Hà Nội tăng nhiệt với tuyển sinh vào lớp 1:

Giải pháp giảm áp lực tuyển sinh trái tuyến

Thứ Hai, 09/05/2011, 10:25
Hiện nay, tuyển sinh trái tuyến thực sự đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với rất nhiều gia đình có con vào lớp 1. Mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội luôn chủ trương ba giảm, trong đó có giảm học sinh trái tuyến, giảm sỹ số học sinh/lớp học, nhưng trên thực tế, tuyển sinh trái tuyến rất khó giảm và ở nhiều trường tạm gọi là trường "điểm" sỹ số theo quy định là 35 học sinh/lớp đã trở nên xa vời, vì sỹ số thực tế lớn hơn rất nhiều.

Còn hơn 2 tháng nữa mới đến thời điểm tuyển sinh trái tuyến, nhưng thời điểm này, cuộc đua để giành được một suất trái tuyến đang diễn ra hết sức căng thẳng ở nhiều quận, huyện. Cuộc đua này đang tạo ra nhiều hệ lụy không tốt cho môi trường giáo dục lành mạnh. Vậy làm thế nào để "giảm nhiệt" tuyển sinh trái tuyến? Làm thế nào để tuyển sinh trái tuyến không còn là nỗi ám ảnh cho cả nhà trường và phụ huynh? PV Báo CAND đã ghi lại ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, của hiệu trưởng và phụ huynh về vấn đề thời sự này.

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT: Đừng tạo sức ép học hành lên con mình bằng việc "chạy trường"

PV: Quan điểm của Bộ GD&ĐT là luôn muốn giảm thiểu hiện tượng tuyển sinh trái tuyến, nhưng thực tế lại không thể giảm. Là một nhà quản lý cấp tiểu học và là một phụ huynh, ông suy nghĩ như thế nào trước hiện tượng này?

Ông Lê Tiến Thành: Để đảm bảo quyền được học của mọi trẻ em, các phường (xã) đều có trường tiểu học và có trách nhiệm thu nhận mọi học sinh có hộ khẩu thường trú vào trường. Nhưng trên thực tế vẫn có tình trạng, trường ở phường A lại phải thu nhận học sinh ở phường B, vì cha mẹ em đó làm việc ở phường A để tiện cho việc đưa, đón con đi học. Trường ở phường A có cơ sở vật chất tốt, được học cả ngày, được chăm sóc tốt, hoặc nghe nói trường dạy tốt hơn nên cha mẹ ở phường khác đều muốn cho con học ở trường này.  Một số khu chung cư mới mới xây dựng, nhưng chưa có trường học nên trẻ em phải tìm trường ngoài địa bàn, và còn những lý do khác. Đây thực sự là một bài toán khó…

PV: Ông có nghe phản ánh rằng, để giành được một suất trái tuyến ở những trường danh giá, phụ huynh phải mất đến hàng ngàn USD không?

Ông Lê Tiến Thành: Là cha mẹ, lo cho con một chỗ học tốt là chuyện bình thường, nhưng đối phó với việc chạy trường, là mối lo của các nhà quản lí giáo dục, bởi khả năng nhà trường có hạn mà nhu cầu phụ huynh, của xã hội lại lớn, "cung" không đáp ứng được "cầu". Từ đó nảy sinh nhiều vấn đề. Tôi cũng nghe nói việc "chạy trường", "chạy hộ khẩu" phải mất tiền, nhưng cụ thể là trường nào, là ai và tốn kém bao nhiêu thì chưa có được thông tin chính xác. Đây là hiện tượng tiêu cực cần phải ngăn chặn, xử lý. Do đó, cần có sự tham gia của chính quyền, ngành Giáo dục, nhân dân, báo chí và các cơ quan chức năng khác.

PV: Bức tranh trái tuyến có phải phản ánh chất lượng giáo dục không đồng đều không, thưa ông? Chỗ thừa học sinh thì số lượng học sinh/lớp học quá đông, sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng dạy và học. Bộ có giải pháp gì để giúp các Sở giải quyết tích cực hiện tượng này?

