Chiếu bóng về buôn

Thứ Sáu, 18/03/2011, 15:20
Thời kì mà công nghệ 3D, truyền hình kỹ thuật số, truyền hình cáp… ngày càng phố biến, thì ở nơi thâm sơn cùng cốc một công nghệ "xưa như trái đất" của đội chiếu bóng lưu động lại được người dân đón chờ… háo hức như ngày hội lớn của làng. Nơi nào khó khăn nhất, thiếu thốn nhất đội chiếu bóng lại tìm tới để "góp vui", đó là công việc nối tiếp tháng này qua tháng khác của đội chiếu bóng lưu động tỉnh Đắk Nông.

Ngày hội của dân bản

Thoáng thấy chiếc xe chở dụng cụ của đoàn chiếu phim di động, lũ trẻ trong buôn nô nức chạy theo reo hò làm cho cả bon làng rộn ràng hẳn lên. Mấy chị, mấy mẹ vừa trên rẫy về tay chân còn lấm lem bùn đất nghe thông báo tối nay sẽ diễn ra buổi chiếu phim thì vội vã chuẩn bị bữa cơm tối rồi í ới gọi nhau đi xem. "Cả năm cả tháng lam lũ trên nương rẫy nên mỗi lần chiếu bóng về lại vui như ngày hội vậy" - ông Vàng A Tháng niềm nở nói.

Đến bon nào đoàn chiếu phim cũng chọn một bãi đất rộng, trung tâm bon để phục vụ. Sau khi dùng loa để thông báo cho bà con biết về chương trình tối nay, đoàn bắt đầu công việc chuẩn bị. Mới 5h chiều, khi đoàn đang dựng màn chiếu, lắp ráp các thiết bị cần thiết thì người lớn, trẻ con đã tập trung đông đảo để "xí chỗ" ngồi xem. Háo hức nhất vẫn là lũ trẻ lúc nào cũng nở nụ cười tươi rói.

Lũ trẻ trong bon chăm chú nhìn anh Điều Hồng Thanh chuẩn bị phim.

Mấy chị ngồi chăm chú như "nuốt" từng chi tiết, nhớ từng nhân vật trong phim. Rồi bỗng phá lên cười vì một tình huống hay, sau đó lại yên lặng xem tiếp. Có tiếng bàn tán khi thấy nhân vật chính gặp bất hạnh.

Những đôi nam nữ yêu nhau lại chọn một góc xa xa ở cuối sân ngồi bên nhau vừa xem vừa tâm sự. "Những dịp như thế này còn là nơi gặp gỡ hẹn hò của những đôi nam nữ yêu nhau" - Ma Văn Dinh nói.

Khi hỏi về nội dung phim, Vàng A Thân kể tóm tắt: "Vì mê game online, một cậu bé từ hiền lành đã trở thành hư, không nghe lời mẹ, lừa dối bạn bè… bộ phim khuyên không nên mê game, sẽ làm mình xấu đi".

Nhiều người dân cứ đứng tần ngần khi được thông báo buổi chiếu phim đã hết. Nhiều người dân còn nán lại xem và giúp đoàn dọn các thiết bị xong mới chịu về.

Nhật ký những chuyến đi

Chuyến xe chuyên dụng chở lỉnh kỉnh đồ, chạy đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất đi phục vụ "món ăn tinh thần". Tính từ thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) vào những xã này khoảng từ 70km, có xã phải lên đến hơn 120km.

Anh Võ Quang Vĩnh - Đội trưởng Đội chiếu bóng kể: Ngày trước để vào được bon Đăk Nang, đoàn làm phim phải đi kết hợp vừa đi xe, vừa đi bộ. Xe chở đồ đến đoạn đường nào quá xấu, lầy lội thì đi bộ, anh em trong đoàn đã phải "tay xách nách mang" máy móc, thiết bị đi bộ tám giờ tối mới vào đến bon. Hôm đó dù trễ lịch chiếu phim như thông báo, nhưng người dân vẫn đang tập trung rất đông trước sân trường mẫu giáo chờ đoàn. "Lúc như vầy, dù vừa đi bộ gần 4km đường lầy lội, nhưng mình quên hết mệt mỏi và nhanh tay lắp ráp máy móc để phục vụ bà con" - anh Vĩnh nhớ lại.

Những đêm chiếu bóng nếm trải đủ dư vị của những trận mưa rừng, những con đường bùn lầy, nước đọng… đã để lại nhiều kỉ niệm khó quên. Anh Điểu Hồng Thanh kể lại: "Hôm đó đang chiếu phim ở bon xa nhất của xã Quảng Sơn, Đăk Glong thì bất ngờ một cơn mưa rừng ập xuống, không kịp dọn đồ nên bốn anh em mỗi người một góc bạt nhanh chóng chạy đến che mưa cho máy. Người dân lúc đó nép vào những nhà quanh đó và tiếp tục xem còn bốn anh em thì cứ căng bạt như thế cho đến khi hết phim.

Có những hôm chiếu phim ở những buôn làng xa xôi, theo chương trình hôm sau phải đi xã khác nên đoàn đã lên xe về trung tâm thị xã mai lên đường cho kịp. Nhưng đi đến giữa rừng xe hư, phải mắc võng nằm lại giữa rừng, bóc mì tôm ăn đỡ đói đợi trời sáng.

Ngoài thiết bị chiếu phim, còn có võng, chăn, màn, chiếu… để có thể đối phó với những đêm ngủ rừng. "Nghề này thì vất vả nhưng cái duyên mình gặp được nó, làm được thời gian thấy có cái gì đó phù hợp với mình, rồi yêu nghề, gắn bó với nó” - anh Thanh chia sẻ.

Ngày hội của dân bản.

Cuộc sống dân bản ngày nay đã nhiều đổi khác. Đường nhựa thay đường đất, điện đèn giăng mắc. "Chuyện đưa "ánh sáng văn hóa" về vùng sâu, vùng xa nhưng giờ đời sống người dân ở các bon làng đã có các phương tiện truyền thông như tivi, radio, đầu kĩ thuật số… Lạ một điều, cứ mỗi khi đoàn chiếu phim nhựa ghé cả bản lại hồ hởi chào đón như một sự kiện, một món quà lớn" - Trưởng thôn 1 Sùng A Nhà nói.

Mỗi đêm chiếu phim đoàn thường chiếu lồng ghép các bộ phim mang tính giải trí với những bộ phim tuyên truyền hướng dẫn bà con cách sản xuất, phát triển kinh tế, kinh nghiệm chăn nuôi…

Nếu nói là tò mò thì cũng không phải vì đội chiếu phim đã đến bon nhiều lần rồi, cho đến khi ông trưởng thôn 1 tâm sự mới biết người ta xem đây như một điểm hẹn văn hóa. "Coi phim ở sân bãi có cái thú riêng của nó, vừa xem phim vừa bàn tán, chuyện trò, như một nơi hẹn hò của đôi lứa yêu nhau. Nơi gặp gỡ chuyện trò sau những giờ lên nương lên rẫy" - Trưởng thôn 1 Sùng A Nhà chia sẻ

Trọng Bình
.
.
.