Mưu sinh bên miệng Hà Bá
- Người vớt hơn 300 thi hài chết đuối
- Những phận đời vớt xác nơi cầu Bính
- Lạ lùng nghề "câu xác chết" ở làng vạn chài Cổ Đô
Ông Giáp Văn Trường (thôn Trại, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, Bắc Giang) năm nay đã ngoài 60. Sức khỏe yếu, không còn đủ sức lặn sâu dưới đáy sông cả chục mét nên một năm nay, ông không còn đi lặn nữa. Nhưng thi thoảng nhớ nghề, ông vẫn mang đồ nghề ra sông, tìm đoạn nông để lặn xuống mò trai, trùng trục…
Đồ nghề của ông đơn giản chỉ là chiếc phao làm bằng một hộp xốp cỡ bự. Trên đó ông đặt ống dẫn khí, máy xả khí, lọc khí, ắc quy và bộ quần áo đặc chủng. Mỗi lần lặn dưới đáy sông, ông lại thả chiếc phao bồng bềnh trên mặt nước, vừa để làm cột mốc sống cho ông di chuyển, mò mẫm dưới đáy sông tối hun hút, vừa chứa bình dưỡng khí để thở.
Trước đây, ông Trường là thợ lặn có tiếng của cả vùng Cao Xá. Ông bảo nghề này vất vả nguy hiểm lắm, chẳng ai muốn theo, nhưng vì mưu sinh mà ông chấp nhận đánh cược với tính mạng. Ngày ấy nhà ông nghèo lắm, quanh năm vợ chồng bán mặt cho đất bán lưng cho trời cũng chả đủ ăn.
Nuôi hai đứa con ăn học, ông bà phải lo cày cuốc, chạy vạy đủ đường, nhất là khi hai cậu con trai đều đỗ đại học thì mọi tài sản trong nhà đều đội nón ra đi. Nghe lời khuyên của người trong làng, ra sông mò trai, bắt trùng trục, nhiều thì mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn nuôi con, vậy là ông Trường bắt đầu gắn với nghề lặn sông từ thuở đó.
Vợ chồng ông Trường ngậm ngùi kể về những ngày gian khó. |
Dồn hết tiền của trong nhà, ông mua được bộ bình và mặt nạ dưỡng khí làm công cụ mưu sinh. Từ đó, ông theo người trong làng đi khắp các sông lớn nhỏ của vùng Tân Yên, Bắc Giang để mò trai, bắt hến. Được cái, trai, trùng trục lúc nào cũng có giá, chỉ cần lên đến bờ là đã có người đến tận nơi mua, tiền trao tận tay, bởi thế ông ham lắm. Ngày nào ông cũng đi lặn từ sáng đến quá trưa mới về.
Ông bảo, những ngày đầu chưa quen, ông chỉ mò được rất ít và bao giờ cũng lên chậm hơn những người khác. Xuống sâu dưới đáy sông hơn chục mét, nhiều khi tức ngực không thở được lại phải ngoi lên. Dưới đáy sông tối đen, mắt ông cứ nhắm tịt lại rồi hai tay mò mẫm, bò dưới đáy mà mò trai, bắt hến.
Chuyện mò phải gai góc, mảnh chai, mảnh sành, đứt tay đứt chân là chuyện thường xuyên. Rồi còn rác rưởi, khay mạ, túi nilon… đủ mọi thứ. Lắm khi đang lặn, mũ bị lệch, nước tràn vào mồm lại phải nhoi lên chỉnh sửa. Mùa lũ, nước xoáy dâng cao ông cũng vẫn đi lặn. Biết là nguy hiểm nhưng tháng nào con cái cũng giục tiền ăn, tiền học, tiền thuê nhà. Không đi thì lấy tiền đâu ra mà trang trải.
