Nghe già làng kể chuyện "bắt ma" trên đỉnh núi

Thứ Hai, 27/03/2017, 13:31
Già làng Ăm Liêm, bản Khe Đá, thị trấn Lao Bảo, huyện rẻo cao Hướng Hóa (Quảng Trị) được người dân trong bản nể phục vì tài "bắt ma" trên đỉnh núi Cu Vơ.


Bà con cho rằng, những "con ma" trên đỉnh núi này đã làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn, đói nghèo và bệnh tật. Vì muốn biết thực hư câu chuyện, tôi đã đi hơn trăm cây số, từ TP Đông Hà ngược lên bản Khe Đá để tìm gặp già làng Ăm Liêm.

Trước khi gặp được già làng Ăm Liêm, tôi đã ba lần ngược lên đây tìm già, nhưng khi thì già đi đám ma ở Lào, lúc thì vào Bệnh viện Trung ương Huế chăm sóc con bị ốm, lần thì ra Quảng Bình mua giống cây bời lời mang về cho bà con trong bản trồng lấy vỏ cây để bán.

Già làng Ăm Liêm kể chuyện "bắt ma" trên đỉnh núi Cu Vơ.

Lúc tôi đến, bà Y Liêm, vợ ông, đang dắt bò ra đồng cỏ phía trước nhà. Tôi hỏi bà, bố Liêm có ở nhà không?! Bà chỉ tay lên gác nhà sàn bảo, bố đang nghe đài! Tôi mừng rỡ cám ơn bà!

Già làng Ăm Liêm năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng trông ông còn khỏe mạnh, nước da màu đồng hun dạn dày nắng gió. Ông cho biết, đến nay ông vẫn đều đặn ngày 2 buổi lên nương rẫy, trồng cây lúa, trỉa cây ngô, thu hoạch sản lượng còn nhiều hơn cả những gia đình có nhiều lao động trẻ.

Sau khi nghe chuyện làm ăn, tôi lân la hỏi ông chuyện "bắt ma" mà bà con dân bản vẫn thường hay kể. Ông lắng nghe rồi cười, bảo: "Chuyện đó có mà không, không mà có, tùy theo cách hiểu của mỗi người!". "Nghĩa là sao hả bố?!"- tôi hỏi. Ông không trả lời ngay mà nói:

- Bố sinh ra, lớn lên rồi vào rừng theo bộ đội đánh đuổi giặc. Chiến tranh, lằn ranh giữa sống chết chỉ bằng sợi tóc, nên ai có đi qua nó mới hiểu hết được giá trị của hòa bình.

Sau ngày đất nước giải phóng, người dân bản của bố trước đó được bộ đội sơ tán đi trú tránh bom đạn chiến tranh ở nhiều nơi, đã trở về cùng chung sức, chung lòng xây dựng lại quê hương.

Bố lúc đó gần 40 tuổi, còn khá trẻ, lại có kinh nghiệm trong việc tháo gỡ, phá hủy bom mìn, nên đã cùng với một số anh em khác, tiên phong trong việc thu gom, phá hủy vật liệu nổ sót lại trong chiến tranh, khai hoang đất cho người dân làm lại nhà cửa, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.

Sau này, bản Khe Đá được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư nhiều hơn về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp, nên điều kiện sinh sống của người dân có nhiều thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, do địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu thời tiết thất thường, đất đai thì khô cằn, cộng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân vào phát triển sản xuất còn nhiều hạn chế, những năm qua, bản Khe Đá của bố vẫn còn không ít hộ nghèo, vất vả khó khăn.

"Nhiều đêm, bố nằm không ngủ được, cứ trằn trọc, suy nghĩ cách thoát nghèo cho bà con"- ông kể: "Thế rồi bố tìm ra một cách. Bố bàn với già Hồ Hùng, Trưởng bản, bí mật thực hiện một "phép màu" trên núi Cu Vơ".   

Già làng Ăm Liêm bỗng ngưng câu chuyện, ông rót đãi tôi thứ nước rễ cây rừng, mà theo ông nó có thể chữa trị được nhiều thứ bệnh thông thường, trong đó có bệnh viêm tá tràng, dạ dày.

Lát sau, ông cho biết, "phép màu" mà ông và Trưởng bản Hồ Hùng thực hiện, đơn thuần là việc dựa vào lòng tin của người Pa Cô, Vân Kiều về Giàng, về Trời, để tiến hành thực hiện một cuộc cách mạng về sản xuất, theo những hiểu biết và kế hoạch đã xây dựng sẵn của mình.

