TP Hồ Chí Minh: Đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường

Thứ Ba, 15/08/2006, 11:00

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở các khu vực xung quanh quận Bình Tân và Tân Phú rất bức xúc vì không thể chịu nổi mùi hôi phát ra từ khu xử lý rác Gò Cát. Tại TP Hồ Chí Minh, vẫn còn rất nhiều khu vực bị ô nhiễm nhưng chưa được xử lý và thành phố hiện đang đối mặt với một thực trạng: Lượng rác tăng theo từng ngày, trong khi đó thành phố lại đang lúng túng trong việc mở rộng thêm diện tích khu xử lý rác…

Hiện nay, các nguồn rác trên địa bàn thành phố đều được thu gom đổ về 3 bãi xử lý rác gồm: Gò Cát, Đông Thạnh và Phước Hiệp. Từ đầu mùa mưa đến nay, tình trạng phát tán mùi hôi từ khu xử lý rác Gò Cát (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) lan rộng ra các khu vực dân cư xung quanh khiến nhiều người dân rất bức xúc, nhất là thời gian từ đêm trở về sáng. Trong buổi làm việc với HĐNDTP, ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty Môi trường đô thị cho biết: "Công ty đã cố gắng tăng cường các biện pháp để tránh gây ô nhiễm môi trường ở các khu vực xung quanh công trường xử lý rác Gò Cát.

Nhất là trong mùa mưa, công trường thường xuyên được phun xịt chế phẩm sinh học Odor Removal và rải Bokasho để hạn chế tối đa mùi hôi của rác, đồng thời phun thuốc diệt ruồi xung quanh công trường. Còn nước rỉ rác thì được bơm hàng ngày về hồ chứa. Duy trì việc lấp đất phủ rác, phủ bạt bãi chôn lấp trước và sau khi thi công xử lý rác, phủ bạt các hồ chứa nước rác để tách mưa. Cũng do tốc độ phân hủy rác nhanh làm cho các lô chôn rác chưa đạt đến cao trình, tận dụng lại cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại còn sử dụng tốt.

Vì vậy, vừa qua UBND TP đã có văn bản chấp thuận cho tăng công suất tiếp nhận của công trường xử lý Gò Cát". Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì từ lúc bắt đầu hoạt động cho đến nay, công trường xử lý rác Gò Cát đã tiếp nhận, xử lý hơn 4 triệu tấn rác, vượt công suất thiết kế 102% và hiện vẫn đang tiếp tục nhận xử lý rác ở ô chôn lấp rác số 1,2. Theo công suất thiết kế thì bãi rác Gò Cát được thực hiện đến năm 2006, nhưng vì thiếu bãi chôn lấp rác nên vừa qua UBNDTP có văn bản chấp thuận cho bãi xử lý rác Gò Cát gia hạn đến năm 2008.

Theo ghi nhận của chúng tôi, việc gây ô nhiễm môi trường ở khu vực xung quanh khu dân cư là do bãi rác hoạt động vượt quá công suất, ngoài ra nhà máy xử lý nước rỉ rác tại đây có công suất 400m3/ngày thường xuyên bị nghẹt màng lọc. Mặc dù có nhiều chuyên gia tư vấn sửa chữa nhưng công suất vẫn không đảm bảo, trong khi mùa mưa lượng nước rỉ tại đây vượt khoảng 500m3/ngày.

Tốn nhiều tỷ đồng, có giải quyết được ô nhiễm môi trường?

"Không chỉ bãi xử lý rác Gò Cát, mà hiện nay bãi xử lý rác Phước Hiệp cũng chưa ổn". Đó là lời nhận xét tại buổi họp HĐNDTP của TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp. Đại diện của Công ty Môi trường đô thị cho rằng: Về tình hình xử lý nước rỉ rác, hiện nay công ty đã cải tạo vận hành hệ thống bể vi sinh, đang trong giai đoạn bảo trì để tiếp tục nâng công suất xả thải của nhà máy.

Hiện trạm xử lý nước rỉ rác vẫn đang hoạt động với công suất thấp <200m3/ngày để vừa xử lý nước vừa duy tu bảo dưỡng. Trước mắt, để giải quyết khối lượng nước rác tồn đọng tại đây, Công ty Môi trường đô thị đã tăng cường huy động phương tiện vận chuyển nước rác tại công trường xử lý rác Gò Cát về trạm xử lý nước của Công ty Quốc Việt để xử lý.

Ngoài ra, Công ty Môi trường đô thị cũng đang tích cực cùng với đơn vị Ballast Netdam, các phòng, ban tham mưu Sở Tài Nguyên - Môi trường làm việc với các đơn vị chuyên ngành trong và ngoài nước để tìm giải pháp nâng công suất và chất lượng cho công trường xử lý Gò Cát và cả bãi Phước Hiệp trong thời gian tới.

Hiện nay, Công ty Môi trường đô thị thực hiện việc xử lý các loại rác với công suất rất lớn: Rác sinh hoạt 4.780 tấn/ngày, rác xà bần 1.615 tấn/ngày, rác y tế 8.054kg/ngày, rác công nghiệp 400 kg/ngày, trong khi các bãi chôn lấp trên địa bàn thành phố ngày càng quá tải, không mở rộng thêm diện tích.

Vì vậy, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Công ty Môi trường đô thị đã kiến nghị HĐNDTP, UBNTP hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số dự án phục vụ trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác với số tiền đầu tư nhiều tỷ đồng như: Xây dựng dự án xây dựng hệ thống bổ sung trạm xử lý nước rỉ rác công trường Gò Cát, công suất 400m3/ngày để xử lý nước rỉ rác của bãi chôn lấp Gò Cát (5 tỷ đồng); dự án giảm thiểu mùi hôi nhằm làm giảm từ 70-80%, tiến tới cắt hẳn mùi hôi tại bãi rác và trạm trung chuyển (5 tỷ đồng); dự án xây dựng trạm trung chuyển Xí nghiệp Vận chuyển 2, để hiện đại hóa mục đích đảm bảo các điều kiện về môi trường, phù hợp với định hướng, phát triển và quy hoạch (20 tỷ đồng); dự án xây dựng các trạm ép rác kín (80 tỷ); dự án đầu tư xe máy chuyên dùng (74,12 tỷ)…

Với thực tế như vậy, thì hiện nay thành phố Hồ Chí Minh thật sự đang đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng và để giải quyết dứt điểm nạn ô nhiễm môi trường, đây quả thật là bài toán khó mà các ngành chức năng phải khẩn trương vào cuộc, tháo gỡ

Thúy Hà
.
.
.