Muôn ngả chạy trường xin học trái tuyến
- Những góc nhìn về tuyển sinh trái tuyến vào lớp 1
- Giải pháp giảm áp lực tuyển sinh trái tuyến
- Hà Nội tiếp tục giảm học sinh trái tuyến
Cứ đến gần đầu năm học mới, câu chuyện chạy trường chạy lớp cho con, nhất là các con đầu cấp lớp 1, lớp 6, lớp 10 lại nóng râm ran trên các diễn đàn.
Những cha mẹ chưa có nhà, chưa có hộ khẩu ở thành phố hay đơn giản muốn con vào học những trường được cho là có chất lượng tốt, nghĩa là học trái tuyến trường công đang phải trải qua một cuộc “chạy đua” toát mồ hôi, tốn công sức và tốn hầu bao.
Cung cách tuyển sinh siết chặt việc học đúng tuyến trong hệ thống các trường công đang chứng kiến một sự loạn xạ, với muôn nẻo đường vào trường cho học sinh trái tuyến.
Nỗi buồn hộ khẩu
Chị Trần Thị Diệu thuê nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Con gái của chị năm nay vào lớp 1. Chị đôn đáo suốt từ hồi tháng 5, cậy nhờ người để xin cho con một suất học trái tuyến vào Trường tiểu học NT.
Chị kể:
“Khu vực tôi thuê nhà ở rất đông dân cư, học sinh có hộ khẩu học đúng tuyến cũng rất nhiều rồi. Khi tôi cầm hồ sơ đến gặp cô hiệu trưởng, cô nói rất khó để sắp xếp cho con, vì đông quá. Trường phải ưu tiên học sinh đúng tuyến, sau đó là học sinh có hộ khẩu KT3 dành cho người cư trú trên địa bàn ít nhất 3 năm rồi.
Vợ chồng tôi thì lại mới chuyển đến thuê nhà ở đây. Tôi cũng cậy nhờ một số người quen có mối quan hệ xin cho con vào trường nhưng không hiệu quả. Giờ tôi phải chuyển hồ sơ xin cho cháu đến một trường khác xa hơn, có người nhận giúp đỡ rồi. Nhưng cháu mà được vào học ở một trường xa hơn thì chúng tôi rất cực chuyện đưa đón, có lẽ sẽ phải trả nhà này đi tìm thuê nhà khác gần chỗ cháu học”.
Chị Diệu buôn bán hoa quả ở khu vực chợ NT, chồng chị là nhân viên Công ty Môi trường. Quê chị ở Hà Nam. Trước đây, chỉ mình chồng chị ở Hà Nội, còn chị và con gái sống ở quê. Nhưng cuộc sống khó khăn, đồng lương của chồng không đủ lo cho gia đình 3 người, nên chị lên thành phố buôn bán lặt vặt kiếm đồng ra đồng vào.
Để con ở nhà với ông bà ngoại được 2 năm, giờ vợ chồng chị muốn đón con lên Hà Nội cho con đi học lớp 1, vì bà ngoại già cả rồi, không thể đưa đón cháu đi học hàng ngày. Nhưng không ngờ chị thấy việc xin học trái tuyến cho con khó khăn quá. Suốt mấy tháng trời mất ăn mất ngủ nhờ hết anh em bạn bè xin chỗ này chỗ kia mà việc vẫn chưa đâu vào đâu.
Ảnh minh hoạ. |
Thực tế, ở các thành phố lớn hiện nay, số lượng người di dân đến làm việc kiếm sống rất lớn. Phần lớn trong số họ chưa có nhà, chưa có hộ khẩu thường trú. Không chỉ những người buôn thúng bán bưng, mà cả những người có trình độ, sau khi học xong các trường đại học, cao đẳng cũng ở lại thành phố để xin việc làm. Họ lập gia đình, sinh con và tiếp tục sống trong những căn nhà thuê cho đến khi mua được nhà.
Các khu công nghiệp ở thành phố là nơi thu hút rất đông lao động phổ thông. Họ đến làm việc nghĩa là có thể sẽ mang theo gia đình, con cái. Nhưng họ đều là những người không có hộ khẩu tại địa phương nên nếu con cái đến tuổi đi học, câu chuyện học đúng tuyến, trái tuyến sẽ rất phiền phức. Và dĩ nhiên, chạy trường chạy lớp sẽ là vấn đề họ phải đối mặt dù muốn hay không.
Những năm các con đầu cấp lớp 1, lớp 6, lớp 10 chính là những thời điểm mà cha mẹ không có hộ khẩu ở thành phố vô cùng đau đầu, cực nhọc chuyện xin học cho con. Họ không chỉ tốn tiền bạc, mà còn tốn thời gian, công sức, phải đôn đáo khắp nơi, xin xỏ hết giấy tờ này đến giấy tờ khác, mong sao cho con được nhận vào ngôi trường thuận tiện nhất cho việc học hành, đưa đón.
