Người nghiện ma túy đầu tiên bảo vệ thành công đề tài khoa học

Thứ Hai, 18/01/2016, 14:40
Từng là một con nghiện có thâm niên nhưng Lê Trung Tuấn hiện là Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD đã nỗ lực cai nghiện thành công sau đó trở thành doanh nhân thành đạt. Anh cũng từng viết tự truyện "Nẻo về" kể lại quãng đời sóng gió của mình. Và mới đây nhất Lê Trung Tuấn đã bảo vệ thành công một đề tài khoa học về "Nghiên cứu nguyên nhân tái sử dụng, tái nghiện ở người nghiện ma túy".

Không hổ thẹn khi nhắc về quá khứ

Thông thường khi ai đó đã có chỗ đứng trong xã hội thường ngại nhắc tới quá khứ nếu quá khứ ấy chồng chất lỗi lầm. Lê Trung Tuấn thì khác, anh thường coi đó là bài học, là thứ mà mình phải luôn soi vào để sống ý nghĩa hơn trong hiện tại và tương lai.

Lê Trung Tuấn sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo ở thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Mẹ anh là bác sĩ của bệnh viện huyện Duy Tiên, bố là bộ đội giải ngũ. Tốt nghiệp cấp 3, anh thi đỗ vào một trường cao đẳng. Lần đầu tiên đi học xa nhà, vừa cô đơn vừa được tự do không ai quản lý nên Tuấn đã đua đòi theo bạn bè và bập vào ma túy.

Ban đầu chỉ là thử cho vui nhưng rồi thứ ma túy chết người cứ ngấm dần, ngấm dần khiến anh nghiện nặng. Lúc mới nghiện, Lê Trung Tuấn còn giấu giếm gia đình, sau khi nghiện nặng thì chút sĩ diện ấy cũng không còn nữa. Thậm chí, mỗi lần có dịp về nhà anh đều "vác" một thứ gì đó có giá trị của gia đình đi đổi lấy thuốc.

Thấy con nghiện nặng, bố mẹ anh đã bàn bạc và quyết định đưa anh lên nhà người cậu ở Yên Bái để cai nghiện. Nhà cậu anh có một xưởng sản xuất gạch xiên hoa. Thời gian đầu Tuấn cũng quyết tâm lắm, cố gắng làm việc chăm chỉ để nguôi ngoai dần những cơn vật thuốc. Thế mà, chỉ trong một lần cậu mợ nhờ đi giao hàng cho khách, có cơ hội "xổng chuồng" anh lại lén đi mua ma túy, rồi lại nghiện lòi.

Một buổi giao lưu và chia sẻ kỹ năng chống tái nghiện tại trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội Thanh Hóa.

Hôm trên tàu từ nhà cậu về quê ăn Tết Tuấn đã nghĩ rất nhiều. "Phải chứng kiến cảnh mẹ khóc hết nước mắt, bố bạc trắng tóc vì tôi tôi cũng đau lòng lắm. Nhưng đấy chỉ là những lúc tỉnh táo thôi chứ lên cơn vật rồi thì mọi thứ chả có ý nghĩa gì hết" - anh Tuấn nhớ lại. Về quê, Tuấn cũng hứa hẹn, thề thốt với bố mẹ, chị gái và anh rể nhiều lắm. Nhưng khi cơn vật đến anh lại mò đi tìm thuốc.

Tiền không có, Tuấn lừa dắt chiếc xe máy mới sắm của gia đình chị gái đến hiệu sửa chữa bảo người ta tháo hết đồ xịn thay đồ đểu lấy tiền mua thuốc. "Đói thuốc tôi mò lên Hà Nội, làm cư dân của xóm bụi Thanh Nhàn, giao du với đủ loại lưu manh và làm đủ thứ nghề như bảo kê sòng bạc, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, vận chuyển vũ khí… Miễn sao có tiền để chơi ma túy. Nhiều lần đi ăn trộm nhưng bất thành bị người ta đánh cho thừa sống thiếu chết" - Lê Trung Tuấn kể.

Tuấn hết lần này đến lần khác vào trại cai nghiện nhưng rồi vẫn ngựa quen đường cũ. Trong một lần được bố mẹ vào trại xin cho về quê ăn Tết, trên chuyến tàu "định mệnh", Tuấn đã gặp người đàn bà "định mệnh". Anh tâm sự: "Lần đầu tiên khi nhìn thấy người phụ nữ đó trái tim tôi đã loạn nhịp. Tôi đặt mục tiêu cho mình là phải yêu và cưới bằng được cô ấy. Cuối cùng thì tôi đã làm được".

Dù vậy thì những thứ "định mệnh" ấy cũng không đủ sức để thay đổi cuộc đời anh. Cho dù sau này khi phát hiện ra Tuấn là một con nghiện nặng nhưng vì quá yêu nên Hương vẫn chấp nhận yêu và làm đám cưới với Tuấn. Hạnh phúc chẳng được bao lâu, Tuấn hiện nguyên hình là một con nghiện mất nhân tính. Anh bỏ bê vợ, suốt ngày lang thang cùng đám bạn nghiện.

Nhiều lần vì lo lắng cho anh, chị Hương đã cầm dao xông thẳng vào ổ nghiện để đưa chồng về. Tuấn không nghe, chị đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng may mắn được cứu sống. Lần khác vì không khuyên được chồng, chị đã dùng dao lam cắt mạch máu tay tự tử. Chính lần đó Tuấn đã phát hiện và hô hoán hàng xóm cùng đưa vợ đi cấp cứu.

