Người trong cuộc nói gì về cháu bé bị bỏ rơi tại tòa

Thứ Sáu, 22/05/2020, 18:51
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến vụ việc người cha bỏ con tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang. Lý do mà cả cha và mẹ đều không thể nuôi cháu bé mới chỉ lên 4 tuổi là vì quá nghèo khó. Dù cuộc sống không khá khẩm hơn, lại bị tàn tật nhưng bác của cháu bé (chị gái mẹ cháu bé) đã đứng ra nhân nuôi.


Cháu bé đã có nơi nương tựa

Khoảng 8h ngày 18-5, một người đàn ông dắt theo một bé trai đến trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang rồi bỏ đứa trẻ lại đây. Trước khi bỏ đi, người đàn ông này đã ghi lại một tờ giấy rồi đút vào túi quần của con trai. Nội dung tờ giấy như sau: “Tòa giải quyết đơn phương cho cô Đào Thị Lợi, nay tôi mang đứa con nhờ tòa trả lại cho cô Lợi mẹ nó. Tôi không đẻ, tôi không nuôi”.

Đứa trẻ sau đó đã được chị Mai – người bán hàng nước gần trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang phát hiện và đưa lên Văn phòng của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang. Đơn vị này sau đó đã liên lạc với các cơ quan liên quan để tìm lại người thân cho cháu bé.

Hiện cháu bé được người bác ruột khuyết tật nhận chăm nuôi.

Đến trưa 19-5, bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP Bắc Giang, Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Bắc Giang cùng các đơn vị liên quan đã đến nhà mẹ ruột của cháu bé là chị Đào Thị Lợi (trú tại tổ dân phố Hòa Sơn, phường Đa Mai, TP Bắc Giang) để làm thủ tục trao lại cháu bé.

Bà Tuyết cho biết, trước mắt chính quyền cứ bàn giao lại cháu cho mẹ ruột nuôi dưỡng. Nếu khó khăn sẽ có phường hỗ trợ. Phường hỗ trợ không đủ, thành phố sẽ sử dụng quỹ trẻ em của thành phố và vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ cháu.   

Khi được hỏi lý do vì sao từ khi dời khỏi nhà chồng chưa một lần quay lại thăm con mình thì chị Lợi giải thích: “Nhiều lúc nhớ con tôi cũng muốn về thăm cháu lắm nhưng lại sợ bị chồng đánh. Chồng tôi cục tính, mỗi lần đánh vợ thì đau lắm, tôi không chịu nổi mới phải bỏ đi. Sau khi sinh con được khoảng 7 tháng, tôi đã bị chồng đánh đập vì ghen tuông.

Trong thời gian tôi đi làm phụ hồ thì anh ấy nghi ngờ tôi có quan hệ bất chính với  một người đàn ông đáng tuổi bố mình. Tôi bảo tôi không làm vậy nên tôi không nhận, thế là anh ấy doạ nếu không nhận sẽ đánh tôi chết. Khoảng 2 tháng sau tôi lại bị anh ấy ném chai bia vào người, bị đánh gãy cả răng còn đầu thì sưng vù. Sau lần đó tôi sợ quá nên đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ từ đó đến nay”.

Được biết, trước khi đến với anh Tâm, chị Lợi đã có một đời chồng và sinh được 2 đứa con. Tuy nhiên, chồng chị không may qua đời. Chị Lợi nhớ lại lúc quyết định đến với anh Tâm: “Hồi tôi quyết định đến với anh ấy, bố mẹ và người thân đều phản đối. Chính vì thế mà khi tôi bị đánh, tôi bỏ về nhà bố mẹ đẻ thì bố mẹ tôi bảo không chứa chấp. Nhưng khi thấy tôi khổ quá thì bố mẹ lại thương”.

Hằng ngày, chị Lợi phải đạp xe 17 cây số để đi lấy rau về bán. Lãi từ gánh rau nhỏ cũng chỉ vài chục nghìn đồng mỗi ngày. Chị bảo số tiền ấy chẳng giúp chị nuôi nổi 2 đứa con của người chồng trước (một đứa học lớp 5 và một đứa học lớp 2). Chính vì vậy, khi ra khỏi nhà chồng, chị Lợi đành phải để đứa con nhỏ cho anh Tâm nuôi.

Cuộc sống của chị Lợi cũng chẳng khá khẩm hơn bởi chị còn nuôi 2 đứa con nhỏ của người chồng trước.

Khi nghe tin con trai bị bố bỏ rơi tại trụ sở Toà án, gia đình chị đã họp bàn và quyết định sẽ mang bé về nuôi. Người sẽ trực tiếp nuôi nấng và cưu mang bé Hùng là chị Đào Thị Bình, chị gái chị Lợi. Được biết, chị Bình vốn là người khuyết tật nên ở vậy không lấy chồng. Trước đó chị Bình cũng đã nhận một bé gái về nuôi để mong có người dựa dẫm khi về già.

