Người "thách thức" Tổng thống Donal Trump

Thứ Sáu, 22/11/2019, 13:44
Tỷ phú truyền thông 77 tuổi Michael Rubens Bloomberg, người giàu thứ 8 nước Mỹ và thứ 14 thế giới với tài sản trị giá khoảng 57 tỷ USD, cựu Thị trưởng thành phố New York, đã nộp đơn tham gia vòng bỏ phiếu sơ bộ chọn ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ tại bang Alabama vào giờ chót ngày 8-11.


Ông cũng quyết định chi 100 triệu USD vào chiến dịch quảng cáo trực tuyến chống lại Tổng thống Trump tập trung vào cử tri ở bốn bang là Arizona, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Dù chưa đưa ra quyết định chính thức về việc có tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 hay không, nhưng động thái của vị tỷ phú này cũng khiến nhiều ứng cử viên trong cuộc đua vào ghế Tổng thống Mỹ lo ngại, dù dự đoán ông sẽ sớm thất bại trong chiến dịch tranh cử.

Thành tỷ phú nhờ bị… sa thải

Michael Rubens Bloomberg sinh ngày 14-2-1942 ở Medford, Massachusetts. Năm 1964, Bloomberg nhận bằng cử nhân Khoa học về kỹ thuật điện của Đại học Johns Hopkins. Năm 1966, ông tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Trường Kinh doanh Harvard.

Tỷ phú Michael Bloomberg.

Bloomberg bắt đầu công việc ở Ngân hàng Đầu tư Salomon Brothers với công việc nhàm chán của một nhân viên đếm các chứng chỉ cổ phiếu và trái phiếu. Sau này trong cuốn tự truyện, ông viết rằng khi đó ông phải làm việc trong hầm không điều hòa, thỉnh thoảng uống cả đống bia để tăng sức chịu đựng. Dù nhận lương thấp hơn tới 40% so với các công ty khác mời chào nhưng Bloomberg chọn làm việc ở Salomon Brothers bởi đây là công ty nổi tiếng nhờ văn hóa trọng người tài.

Bloomberg cảm thấy ông có thể chuyên nghiệp hơn nếu làm việc tại đây. Bắt đầu từ vị trí thấp trong công ty, 6 năm sau, Bloomberg trở thành nhân viên giao dịch trái phiếu và đồng thời là cổ đông tại công ty. Khi đó, mỗi tuần, ông phải làm việc liên tục 12 tiếng mỗi ngày, 6 ngày/tuần.

Đến cuối thập niên 70, Bloomberg được cất nhắc làm trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu, song đến năm 1979, John Gutfreund - CEO của Salomon Brothers khi đó, đề nghị ông rời vị trí để chuyển sang mảng hệ thống máy tính mới thành lập. Dù đây là sự giáng chức, nhưng cho đến sau này, Bloomberg không hề hối tiếc về việc đó…

Thế giới có lẽ đã không có một tỷ phú Bloomberg nếu như Ngân hàng Salomon Brothers không có một biến cố. Đó là năm 1981, Phibro Corporation mua ngân hàng này và tái cấu trúc. Dù ở vị trí quản lý cấp cao nhưng Bloomberg bị sa thải.

Dù mất việc và cũng không được nhận gói trợ cấp thôi việc nhưng Bloomberg không trắng tay khi đã có cổ phần trị giá 10 triệu USD với tư cách là đối tác tại công ty. Ngoài 10 triệu USD, Bloomberg còn có một "vốn liếng" rất quan trọng khác là những kỹ năng và mối quan hệ ông gây dựng được khi làm việc tại Salomon Brothers.

Năm 1982, Bloomberg bắt tay xây dựng công ty riêng với tên gọi ban đầu là Innovative Market Solutions đặt trụ sở tại Midtown Manhattan, thành phố New York. Ý tưởng của Bloomberg khi lập công ty là xây dựng một hệ thống thông tin gồm nhiều kênh đầu tư khác nhau như chứng khoán, tiền tệ và qua đó làm rõ vị thế của từng công ty trên thị trường, trừ đó tạo nên kho dữ liệu, phân tích chất lượng cao và bán dịch vụ cho các nhà đầu tư.