Quy định khắt khe của ngành giáo dục, là phải có hộ khẩu trên địa bàn thì trẻ mới được nhận vào các trường học trên địa bàn đã khiến cho nhiều gia đình không có hộ khẩu rơi vào tình trạng nửa khóc nửa cười mỗi mùa tuyển sinh. Ở các trường có thương hiệu, có tiếng, việc một học sinh được vào học trái tuyến còn khó khăn hơn bội phần, bởi việc chọn trường từ lâu đã quá phổ biến.
Những gia đình có hộ khẩu ở địa bàn này, nhưng vì muốn chọn trường tốt cho con, họ chuyển con đến học ở địa bàn khác, nơi có ngôi trường họ mong muốn cho con học. Họ dùng các mối quan hệ xã hội, thậm chí dùng tiền để xin cho con vào học. Số lượng học sinh trái tuyến kiểu này cũng không hề nhỏ, thành ra những gia đình khó khăn thật, không có hộ khẩu Hà Nội thật, eo hẹp về kinh tế và các mối quan hệ xã hội càng chật vật để kiếm một suất học trái tuyến cho con.
Ma trận bán mua suất học trái tuyến
Đầu mùa hè, trên một số diễn đàn, cư dân mạng bắt gặp cả những lời rao bán suất học trái tuyến. Người rao bán có thể xưng là cô giáo tại trường X, trường Y, được suất ngoại giao muốn bán cho gia đình nào có con muốn xin học trái tuyến vào trường. Có người nhận là phụ huynh học sinh, muốn nhượng lại suất học trái tuyến đã mua vì lý do “vừa chuyển nhà nên không tiện để con học trường này nữa”...
Sau những lời rao bán suất học như vậy là rất nhiều comment, chứng tỏ nhu cầu mua suất học trái tuyến cho con ở các gia đình là rất lớn.
Trong vai người nhà có con chuẩn bị vào học lớp 1, nhóm phóng viên đã liên hệ với một người rao bán lại suất học trái tuyến trên mạng. Anh này nói đã mua suất học cho con vào trường KL với giá 15 triệu đồng. Nay vì chuyển nhà mới bất ngờ nên anh phải xin cho con học trường khác, muốn bán lại với giá 13 triệu không thương lượng. Nếu ưng thì anh sẽ kết nối để gặp cô giáo, người sẽ đảm bảo đưa danh sách của trẻ được nhượng suất trái tuyến vào lớp 1.
Ảnh minh hoạ. |
Có một câu chuyện từ lâu người ta đã rỉ tai nhau trong một số trường học. Là mỗi giáo viên sẽ được “thưởng” bằng một suất học trái tuyến. Theo đó, hiệu trưởng sẽ để dành 1 suất trái tuyến cho 1 giáo viên. Các giáo viên có thể đưa người nhà, người thân vào trường học, hay bán đi để có một khoản tiền cải thiện cuộc sống thì tùy.
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay, số lượng trường lớp chưa đáp ứng đủ nhu cầu theo học của trẻ. Quỹ đất có hạn, mà số lượng học sinh đầu vào năm sau luôn cao hơn năm trước, thành ra vấn nạn chạy trường không lúc nào giảm nhiệt, cho dù các cấp quản lý luôn xiết chặt khâu tuyển dụng. Việc phải trả một khoản tiền không nhỏ để con được vào học tại một trường nào đó hiện nay không hiếm, thậm chí còn khá phổ biến.
Dùng tiền hay dùng quan hệ để xin học cho con, có lẽ không mấy phụ huynh muốn như vậy, nhưng thực tế không làm cách đó, họ khó có thể xin học trái tuyến cho con. Áp lực xin học ở các trường chất lượng cao, trường điểm, trường trung tâm đã đẩy sĩ số học sinh ở nhiều lớp lên đến 60 học sinh. Việc học như vậy thật quá khó khăn với cả thầy và trò. Một giáo viên liệu có thể quan tâm được hết con số học trò như vậy trong một giờ học 30-45 phút?
Với những gia đình có điều kiện kinh tế, thì họ thường lựa chọn cho con theo học các trường tư, trường quốc tế. Nộp học phí cao và con họ được hưởng thụ một môi trường giáo dục đúng chuẩn.
Nhưng, phần đa các gia đình con nhà lao động thì không thể có điều kiện học ở những trường học phí ngất ngưởng. Họ chọn trường công vì phù hợp với khả năng tài chính của gia đình. Tuy nhiên, một suất học vào trường công cho con, với những người chưa có hộ khẩu, thật chẳng dễ dàng chút nào. Ngay cả khi con được nhận vào học rồi, thì với sĩ số đông như vậy, chất lượng học và dạy cũng sẽ bị hạn chế.
Thiết nghĩ, các nhà quản lý giáo dục tại các thành phố lớn cần điều chỉnh lại chính sách học đúng tuyến và trái tuyến cho có sự hợp lý hơn, để làm sao bớt đi vấn nạn chạy lớp chạy trường mỗi khi mùa khai giảng đến gần. Cùng với đó là việc dành quỹ đất cho việc mở rộng trường lớp để đảm bảo một môi trường học hành chuẩn mực cho trẻ em. Việc khó, nhưng phải làm. Chỉ có như vậy thì mới giảm tải vấn nạn chạy trường chạy lớp như hiện nay.