Người Mông ở chân núi đá Đại Bình

Thứ Hai, 15/07/2013, 16:43

Tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, vào năm 1992 có 10 hộ Mông từ Cao Bằng đến đây lập nghiệp. Để tồn tại nơi mới, bà con vừa đối phó với bệnh tật vừa cơm áo tưởng chừng như không trụ nổi. Sau này nhờ chính quyền và nhân dân cưu mang nên từ 10 hộ đã lên đến 54 hộ cùng sống chung với người Dao Đỏ, Nùng, Mường Khor, Kinh.. Hiện nay cuộc sống của họ đã thay da đổi thịt từng ngày. Hàng năm vào ngày mùng 6 Tết, tại đây đều tổ chức lễ hội Lòng Tòng, thu hút khá nhiều người đến xem. Làng Mông trở thành điểm văn hóa tiêu biểu ở vùng nông thôn mới.

Ông Phó Chủ tịch xã Lộc Thành, Nguyễn Quang Trí uống hết ly trà nóng vui vẻ nói với chúng tôi: “Chúng ta phải đi thôi! đã thông báo với làng Mông tối hôm qua rồi, bà con đang chờ, mình đến chậm là có lỗi với họ. Các anh em phải đổ thêm xăng để đi đường dài và vượt qua đèo Con Rắn. Tất cả bà con mình nên mặc áo mưa. Chúng ta phải đi bằng mọi giá, bất cứ thời tiết như thế nào”.

Ông Trí nổ máy xe chạy trước dẫn đường, chúng tôi rời ủy ban trong lúc bên ngoài đổ mưa dữ dội. Cơn mưa sáng trắng trời ở Nam Tây Nguyên kèm theo những cơn gió xoáy ngược chiều thổi rát mặt như muốn đẩy lùi chúng tôi khi cố vượt lên đỉnh đèo. Đường vào làng Mông dài 8km rộng 6m với tổng kinh phí 14 tỉ hoàn thành năm 2012, đó là con đường đèo tráng nhựa nằm vắt vẻo uốn lượn theo triền núi như con rắn, khi lên cao đường chuyển sang bê tông xi măng. Cho dù nhựa hay xi măng gì cũng là con đường mơ ước đã bao năm nay nhân dân làng Mông chờ đợi đến đỏ mắt. Chín giờ 15 phút sáng, trời dứt cơn mưa. Đứng trên đỉnh đèo Con Rắn này có thể nhìn được cả vùng không gian rộng lớn, làng Mông hiện rõ mồn một. Trước mặt chúng tôi là vùng đất trà, cà phê xanh phủ lên các triền đồi, hàng trăm căn nhà lợp tôn hoặc tôn giả ngói hong hong trong nắng. Nhìn những cư dân mới chạy xe máy lên đèo vui vẻ vẫy tay chào, tôi liên tưởng đến những người Mông ở núi đá Đồng Văn, mang từng gùi đất đổ vào hốc đá để trồng bắp với cuộc sống người Mông ở Lâm Đồng hiện nay khác nhau một trời một vực.

Tiếp chúng tôi tại làng. Ông Nông Văn Cửu, trưởng thôn cho biết toàn thôn đều xử dụng điện lưới, đất nông nghiệp có 150 mẫu cà phê, 100 mẫu chè với 187 hộ 716 nhân khẩu, gồm có 9 dân tộc, đông nhất là người kinh 90 hộ, người Mông 54 hộ còn lại là các dân tộc anh em khác như Nùng, Tày, Dao Đỏ, Khor, Mường… Có lẽ trong cộng đồng dân cư ở Lâm Đồng ít có thôn nào nhiều sắc tộc như thế. Ông Cửu còn chia sẻ thêm: “Việc nhiều đồng bào dân tộc trong thôn cũng có nhiều chuyện hay, nhưng thú vị nhất là bản sắc văn hóa của mọi dân tộc đều được thể hiện trong các ngày hội. Vào mùng 6 tháng Giêng là ngày lễ hội Lòng Tòng, lúc ấy toàn thôn hội tụ nhiều màu sắc của các dân tộc anh em như người Dao nữ mặc váy đỏ, người Mông mặc váy xanh, người Khor mặc váy đen, người Kinh mặc quần hai ống… Tất cả đều nhảy múa ca hát, như anh em một nhà”.