"Hôm đó, đúng vào ngày rằm tháng 9 năm Canh Dần (2010, thời điểm người Pa Cô, Vân Kiều cúng lúa mới trên nương rẫy), bố và bố Hùng, với các lễ vật đã sắm sẵn, mang lên đỉnh núi Cu Vơ cao hơn 1 nghìn mét so với mực nước biển, bao quanh bản làng Khe Đá, đặt ở đó 3 cái bàn lớn, mỗi bàn đều đặt một đầu heo, dê, rồi dựng lên xung quanh 18 cây nêu cao, tượng trưng cho Trời, Đất và các vị Thần của đồng bào Pa Cô, Vân Kiều.

Sau khi khấn vái, "làm phép" "bắt" các con "ma đói", "ma bệnh", và trước khi mời toàn thể bà con dùng tiệc của buổi lễ cúng, bố dõng dạc tuyên bố các thông lệnh của Giàng, Trời và các vị Thần cho bà con dân bản được biết. Rằng: "Trời, Đất như anh em.

Các vị Thần sống trong Trời, Đất; con người cũng sống trong Trời, Đất. Trời, Đất và các vị Thần đều thương yêu, bảo bọc con người. Con người sống phải biết tôn trọng lời dạy bảo của họ: Phải biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Phải hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên tốt nhất.

Âm và dương cách biệt mà không cách ly! Dưới âm phủ, tít trong rừng sâu thẳm, thỉnh thoảng vẫn có những con "ma đói", "ma bệnh" lợi dụng sự sơ hở lên dương thế để hại người.

Nay, con người đã được giúp đỡ, "bắt chúng", buộc chúng trở về lại với nơi chúng sống. Để cuộc sống của con người được ấm no, ít khi bị bệnh tật, hãy đoàn kết một lòng, làm theo lời của những người đứng đầu bản!".

Trong bữa tiệc hôm đó, già làng Ăm Liêm và Trưởng bản Hồ Hùng đã khéo léo phân tích từng câu chữ cho bà con dân bản được biết. Họ bảo rằng, con người sống dựa vào thiên nhiên, và thiên nhiên phải được bù đắp lại một cách xứng đáng. Vậy nên, ngay từ mùa sau, bà con nên bón phân cho cây lúa, cây ngô và các cây trồng khác để cây cối được lên tươi tốt, cho năng suất cao.

Rằng Trời, Đất và các vị Thần đã dạy bảo con người nên làm điều này, họ không hề cấm đoán! Xin nói thêm, đối với đồng bào Pa Cô, Vân Kiều trên dãy Trường Sơn Quảng Trị, việc trồng cây cối mà bón phân là điều cấm kỵ. Bà con quan niệm rằng, cây cối là báu vật của thần linh ban cho con người, việc bón phân vào chúng là xúc phạm đến thần linh, nên từ xa xưa đến sau này bà con tuyệt đối không làm điều này.

Thế nhưng, ít hôm sau khi xuống vụ mới, bà con vẫn sợ không dám bón phân, cứ chần chừ đợi già Liêm và già Hùng bón trước. Thấy thế, già Liêm và già Hùng đã cùng lúc gánh hàng chục gánh phân bò, heo đã ủ hoai, ra bón cho hơn 6 sào ruộng nước để trồng cây lúa và hơn 4 sào ruộng đồi để trỉa cây ngô.

Mùa thu hoạch cuối năm đó, gia đình các ông và một số hộ dân làm theo, đã có lúa, ngô nhiều nhất bản. Từ đó, bà con đều tin, đều làm theo chỉ bảo của ông. Diệt được con "ma đói", nhưng con "ma bệnh" thỉnh thoảng vẫn làm chết người, vì không ít bà con vẫn tin vào lời bói toán, cúng khấn của các thầy mo.

Già làng Ăm Liêm cùng vợ và các cháu trước ngôi nhà sàn khang trang của mình.

Già làng Ăm Liêm lại phải ra tay, nhưng lần này ông không cúng, khấn, "bắt ma" như lần trước, mà đích thân đi báo cho các y, bác sĩ ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, về tình trạng bệnh tật của bà con ở bản mình, theo đó họ đã đến tận nhà khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Sau khi vài trường hợp đã được chữa khỏi hẳn, khỏe mạnh trở lại, già Liêm mới đến từng nhà tuyên truyền rằng, từ sau khi "bắt" hết các con "ma đói", "ma bệnh" trên đỉnh núi Cu Vơ, bản làng đã không còn con ma nào nữa.

Vì thế, lúc bà con bị bệnh, người nhà hãy đưa đến Trạm Y tế thị trấn, Bệnh viện huyện, hoặc nhờ y tá, bác sĩ của bộ đội về khám chữa bệnh giúp, không nên mời thầy mo đến bói toán, cúng khấn, vì như vậy sẽ vừa bị mất tiền của, vừa bị chết người rất oan uổng.