Chị Bình cho biết: “Tôi bị dị tật chân nên chẳng thể làm được các việc nặng thế nên cũng chả có thu nhập. Cuộc sống vốn đã rất khó khăn giờ nhận nuôi thêm cháu Hùng, tôi biết mình sẽ phải vất vả hơn rất nhiều. Nhưng nhìn em gái chật vật, khổ sở quá nên tôi không cam lòng. Thôi thì cháu về ở với tôi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng tôi sẽ cố gắng nuôi cháu thành người”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, gia đình chị Lợi thuộc diện khó khăn. Cách đây 2 năm, bố chị Lợi mất do căn bệnh ung thư. Mẹ chị Lợi hiện cũng đã nhiều tuổi phải sống dựa vào các con. Anh trai chị Lợi gia cảnh cũng chả khấm khá gì. Chị Bình thì khuyết tật, có cô em gái cũng không được bình thường.

"Ở với tôi cháu không thể có cuộc sống tốt hơn"

Chúng tôi đã tìm gặp anh Thân Thanh Tâm, người đã mang con đến bỏ tại trụ sở Tòa án tỉnh Bắc Giang. Trong ngôi nhà chỉ hơn chục mét vuông ở thôn Đức Liễu, xã Hồng Thái (Việt Yên, Bắc Giang), đồ đạc chẳng có gì giá trị hơn mấy bộ quần áo cũ, cáu bẩn.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về lý do bỏ con, anh Tâm nói anh ta bỏ con vì tòa án giải quyết đơn phương, mặt khác lại do kinh tế của mình quá khó khăn, bản thân không thể mang lại cuộc sống tốt nhất cho con.

Anh Tâm cho rằng cháu bé ở với anh sẽ không thể có cuộc sống tốt đẹp hơn.

“Thâm tâm tôi muốn mẹ cháu đến đón về nuôi, chứ không muốn bỏ rơi cháu cho người khác. Tôi mong mọi người hiểu và xác minh, phía tòa đã giải quyết đơn phương. Đưa con ra toà rồi bỏ con ở đấy tôi rất thương cháu, cả đêm qua tôi cũng không ngủ được. Nhưng chỉ có về với mẹ, cháu mới có cuộc sống tốt hơn, dù gì hoàn cảnh của mẹ cháu cũng khá hơn tôi, cô ấy còn ở nhờ được nhà bà ngoại. Tôi nay ốm, mai đau, giờ lại bị viêm cầu thận nữa nên sau này sẽ không thể lo cho cháu ăn học được”, anh Tâm trải lòng.

Ở thôn Đức Liễu, Anh Tâm có cuộc sống gia đình khá phức tạp. Người đàn ông này từng có 2 đời vợ, cảnh nghèo khó luôn bám. Hiện tại, người đàn ông này đang sống chung cùng căn nhà dột nát của mẹ đẻ nhưng bản thân đã bị mẹ từ mặt vì những mâu thuẫn. Anh Tâm và người vợ đầu sống với nhau không được lâu thì cũng chia tay vì không sinh được con. Đến người vợ thứ 2 sinh được một bé trai, nhưng sau đó người vợ này cũng bỏ anh từ khi con trai mới 5 tháng tuổi.

Nói đến đây anh Tâm khóc nói: “Tôi một mình nuôi cháu từ lúc cháu mới 5 tháng tuổi. Hai bố con có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, giờ cháu cũng lên cấp 1”. Năm 2016, anh Tâm đến với chị Lợi qua một người thân mai mối. Cũng vì cùng cảnh “rổ rá cạp lại”, họ không tổ chức đám cưới mà chỉ làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian đầu hòa thuận, sau đó hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.

“Tôi thừa nhận cô ấy bỏ tôi về nhà mẹ đẻ vì có một lần bị tôi đánh trong một lần xảy ra xô xát. Không ở với nhau được tôi cũng đồng ý ly hôn. Tuy nhiên, phải giải quyết cho thoả đáng, tôi nuôi con, cô ấy phải hỗ trợ phụ tôi chăm sóc thằng bé và ngược lại. Từ ngày cô ấy bỏ đi đến giờ không hỏi thăm con lấy một lần, cực chẳng đã tôi mới phải đem con ra toà làm vậy. Một mình tôi đã phải nuôi con của vợ cũ, thậm chí không có tiền đóng học cho con, mẹ tôi thì từ mặt, không có chỗ để chui ra chui vào, ăn bữa nào lo bữa ấy”, anh Tâm nhắc lại việc tòa xử cho anh phần nuôi con.

Anh Tâm nói rằng dù con trai sau này lớn lên có hận hay ghét bố thì cũng cam chịu.  “Sau này nếu con tôi hiểu và thông cảm cho bố thì sẽ có duyên gặp lại. Ai thương con cũng phải có trách nhiệm, mẹ cháu đẻ ra cũng nên chăm lo cho cháu chứ đừng nên phó mặc hết cho tôi như vậy. Dưới này tôi có một mình, trên nhà ngoại còn có các bác, các cô nên cứ để cháu về với mẹ sẽ tốt hơn”.

Phong Anh
.
.
.