Bình Thuận:

Ngăn chặn thực phẩm bẩn

Thứ Năm, 25/08/2016, 07:45
Nhằm ngăn chặn tình trạng thực phẩm bẩn tràn ra thị trường, thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Bình Thuận đã tăng cường công tác trinh sát địa bàn, tích cực phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hàng chục vụ vi phạm.


Thượng úy Trần Công Cường, người trực tiếp đi trinh sát và phát hiện, xử lý rất nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm kể lại: Qua công tác nắm địa bàn, vào ngày 17-5-2016, các trinh sát Phòng PC49 Công an tỉnh Bình Thuận đã bất ngờ kiểm tra cơ sở chế biến măng chua tại thôn Phú Hòa, xã Hàm Trí, huyện Thuận Bắc do bà Dương Thị Lập làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an phát hiện trong khu vực hôi thối nằm sát chuồng heo có hàng chục bồn, chậu đang ngâm măng (sau khi cân có tổng trọng lượng 200kg), trên nền sàn còn một số túi nilon dính chất bột màu trắng, vàng. Lúc đầu chủ cơ sở này chỉ nhận cơ sở của mình làm ăn chưa được vệ sinh cho lắm chứ không sử dụng bất cứ loại chất cấm nào để ngâm, tẩy, rửa măng chua…

Đến khi lực lượng Công an cho lấy mẫu mang đi xét nghiệm rồi niêm phong lô hàng thì bà Lập mới khai nhận mình làm ăn gian dối. Bằng cách mua chất tẩy trắng chỉ được phép sử dụng trong ngành nhuộm vải mang về đổ vào các bồn ngâm măng chua và sau một ngày thì hòa phẩm màu công nghiệp cho măng có màu vàng óng trước khi mang đi bỏ mối cho tiểu thương ở các chợ trong vùng. Cơ sở của bà đã hoạt động từ nhiều năm qua và mỗi ngày, cơ sở này xuất ra thị trường từ 200-300kg măng ngâm chua.

Cũng trong ngày 17-5, các trinh sát tiếp tục phát hiện cơ sở sản xuất đường của bà Lý Lệ Châu tại phường Đức Long, TP. Phan Thiết và phát hiện bà này cùng các công nhân đang sử dụng axít Photphoric và phẩm màu trộn vào đường cát trắng để chuyển hóa thành màu vàng rồi mang giao cho nhiều điểm bán tạp hóa và các sạp bán đường ở các chợ trong tỉnh.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi, bà Châu đã khai nhận: Trước đây khi cơ sở nhiều lần bị kiến tấn công, bà đã mua axít Photphoric về diệt kiến. Đầu năm 2015, nhiều người tiêu dùng nghi ngờ đường cát trắng là do sử dụng chất tẩy trắng làm nên, hơn nữa ngày xưa các lò kéo đường trong khu vực thường cho ra sản phẩm màu vàng thẫm hoặc ngà ngà nên người dân đã chuyển đổi từ sử dụng đường trắng sang đường vàng.

Nhận thấy đây là cơ hội kiếm nhiều tiền, bà Châu liền nhớ đến thời gian trước đó trong lúc xuống chợ Kim Biên, TP. Hồ Chí Minh mua hóa chất axít Photphoric về diệt kiến, bà được người chủ giới thiệu loại hóa chất này kết hợp với ít phẩm vàng công nghiệp trộn vào đường cát trắng sẽ tạo ra màu vàng óng rất bắt mắt. Bà Châu đã mua một can 20 lít hóa chất này với 1kg bột màu công nghiệp về trộn thử và quả nhiên bao đường 50kg chỉ trong mấy phút đã chuyển thành màu vàng óng, mang bỏ mối thì các chủ sạp tranh nhau lấy hàng.

Bà Châu chuẩn bị đổ axit Photphoric vào đường cát trắng.
Công an kiểm tra cơ sở sản xuất đường của bà Lý Lệ Châu.

Nhận thấy việc chuyển đổi từ đường trắng sang đường vàng quá dễ, bà Châu tập hợp những người thân trong gia đình ngày đêm đi thu mua đường cát trắng, còn bà xuống chợ Kim Biên mua hàng loạt thùng hóa chất mang về trộn đường. Đến khi hút hàng, bà này còn ra "sáng kiến" sử dụng chiếc máy trộn bê tông để trộn cho nhanh hơn nhằm đáp ứng đơn đặt hàng của các đại lý.

Với cách làm này, mỗi ngày bà Châu tung ra thị trường từ nửa tấn đường trở lên, thu lợi bất chính hàng triệu đồng.

Vào ngày 12-5-2016, các trinh sát Phòng PC49 phối hợp với Chi cục Nông Lâm Thủy sản thực hiện đợt kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm trên toàn địa bàn. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng phối hợp phát hiện cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Thu và ông Hà Tấn Thượng tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc đang ngâm hàng trăm kg giá đỗ trong dung dịch màu trắng có mùi nồng nặc gần giống thuốc trừ sâu.

Trong quá trình yêu cầu phối hợp làm việc, gia đình bà Thu, ông Thượng đã lén cho người đổ toàn bộ dung dịch màu trắng trong các chậu xuống đường ống rồi cho thay thế bằng nước sạch trước khi khẳng định với lực lượng phối hợp rằng gia đình ông bà làm ăn nghiêm túc.

