Nhật hoàng Akihito: thiên hoàng phá lệ
- Một số công trình nghiên cứu khoa học kỳ thú của Nhật Hoàng Akihito
- Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu cũng dành tình yêu cho khoa học và thi ca
Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng Hoàng gia Nhật Bản và được Thủ tướng Shinzo Abe. Theo NHK, ngày Nhật hoàng Akihito thoái vị được ấn định là 30-4-2019. Thái tử Naruhito sẽ lên ngôi vào ngày hôm sau, đánh dấu kết thúc thời đại Heisei (Bình Thành) và mở ra một kỷ nguyên mới bằng tên riêng. Tiến trình thoái vị của Nhật hoàng sẽ chính thức được thiết lập vào ngày 8-12.
Đầu tiên sau 200 năm
Trước đó, vào tháng 8-2016, Nhật hoàng khiến nhiều người bất ngờ khi bày tỏ mong muốn thoái vị vì lý do tuổi tác và sức khỏe sau gần 30 năm trị vì. Ý muốn của Nhật hoàng đã đặt ra thách thức lớn với Chính phủ Nhật Bản vì nước này không có luật cho phép nhà vua từ bỏ ngôi vị khi vẫn còn sống. Sự kiện này cũng gây nên tranh cãi về việc có nên cho phép phụ nữ thừa kế ngôi vị vốn chỉ dành cho nam giới hay không.
Tháng 6-2017, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua đạo luật áp dụng một lần duy nhất cho phép Nhật hoàng được nhường ngôi như mong muốn. Ông Akihito sẽ là nhà vua đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong 2 thế kỷ qua.
Nhật hoàng Akihito sinh ngày 23-12-1933 (năm Chiêu Hòa thứ 8), tại Tokyo. Ông là con trai trưởng và là người con thứ năm của Thiên hoàng Chiêu Hòa (Hirohito) và Hoàng hậu Hương Thuần (Kuni Nagako). Lúc thiếu thời (1940-1952), hoàng gia bổ quan giáo thụ dạy dỗ riêng cho thái tử cho đến khi nhập học trung học tại Gakushuin (Học Tập Viện) - trường dành riêng cho tầng lớp quý tộc Nhật Bản. Khác với thông lệ tiền triều, Vua Chiêu Hòa không bổ nhiệm Akihito vào quân đội khi xong trung học.
Tháng 3-1945, khi Mỹ ném bom không kích thủ đô Tokyo, ông và em trai là Hoàng tử Masahito, phải sơ tán khỏi kinh kỳ. Thế chiến II kết thúc, Nhật Bản bị Mỹ chiếm đóng. Akihito theo học Anh văn do Elizabeth Gray Vining - một chuyên viên thư viện - dạy kèm. Ông tốt nghiệp khoa Chính trị Trường đại học Gakushuin. Ngày 10-11-1952 (năm Chiêu Hòa thứ 27), Akihito nhận lễ tấn phong Hoàng Thái tử tại Hoàng cung Tokyo.
Gần dân và không ngại xin lỗi
Những năm sau đó, Thái tử Akihito và vợ là Công nương Michiko lần lượt công du 37 nước trên thế giới để phá bỏ thành kiến Hoàng gia Nhật Bản vô cảm như người máy, tạo bộ mặt mới gần gũi với thần dân Nhật Bản hơn. Sau khi lên ngôi, ông cũng tiếp tục rút ngắn khoảng cách giữa vua chúa và thường dân Nhật Bản. Thiên hoàng và Hoàng hậu đã viếng thăm chính thức 18 quốc gia, cũng như tuần du 47 các phủ huyện Nhật Bản.
Ngày 7-1-1989, khi Vua Chiêu Hòa băng hà. Thái tử Akihito lên ngôi, thành Thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản, nhằm ngày 12-11-1990, lấy niên hiệu là Heisei (Bình Thành). Hiến pháp Nhật Bản sau Thế chiến II quy định nhà vua chỉ mang tính tượng trưng và không có quyền lực chính trị.
Thiên hoàng Akihito đã vài lần công khai xin lỗi các nước châu Á về những tội ác của phát xít Nhật Bản đã gây ra cho họ trong Chiến tranh thế giới thứ 2, bắt đầu bằng việc xin lỗi Trung Quốc vào tháng 4-1989, 3 tháng sau khi vua cha Chiêu Hòa qua đời.
Năm 2001, Thiên hoàng Akihito cho rằng trong thời cổ, khi người dân Triều Tiên di cư đến Nhật Bản họ đã truyền thụ nhiều tri thức về văn hóa và khoa học kỹ thuật cho Nhật Bản, và những sự kiện đáng tiếc trong quá khứ như những khoảng thời gian quan hệ Nhật-Triều căng thẳng nên được hai bên tha thứ.
Tháng 6-2005, Thiên hoàng Akihito viếng thăm khu vực Saipan của Mỹ, nơi diễn ra trận Saipan nổi tiếng cùng với Hoàng hậu Michiko. Trong chuyến thăm, Thiên hoàng đã đến các đài tưởng niệm chiến tranh gửi hoa viếng và cầu nguyện cho các vong linh của binh sĩ Nhật Bản, Mỹ cùng các thường dân Triều Tiên và dân địa phương đã bỏ mạng tại trận đánh này. Đây là lần đầu tiên một Thiên hoàng đi viếng một địa điểm xảy ra chiến tranh nằm ngoài lãnh thổ Nhật Bản.
Ngày 8-8-2016, trong bài phát biểu trên sóng Truyền hình Quốc gia, Nhật hoàng Akihito đã tỏ ý định rõ ràng về việc thoái vị vì tuổi cao sức yếu. Đó là một đoạn video hiếm hoi của Nhật hoàng Akihito phát biểu trên truyền hình với thần dân. Trong thời gian trị vì 28 năm, Nhật hoàng mới chỉ một lần phát biểu với hình thức này vào tháng 3-2011, sau thảm họa động đất và sóng thần Tohoku 2011.
Việc Nhật hoàng Akihito thoái vị sẽ khép lại thời kỳ Heisei (Bình Thành) trong lịch sử Nhật Bản. Hoàng gia Nhật Bản hiện tại được xem là thiết chế quân chủ duy trì liên tục lâu nhất thế giới.