Nghề "chiếu bóng" và hành trình mang phim ảnh lên các bản vùng cao

Thứ Năm, 01/09/2016, 13:47
Với bộ đồ nghề chiếu bóng lỉnh kỉnh, nhưng người làm công tác chiếu bóng ấy ngày ngày vẫn băng rừng, vượt núi để đến với những bản làng heo hút. Có những nơi cách nhà cả trăm cây số rồi đi bộ hàng tiếng trên những con đường độc đạo mới vào được đến bản. Mỗi buổi chiếu phim có khi chỉ cần vài khán giả với những đôi mắt chăm chú khi hướng về màn ảnh, điều đó cũng đủ khiến những người làm nghề chiếu bóng thấy vui sau cả một chặng đường dài mang phim lên bản...


Công việc của quá khứ

Vào thời điểm này, có lẽ công việc chiếu bóng đã vô cùng lỗi thời nên phải mất nhiều công sức chúng tôi mới tìm được đến nhà ông Nguyễn Ngọc Cương, Đội trưởng chiếu bóng số sáu (thuộc Trung tâm Điện ảnh, Sách, Văn hóa phẩm tỉnh Cao Bằng). Ông Cương là một người đã có nhiều năm kinh nghiệm "cõng phim" lên các bản làng, từ thời mà tivi còn chưa phổ biến như bây giờ và phim ảnh là một thứ văn hóa xa xỉ với những bà con dân tộc.

Cũng nhờ sự giúp đỡ của ông Cương, chúng tôi đã được gặp những người làm công tác chiếu bóng trong Đội chiếu bóng số 6 ấy, đó là ông Phan Văn Dâng (55 tuổi) và anh Hoàng Thủy Lực (34 tuổi). 

Theo như họ cho biết, có những người rất trẻ làm nghề này, ở cái tuổi của họ nghề "chiếu bóng" giống như một việc chỉ có thể nghe qua lời kể về một quá khứ thô sơ, lạc hậu. Nhưng không phải vì thế mà những con người trẻ tuổi không dám dấn thân vào công việc đầy gian khổ này. Họ làm và yêu công việc như một phần của cuộc sống vậy. Đến như anh Lực, mặc dù mới ngoài 30 tuổi nhưng anh cũng đã có hơn chục năm gắn bó với nghề.

Đội chiếu bóng số 6 đang chuẩn bị cho một buổi chiếu.

Anh Lực cho biết: "Mình mới chuyển từ địa bàn Bảo Lạc, một trong hai huyện xa xôi nhất ở Cao Bằng về Đội 6. Đã làm nghề chiếu bóng ở vùng cao thì không thể nói không khó khăn, gian khó. Nghề và nghiệp, nhiều lúc cũng rơi nước mắt nhưng tình yêu công việc sẽ là động lực để quyết tâm".

Theo như lời kể của, anh Lực là con cả trong một gia đình hai anh em, kinh tế không giàu nhưng chăm chỉ canh tác trên diện tích 2.000m2 đất nông nghiệp cũng có thể đủ cho cả gia đình no ấm. Vậy mà, bằng sự đam mê anh vẫn theo nghề dù cho những lúc gặp khó khăn cả về kinh tế lẫn gia đình.

"Bọn mình mỗi tháng có hơn chục suất chiếu, các địa điểm đều ở nơi xa xôi, hẻo lánh. Hầu hết, chưa có điện, hoặc có cũng chập chờn, thiết bị truyền dẫn chưa thể phát huy tác dụng. Người dân khó vậy mới mong đoàn phim, mình phải sắp xếp chuyện gia đình để hoàn thành nhiệm vụ", anh Lực tâm sự.

Còn với ông Phan Văn Dâng, câu chuyện kể của ông lại vô cùng thân thiện. Được biết, chỉ còn một tháng nữa, người thợ chiếu bóng này sẽ nhận sổ hưu và kết thúc công việc ông đã biết bao năm qua. Ông cho biết rằng, trong suốt cuộc đời làm nghề, chưa bao giờ đòi hỏi điều gì lớn lao, tất cả trông đợi ở niềm vui, sự phấn khởi của bà con.

