Người Hà Nội bình tĩnh tái khởi động phòng, chống dịch COVID-19
Không còn hoang mang như lần dịch trước
Nghe tin COVID-19 xuất hiện trở lại, chị Thu Hòa, 31 tuổi, ở Cầu Giấy, lại mang mấy chai nước rửa tay ra phủi bụi và gọi cho bạn đặt mua hai hộp khẩu trang. Thời gian vừa qua, có lẽ người dân cả nước và Hà Nội đã cảm nhận được sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Chính vì thế ngay khi nghe tin dịch COVID-19 xuất hiện trở lại, người dân đã nhanh chóng tái khởi động việc phòng chống dịch.
Nhiều người dân ra đường đã bắt đầu với thói quen đeo khẩu trang. |
Không còn quá hoang mang như những ngày đầu dịch xuất hiện, tại Hà Nội không còn hiện tượng đổ xô đi mua thực phẩm. Tuy nhiên những vật phẩm thiết yếu phòng dịch được người dân chuẩn bị khá kỹ và sớm. Chị Lê Thu Hường (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây 2 ngày, khi nghe tin có ca nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng tôi đã đi mua một lô khẩu trang để đề phòng dịch trở lại Hà Nội. Mặc dù mặt hàng y tế được nhà nước có biện pháp cấm các nhà thuốc nâng giá nhưng chắc chắn nếu có dịch mặt hàng sẽ khan hiếm”.
Không chỉ khẩu trang, chị Hường còn kiểm tra lại toàn bộ số dung dịch sát khuẩn cũ còn hạn, sau đó chiết sang những lọ nhỏ hơn để vào túi đồ của chồng con. “Quả thực với những gì xảy ra trong suốt 2 tháng cách ly vì dịch ở Hà Nội chúng tôi đã quá thấm thía rồi. Với những gì đã qua, chúng tôi cũng phần nào có kinh nghiệm, an tâm với các phương án phòng chống dịch của Chính phủ”.
Anh Lê Duy Trường (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại: “Nghe tin Đà Nẵng có 11 ca nhiễm mới khiến chúng tôi lo lắng. Hai vợ chồng tôi đã quyết định cho con nghỉ học hè và đưa cháu về quê ở cùng ông bà nội cho an tâm”. Rõ ràng với những kinh nghiệm từ đợt dịch đầu năm đã được “tái khởi động” giúp cuộc sống của rất nhiều gia đình bớt xáo trộn.
Hai ngày nay, vợ anh Trường dậy sớm hơn mọi khi, chị ra chợ mua thực phẩm, nấu cơm trưa cho cả hai vợ chồng cho vào cặp lồng để đi làm. “Dịch tái trở lại không ai mong muốn, nhưng lạc quan mà nói, mình đã có kinh nghiệm phòng chống, không phải lúng túng nữa”, anh Trường cho hay.
Không tránh được vẻ lo lắng, chị Nguyễn Thị Thơm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Người nhiễm COVID-19 làm ở quán Pizza cũng không xa nhà tôi lắm. Tôi cũng sợ lắm, suốt từ sáng ra khỏi nhà là sát trùng, rửa tay, rồi đeo khẩu trang kín mít. Các con đều ở trong nhà, tạm thời không cho các cháu đi học thêm nữa. Gia đình cũng định mua sắm một số đồ đạc nhưng chắc phải dừng lại, tiết kiệm tiền phòng bị khi dịch bùng phát rộng. Nói chung vẫn lo lắng nhưng do trải qua 2 tháng dịch lúc đầu năm nên chúng tôi cũng chủ động hơn”.
Nước sát trùng cũng được đặt ở một số cửa hàng để đảm bảo vệ sinh. |
Cũng ở quận Nam Từ Liêm, anh Lê Đức Hiệp, 30 tuổi đã quyết định hủy dự định mua ôtô vào đầu tháng 8 năm nay. “Nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, việc di chuyển cũng hạn chế, chính vì vậy mua xe là chưa cần thiết. Hơn nữa thay vì bỏ số tiền lớn mua xe, vợ chồng tôi sẽ tiết kiệm để phòng rủi ro”, anh Hùng tính toán.
Thông tin “Đà Nẵng có bệnh nhân COVID-19 mới” khiến ký ức về 14 ngày cách ly căng thẳng và lo âu lại tràn về trong đầu một “cựu F2” Ngô Thị Minh, 30 tuổi, quận Ba Đình. Ngay lập tức, chị Minh đã hủy ngay tour du lịch miền Tây, dù chỉ vài ba ngày nữa là đến lịch bay. “Tôi thực sự ám ảnh sau những ngày bị cách ly. Một cảm giác sợ hãi, ngột ngạt đến rùng mình. Tôi ngay lập tức hủy chuyến du lịch cùng gia đình, lo xa vẫn hơn”, chị Minh chia sẻ.
Ngừng nhập hàng không thiết yếu
Tại chung cư Gemek II (An Khánh, Hà Nội), nhóm cư dân ở đây vẫn thường xuyên có những trao đổi cùng nhau và cùng Ban quản trị toà nhà để đưa ra những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất. Anh Nguyễn Thanh Hưng, một cư dân của chung cư Gemek II đã viết trong Group rằng: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng đang hiện hữu.