Ông nhớ có lần nước lũ lên, đang mò mẫm dưới đáy sông, ông cảm giác cả người mình va vào một cành cây to và cứ thế cuốn đi không đừng được. Biết là mắc phải cành cây, nước lũ lại mạnh, chỉ chậm vài giây là lũ cuốn cả người đi. Ông Trường nhanh chóng tháo bỏ mặt nạ, dây dợ, rồi lấy hết sức mạnh đạp nước ngoi lên mặt sông, gắng sức bơi vào bờ, thoát khỏi dòng lũ dữ.
Nghề lặn, sợ nhất là lúc ngoi lên bờ, khi đó chếnh choáng, mất thăng bằng phải gần 30 phút sau mới hồi. Đi riết thành quen. Chẳng khúc sông nào là ông không thuộc rõ luồng lạch, chỗ nhiều trai nhiều trùng trục, từ Cầu Sim, Bích Động (Việt Yên) rồi lần mò lê cầu Đồng (xã Ngọc Lý) xuống tận Quế Nham.
Đoạn sông cổ Nhâm Ngao ông quen từng chỗ một. Thường thì sáng ăn cơm xong là ông lên đường, đến nơi sau khi đã mặc áo quần, mang đồ lặn, khoác thêm cái túi lưới vào cổ rồi lặn xuống đáy sông. Ngày nhiều cũng phải kiếm được 400-500 nghìn đồng nên dù mưa gió, lũ về ông cũng không từ bỏ.
Nhờ những ngày mưu sinh gian nan dưới đáy sông mà hai con trai ông được ăn học tử tế và đều đã thành đạt, đang làm cho những công ty lớn ở Bắc Ninh. Kinh tế gia đình giờ đã ổn định, các con ông không còn cho bố đi lặn sông như ngày trước nữa. Tuổi cũng cao nên ông Trường không đủ sức khỏe đi nhiều như xưa. Thi thoảng nhớ nghề lắm ông mới ra sông, tìm đoạn nông, gần bờ để lặn.
Hai người em trai của ông vì mưu sinh cũng nối tiếp nghề của người anh cả, vẫn theo đám trai tráng ở xóm bên đi lặn sông từ sáng sớm đến quá trưa mới về nhà. Sông cho họ miếng cơm manh áo nhưng cũng khiến họ nhiều lần suýt rơi vào nguy hiểm.
Bộ đồ nghề thô sơ nhưng đã nuôi sống cả gia đình ông Trường. |
Ông Nguyễn Đức Tiếp, thôn Sỏi Làng, xã Ngọc Lý (Tân Yên) năm nay cũng đã ngoài 50, nhưng vì mưu sinh, ông vẫn gắn bó với nghề lặn sông gần chục năm nay. Công việc đồng áng quanh năm đầu tắt mặt tối chẳng đủ ăn, nên ông theo nghề này để kiếm thêm thu nhập.
Lúc đầu ông cũng bơi thuyền đi te hến. Nhưng do có nhiều người đánh bắt, những nơi thuận lợi trai, hến cũng chẳng còn, chỉ ở ghềnh đá mới có. Nghe theo lời mách của bạn bè, rằng đi lặn sông mò trai, bắt trùng trục được khá nhiều tiền, thế là ông đánh liều mua bộ đồ bơi thể thao về cải tiến, lắp ráp một số vật dụng để bắt đầu nghiệp đi lặn sông.
Ông bảo nghề này tuy vất vả, nguy hiểm, nhưng nếu làm chăm chỉ, có ngày ông kiếm được cả tạ trai, hến, trùng trục thu gần triệu bạc. Vào mùa chính vụ, khách đặt điểm cân tại nhà ông Tiếp, thu mua với giá từ 10 - 13 nghìn đồng/kg. Sản phẩm được giao buôn cho thương nhân ở Bắc Ninh rồi chở đi các tỉnh, thành khác. Hàng chẳng bao giờ lo ế, chỉ lo không có hàng mà bán cho khách.
Bao năm gắn bó với nghề, với sông nước, người đàn ông này biết được quy luật sinh sống của từng loài. Nơi nào nước chảy, nhiều cát thì có trùng trục; hến, trai tập trung vùng nước sạch, màu xanh, không tù đọng.