Làng Mông bây giờ trở nên giàu có,  bình quân mỗi hộ được 1,5 hecta đất trồng cà phê, xen trà hay cây ăn quả tự mình khai phá, gần như nhà nào cũng có xe máy, TV. Điều mong đợi lớn của làng ngoài cơm áo, trường học, trạm y tế còn chính là con đường chạy ra quốc lộ.

Chị Mai, vợ anh Thào Hùng Khải dẫn chúng tôi vào thăm nhà riêng của mình. Đó là căn nhà có sân rộng thênh thang, xung quanh là 3 mẫu cà phê và trà đã gắn bó với cuộc sống thường ngày của gia đình gần 20 năm. Chị đưa tay lên trời hua hua vài vòng chỉ diện tích vườn nhà rồi chỉ những cây sầu riêng với hàng trăm quả treo lủng lẳng trên cao. Khi chúng tôi đến, anh Khải đi vắng nên chị thay mặt chồng pha trà mời khách, nhân tiện giới thiệu những tấm ảnh, huy chương, bằng khen giấy khen trên tường. Điều tôi đặc biệt chú ý trong tủ thờ của nhà chị có một di ảnh anh bộ đội người Khor nên tò mò hỏi đã làm chị dừng lại, hai hàng nước mắt chảy ra. Chị giải thích “ Đó là anh KToàn Bí thư chi bộ, người Khor, nay đã chết rồi. Ngày trước khi bà con vào đây không biết trồng chè, trồng cà phê, không biết tiếng Kinh, Bí thư KToàn là người hết lòng giúp đỡ. Vì vậy, sau ngày anh mất, “Nhà tôi” đặt di ảnh của anh trong tủ thờ để tưởng nhớ đến anh. Cuộc đời của người tha hương gặp được người tốt như thế không đáng thờ sao được! Thế anh có gặp người tốt bao giờ chưa?” Chị hỏi tôi trong nước mắt, tôi không biết trả lời như thế nào nên quay mặt đi ngẫm nghĩ lại đời mình.

Nhà Mông tiêu biểu.

Chị Mai dẫn tôi đi dạo vườn cà phê đang mùa ra quả, những chùm cà phê xanh non mơn mởn trĩu đến cuối cành. Chúng tôi vừa đi vừa tiếp tục câu chuyện “ Ngày trước ở quê, không có vườn như thế này, bà con khổ lắm suốt năm chỉ lo gùi đất, gùi phân trâu, phân dê đổ vào hốc đá để trồng ngô, sau đó mang về giã ra làm mèn mén. Anh có bao giờ ăn loại thức ăn này chưa? Mèn mén được chế biến từ ngô hạt xay nhỏ, phải xay bằng cối đá và xay hai lần mới ngon. Bột ngô xay xong, vẩy nước vào đảo đều với độ ẩm vừa phải, khi cầm nắm ngô bột không bị dính, cũng không bị bở ra là được. Tiếp đó cho vào chõ lần 1, đến khi hơi bốc lên thơm thì đổ ra mẹt vẩy thêm một ít nước rồi đảo đều cho tơi ra, mới cho vào chõ lần 2, khi có mùi thơm lừng bốc lên, lúc ấy mèn mén đã chín. Anh thấy đấy ở quê trồng ngô cực khổ như thế nhưng không đủ ăn, quanh năm phải đi hái rau và măng rừng ăn phụ. Chính vì thế anh Khải nhà em bỏ núi đá Cao Bằng vào Lâm Đồng lập nghiệp. Năm 1992, chúng em bồng bế con cái, cắt đường rừng vào đây khai phá đất mới để trồng ngô giải quyết cái ăn trước mắt, sau đó trồng chè như bà con ở đây. Nhưng cuộc đời không giống như mình nghĩ, được vài tuần dựng xong lều bị chính quyền xã trục xuất vì lý do phá rừng, xã đưa dân quân bắt hết bỏ lên xe, áp tải đến ngã ba Dầu Giây mời xuống. Đêm về trên quốc lộ I, cả 10 hộ ôm nhau khóc, không biết sẽ đi đâu về đâu! Những ngày sau 2 hộ trở về quê, 2 hộ vô huyện Cát Tiên còn 6 hộ về lại ngã ba Đại Lào rồi đi bộ xuyên rừng tìm lại nơi cũ, chấp nhận sống chết ở đây, vì đi nữa cũng chết vì đói.