Nhiều lần mang cả tính mạng mình ra "thế chấp" chỉ với một ước muốn làm cho chồng thức tỉnh nhưng vô nghĩa, cuối cùng chị Hương đành phải viết đơn ly hôn. Biết mình đã làm khổ vợ quá nhiều nên Tuấn không níu kéo dù tim đau nhói. Ngày ra tòa ly hôn cả hai đều khóc. Tối hôm đó, Tuấn lừa mẹ mang ti vi "đi sửa".

Anh Lê Trung Tuấn tại lễ công bố đề tài khoa học.

Cầm trong tay số tiền 1,3 triệu mẹ đưa anh mua tất ma túy và tiêm một phát vào tĩnh mạch. Sốc thuốc khiến anh bất tỉnh suốt 5 tiếng. Cả nhà ai cũng nghĩ Tuấn đã chết nên khóc lóc thảm thiết rồi cắt cử người lo hậu sự. Trong lúc cả gia đình đang bối rối thì Tuấn lồm cồm bò dậy đòi uống nước. Kể từ lần đó, Tuấn không còn cảm giác thèm ma túy.

Nghiên cứu về người nghiện để giúp họ cai nghiện

Hết nghiện, anh làm đủ thứ nghề để sinh sống. Hết buôn bán xe máy cũ lại về quê chăn vịt. Anh chia sẻ: "Hồi tôi buôn xe máy cũ đã gặp được bà xã bây giờ. Có lẽ cô ấy và gia đình là những người đầu tiên không kỳ thị quá khứ của tôi. Chính nhờ họ tin tưởng mới khiến tôi có động lực để làm lại cuộc đời. Tôi về quê nuôi vài nghìn con vịt nhưng mưa to bão lớn đã khiến đàn vịt trôi đi hết, thế là trắng tay. Vậy mà không hiểu sao bố mẹ vợ tôi vẫn tin là tôi sẽ làm được nên ông bà đã bán cả đất cho vợ chồng tôi tiền làm ăn buôn bán".

Chỉ sau 2 năm vợ chồng anh đã thành lập được doanh nghiệp buôn bán xe máy Tuấn Bằng. Công việc làm ăn kinh doanh cứ lên như diều gặp gió. Có vốn vợ chồng anh lại đầu tư vào bất động sản.

Khi đã thành đạt, anh lại đau đáu nỗi niềm về thân phận của những người nghiện. Anh muốn làm việc gì đó để "trả nợ" cuộc đời. Việc làm đầu tiên là anh viết tự truyện "Nẻo về" (xuất bản năm 2013). Trong cuốn tự truyện ấy anh đã kể lại quãng đời nghiện ngập và ý chí vươn lên làm lại cuộc đời. Viết tự truyện không phải mong để nổi tiếng mà anh muốn đến từng trại giam, từng trung tâm cai nghiện tặng sách cho những con người lầm lỗi. 25 nghìn cuốn sách với trị giá hàng tỉ đồng đã được trao tặng. Anh ao ước: "Trong hàng nghìn con người đọc tự truyện của tôi, chỉ cần vài ba người thức tỉnh và quyết tâm làm lại cuộc đời là tôi cũng mãn nguyện lắm rồi".

25 nghìn cuốn tự truyện nẻo về đã được phát miễn phí tới các trại giam và trung tâm cai nghiện.

Không dừng ở đó, anh còn đi sâu nghiên cứu tâm lý của người nghiện. Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi đã có 6 năm nghiện ma túy, đã cai thành công 15 năm nay. Mười năm qua tôi luôn đi tìm câu trả lời vì sao người nghiện vẫn tái nghiện". Cũng vì những trăn trở đó mà vào ngày 31-12-2013, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ cai nghiện cho người nghiện (PSD) ra đời do anh làm giám đốc. Đây là trung tâm đầu tiên nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý của người nghiện ma túy. Từ đó xây dựng và phát triển phương pháp điều trị chống tái nghiện ma túy thành công, mang tính bền vững. Đồng thời triển khai các dự án phòng, chống ma túy trong học đường và ngoài cộng đồng.

Sau 2 năm đi vào hoạt động và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ cai nghiện cho người nghiện đã được Sở khoa học và công nghệ Hà Nội cấp giấy chứng nhận thành lập Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD. Tiếp nối những thành công đó, ngày 29-12-2015, giám đốc Lê Trung Tuấn đã bảo vệ xuất sắc đề tài "Nghiên cứu nguyên nhân tái sử dụng, tái nghiện ở người cai nghiện ma túy". Phương pháp của PSD tập trung vào giai đoạn chống tái nghiện, đem lại hy vọng cho xã hội, khi có thể đáp ứng được tỉ lệ cai nghiện thành công lên tới 60%. Mở ra hướng đi mới trong điều trị chống tái nghiện, góp phần nhỏ bé vào công cuộc chống ma túy tại Việt Nam.

Đã từng là người nghiện ma túy nên Lê Trung Tuấn chứng kiến nhiều hệ lụy do ma túy gây ra và thấu hiểu nỗi tủi cực của những người thân trong gia đình có người nghiện. Anh tâm sự: "Tôi luôn ao ước làm cách nào đó những người nghiện ma túy không bao giờ tái nghiện"…

Phong Anh
.
.
.