Người vớt hơn 300 thi hài chết đuối

Thứ Ba, 21/10/2008, 10:00
Đang bữa cơm hay nửa đêm, hễ có người gọi là anh lại tất tả chạy đi, đi làm cái việc mà không ai muốn làm - vớt những xác chết đuối trên sông.

Có lẽ dọc triền sông Hồng, từ Việt Trì kéo về đến Hải Phòng không ai là không biết đến Nguyễn Đức Đại, bởi cái nghề hết sức đặc biệt của anh mà không phải ai cũng dám làm, đó là vớt xác chết đuối trên sông. Khi chúng tôi tìm đến thôn Hoàng Liên, xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội - nơi Đại sinh sống, hỏi thăm bất kỳ  ai trong xã, từ các cụ già cho đến trẻ em đều nhận được câu trả lời “Đại vớt xác, Đại bốc mộ hả? Ra ngoài bãi, sát sông Hồng mà tìm”.

Đang lúi húi bê đống gạch để làm chuồng gà, thấy có khách, anh vội xoa tay vào quần chạy ra đón. Anh phân trần “bán gần trăm mét đất mới đủ tiền xây căn nhà cấp 4 cho mẹ con nó có chỗ ở tử tế, giờ làm nốt cái chuồng gà để tăng gia thêm”. Khi được hỏi về công việc đặc biệt, Đại bật cười khà khà: “Có gì đâu, công việc đó bình thường , mọi người thấy kinh sợ chứ tôi chả thấy gì”.

Từ nhỏ cho đến khi lớn lên, rồi lập gia đình Đại chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm cái việc đặc biệt này. Thế nhưng vào một buổi chiều muộn cách đây 20 năm, Đại đang làm ruộng thì nghe bà con kháo nhau, có xác chết đuối đang nổi lập lờ ngoài sông, tò mò anh chạy ra xem. Đám đông đứng bàn tán, nhưng chẳng ai dám xuống để vớt lên.

Đứng xem một lát, Đại quay về, thế nhưng về đến nhà anh nghĩ “người ta cũng là con người, không may gặp nạn, người thân không biết, cứ trôi nổi tội nghiệp quá”. Nghĩ đến đó, lập tức anh quay lại, len qua đám người hiếu kỳ, lao xuống kéo người bị nạn lên bờ, rồi anh đào hố ngay mép sông chôn cất.

Xong việc, anh mới sực nhớ ra là mình làm mọi việc bằng tay không, mặc dù anh tắm rửa rất kỹ càng, nhưng mùi khăn khẳn vẫn bám chặt lấy anh. Tối đó bê bát cơm lên anh ăn không nổi, vợ anh phải chạy ra đầu ngõ mua cho chai rượu. Đây là lần đầu tiên trong đời Đại uống rượu như uống nước.

Từ hôm đó, hễ có người nào chết đuối, người ta cũng tìm đến anh để thông báo và anh lại lặng lẽ ra làm. Không chỉ có người quanh vùng, mà ở Hải Phòng, Việt Trì (Phú Thọ) cũng tìm đến nhờ anh “xử lý” giúp.

Anh dần quen với công việc của mình, không còn cảm giác sợ hãi như lần đầu tiên nữa. Thậm chí, anh còn vớt những xác người mất đầu hoặc mất tay chân do cá ăn hoặc ngâm lâu ngày dưới nước bị mủn ra. Vợ anh không còn ghê sợ với công việc của chồng, có nhiều “ca” phức tạp chị còn ra phụ giúp với anh.

Đại cho biết, anh không bao giờ sử dụng găng tay khi vớt và lo hậu sự cho người xấu số vì làm bằng găng “không thật tay”, xong việc chỉ cần sát ít xà phòng là xong. Anh khoe: “Làm xong về tôi ăn cơm vẫn thấy ngon, bữa nào có thịt gà vẫn dùng tay binh thường”.

Từ đó đến nay, hai mươi năm trôi qua, hơn 300 xác chết đuối đã được anh vớt và lo chôn cất tử tế. Rít xong điếu thuốc lào Đại trầm ngâm kể, bao năm trong nghề, tiếp xúc với nhiều xác chết, anh không hề run sợ. Nhưng anh lại bị ám ảnh mãi về chuyến đò bị đắm cách đây 2-3 năm, cướp đi sinh mạng của 21 người cùng một lúc.

Lúc đó, anh và vài người nữa lặng lẽ mò tìm những người xấu số dưới đáy sông, lần lượt 21 người được đưa lên đặt nằm cạnh nhau, nhìn thấy mà sót xa. Hôm đó, Đại không ăn được cơm do đau lòng trước những cái chết của bà con mình.

Làm cái việc vất vả và “đặc biệt” như vậy, nhưng Đại không bao giờ để ý đến tiền công xá, ai cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, nhiều khi anh còn phải bỏ tiền túi ra lo cho những người không rõ thân nhân. Đại tâm sự “Mình làm phúc chứ đâu phải vì đồng tiền”.

Miếng cơm hằng ngày của gia đình anh dựa cả vào mấy sào ruộng nên gia cảnh nghèo lắm, gần đây để kiếm thêm tiền anh chuyển sang nghề bốc mộ thuê. Đại khoe, vào dịp cuối năm bắt đầu từ tháng 9 âm lịch trở đi anh làm không hết việc, có ngày anh bốc 6 ngôi liên tục. Nhờ công việc mới, cuộc sống của vợ chồng anh đỡ chật vật hơn rất nhiều.

Đại “nổi tiếng” như vậy, nhưng anh rất ngại đến đám đông, nhất là những nơi có cỗ bàn, vì đến cái bắt tay người ta còn e ngại , nói gì đến ngồi ăn cùng. Người ta luôn thấy sợ anh - một kẻ suốt ngày “mó máy” vào xác chết và xương cốt

Hải Châu
.
.
.