Già làng, trưởng bản kể chuyện giữ an ninh trật tự

Thứ Hai, 20/03/2017, 09:24
Đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, an ninh tại các bản làng vùng cao được ổn định có đóng góp quan trọng của các già làng, trưởng bản.

Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, Đà Bắc là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, nhiều tập tục truyền thống được lưu truyền trong nhân dân. Đối với đồng bào dân tộc nơi đây, lời nói của già làng, trưởng bản có giá trị quyết định trong các việc hệ trọng của bản làng. Đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc, an ninh tại các bản làng vùng cao được ổn định có đóng góp quan trọng của các già làng, trưởng bản.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Công an huyện Đà Bắc cho biết: Là địa bàn vùng cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi đây vẫn duy trì nhiều tập tục văn hoá truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc. Người dân tộc thường có quan hệ huyết thống, sống theo cộng đồng trên các rẻo núi, vùng sâu.

Cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Đà Bắc tâm tình với già làng.

Nắm bắt được điều đó, Công an huyện đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các địa phương củng cố, đẩy mạnh các phong trào như: dòng họ tự quản; quản lý con cháu theo hương ước, quy ước... Vận động, tranh thủ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc tham gia giáo dục, quản lý con cháu và là nòng cốt trong các mô hình tự quản về an ninh trật tự tại địa phương.

Theo chân cán bộ Công an cơ sở, chúng tôi có mặt tại Vầy Nưa, một xã vùng lòng hồ sông Đà khó khăn, cách trở của huyện Đà Bắc. Theo giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi gặp già làng Bàn Văn Thân, người Dao Tiền ở xóm Dướng là một người có uy tín trong dòng họ và được bà con nhân dân nơi đây rất quý trọng. Theo già Thân, tính cách người Dao hiền lành, giản dị, thẳng thắn, chân thật.

Trong quá khứ hay hiện tại, thế hệ người dao sống theo phương châm: “Người Dao không lấy của ai cái gì và cũng không để người khác lấy cái gì của mình. Phong tục tập quán, những luật lệ bất thành văn được truyền từ nhiều đời nay đã ngấm vào trong mỗi con người để nhắc nhở họ phải biết trân trọng và giữ gìn bản sắc cao thượng, đẹp đẽ của dân tộc mình”.

Cứ như vậy, cuộc sống của người Dao ở Vầy Nưa nói riêng và cộng đồng người Dao huyện Đà Bắc ngày càng đoàn kết, gắn bó, yêu thương đùm bọc nhau. Trong nhiều năm qua, không có người Dao nào liên quan tới ma tuý và các tai tệ nạn xã hội; các vụ việc vi phạm pháp luật được ngăn chặn, giải quyết ngay tại cơ sở.

Ông Lê Hìn, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Giáp Đắt thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc, là người rất có uy tín trong đồng bào dân tộc đã cảm hoá, giáo dục rất nhiều người lầm lỗi trở thành người tốt, vận động, giáo dục con cháu nghiêm túc chấp hành, sống có lý tưởng, hoài bão.

Ông Đặng Tiến Bình, người Dao Tiền, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Toàn Sơn đã cảm hóa, giáo dục nhiều người lầm lỡ hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Già Xa Văn Thế, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đồng Chum tích cực vận động con cháu giữ màu xanh cho cánh rừng Pu Canh. Ông Hang - nguyên Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết là người có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao đưa việc giáo dục, quản lý con cháu vào hương ước của dòng họ.

Hiện nay, toàn huyện có 25 người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã làm tốt việc giáo dục, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật từ gia đình. Điển hình là các xã Đoàn Kết, Tân Pheo, Mường Chiềng, Đồng Chum…

N.Hùng
.
.