Nghề lặn này cực kì nguy hiểm, không dành cho những ai sức khỏe yếu và yếu bóng vía, bởi khi xuống đến nước sâu, là xung quanh bốn bề đen kịt, những người nhiều kinh nghiệm nhất cũng chẳng thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra với mình nhưng quan trọng nhất là luôn phải bình tĩnh để xử lý mọi tình huống. Để bảo đảm an toàn, mỗi lần xuống nước, ông Tiếp lại đeo 5-6 viên gạch vào người để di chuyển dễ dàng dưới nước.
Khúc sông Thương đục ngầu là nơi ông Trường bươn trải để nuôi sống gia đình. |
Dân làng ông phần lớn những người trung niên đi làm nghề mò trai, bắt hến. Thanh niên trẻ thì đều đi làm công ty. Những người như ông ngoài việc đồng áng thì chẳng biết làm gì hơn trong những ngày nông nhàn. Vậy là họ rủ nhau đi làm cái nghề mưu sinh bên miệng “hà bá” này để có thêm thu nhập.
Thôn Sỏi Làng có hơn 200 hộ, thì một nửa trong số đó sống bằng nghề cào trai, hến và lặn sông. Thu nhập của người kiếm được nhiều, lặn sâu khoảng 400 đến 500 nghìn đồng/ngày. Người chỉ đứng cào, thu nhập chừng 200 đến 250 nghìn đồng/ngày. Thương lái đến tận nhà mua nên bà con đỡ vất vả. Tiền kiếm được, bà con trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học.
Nhưng không phải ai cũng có thể tự trang bị đồ nghề đi lặn như ông Trường, ông Tiếp. Nhiều thợ lặn vẫn trung thành với công cụ thô sơ là một ống bương, ống luồng, vừa làm phao, vừa làm cọc để mò trai.
Anh Đắc, một thợ lặn vào nghề đã hơn hai chục năm cho hay: “Ống bương để thả nổi, khi ngoi lên chúng tôi bíu vào đấy để nghỉ lấy hơi. Còn chiếc rổ sẽ được đặt hòn gạch ở giữa, cho chìm xuống nước ngay bên cạnh để mò được trai, trùng trục bỏ luôn vào rổ cho tiện, không phải mất công ngoi lên và cũng không thể bị trôi đi đâu được”.
Cứ hít một hơi thật sâu, họ lặn xuống chừng hai phút, rồi lại ngoi lên bám vào ống bương để thở. Với đồ nghề thô sơ này, họ chỉ tìm những đoạn sông sâu vừa phải mới đủ sức lặn lâu, tránh được mọi rủi ro. Nhưng sông nước giờ đây nhiều nơi cũng đã ô nhiễm nặng. Người thợ lặn ngoài việc đối mặt với nguy hiểm còn phải đối mặt với ô nhiễm, rác thải.
Mỗi lần đi lặn về là mắt mũi đỏ hoe, ngứa ngáy vì ngụp sâu trong nước bẩn. Còn tay chân thâm tím, chai sần, sứt sẹo vì bị mảnh sành, gai góc cào vào. Trời nắng cũng như trời rét, họ vẫn ra sông bươn trải. Mùa nắng càng xuống sâu lại càng mát rượi. Còn mùa mưa lạnh, mới đầu cơ thể chưa thích nghi còn run lên cầm cập, nhưng càng ở lâu dưới nước, càng xuống sâu, nước lại càng ấm.
Sông đã cho họ cơm ăn áo mặc nhưng cũng lấy đi của họ bao nhiêu thứ. Nhiều thợ lặn vì dầm nước nhiều, chịu nhiều áp lực của nước mà cơ thể đau nhức, mỏi mệt rã rời, bị nhiều bệnh hô hấp, bệnh da liễu. Chưa về già các cơ, khớp rệu rã, thế nhưng vì mưu sinh, chẳng mấy ai từ bỏ, bởi sông là nguồn sống của cả gia đình, nuôi sống họ qua những ngày giông bão.