Ông Lê Tiến Thành: Bức tranh trái tuyến phản ánh nhiều vấn đề xã hội. Đó là chất lượng giáo dục (chất lượng cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học, chăm sóc cả ngày, chất lượng đội ngũ) và cả nhận thức xã hội, tâm lý cha mẹ học sinh, sự đua tranh có con được học trường "chất lượng". Các trường xã, trường ven đô thì thường ít học sinh. Trong khi đó trường nội thành quá đông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và chất lượng giáo dục nói chung. Việc chỉ đạo, quản lí hay xử lý việc chạy trường trái tuyến thuộc thẩm quyền của các địa phương theo phân cấp của Chính phủ. Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đó là trường có đủ khuôn viên, cơ sở vật chất đầy đủ, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí giỏi đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện. Tuy nhiên ở các thành phố lớn, do hạn chế về đất đai nên ít trường chuẩn quốc gia hơn vùng nông thôn, đó là thiệt thòi cho học sinh thành phố. Hy vọng trong tương lai, UBND các thành phố có kế hoạch xây dựng nhiều trường chuẩn quốc gia để giải tỏa sức ép tuyển sinh đầu cấp cho các trường "điểm" ở các thành phố. Đồng thời Bộ GD&ĐT có chuẩn giáo viên tiểu học, chuẩn hiệu trưởng tiểu học để tạo sự đồng bộ trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục các nhà trường. Nhiều trường tốt thì sức ép trái tuyến sẽ giảm đi.

Hãy để mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội: Nên cho các cháu lớp 1  học trường gần nhà

Theo tôi biết, việc chạy trường có nhiều lý do nhưng có việc xuất phát từ việc phụ huynh muốn xin cho con vào học trường vì tiện đường đi làm và đưa đón con. Nhưng có nhiều phụ huynh thường ảo tưởng về những trường có tên tuổi thì sẽ có chất lượng đào tạo tốt hơn. Trên thực tế trong một trường, trình độ của các giáo viên cũng không đồng đều rồi. Có cô dạy tốt có cô dạy khá. Theo tôi, các phụ huynh nên chọn trường gần nhà nhất để gửi con vào học lớp 1. Điều này sẽ rất tốt cho một đứa trẻ. Một đứa trẻ mới 6 tuổi mà phải tham gia giao thông mỗi sáng từ 30 đến 45 phút để đến trường thì đó là áp lực quá lớn đối với sức khỏe của các em. Học ở trường xong, các cháu lại phải tham gia giao thông từng đó thời gian với những tiếng ồn, khói bụi của xe cộ, tối về nhà các cháu sẽ rất mệt.

Thầy Trương Bảo Hiệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội: Phụ huynh cần tỉnh táo, trường đông học sinh chất lượng chưa phải đã hay!

Về mặt lý, theo Luật Giáo dục thì phụ huynh được quyền chọn trường cho con em mình. Nếu bạn hỏi tôi là có nên bỏ hẳn chỉ tiêu trái tuyến và trường nào cũng phải nhận học sinh đúng hộ khẩu, lúc đó sẽ không còn từ "trái tuyến" nữa, thì tôi e là không thể được. Vì như vậy, sẽ đúng với khu vực này nhưng lại không đúng, lại bất cập với khu vực khác. Vào mùa tuyển sinh, các trường tiểu học trong cùng một địa bàn phải san học sinh cho nhau (trường đông san cho trường khó tuyển sinh) bằng cách khống chế chỉ tiêu. Tôi biết có những trường danh tiếng, sỹ số vượt 60 học sinh/lớp, chất lượng giáo dục vì thế khó có thể đảm bảo. Do đó, phụ hunh cần tỉnh táo, vì học lớp 1 cũng không cần quá căng thẳng. Cứ cho con em học gần nhà là tốt nhất. Còn về vĩ mô, để giảm trái tuyến thì chỉ có bài toán xây thêm trường tiểu học, đầu tư nhiều giáo viên giỏi để vực trường yếu lên, thu hẹp dần khoảng cách giữa các trường, thì tự nhiên sẽ mất khái niệm "trái tuyến".

Phụ huynh Trần Thanh Huyền, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội): Các trường cần công khai còn bao nhiêu suất trái tuyến!

Theo tôi, các trường tiểu học cần công khai còn bao nhiêu chỉ tiêu cho trái tuyến. Như hiện nay mập mờ quá. Hiệu trưởng thì bảo dành suất ngoại giao, con em giáo viên, tôi cho là chính đáng thôi, nhưng vẫn có những suất được "cò" ra giá tới ngàn USD. Số tiền đó sẽ vào tay ai? Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, các Phòng Giáo dục nên tăng cường kiểm tra vào dịp tuyển sinh, để kỷ cương giáo dục được siết chặt…

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.