Có lẽ sự quyết tâm bám rừng kiếm ăn từ đất chính đáng của bà con đã làm chính quyền nghĩ lại, nên thay vì trục xuất đã tạo điều kiện cho bà con định cư nơi mới, Bí thư KToàn xuất hiện trong thời điểm này đã làm niềm tin bà con sống lại. Ổn định nơi mới lần thứ hai, bà con tiếp tục ra Lộc Thành làm mướn. Lúc ấy, một ngày đàn ông kiếm được 7 ngàn, đàn bà được 6 ngàn, những lúc bị bệnh không đi làm nổi, bà con tìm rau rừng để ăn. Hôm nào có tiền kha khá mua thêm mỡ heo lá về xào rau. Anh biết vào thời điểm ấy, ngày nào bữa ăn có thêm tí mỡ là ngày đó nhìn cái gì cũng đẹp. Còn về ngôn ngữ, lúc mới vào, bà con nói tiếng Kinh chưa thạo nên vẫn dùng tiếng Mông vì thế chẳng ai hiểu ai. Có lần bà Út Nhân ở ngã ba Lộc Thành cho mỡ heo, con Phượng cháu anh Khải ôm bụng nói “Chép chép” Bà Út Nhân bảo rằng ăn không chết đâu, mang về ăn đi! Chết tôi chịu mà. Tiếng Mông “chép chép” là đau bụng nhưng bà Út Nhân nghĩ là bà con ăn mỡ sẽ chết…”.

Vào lúc 12 giờ trưa, chị Mai dẫn tôi trèo lên ngọn đồi đến nhà anh trai của chị là ông Hoàng văn Số 60 tuổi để thưởng thức món mèn mén. Anh chị Số là người có tuổi, quen với món truyền thống người dân tộc từ lúc lọt lòng nên khi chuyển sang ăn cơm thường bị “chép chép” vì thế cho mãi đến bây giờ món mèn mén vẫn là thức ăn chính của gia đình. Lúc chúng tôi đến ông Số đang cho cá ăn. Chị Mai nói một tràng thổ ngữ, anh mỉm cười dừng việc, đưa hai bàn tay rửa vội dưới hồ rồi quệt quệt trên quần, nhanh nhẩu nói với tôi bằng tiếng Kinh. “ Nhà mình hôm nay hết mèn mén rồi, phải ăn cơm thôi nhưng sợ “chép chép” lắm. Tao rất vui khi có người đến đây hỏi thăm. Ngày xưa chúng tao khổ lắm vớ!”. Chị Mai nói nhỏ vào tai tôi: “Nó chưa giỏi tiếng Kinh, lại nghe giọng miền Nam nên nó không hiểu gì đâu chỉ cười thôi. Vợ chồng nó trưa không có ngủ đâu, hai đứa nó đang ngồi uống rượu dưới hồ cá đấy thôi!” Đối với tôi, có lẽ là lần đầu nhìn thấy em gọi anh bằng đại từ Nó nghe cũng là lạ. Nhưng suy cho cùng cách xưng hô gia đình theo ngôn ngữ Anh hay Pháp vẫn là bình thường, quan trọng là sự đùm bọc bảo vệ, sống hết lòng với nhau mới là điều chính yếu.

Chia tay làng Mông, chị Mai cùng với đứa con gái đầu là Thào Thị Minh Hải tiễn chúng tôi lên tận đỉnh đèo. Đứng trên đèo Con Rắn nhìn lại làng Mông, thấy rõ mô hình nông thôn mới: điện, đường, trường, trạm, đã làm thay đổi cả vùng cao. Không biết mai đây, 10 năm hay 20 năm nữa, khách lạ vào thăm làng, thế hệ trẻ lớn lên từ trên đỉnh đèo nhìn xuống. Có ai còn nhớ con đường vượt đá lên đèo năm xưa nguy hiểm đến mức phải bò, có lúc trợt chân ngã xuống mặt mũi đầy đất và máu. Có ai còn nhớ Bí thư KToàn đã thay mặt chính quyền chỉ đất mới, ông già Liên Đô hướng dẫn trồng chè, bà Út Nhân bán hàng cho thiếu. Và có ai còn nhớ vào thời xa xôi ấy đã có những người Mông chân trần mang dao đi mở đất với thân hình tiều tụy đói rách nhưng đầy ước mơ và cũng đầy nước mắt…

Trần Đại - Thanh Chiểu

.
.