Để kịp thời ngăn chặn dịch bùng phát tại Gemek II, ngay thời điểm này tôi kính đề nghị Ban quản trị phối hợp với ban quản lý toà nhà cùng các cơ quan y tế thực hiện ngay các biện pháp phòng dịch như: Yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang khi đi thang máy; Bổ sung dung dịch rửa tay tại sảnh chờ thang máy; Kịp thời rà soát, thông báo với cơ quan y tế các trường hợp cư dân đi từ vùng dịch về; Sử dụng phương tiện truyền thanh của toà nhà để thường xuyên nhắc nhở cư dân nâng cao tinh thần phòng chống dịch”.
Cũng với tinh thần cảnh giác như anh Hưng, chị Lê Thị Dung, 37 tuổi, sống tại chung cư Victoria (Phú La, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Vì quá hiểu về những tác hại to lớn mà đợt dịch COVID-19 vừa qua gây ra nên lần này bản thân tôi cũng như những thành viên trong ra đình vô cùng ý thức để phòng, chống.
Ngay khi nghe tin Đà Nẵng có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, gia đình tôi đã chuẩn bị khẩu trang và cồn sát khuẩn. Chúng tôi cũng thống nhất là sẽ không đến nơi có đông người tập trung, không tụ tập bạn bè. Chồng tôi cũng đồng ý là sẽ không đi uống bia cùng đồng nghiệp. Tôi tin với những kinh nghiệm đã có ở lần chống dịch trước thì lần này chúng ta sẽ làm tốt hơn”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện khu chung cư nơi chị Dung đang sống ở các cầu thang máy cũng đều được trang bị cồn rửa tay. Bảo vệ luôn có mặt để nhắc nhở những người đi ra ngoài mà không đeo khẩu trang.
Các cửa hàng ăn uống đã bắt đầu giảm nhân viên phục vụ. |
Dịch COVID-19 quay trở lại, nhiều chủ cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu ngừng nhập hàng. Chị Lê Thuý Hạnh, 30 tuổi, chủ một shop quần áo thời trang trên phố Tây Sơn cho biết: “Từ khi nghe tin có người bị nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Đà Nẵng, dân kinh doanh chúng tôi cảm thấy rất oải.
Thiệt hại của lần dịch trước đã khiến những người buôn bán nhỏ lẻ như chúng tôi lao đao. Nhiều bạn hàng của tôi đã không chịu nổi “nhiệt” nên buộc phải dừng kinh doanh, trả lại cửa hàng cho nhà chủ.
Lần này dịch quay trở lại thực sự chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau là “cầu trời khấn phật” cho dịch đừng lan ra Hà Nội. Vậy mà sáng nay đã nghe được thông tin Hà Nội có người nhiễm trong cộng đồng. Chúng tôi bảo nhau tạm ngừng nhập hàng, đành túc tắc bán được đến đâu hay đến đó. Còn hơn là nhập nhiều về rồi nhỡ phải đóng cửa thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn”.
Ngược lại với những mặt hàng không thiết yếu, anh Đinh Bá Trọng – chủ một siêu thị mini trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) lại đang cố gắng huy động vốn để nhập hàng. Anh Trọng chia sẻ: “Vì là kinh doanh các nhu yếu phẩm thiết yếu nên khi chẳng may có dịch thì lượng bán ra của siêu thị lại tăng hơn ngày thường rất nhiều. Tôi biết dịch đang diễn biến phức tạp và rất có thể sẽ lại xảy ra tình trạng giãn cách xã hội như lần trước nên tôi quyết định sẽ nhập nhiều hàng hơn để đáp ứng đủ cho người dân quanh đây”.
Hà Nội tiếp tục tạm dừng việc tổ chức quán Bar, lễ hội Chiều ngày 29-7, cuộc họp trực tuyến với các quận huyện, sở ngành để triển khai các biện pháp không để dịch bệnh COVID-19 lây lan, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc Công điện 5 của thành phố về triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hà Nội đã rà soát, sơ bộ phát hiện 21.063 người đi về từ Đà Nẵng. Với ca bệnh mới phát hiện trên địa bàn thành phố, các trường hợp F1, F2 khẩn trương được xác định, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm; các đơn vị đã vào cuộc nhanh, quyết liệt. Với các địa điểm ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã được Bộ Y tế khuyến cáo, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận, huyện phải cập nhật các địa điểm này, công khai để mọi người biết, tự đối chiếu so sánh để thông tin đến lực lượng y tế bởi: “không ai làm tốt hơn tự mình bảo vệ mình”. Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị khởi động tất cả các ban chỉ đạo phòng dịch từ thôn, tổ dân phố, đảm bảo trực 24/7 để kịp thời xử lý thông tin về dịch bệnh. Các đơn vị, cơ quan trên địa bàn phải có nước sát khuẩn, tổ chức rà soát rộng hơn người về từ Đà Nẵng, tất cả trường hợp phải cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm ngay. CDC Hà Nội chuyển ngay 80.000 mẫu test nhanh cho các quận huyện để tổ chức test nhanh đúng quy trình. Đến thứ 7 này các đơn vị phải hoàn thành test nhanh hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng. Trường hợp nào dương tính thì xét nghiệm khẳng định bằng PCR. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các quận huyện phải kiểm tra lại vật tư tiêu hao phòng dịch, các trường hợp tham gia vận chuyện bệnh nhân phải trang bị đủ đồ bảo hộ, chống giọt bắn. CDC phải chuẩn bị đủ test, đảm bảo sẵn sàng khi cần thiết; CDC kiểm tra lại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn; các bệnh viện trên địa bàn tổ chức tiếp nhận khám chữa bệnh nhân theo đúng quy trình phòng dịch không để bài học như ở Đà Nẵng khi cả 3 bệnh viện trên thành phố đều có ca nhiễm. |