyên truyền vì môi trường rất nhiều nhưng tuyệt nhiên không thấy một thùng rác nào. Thậm chí có người phụ nữ còn khuyên anh đừng mất công, không có đâu mà đi tìm.

Đến nhiều nơi, anh Hùng chứng kiến cảnh người lớn và trẻ con phải tắm chung với rác khiến anh luôn bị ám ảnh. Anh cho rằng việc họ chịu tắm trên một bãi biển rác, một dòng sông rác đồng nghĩa với việc họ coi đó là bình thường.Anh Hùng cho rằng, việc dọn rác không khó nhưng việc “dọn” ý thức xả rác bừa bãi mới là việc làm khó hơn nhiều.

Những bức ảnh, video mà anh Hùng ghi lại việc xả rác thải nhựa bừa bãi ra biển đều được anh đăng tải kèm bài viết trên trang facebook cá nhân (trang facebook cá nhân của anh có hơn 13.000 người theo dõi).

Sau đó anh Hùng lại tiếp tục chia sẻ trên các grup như Thế giới ảnh (gần 40.000 thành viên); Những người thích du lịch, Phượt, Chợ máy ảnh (đều hơn 100.000 thành viên). Ngoài ra còn các grup chuyên về xe máy, điện thoại, flycam, hãy làm sạch biển, vì một Việt Nam xanh …

Những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trên dòng kênh đầy rác.

Ngoài ra, anh còn tổ chức các buổi triển lãm ảnh và nói chuyện truyền cảm hứng tới học sinh, sinh viên 28 tỉnh, thành ven biển. Có những video xả rác trực tiếp ra biển được anh Hùng đăng trên trang cá nhân có tới 1.3 triệu lượt xem và hàng ngàn lượt chia sẻ.

“Tôi thực sự vui mừng khi nhận được nhiều sự quan tâm, động viên và ủng hộ của cộng đồng mạng. Sau video đó của tôi được đăng tải, Trung ương đoàn đã đến tận nơi và tổ chức dọn rác. Nhiều địa điểm khác cũng đã được dọn dẹp sau khi hình ảnh và video của tôi đăng tải. Đây chính là động lực giúp tôi thực hiện tiếp cuộc hành trình của mình” – anh Hùng chia sẻ.

Khi được hỏi về dự định trong năm nay, anh Hùng cho biết: “Năm nay, mình dự kiến đến vài địa điểm ở lâu cùng người dân hơn, một số hòn đảo hay một số làng chài ở Nam Định, Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Kiên Giang... Đồng thời, cũng sẽ tham gia các sự kiện trong đó có triển lãm ảnh góp phần truyền cảm hứng tới các bạn học sinh, sinh viên 28 tỉnh, thành ven biển, vì tuổi trẻ là tương lai và giáo dục, là cái gốc bền vững của vấn đề”.

Trong hành trình đi dọc bờ biển của mình, anh Hùng đã có may mắn được tới thăm nhà máy xử lý rác thải hiện đại tại Quảng Bình. Chuyến thăm này đã giúp anh Hùng hiểu rằng giáo dục mới là gốc rễ để giải quyết bền vững vấn đề.

Nhưng cũng có nhiều giải pháp có thể thực hiện được luôn bởi các nơi xả thải nhựa đều ra đại dương, rất tập trung, có địa chỉ cụ thể. Và có một điều chúng ta cần biết rằng, bảo vệ đại dương, sông ngòi cũng chính là bảo vệ sự sống và giống nòi của chính chúng ta.

Song Anh
.
.
.