Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Chủ Nhật, 10/03/2019, 13:42
Là địa phương có số lượng lợn và thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất nước, hai địa phương, Đồng Nai và TP HCM, đang có những động thái đẩy mạnh các biện pháp phòng tránh, kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp nhằm chống lại nguy cơ lây lan dịch bệnh tả lợn châu Phi từ các tỉnh thành phía Bắc vào. Ngoài ra còn xây dựng cả kịch bản ứng phó tình huống khi bệnh này xuất hiện tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn.


Tránh nguy cơ thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi

Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng, cùng với cả nước, các địa phương khu vực phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh này. Bởi nếu dịch bệnh bị lây lan vào khu vực nuôi lợn lớn ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai sẽ dẫn đến thiệt hại rất nặng nề cho người chăn nuôi, chưa kể những hệ lụy tiêu cực khác cho cả nền kinh tế…

TP Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch này.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn lợn của cả nước hiện có 13,5 triệu con, trong đó riêng Đồng Nai khoảng 2,5 triệu con, đứng đầu cả nước. Theo bà Nguyễn Thị Hoa (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), hộ dân có đàn lợn 1.700 con đang nuôi gần 1 tháng nữa mới đủ tuổi xuất chuồng, do biết đây là loại dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, một khi mắc dịch này đàn lợn sẽ chết hết vì chưa có thuốc chữa trị nên khiến gia đình bà đang rất lo lắng. Bởi bà cũng như những người chăn nuôi lợn khác có thể đứng trước nguy cơ "mất trắng" nếu đàn lợn dính dịch.

Tương tự, gia đình anh Minh Hùng (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đang chăn nuôi đàn lợn hơn 2.000 con cũng đứng ngồi không yên trước diễn tiến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi. Theo anh Hùng thì gia đình anh đang hy vọng nếu lứa lợn này bán được giá sẽ có tiền để trả nợ ngân hàng, nhưng nếu không may mắn, dịch bệnh lây lan và bùng phát thì khó tránh khỏi việc phải bán nhà, bán chuồng trại để trả nợ.

Với gia đình ông Minh Hoàng (huyện Thống Nhất), từ khi nghe thông tin về dịch bệnh này xuất hiện ở Việt Nam, nhà ông đã áp dụng những phương cách chặt chẽ để tránh dịch cho đàn lợn của nhà mình. Theo đó, ông cho cách ly toàn bộ đàn lợn, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, thức ăn sạch, an toàn, tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh trên đàn lợn.

Đặc biệt, ông ngừng mua thức ăn dư thừa của các bếp ăn công nghiệp về cho lợn ăn như trước đó. Hiện, gia đình ông chỉ cho đàn lợn ăn cám của các doanh nghiệp uy tín, dù có tốn kém hơn, để hạn chế tối đa nguy cơ bị lây nhiễm bệnh và đảm bảo an toàn cho đàn lợn của gia đình…

Theo những người chăn nuôi ở Đồng Nai, thông tin về dịch tả lợn châu Phi được bà con theo dõi liên tục. Họ phải thường xuyên chăm sóc đàn lợn một cách cẩn thận, trong đó phải chích ngừa đầy đủ, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho lợn… để bảo vệ đàn lợn cũng chính là bảo vệ tài sản của họ.

Những hộ chăn nuôi lợn ở Đồng Nai lo lắng dịch bệnh.

Bởi hơn ai hết, người nông dân hiểu rằng nếu dịch bệnh xảy ra, thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề vì đây là loại dịch bệnh chưa có vaccin ngừa, chưa có thuốc chữa, một khi lợn mắc bệnh là chết hết và chỉ có cách tiêu hủy.

Trước tình hình nguy cấp của dịch bệnh này, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định thành lập hai chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển lợn qua địa bàn nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh này. Cụ thể, chốt thứ nhất đóng trên quốc lộ 20, tại điểm giáp ranh giữa địa bàn huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) và tỉnh Lâm Đồng; chốt thứ hai đặt tại quốc lộ 1A ở điểm giáp ranh giữa xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và tỉnh Bình Thuận.

Cả hai chốt kiểm dịch này sẽ thực hiện công tác kiểm tra động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên vận chuyển qua địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này vào Đồng Nai.

Riêng tại chốt kiểm dịch động vật nằm trên quốc lộ 1A, theo ngành chức năng Đồng Nai, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 10 xe chở lợn đi qua với số lượng hơn 1.500 con. Những ngày qua, trạm đã huy động toàn bộ nhân lực, phối hợp với cả Cảnh sát giao thông để xử lý các xe chở động vật có dấu hiệu vi phạm, kiên quyết không cho lợn bệnh qua trạm.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tính đến nay, giá lợn hơi ở miền Nam vẫn đang ở mức cao nhất. Vì vậy, việc vận chuyển lợn từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam tiêu thụ dự báo sẽ tăng. Hiện bệnh dịch tả lợn đang bùng nổ ở 7 tỉnh thành miền Bắc.

