Diễn tập ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi

Thứ Năm, 07/03/2019, 17:59

Ngày 7-3, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn tập thực hành "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi".


Buổi diễn tập tình huống giả định phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thôn Nga My Hạ, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Ngay sau khi nhận được tin báo đội phản ứng nhanh của Chi cục Thú y Hà Nội tới địa bàn có dịch để xứ lý. Tại buổi diễn tập, các đơn vị của TP đã phối hợp thực hiện thao diễn với 4 bước: bắt giữ và làm choáng lợn trước khi tiêu hủy; Vệ sinh khử trùng tiêu độc tại hộ chăn nuôi; Tiêu hủy lợn mắc bệnh; Tiến hành hoạt động của chốt kiểm dịch, tiêu độc khử trùng các phương tiện qua lại.

Tại buổi diễn tập, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã yêu cầu xã Thanh Mai cần tập trung nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới và tiến hành tiêu hủy. Dừng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ thôn có lợn dương tính với dịch tả lợn trong vòng 21 ngày để theo dõi, giám sát. Tái đàn sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh. Đề nghị huyện chỉ động chuẩn bị vật tư, phương tiện, đầu tư kinh phí đáp ứng yêu cầu chống dịch, hỗ trợ tài chính cho người dân có lợn, sản phẩm của lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Tiến hành pha dung dịch khử trùng khu vực có dịch.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, hiện một số ổ dịch xảy ra tại một số điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng lợn phải tiêu hủy tương đối nhỏ (một hộ tiêu hủy 10 đến 20 con) nếu như xảy ra ở trang trại lớn, nuôi hàng nghìn con thì lúc đó thiệt hại về kinh tế sẽ là rất lớn. Giả thiết được ông Đăng đưa ra là nếu như Hà Nội thiệt hại 30% (tổng số lợn của TP) tương đương 600.000 con, trung bình 2 triệu đồng/con, như vậy sẽ thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Nếu như thiệt hại 50% số lợn trên địa bàn thì thành phố sẽ mất vài nghìn tỷ đồng. Theo lãnh đạo Sở, khi xảy ra tình trạng như vậy phải mất ít nhất 6 tháng sau mới bắt đầu chăn nuôi phát triển lại được. Vì vậy nếu như dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện mình thì không chỉ thiệt hại cho các hộ nông dân mà con ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của toàn huyện.

Tiêu huỷ lợn nhiễm bệnh theo đúng quy trình.

Ông Đăng cũng nhấn mạnh, để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, ngoài việc triển khai diễn tập phòng chống dịch, Hà Nội cần tiếp tục phát động đợt tẩy uế môi trường trên địa bàn TP (dự kiến từ 15-3 đến ngày 15-4). Đồng thời thành lập 5 tổ công tác liên ngành đi kiểm tra tất cả các quận, huyện và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả, không để lây lan diện rộng.


N.Y
.
.
.