Nan giải chuyện ô nhiễm môi trường ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 22/06/2017, 08:15
Câu chuyện rác thải và môi trường ở TP Hồ Chí Minh đang trở nên bức xúc, đến mức mới đây HĐND Thành phố đã tổ chức một kỳ họp bất thường và ra hẳn một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này.


Một thông tin liên quan gây sự chú ý của dư luận, đó là việc mới đây, Tổng cục Môi trường đã ra quyết định xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS - chủ đầu tư nhà máy xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh) tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Vẫn bức xúc mùi hôi từ bãi rác Đa Phước

Mới đây, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS - chủ đầu tư Nhà máy xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Đây là mức phạt về một số vi phạm của VWS khi xử lý rác thải tại bãi rác Đa Phước.

Cụ thể như VWS không xây lắp, cải tạo các module xử lý nước rỉ rác với tổng công suất là 6.080 m³/ngày đêm theo cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Tại thời điểm kiểm tra, công ty này chỉ có các module xử lý nước thải với công suất thiết kế là 4.280 m³/ngày đêm của Dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 3.000 tấn/ngày.

Đồng thời, đơn vị này cũng không xây lắp bổ sung công trình xử lý nước thải cho Dự án nâng công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày, dẫn đến hiện nay đang lưu giữ trái quy định 700.000 m³ nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Bãi rác Đa Phước nhìn từ trên cao.

Cùng với việc phạt tiền, Tổng cục Môi trường cũng yêu cầu VWS phải chấm dứt việc lưu giữ nước thải trái quy định và nhanh chóng xử lý toàn bộ nước thải đang lưu chứa tại ô chôn lấp số 2.

Ngoài ra, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước cũng được yêu cầu phải báo cáo kế hoạch khắc phục các hậu quả về Sở Tài nguyên - Môi trường và Tổng cục trước ngày 30-6 để giám sát việc thực hiện; hoàn thành việc khắc phục các hậu quả trước tháng 8. Nếu không chấp hành quyết định xử phạt, VWS sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Động thái này được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành và UBND TP Hồ Chí Minh làm rõ các sai phạm của chủ đầu tư bãi rác Đa Phước.

Theo tìm hiểu, dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD.

Giai đoạn 1 của dự án (tổng vốn hơn 32 triệu USD) được đưa vào hoạt động từ tháng 11-2007. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, bãi rác Đa Phước đã gây ra mùi hôi thối cho cả khu Nam TP Hồ Chí Minh trong thời gian dài. Không chịu nổi với cảnh môi trường bị ô nhiễm, người dân đã khiếu nại cầu cứu UBND Thành phố, có biện pháp can thiệp để trả lại môi trường sống trong lành.

Vụ việc cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo UBND TP. Hồ Chí Minh làm rõ. Ngay sau đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Nội dung thanh tra không chỉ vấn đề gây ô nhiễm môi trường mà còn kiểm tra việc giá xử lý rác cao làm thiệt hại ngân sách và hàng loạt nội dung khác.

Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng, an ninh tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thanh tra Chính phủ hiện đang khẩn trương hoàn thành công tác thanh tra tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Do đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ trước khi có ý kiến về vụ việc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng này.

Điều đáng nói, đầu tháng 6-2017, vẫn có gần 50 hộ dân sống tại các khu dân cư, chung cư ở khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7) gửi đơn đến Bí thư Thành ủy phản ảnh về mùi hôi từ bãi rác Đa Phước.

Theo người dân, tháng 6 và tháng 11 hằng năm mùi hôi từ bãi rác Đa Phước đều lan rộng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân khu vực Phú Mỹ Hưng. Việc người dân gửi đơn đến người đứng đầu Thành phố với mục đích để mong biết được giải pháp cụ thể của Thành phố và Công ty VWS giải quyết triệt để mùi hôi thối từ bãi rác Đa Phước…

Tại TP Hồ Chí Minh, một bộ phận người dân vẫn vứt rác bừa bãi.

Cần chuyển đổi công nghệ thu gom, xử lý rác mới phù hợp

Xuất phát từ việc xảy ra tình trạng ô nhiễm mùi hôi từ khu xử lý rác Đa Phước và chủ đầu tư của bãi rác này bị Tổng cục Môi trường xử phạt tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng; cộng với nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang trở nên bức xúc đến mức mới đây HĐND Thành phố đã tổ chức một kỳ họp bất thường (ngày 11-6) và ra hẳn một nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Tại kỳ họp, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên - Môi trường trong tháng 7 phải làm việc với các chủ đầu tư để tổ chức mặt trận và người dân được vào thực hiện quyền giám sát nhân dân đối với các dự án xử lý rác, trong đó có khu xử lý rác Đa Phước.