Trong suốt 20 năm qua, mặc cho mưa gió bão bùng, ông cùng những người đồng nghiệp chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng một suất chiếu nào. Cũng vì thế mà có nhiều lần, ông Dâng cùng đồng nghiệp đã phải đối mặt với cái chết trên những cung đường hiểm trở, ông kể: "Đồng nghiệp của tôi đã từng rơi xuống mép vực sâu hàng chục mét. May mà chiếc ba lô máy mắc phải cành cây mới đủ thời gian để anh em ở trên thả dây, kéo lên thoát chết".

Cứ thầm lặng đối diện với công việc gian khó nguy hiểm như vậy, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Dâng vẫn tiếp tục chèo bè, vượt sông mang thước băng giá trị đến với xóm vùng cao của huyện Phục Hòa vào những ngày đầu tháng 8-2016.

Còn với người đội trưởng Nguyễn Ngọc Cương, cách đây ba mươi năm khi còn thanh niên, ông đã hăng hái tham gia "đoàn quân" đem văn hóa phim ảnh đến với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc. "Ngày đó, mỗi chuyến đi có sức hấp dẫn kỳ lạ. Tuổi trẻ được cống hiến cho quê hương đang nhiều khó khăn là động lực lớn nhất. Sau là nghề nghiệp để có thể nuôi sống bản thân, gia đình", ông Cương kể.

Những bộ phim lịch sử là chủ đề chính thường được chiếu.

Giờ đây sau nhiều năm cống hiến, người thanh niên năm nào đã quá ngũ tuần, mái tóc hoa râm và thâm niên bậc nhất "giới chiếu bóng" Cao Bằng. Nhưng sự hăng hái, nhiệt huyết của anh thanh niên ngày nào vẫn còn đó không chút đổi thay. Đội sáu của ông Cương phụ trách hai huyện Phục Hòa và Quảng Uyên, địa bàn thuộc dạng nghèo nhất của tỉnh. Ngoài đội này, Cao Bằng còn có bảy đoàn chiếu bóng khác, không kể ngày nắng hay mưa vẫn đều đặn vượt dốc, vượt đèo đến với bà con.

Và trong câu chuyện vui về nghề ấy, ông Cương người đội trưởng của Đội chiếu bóng số 6 kể rằng mỗi lần đi làm chỉ có ba anh em trong đội lủi thủi đi cùng nhau nên khi nào có khách là mọi người lại hào hứng vui vẻ hơn hẳn. Ngày chúng tôi tìm gặp đội chiếu bóng cũng là lúc ông Cương chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên trong 14 buổi chiếu của tháng.

Mỗi lần như vậy, ngôi nhà nhỏ của ông Cương lại là nơi tập trung của anh em trong đội và cũng là nơi sắp xếp đồ đạc để mang theo. Hầu hết các địa điểm phục vụ là một bản xa xôi như xóm Khau Chẻ (xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa) cách thành phố hơn 60km mà đội sắp tới. Để tới đó phải băng núi, đi trên các cung đường gập ghềnh, nhiều đoạn cua tay áo nguy hiểm.

Mang phim lên bản

Có lẽ, chỉ nghe qua lời kể thì không thể hiểu rõ được nỗi khó khăn của những người làm nghề chiếu bóng. Vì vậy, sau khi được sự cho phép của ông Cương, chúng tôi đã cùng Đội chiếu bóng số 6 băng rừng để đem phim ảnh lên đến bản. Tham gia cùng mới thấy rõ, đi đến đâu đội chiếu bóng cũng được bà con đón tiếp nồng hậu. Mỗi khi đi đến đâu, họ đều được đón chào như những đứa con mới đi xa trở về.

Bà con chăm chú theo dõi từng thước phim.

Ông Phùng Văn Vị, Trưởng xóm Khau Chẻ nói: "Chưa bao giờ anh Cương, anh Dâng hay anh Lực đến nhà mà chúng tôi coi là khách. Họ mang phim đến, họ chiếu cho người dân xem, họ đưa đồng bào chúng tôi gần nhau hơn. Nhiều khi, những buổi chiếu là lúc người dân xóa bỏ tranh cãi, ngồi cùng nhau bởi một mục đích chung".