Cũng từ đó, mọi người trong bản Khe Đá đều tin, làm theo lời của già Liêm. Tôi chợt thắc mắc với ông: "Sao bố biết rõ không có "ma đói", "ma bệnh" nào cả, mà không giải thích cho bà con được rõ, lại vẫn để bà con tin vào những điều nhảm nhí, huyễn hoặc đó một thời gian sau mới nói?".

Già vỗ nhẹ vào vai tôi, cười hiền, bảo: "Bố biết thế nhưng khó lắm con ơi. Do điều kiện cuộc sống, phong tục tập quán từ bao đời nay đã ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của mọi người, nên muốn thay đổi nó không phải một sớm một chiều.

Vì vậy, bố phải dựa vào cái mà bà con tin để bằng cách của mình thay đổi họ dần. Thay đổi bằng những việc làm cụ thể, bằng chứng cụ thể con ạ! Khi đã có những bằng chứng, kết quả cụ thể ấy, thì tự nhiên con người ta sẽ hiểu ra mà không cần ai phải giải thích gì cả!".

"Thế đến nay, còn ai trong bản tin cách "bắt ma" của bố nữa không?!"- Tôi hỏi. Ông cười ha hả: "Vẫn còn chứ, nhưng rất ít, chỉ là những người già, người của lớp trước, còn lớp trẻ sau này thì các cháu hiểu hết rồi. Các cháu còn khen bố là già nhưng suy nghĩ rất tiến bộ, sống rất văn minh!".

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, nhờ cách làm của già làng Ăm Liêm, mà bà con dân bản Khe Đá đến nay đã có cuộc sống tiến bộ, bên cạnh kinh tế phát triển đi lên mỗi ngày, con em ở bản đều được chăm nuôi, học hành tử tế.

Năm học 2016-2017, lần đầu tiên ở bản Khe Đá đã có tới 6 cháu học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng cả nước. Ông Dũng còn kể một câu chuyện khác rất thú vị về già làng Ăm Liêm.

Đó là vào trung tuần tháng 9-2010, khi một bà mẹ Mỹ có con trai chết trận tại Việt Nam, đã đến bản Khe Đá để gặp một Mẹ Việt Nam Anh hùng, bà Hồ Thị Moan.

Tại buổi gặp diễn ra xúc động, đẫm nước mắt giữa hai người mẹ, bà mẹ Mỹ- Rae Cheney, chợt quay sang hỏi người đứng đầu bản, là già làng Ăm Liêm, bà tâm sự rằng, bà rất muốn hỗ trợ cho bản làng, nhưng bà chưa biết được mong muốn của người dân.

Lúc đó, già làng Ăm Liêm nói ngay mà không cần phải suy nghĩ: "Chúng tôi muốn trường học và sách vở, thưa bà?". Bà Rae Cheney ồ một tiếng rõ to, rồi gật gù nói: "I understand. I will do it soon.

Thank you very much! But i wonder if you need other things better?" (Tôi hiểu, tôi sẽ thực hiện nó ngay. Cảm ơn ông rất nhiều! Nhưng tôi thắc mắc nếu ông cần thứ khác tốt hơn).

Già Liêm sau khi được người phiên dịch nói lại, ông liền nở nụ cười tươi: "Cho tôi được chia sẻ sâu sắc nỗi đau của bà. Nỗi đau của bà cũng như nỗi đau của người mẹ Việt Nam của chúng tôi đây, cả hai đều mất đi những đứa con không gì bù đắp được.

Nhưng chiến tranh đã phá hủy của chúng tôi rất nhiều thứ, nhiều thế hệ sau này vẫn chưa có được điều kiện tốt để học hành do hậu quả của chiến tranh. Đối với bản Khe Đá đã được Nhà nước của chúng tôi quan tâm đầu tư rất nhiều, song đối với trường lớp và sách vỡ thì không bao giờ thừa cả. Chúng tôi cần nó để học hành, để tiến bộ. Chúng tôi quý nó hơn bất cứ thứ gì".

Nghe xong, lần này bà mẹ Mỹ không tỏ sự ngạc nhiên nữa, bà tiến tới ôm lấy ông, hai khóe mắt bà chợt đỏ hoe, dường như bà cảm nhận và chia sẻ sâu sắc điều mà già làng nói. Được biết, sau đó, bà Rae Cheney đã hỗ trợ bản Khe Đá xây dựng một trường học mầm non và một thư viện với rất nhiều sách.

Trở lại câu chuyện với già làng Ăm Liêm, tôi hỏi ông có dự định gì sắp tới cho dân bản của ông được phát triển tốt hơn? Ông chỉ tay vào chiếc radio, trước đó khi tôi vào đã được ông vặn nhỏ volume, bảo rằng ông vẫn thường xuyên nghe đài để học hỏi cách làm ăn!

Phan Thanh Bình
.
.
.