Ban đầu, Bloomberg thuê 4 cựu đồng nghiệp tại Salomon để hoàn thành dự án này và bắt đầu chào bán sản phẩm kể từ trước khi chúng được hoàn thành. Bộ phận đầu tư Capital Market Dision của Merrill Lynch là nơi đầu tiên hứng thú với sản phẩm của Bloomberg. Khi đó, dù sản phẩm chưa hoàn thành nhưng Bloomberg hứa hẹn với đối tác không ngần ngại như thể họ đã làm xong sản phẩm.

Sau này, trong cuốn sách của mình, Bloomberg nhắc lại: "Thương vụ đầu tiên đó không hề dễ dàng và nếu xét theo tiêu chuẩn đàm phán kinh doanh ngày nay, nó thậm chí thật buồn cười. Tuy vậy, chúng tôi đã làm được điều đó và thành công". Merrill Lynch sau đó đã đầu tư 30 triệu USD vào Innovative Market Solutions. Năm 1987, công ty được đổi tên thành Bloomberg LP và có tốc độ phát triển nhanh chóng. Năm 1989, công ty đã có giá trị lên tới 2 tỷ USD. Cuối cùng, Bloomberg quyết định phân nhánh Bloomberg LP thành Bloomberg News và Bloomberg TV.

Bloomberg được cho là sở hữu một căn nhà trước biển trị giá 10 triệu USD tại Bermuda.

Hiện Bloomberg là một tập đoàn khổng lồ với việc sở hữu hàng chục công ty con khác nhau. Trong đó, có những thương hiệu nổi tiếng toàn thế giới như: hãng tin Bloomberg News; kênh truyền hình Bloomberg Television; tạp chí Bloomberg Markets; Bloomberg Beta: công ty đầu tư mạo hiểm được quản lý và vốn hòa hoàn toàn bởi Bloomberg...

Với tỷ phú, tiền phải "đẻ" ra tiền, vì thế tài sản của Bloomberg cũng liên tục gia tăng hằng năm. Tháng 3-2009, Forbes thống kê tài sản của Bloomberg ở mức 16 tỷ USD, tăng 4,5 tỷ USD so với năm trước, hưởng mức tăng tài sản lớn nhất thế giới vào năm 2009. Vào thời điểm đó, chỉ có 4 tài sản ở Mỹ lớn hơn (mặc dù tài sản của gia đình Walmart được chia cho bốn người). Ông đã chuyển từ vị trí thứ 142 lên thứ 17 trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes chỉ trong 2 năm (tháng 3/2007 - tháng 3/2009).

Tháng 3-2012, Forbes thống kê sự giàu có của Bloomberg ở mức 22 tỷ USD, xếp thứ 20 trên thế giới và thứ 11 tại Mỹ. Đến tháng 9-2013, tài sản của Bloomberg được Forbes báo cáo là 31 tỷ USD và xếp ông là người giàu thứ 10 ở Mỹ. Tháng 9-2015, giá trị tài sản ròng của ông là 43,3 tỷ USD, là người giàu thứ 6 ở Mỹ. Tính đến tháng 3-2019, ông được xếp hạng là người giàu thứ 9 trên thế giới, với giá trị tài sản ròng ước tính là 57,1 tỷ USD.

Thị trưởng thứ 108 của thành phố New York chỉ nhận lương 1 USD/năm

Khi đã trở thành tỷ phú, Bloomberg quyết định tham gia chính trị. Năm 2001, Bloomberg chạy đua giành chức Thị trưởng thành phố New York với tư cách là một ứng viên theo đảng Cộng hoà. Ông đắc cử vài tuần sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9.

Ngày 1-1-2002, Bloomberg nhậm chức Thị trưởng thứ 108 của Thành phố New York. Bloomberg đã đưa New York trở lại sau vụ tấn công khủng bố 11-9, tăng số lượng công việc của khu vực tư nhân lên mức cao kỷ lục, giảm tội phạm hơn 30% và lượng khí thải carbon của thành phố giảm 19%, hỗ trợ mở rộng cho nghệ thuật và văn hóa, và thực hiện các chương trình chống đói nghèo đầy tham vọng.