Ông Vị là con trai của một già làng trưởng bản, đã từng đón tiếp nhiều đội chiếu bóng các thế hệ đến thăm rồi mượn nhà, mượn địa điểm để phục vụ bà con vùng cao. Đến giờ, khi đã trưởng thành, ông hiểu dù những bộ phim có thể cũ nhưng tấm lòng của đội chiếu bóng thì chưa bao giờ rơi vào quên lãng.

Theo ông Cương cho biết, bà con nơi đây ai cũng có tivi, đài phát thanh, điện thoại để giải trí nhưng vẫn còn rất thích xem chiếu bóng. Tuy nhiên, việc chiếu phim gì cũng phải cân nhắc kĩ bởi tại một số bản làng của bà con người Mông, người Dao sinh sống, nếu không chiếu phim theo ý thích của họ thì sẽ chẳng có người đến xem.

"Có một số suất chiếu, bà con bỏ về ngay khi phim vừa bắt đầu vì nghĩ văn hóa dân tộc mình không được coi trọng. Nên chúng tôi thường phải chuẩn bị đủ các thể loại phim mang đặc thù của các dân tộc để đồng bào có thể cùng xem, cùng thấy mình trong đó. Lúc này, họ mới có tiếng nói chung ở chuyện tiếp nhận. Bọn tôi làm nghề chiếu bóng, cũng là một loại hình dân vận. Làm khéo, bà con sẽ coi như người thân. Làm dở, sẽ chẳng có gì".

Anh Lực thì kể: "Khác với bà con lớn tuổi, thanh niên vùng cao giờ đâu có thiếu phương tiện để tiếp xúc với văn hóa, phim ảnh. Họ đã từng đòi chúng tôi phải chiếu phim hành động, phim hợp thời thì mới ủng hộ đội chiếu bóng". Lo lắng cho việc những thước phim cũ bị mai một, đội chiếu bóng còn phải làm công tác tuyên truyền, giải thích giúp họ biết giá trị của những thước phim lịch sử, không phải cứ coi là chuyện cũ thì bỏ qua, mọi thứ đều có ý nghĩa của nó.

Quả đúng, ở tỉnh vùng cao như Cao Bằng, công việc chiếu bóng tác động lớn đến người dân, thậm chí rất quan trọng đến đoàn kết các dân tộc vì mục đích chung của Đảng, nhà nước. "Như đợt tuyên truyền kỳ bầu cử vừa rồi, chúng tôi được cấp phim và tài liệu để hướng dẫn người dân, cùng chính quyền thực hiện thành công công tác bầu cử. Tưởng dễ nhưng cũng phải mất nhiều tháng, hàng chục buổi chiếu tận tình, không ngại khó mới làm được", anh Lực nói.

Và quả thật, phải đi cùng, làm việc cùng đội chiếu bóng mới hiểu hết nỗi lòng các anh, hiểu được công việc các anh đang làm. Đó là một công việc, một nghề nghiệp đòi hỏi bảo đảm trách nhiệm với xã hội. Vậy mà, những người làm nghề chiếu bóng ở Cao Bằng hiện nay đang thiếu thốn rất nhiều cơ sở vật chất phục vụ tác nghiệp.

Kinh phí định mức cho một buổi chiếu của các đội chiếu bóng chỉ bình quân 116.000 đồng, một số tiền quá ít ỏi bởi nó đã bao gồm để mua xăng chạy máy nổ, tiền ăn, tiền phụ phí đi lại. Hầu hết các đội chiếu bóng ở Cao Bằng, nhân viên phải đi bằng xe máy cá nhân, tự bảo quản thiết bị chuyên dụng, tự lo an toàn của cá nhân.

Khó khăn là thế, gian nan là thế nhưng những người ngày ngày băng rừng mang văn hóa lên với bà con vùng biên viễn vẫn chưa bao giờ dừng bước. Cái nghề ấy như lẽ sống, ngấm vào từng thớ thịt đang rét buốt vì mưa rừng, chỉ cần có người xem, họ vẫn sẽ cố gắng hết sức để đem những thước phim cũ nhưng đầy ý nghĩa nhân văn đến với bà con. Trước dòng chảy của xã hội, những người làm nghề chiếu bóng ấy vẫn lặng lẽ bước đi, thực hiện công việc của mình cho đến khi những thước phim biến mất cùng thời gian…

Lê Phong
.
.
.