Một số công trình nghiên cứu khoa học kỳ thú của Nhật Hoàng Akihito

Thứ Tư, 08/03/2017, 10:29
Với niềm đam mê bất tận đến thiên nhiên và cuộc sống muôn loài, ngay từ khi còn trẻ, Nhật Hoàng Akihito đã quan tâm đến công tác bảo tồn. Cùng với những hành động thiết thực ở các tỉnh thành, Nhật Hoàng Akihito còn có nhiều sáng kiến và các công trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế.


Sinh ngày 23-12-1933, Nhật Hoàng Akihito là vị hoàng đế thứ 125 trong hoàng tộc đã có hơn 2600. năm trị vì tại Nhật Bản, căn cứ theo các bảng phả hệ chính thống. Hàng năm, noi theo gương vua cha, Nhật Hoàng Akihito tự mình trồng và thu hoạch lúa tại các thửa ruộng trong Hoàng cung, còn Hoàng hậu Michiko thì nuôi tằm.

Mỗi mùa xuân, Hoàng hậu Michiko nuôi từ 120000. đến 130000. con tằm, chăm sóc chúng trong hơn hai tháng và thu hoạch khoảng 150 kg kén vào đầu mùa hè. Một số tơ này được dùng để phục hồi những trang phục cổ có giá trị lịch sử được Hoàng gia giữ gìn từ thế kỷ thứ 8, đang được gìn giữ tại Kho lưu trữ bảo vật hoàng gia Shosoin ở Nara, khi đó là thủ đô của đất nước. 

Bên cạnh đó, Nhật Hoàng Akihito cũng quan tâm đến cuộc sống muôn loài trong thiên nhiên và công tác bảo tồn. Ngài đưa ra sáng kiến cho một dự án nghiên cứu, với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, soạn thảo những dữ liệu chính xác về cây cỏ, động vật trong khuôn viên Hoàng cung, gồm cả vườn Fukiage, thường không mở cửa cho tham quan. Tháng 5 năm 2007, Ngài quyết định lần đầu tiên mở cửa một phần vườn cho phép trẻ em và người lớn vào tham quan, chia sẻ vẻ đẹp thiên nhiên với nhân dân.

Riêng đối với các loài sinh vật biển, Nhật Hoàng Akihito có một sự đam mê đặc biệt. Từ khi còn là Hoàng Thái tử, Nhật Hoàng Akihito đã được cho là một chuyên gia về cá bống.

Nhật Hoàng đã viết 38 bài báo khoa học về loài cá này và dùng tên của mình để đặt cho một loài cá mới được phát hiện, đó là loài cá Exyrias Akihito. Tại Việt Nam, vào đầu những năm 1970 của thế kỷ trước, Nhật Hoàng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các loài cá ở vùng hạ lưu sông Mekong.

Thời điểm đó, Nhật Hoàng Akihito đã tìm ra giống cá bống trắng tại một nhánh sông Cần Thơ của Việt Nam đặt tên tiếng Anh là Glossogobius sparsipapillus. Đây là loại cá có thân thon dài (24cm), phía sau dẹp ngang, đầu dẹp đứng, mõm dài và nhọn.

Loại cá bống thứ 2 được Nhật Hoàng Akihito và Tiến sĩ Meguero tìm thấy là Glossogobius aureus có chiều dài khoảng 12cm. Cả hai loại cá bống này sau đó đều được đưa vào công trình nghiên cứu khoa học để bảo vệ luận án Tiến sĩ của Nhật Hoàng và Tiến sĩ Meguero năm 1976.

Trong tài liệu công bố của mình, Nhật Hoàng còn chỉ ra rằng, ở sông Mekong có tất cả 6 loài cá bống, phân bố rộng rãi ở các nước như Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ... 

Tiêu bản paratype mang ký hiệu No:137 Glossogobius sparsipapillus spNov.. được Nhật Hoàng Akihioto gửi tặng Bảo tàng Động vật, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh vật thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) hồi tháng 3 năm 1974 là mẫu cá bống trắng. Hiện tiêu bản này vẫn được bảo quản và trưng bày tại bảo tàng.

Hiện Nhật Hoàng Akihito vẫn trồng lúa và thu hoạch lúa trong Hoàng cung. Ảnh: Getty.

Theo thông tin từ cuốn sách "Their Majesties the Emperor and Empress of Japan" do Bộ Ngoại giao Nhật Bản phát hành, sau nghiên cứu ở sông Mekong, Nhật Hoàng Akihito còn dành nhiều năm để phân loại các loại cá bống cùng một loạt loại cá nhỏ khác sống ở nước ngọt, nước mặn và nước lợ.

Với tư cách là thành viên của Hội Ngư học Nhật Bản, Nhật Hoàng đã cho xuất bản 30 bài báo trên tạp chí của Hội từ năm 1963 đến 1989 và là một trong những người đóng góp cho cuốn sách "Những loài cá tại quần đảo Nhật Bản" (số ra đầu tiên năm 1984) - cuốn sách đầu tiên về các loài cá sống ở biển Nhật Bản có tranh minh hoạ.

Nhật Hoàng còn là Chủ tịch danh dự Hội thảo quốc tế lần 2 về các loài cá ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương năm 1985, và giới thiệu tài liệu mang tên "Một số đặc điểm hình thái học quan trọng của các loài cá Gobiid"  và sau này trở thành tài liệu của hội thảo.

 Năm 2000, mặc dù công việc nhiếp chính rất bận rộn nhưng Nhật Hoàng vẫn tiếp tục cho xuất bản 2 bài báo và là đồng tác giả cuốn sách "Các loài cá Nhật Bản và những đặc điểm chính của các loài cá thông qua hình ảnh", xuất bản lần thứ 3 năm 2013, lần xuất bản thứ 2 là bằng tiếng Anh.

Nhật Hoàng Akihito đã được Hội Linnean London mời trở thành thành viên năm 1980 và được bầu làm thành viên danh dự của hội năm 1986. Nhật Hoàng cũng là thành viên Danh dự của Hội Động vật học London từ năm 1992; thành viên của Viện Nghiên cứu khoa học tự nhiên Argentina từ năm 1997 và là hội viên nghiên cứu của Bảo tàng Australia. Năm 1998, Nhật Hoàng là người đầu tiên được nhận Huy chương Charles đệ nhị, do Hội Hoàng gia London trao tặng cho nguyên thủ các nước có đóng góp xuất sắc cho phát triển khoa hoc….

Ngoài ra, Nhật Hoàng Akihito còn có đam mê nghiên cứu lịch sử Nhật Bản và thế giới. Theo đề nghị của tạp chí Khoa học xuất bản số đặc biệt năm 1992 tại Nhật Bản, Ngài đã chấp bút bài tiểu luận "Những nhà khai phá khoa học đầu tiên tại Nhật Bản", nói về lịch sử khoa học thời sơ khai ở Nhật Bản sau khi người châu Âu đến quần đảo này.

Năm 1999, để kỷ niệm 10 năm Nhà vua lên ngôi, cuốn sách "Michi" (Con đường) được biên soạn và xuất bản, gồm tuyển tập các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn tại các cuộc họp báo và thơ waka của Nhật Hoàng và Hoàng hậu. Năm 2009, phần tiếp theo của cuốn sách được xuất bản để kỷ niệm 20 năm ngày lên ngôi của Nhật Hoàng.

Phan Hiển
.
.
.