Bloomberg chi hàng trăm triệu USD cho nhiều phương tiện đắt đỏ, như trực thăng và máy bay riêng.

Vì vậy ông đã làm Thị trưởng New York suốt 3 nhiệm kỳ. Chấp nhận chi ra tới 650 triệu USD cho những chiến dịch tranh cử, nhưng suốt 12 năm là Thị trưởng, ông từ chối mức lương tổng cộng 2,7 triệu USD cho các nhiệm kỳ của mình mà chỉ nhận lương… 1 USD/năm. Trong khi ông chi tiền cá nhân trong suốt các nhiệm kỳ của mình.

Trong 12 năm làm Thị trưởng New York, thành tựu nổi bật đầu tiên của ông là cấm hút thuốc lá trong các quán bar tại đây vào năm 2003. Sau đó, ông là người ủng hộ nhiệt thành cho việc kiểm soát súng, và vào năm 2006 thành lập nhóm vận động chống bán súng trái phép, được 1.000 thị trưởng trên khắp nước Mỹ ủng hộ.

Nhưng ông cũng là nhân vật gây tranh cãi đối với New York. Người New York nhìn nhận ông là người ủng hộ mạnh mẽ và khuyến khích các dự án bất động sản lớn trong thành phố, khiến giá nhà tăng cao và nhà ở cho người thu nhập trung bình ngày càng khan hiếm. Các tòa tháp chọc trời mọc lên khắp thành phố, kèm theo những dự án công cộng như công viên High Line chạy dọc phía Tây đảo Manhattan. Du khách tới New York cũng tăng vọt trong nhiệm kỳ của ông.

Năm 2013, sau 12 năm giữ chức thị trưởng, ông trở lại vai trò CEO của Bloomberg LP. Bloomberg cũng là một nhà từ thiện nổi tiếng, Bloomberg đã hỗ trợ hơn 4,3 tỷ USD cho giáo dục, môi trường, đổi mới của chính phủ, nghệ thuật và y tế công cộng. Bloomberg cũng là người rất kiên định trong ủng hộ việc kiểm soát súng. Ông đã cam kết chi hơn 50 triệu USD cho một chiến dịch mới nhằm kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng súng.

Người góp phần làm cuộc đua vào Nhà Trắng thêm kịch tính

Khả năng Bloomberg tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ khiến các đảng viên Dân chủ có phản ứng trái chiều. Một số coi xu hướng chính trị ôn hòa của Bloomberg là trở ngại lớn với các đối thủ trong đảng Dân chủ như cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nữ Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Người phát ngôn Jason Schechter của Bloomberg cho biết vị tỷ phú này sẽ nhắm vào các tiểu bang mà những ứng viên khác của đảng Dân chủ chưa từng đến vận động cử tri.

Tuy nhiên Bloomberg cho rằng ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giành sự đề cử của đảng Dân chủ bởi có quá nhiều ứng viên. Hiện tại đảng Dân chủ có 17 ứng cử viên tham gia tranh cử. Bloomberg cũng sẽ phải đối mặt với các thắc mắc về quyết định tranh cử chức Thị trưởng New York năm 2001 với tư cách là đảng Cộng hòa.

Ông đã chuyển sang là cử tri độc lập trước khi ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2009. Năm 2018, trong khi cân nhắc xem có nên tranh cử Tổng thống hay không, ông đã chuyển đăng ký đảng một lần nữa và trở thành một thành viên đảng Dân chủ.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Bloomberg là "Michael bé nhỏ" và nói rằng: "Dù không làm tốt, tôi nghĩ ông ta sẽ khiến cựu Phó Tổng thống Joe Biden bị tổn thương. Tôi không muốn đua với ai ngoại trừ "Michael bé nhỏ". Ông ấy không có phép thần thông nào để làm tốt trong chiến dịch tranh cử và 'Michael bé nhỏ' sẽ sớm thất bại".

Theo giới phân tích, dù chưa có thông báo tranh cử chính thức, nhưng với khối tài sản khổng lồ cũng như những kinh nghiệm trên chính trường, Bloomberg sẽ khiến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 kịch tính hơn nếu tham gia.

Minh Khuê (Tổng hợp)
.
.
.