Nguy cơ độc quyền khi có vaccine COVID-19

Thứ Năm, 21/05/2020, 16:16
Hơn 100 nghiên cứu vaccine COVID-19 đang được thực hiện. Và khi có vaccine thì mối lo về độc quyền lại xuất hiện.


Vì phần lớn thế giới vẫn đang bị cách ly hoặc giãn cách xã hội nên rất nhiều quốc gia đã đặt hy vọng về việc đầu tư vào sản xuất vaccaine. Tuy nhiên, với hơn 100 nghiên cứu vaccine COVID-19 đang được thực hiện, các chuyên gia y tế vẫn tự báo rằng phải mất ít nhất 12-18 tháng mới có thể có được vaccine hoàn chỉnh. Và khi có vaccine thì mối lo về độc quyền lại xuất hiện.

12-18 tháng để sản xuất

Trong một lần xuất hiện trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, quân đội Mỹ cũng đang tham gia sản xuất vaccine COVID-19 và có thể cung cấp vaccine này cho người dân với quy mô lớn và cả các đối tác nước ngoài vào chậm nhất là cuối năm nay. 

Nhưng một số chuyên gia cảnh báo, thời gian 12 đến 18 tháng có vaccine COVID-19 vẫn là “quá lạc quan”. Và rằng không thể nói, cơ hội cho một vaccine rộng rãi là bằng không nhưng cũng không ai dám chắc 100% người dân sẽ được tiếp cận loại vaccine này. Amesh Adalja, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins nhận định,  mốc thời gian 12 đến 18 tháng là rất tham vọng.

Kendall Hoyt, một chuyên gia về vaccine và an toàn sinh học tại Dartmouth thì gọi đây là một thách thức, nhưng có thể làm được. Nhưng có 2 vấn đề lớn là liệu vaccine đó có thể được phát triển hay không bởi có những loại bệnh mà đến các nhà khoa học giỏi nhất thế giới cũng chưa tìm được phương thuốc để ngăn ngừa. 

Thứ hai, ngay cả khi có một loại vaccine tiềm năng thì thời gian là một thành phần cần thiết của dòng nghiên cứu này. Các nhà khoa học cần nhiều tháng để đánh giá không chỉ một loại vaccine có hiệu quả trong việc miễn dịch trong nhiều tháng, mà còn kiểm tra độ an toàn, vì các tác dụng phụ có thể xuất hiện hàng tuần hoặc hàng tháng sau đó… 

Ngay cả khi không có vaccine, vẫn có một cơ hội rằng những phát minh khoa học và y tế khác xuất hiện khiến COVID-19 ít nguy hiểm hơn. Những tiến bộ trong điều trị, cùng với khả năng chăm sóc sức khỏe đủ để thấy tất cả các bệnh nhân bị nhiễm bệnh được chữa khỏi.

Gần 100 loại vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu và thử nghiệm.

Nguy cơ độc quyền

Ngày 14/5, Giám đốc điều hành hãng Sanofi của Pháp tuyên bố Mỹ sẽ được tiếp cận với vaccine phòng COVID-19 đầu tiên vì nước này đã hỗ trợ kinh phí nghiên cứu vaccine. 

Ngay lập tức, Bộ Tài chính Pháp gọi đây là điều không thể chấp nhận được  và nhấn mạnh, tất cả các quốc gia nên có quyền tiếp cận như nhau đối với vaccine COVID-19. 140 người trong đó có nguyên thủ và cựu nguyên thủ của nhiều quốc gia đã gửi thư tới Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) nhóm họp ngày 18/5 để kêu gọi bất kỳ loại vaccine cũng như phương pháp điều trị bệnh COVID-19 an toàn, hiệu quả cần phải được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân trên thế giới. 

Ủy ban châu Âu (EC) hôm 15/5 thì tuyên bố dùng quỹ khẩn cấp trị giá hơn 3 tỷ USD để tài trợ đầu tư xây dựng dây chuyền và trách nhiệm bảo hiểm cho các công ty dược phẩm, phòng thí nghiệm sản xuất vaccine COVID-19. Trong dự thảo Nghị quyết gửi WHA, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đề xuất kêu gọi đồng sáng chế mang tính tự nguyện cho vaccine COVID-19, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị.

Riêng tổ chức phi chính phủ Oxfam thì hối thúc các chính phủ và hãng dược đảm bảo vaccine, bộ xét nghiệm và điều trị sẽ không được bảo hộ độc quyền sáng chế và được cung cấp công bằng đến tất cả các quốc gia và người dân. 

Oxfam lập luận rằng, chi phí cung cấp vaccine COVID-19 cho một nửa dân số nghèo nhất thế giới (khoảng 3,7 tỷ người), thấp hơn lợi nhuận trong 4 tháng của 10 hãng dược lớn. Quỹ Gates cũng ước tính chi phí mua sắm và chuyển giao vaccine an toàn và hiệu quả cho những người nghèo nhất thế giới vào khoảng 25 tỷ USD. 

Năm ngoái, 10 hãng dược lớn nhất có lợi nhuận là 89 tỷ USD – trung bình gần 30 tỷ USD chỉ trong 4 tháng… Nếu đề xuất này trở thành bắt buộc và được áp dụng toàn cầu, thì tất cả các nước sẽ có thể sản xuất, hoặc nhập khẩu vaccine, bộ xét nghiệm và thuốc điều trị với chi phí thấp.

Tuy nhiên, các tài liệu rò rỉ cho thấy đang có những nỗ lực nhằm loại bỏ các đề xuất về đồng sáng chế và nhấn mạnh việc tôn trọng độc quyền sáng chế của các công ty dược. Tháng 3 vừa qua, hãng dược Gilead đã chuyển hướng mở rộng độc quyền đối với một loại thuốc điều trị COVID-19 tiềm năng, và chỉ từ bỏ sau khi vấp phải sự phản đối của công chúng. 

Gilead hiện nay đã viện trợ phần lớn nguồn cung cấp thuốc remdesivir cho Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên các báo cáo tin tức cho rằng công ty này có thể kiếm lợi đáng kể từ việc sản xuất thuốc tiếp theo. Các nhà phân tích phố Wall cho rằng Gilead tính chi phí điều trị với giá cao hơn 4.000 USD cho mỗi bệnh nhân, mặc dù giá thành sản xuất thuốc chỉ vào khoảng 9 USD/người. 

Ông Jose Maria Vera, quyền Giám đốc điều hành của tổ chức Oxfam quốc tế nhấn mạnh: Các chính phủ cần dỡ bỏ những quy định không phù hợp và đặt ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người lên trên việc bảo hộ độc quyền sáng chế và lợi nhuận của các tập đoàn dược. Các chính phủ phải đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”.

Khánh Chi
.
.
.