Bằng kinh nghiệm có được trong thời gian dài làm việc trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, các trinh sát Phòng PC49 Công an tỉnh Bình Thuận nhận định khả năng cơ sở này sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc tẩy trắng trong sản xuất giá là rất cao. Lực lượng kiểm tra liên ngành đã quyết định lấy mẫu mang đi xét nghiệm trước sự chứng kiến của bà con nhân dân và chủ cơ sở.

Biết không thể qua mặt được cơ quan chức năng, bà Thu và ông Thượng đã xin khai nhận: Trước đây khi chưa biết cách sử dụng hóa chất tẩy trắng và thuốc kích thích tăng trưởng thì 1kg đậu ngâm trong thời gian 7 ngày cho ra từ 5-6kg giá nhưng thân nhỏ, rễ dài rất khó bán và lợi nhuận cũng ít.

Gần đây, được sự chỉ dẫn của một người quen ở TP. Hồ Chí Minh, bà mua thuốc kích thích tăng trưởng và chất tẩy trắng về làm theo 3 công đoạn trước khi mang đi bỏ mối. Đầu tiên cho ngâm đậu xanh vào nước cho nứt vỏ, đến khi hạt đậu nhú mầm thì cho thuốc tăng trưởng vào.

Trải qua 2-3 ngày khi cọng giá đã dài thì vớt cho vào bồn có chứa thuốc tẩy trắng ngâm. Đến khi rễ teo lại, màu giá trắng nõn thì vớt ra ngâm nước thuốc tăng trưởng trong vài giờ để thân giá hút nước cho no mọng rồi mới vớt ra mang bỏ cho các sạp ngoài chợ.

Thịt trâu, thịt heo nái ngâm hóa chất biến thành thịt bò.

Với cách làm này, thời gian làm ra một mẻ giá sẽ rút ngắn được một nửa và thuốc tăng trưởng làm cho giá hút nước nên sẽ nặng gần gấp đôi (từ 6kg giá/1kg đậu xanh lên 9-10kg giá đỗ/1kg đậu xanh).  

Thượng tá Nguyễn Đình Phúc - Phó trưởng Phòng PC49 Công an tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ với 8 bãi tắm nằm trong tốp đẹp nhất Việt Nam nằm trên 192km bờ biển kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp địa danh Cà Ná của tỉnh Ninh Thuận kéo dài đến tận bãi bồi Bình Châu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mỗi ngày bình quân Bình Thuận đón tiếp trên 10.000 lượt du khách trong nước và quốc tế tìm đến du lịch biển, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người dân và cũng là nguồn thu ngân sách quan trọng cho tỉnh.

Lợi dụng dòng chảy du lịch này, một bộ phận những người sản xuất, chế biến thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm khác chỉ vì nguồn lợi trước mắt đã bất chấp các quy định, kể cả đạo đức trong kinh doanh sẵn sàng đưa các loại hóa chất độc hại, chất cấm hoặc các loại chất bảo quản chỉ được dùng trong công nghiệp tẩy nhuộm vào việc ngâm, tẩm, ướp thực phẩm rồi tìm cách tuồn vào các chợ, nhà hàng gây tâm lý bất ổn trên diện rộng.

Không thể để cho những đối tượng làm ăn bất chính gây ảnh hưởng không tốt cho khách du lịch và nhất là làm tổn hại đến sức khỏe của người dân địa phương, trong thời gian qua, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát môi trường (PC49) tăng cường công tác trinh sát trên toàn địa bàn để nắm tình hình thực tế, tích cực phối hợp với Chi cục Nông Lâm Thủy sản và các ngành chức năng ngoài việc tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm còn kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất hàng hóa các loại, nhất là sản xuất kinh doanh thực phẩm để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.

Trong thời gian qua đã xử lý hàng trăm vụ việc vi phạm nghiệm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm các loại. Tuy nhiên công tác xử lý các đối tượng vi phạm này cũng không hề đơn giản bởi ngoài việc phải bỏ ra rất nhiều thời gian để thu thập chứng cứ vi phạm, sau khi thu mẫu, lực lượng Công an còn phải thực hiện công tác giám định xem có bao nhiêu loại chất cấm tồn đọng trong thực phẩm rồi mới tiến hành xử phạt theo khung của pháp luật.

Đặc biệt tại thôn Văn Lâm, xã Hàm Mỹ, huyện Thuận Nam, một số đối tượng còn giả bộ dựng lên một số lò mổ bò, nhưng thực chất không có hoạt động giết mổ mà thu mua thịt heo nái già hoặc thịt trâu Ấn Độ mang ngâm thịt heo nái già vào hóa chất và huyết giả làm thịt bò rồi mang bán cho người tiêu dùng.

Khi bị phát hiện, xử lý bằng hình thức phạt tiền, đối tượng này mang ngay lên nộp nhưng tỏ thái độ thách thức và sau đó tiếp tục vi phạm. Đến khi các trinh sát lập biên bản và kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh thì đối tượng đòi đến cơ quan Công an đập đầu tự tử.

Trước hành động cực đoan này, lãnh đạo đơn vị đã cử các trinh sát có tài thuyết phục xuống tận nhà người vi phạm giải thích pháp luật, phân tích về tác hại của những loại hóa chất đối với người sử dụng. Đến khi những người vi phạm này hiểu ra vấn đề thì hướng dẫn giúp đỡ để họ làm ăn chân chính và cho đến nay có gia đình đã mua được cả xe ô-tô động lạnh để vận chuyển thịt nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đức Cương
.
.
.