Nguy cơ dịch này nhiễm vào Đồng Nai qua đường vận chuyển có khả năng rất cao. Vì thế, ngay thời điểm nắm thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở miền Bắc, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều cuộc họp, đề ra các giải pháp ứng phó khẩn cấp dịch bệnh.

Trong đó, cơ quan chức năng Đồng Nai cho kiểm soát chặt các tuyến đường vận chuyển lợn từ phía Bắc vào, tiến hành các đợt tiêu độc khử trùng trong phạm vi toàn tỉnh, siết chặt hoạt động các cơ sở giết mổ, trong trường hợp phát hiện ổ dịch thì lập tức tiêu hủy ngay đàn lợn nhiễm bệnh và những đàn lợn ở khu vực xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh…

Xây dựng kịch bản ứng phó khẩn cấp

Là địa phương có thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất nước, TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch này. Đặc biệt, thành phố còn xây dựng cả kịch bản ứng phó tình huống khi bệnh này xuất hiện tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Hiện TP Hồ Chí Minh có gần 4.400 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 300 ngàn con. Trong đó, có 278 hộ nuôi lợn bằng thức ăn thừa thu gom tại các nhà hàng, quán ăn với tổng đàn 22.740 con, tập trung tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và quận 12.

Và mỗi ngày, Thành phố tiêu thụ từ 10.000 - 11.000 con lợn và một lượng lớn trong số đó nhập từ các tỉnh, thành khác. Đây được xem là những nguy cơ lớn xâm nhiễm mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Thành phố.

Cũng như Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh đã triển khai những biện pháp để ngăn nguồn lợn nhập vào thành phố từ những tỉnh thành phía Bắc và miền Trung. Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã có kế hoạch ứng phó dù chưa tiếp nhận nguồn lợn từ các tỉnh phía Bắc nhưng vẫn đưa ra giả định tình huống khi tiếp nhận lợn vùng có dịch để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.

Chốt kiểm dịch động vật nằm trên quốc lộ 1A, địa bàn huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai.

Trong đó, các giải pháp đặt ra như tăng cường lực lượng kiểm soát ở các điểm đầu mối giao thông, nhất là ở khu vực cửa ngõ, trên các trục đường chính thông qua các cơ chế hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh, đơn vị này đang phối hợp với ba đoàn kiểm tra tổ chức chốt chặn tại quận 2 (hướng từ Đồng Nai về TP Hồ Chí Minh), huyện Củ Chi (hướng từ Tây Ninh về TP Hồ Chí Minh) và tại huyện Bình Chánh (hướng từ các tỉnh miền Tây về TP Hồ Chí Minh).

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các hộ chăn nuôi phải khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện có lợn bệnh, lợn chết bất thường để lấy mẫu giám sát. Chi cục cũng thường xuyên lấy mẫu đối với nguồn lợn nhập để chủ động giám sát và phát hiện sớm, xử lý kịp thời.

Đồng thời, các hộ chăn nuôi cần tăng cường thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện tiêu độc khử trùng định kỳ 1 lần đến 2 lần/tuần đối với trang trại của mình. Đối với các trang trại chăn nuôi thì sẽ hạn chế khách tham quan, kể cả trường hợp thương lái vào chuồng để lựa lợn để mua…

Bên cạnh đó là việc tăng cường kiểm soát cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, bảo đảm nguồn nhập phải có nguồn gốc. Đặc biệt, các quận, huyện cũng cần tăng cường kiểm soát giết mổ trái phép, nếu không kiểm soát được việc này thì nguy cơ rất lớn.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, hiện nay các lò mổ trên địa bàn thành phố đã cam kết không nhận lợn từ các tỉnh phía Bắc và các cơ quan chức năng, thương lái, tiểu thương đã chủ động kiểm soát và liên lạc với các nơi để đảm bảo cung cấp đủ nguồn cho thị trường thành phố.

Song song với việc tăng cường kiểm soát tối đa về khả năng nguồn lây dịch bệnh, cơ quan chức năng của thành phố cũng tập trung tuyên truyền tới người dân không quay lưng với mặt hàng thịt lợn vì dịch tả lợn châu Phi không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Ban An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào về dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn thành phố. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho rằng đây là lúc TP Hồ Chí Minh phải đề cao cảnh giác.

Thành phố đã có chốt chặn kiểm tra từ khâu lợn sống đưa vào lò mổ đã xét nghiệm, đảm bảo nguồn gốc giấy tờ, nếu phát hiện thì kiên quyết tiêu hủy, không giấu bệnh. Thứ hai là lợn đã mổ rồi thì tăng cường chốt chặn các chợ đầu mối, kiểm tra kỹ nguồn gốc…

Phú Lữ - Đan Nguyên
.
.
.