Theo ông Lê Văn Khoa, sau khi người dân phản ánh mùi hôi vào giữa năm 2016, Thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư bãi rác Đa Phước triển khai 10 giải pháp để giảm thiểu mùi hôi, bảo vệ môi trường. Và chính quyền Thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đến năm 2020 phải chuyển 1.000-2.000 tấn rác sang công nghệ xử lý hiện đại, số rác còn lại phải tăng cường xử lý tốt. Hiện bãi rác Đa Phước có một trạm quan trắc tự động được lắp đặt tại đây và sắp tới sẽ truyền dữ liệu về cơ quan chức năng để giám sát thường xuyên hơn.

Về các khu xử lý chất thải khác, ông Lê Văn Khoa cho biết, từ nay đến cuối tháng 7, UBND Thành phố sẽ rà soát hết các dự án xử lý chất thải, phải có báo cáo nghiệm thu về bảo vệ môi trường để đến cuối năm nay tất cả các dự án bắt buộc phải có nghiệm thu về môi trường.

Báo cáo tại kỳ họp bất thường này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi ngày Thành phố thải ra khoảng 8.300 tấn rác thải và được thu gom bởi Công ty Môi trường đô thị thành phố, các công ty dịch vụ công ích quận huyện (40%) và hệ thống thu gom dân lập (60%).

Về xử lý, hiện bãi rác Đa Phước chôn lấp khoảng hơn 5.000 tấn/ngày, số còn lại được chôn lấp, tái chế và làm phân compost tại các đơn vị thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi. 

Riêng lượng chất thải y tế phát sinh mỗi ngày trên địa bàn Thành phố cũng lên tới 22 tấn/ngày từ hơn 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân. Việc thu gom và xử lý chất thải y tế chủ yếu do Công ty Môi trường đô thị thành phố đảm trách. Hiện TP Hồ Chí Minh có hai hệ thống thu gom rác thải: công lập (công ích thành phố, quận, huyện) và dân lập (cá nhân, tập thể, hợp tác xã). Trong đó, lực lượng thu gom rác dân lập vẫn chiếm tỷ lệ lớn (60%), có quận lên đến 80%.

Câu chuyện rác thải và môi trường ở TP Hồ Chí Minh đang trở nên nhức nhối.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thí điểm tại 6 quận được chia làm 2 loại: chất thải thực phẩm và chất thải còn lại. Tuy nhiên, bất cập là ở một số quận, chất thải sau phân loại được tổ chức thu gom cùng lúc hai loại, kết hợp với rác chợ; phương tiện thu gom chưa phù hợp, chưa đồng bộ.

Về thực trạng hơn 1.000 điểm hẹn và 26 trạm trung chuyển rác chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, ông Thắng nhìn nhận thực trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm hẹn mức độ khá trầm trọng, do nằm xen cài trong các khu dân cư, trên các trục đường chính; việc kết nối không đồng bộ.

Để có giải pháp sắp tới, theo ông Lê Văn Khoa thì UBND Thành phố đã chỉ đạo quyết tâm cơ giới hóa việc quét dọn, các tổ vận chuyển rác dân lập cần cải thiện phương tiện vận chuyển, phương tiện bảo hộ lao động. Nên tổ chức các hình thức cho bà con dân lập thông qua các tổ chức hợp tác xã, doanh nghiệp để bảo hộ lao động, sức khỏe tốt hơn.

Theo UBND Thành phố, hiện phần lớn lượng rác thải sinh hoạt chỉ được chôn lấp nên tốn nhiều đất và chưa giải quyết được triệt để vấn đề mùi hôi. Do đó, thành phố đang xem xét theo hướng ưu tiên đầu tư các dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại hơn.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay, đến nay Thành phố dù đã từng bước kiểm soát tốt việc xử lý rác thải y tế, rác thải công nghiệp và chất thải nguy hại, nhưng việc xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. 

Trong những năm tới, dự báo lượng rác thải sinh hoạt sẽ còn tăng mạnh, do đó việc HĐND Thành phố đặt ra yêu cầu giảm lượng rác sinh hoạt chôn lấp là điều tất yếu, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững và chủ trương định hướng của Thành phố. Hiện Thành phố đang khẩn trương tính toán, xây dựng phương án để đạt được kết quả tương ứng theo lộ trình.

Ông Lê Văn Khoa cho biết trước đây do điều kiện kinh tế nên Thành phố phải chấp nhận giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh, nhưng hiện nay yêu cầu về bảo vệ môi trường, đất đai đòi hỏi phải chuyển đổi công nghệ mới phù hợp. Do đó, Thành phố khuyến khích và cam kết tạo điều kiện để đầu tư các dự án với công nghệ hiện đại có tỉ lệ tái chế, thu hồi năng lượng cao và thân thiện với môi trường, tham gia xử lý chất thải cho Thành phố.

Phú Lữ
.
.
.