Mùa lễ hội còn nhiều lãng phí

Thứ Tư, 14/03/2018, 16:18
Người dân còn nghèo, lễ hội thì nhiều, vậy phải tổ chức lễ hội như thế nào để người dân vẫn được vui, mà lại tránh lãng phí tiền của. Câu hỏi này sẽ còn nhức nhối với các nhà quản lý, chắc chắn không chỉ trong mùa lễ hội này...

Gần 8.000 lễ hội trong một năm, trung bình một ngày có 2 lễ hội diễn ra - con số quả là không nhỏ với một đất nước có diện tích nhỏ như chúng ta. Các lễ hội phần lớn tập trung vào dịp đầu năm. Người người, nhà nhà nô nức đi du xuân, tham gia lễ hội. Bên cạnh ý nghĩa tinh thần của các lễ hội, vấn đề ở đây còn là câu chuyện an ninh, an toàn lễ hội. 

Và đặc biệt là câu chuyện lãng phí. Người dân còn nghèo, lễ hội thì nhiều, vậy phải tổ chức lễ hội như thế nào để người dân vẫn được vui, mà lại tránh lãng phí tiền của. Câu hỏi này sẽ còn nhức nhối với các nhà quản lý, chắc chắn không chỉ trong mùa lễ hội này...

Trả lễ hội cho người dân làm chủ thể

Trong lịch sử dân tộc, rất ít lễ hội do chính quyền đứng ra tổ chức. Phần lớn các lễ hội đều là hoạt động văn hóa của cộng đồng dân cư các làng xã, vùng miền. Nhân dân làm chủ các lễ hội. Người đứng đầu như Hội bô lão, già làng, trưởng bản có nhiệm vụ kêu gọi, quyên góp, tổ chức cộng đồng của mình chung tay tham gia vào “việc làng”. 

Vâng, lễ hội xưa được xem như “việc làng”. Mỗi người dân phải có trách nhiệm tham gia vào việc làng, như một cách thể hiện lòng tôn kính với tiền nhân, tiên tổ, thánh thần. Thậm chí những người gánh vác việc làng càng nhiều thì được xem là “có phúc”. 

Chủ thể của lễ hội luôn là cộng đồng. Đó có thể là cộng đồng làng, cộng đồng nghề nghiệp, cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng, cộng đồng thị dân và lớn hơn cả là cộng đồng quốc gia, dân tộc. Cộng đồng chính là chủ thể sáng tạo, hoạt động và hưởng thụ các giá trị văn hóa của lễ hội. 

Một ví dụ cho câu chuyện lễ hội của dân, là lễ hội Thánh Gióng ở làng Phù Đổng. Trước lễ hội, các bậc cao niên trong làng thường họp bàn, phân công người làng từng việc cụ thể. Đội diễn xướng vào năm chính hội có thể lên tới cả nghìn người. Nhưng là do người dân tự tổ chức, tập luyện, biểu diễn, không có dấu ấn của đoàn múa hát chuyên nghiệp nào. Chi phí tổ chức thì do nhân tự nguyện đóng góp. Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, lễ hội vẫn luôn diễn ra suôn sẻ, hấp dẫn.

Tuy nhiên, bây giờ thì quá nhiều lễ hội đã có sự tham gia của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương thành nhà tổ chức, đồng nghĩa với việc chi phí tổ chức lễ hội dùng vào tiền ngân sách. Mà tiền ngân sách nếu như không có sự quản lý chặt chẽ, cùng với đó là phương án tổ chức tiết kiệm thì sẽ gây ra sự lãng phí lớn. 

Chúng ta đã chứng kiến không ít lễ hội tổ chức “rùm beng” tốn kém hàng tỷ đồng, thậm chí nhiều tỷ đồng tiền thuế của dân. Nhiều lễ hội lớn do chính quyền tổ chức riêng khâu viết kịch bản, dàn dựng cũng đã chi phí rất nhiều tiền. 

Hàng trăm, hàng ngàn diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp được mời tham gia, có nghĩa là phải trả cát-xê cho nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, biên đạo, dàn dựng... Vô hình trung, người dân vốn là chủ thể của các lễ hội, nay bị “đẩy” ra làm khán giả. Họ không còn vai trò trong lễ hội nữa. 

Khách thập phương đến tham dự lễ hội, thay vì để xem những màn rước, lễ, biểu diễn do chính người dân địa phương trình diễn, thì nay được xem các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn. Như vậy, lễ hội mất đi tính hồn nhiên của nhân dân, đặc biệt là các lễ hội dân gian. Và ý nghĩa thực sự của lễ hội cũng đã mất thiêng đi nhiều.

Trả lễ hội cho người dân làm chủ thể thì cái được đầu tiên là giữ được sự gắn bó, liên kết của cộng đồng với nhau, thông qua các lễ hội. Cũng thông qua các lễ hội, nhiều thế hệ trong một cộng đồng thêm hiểu biết về các giá trị văn hóa của ông cha, lưu giữ lưu truyền các giá trị quý báu đó. Tiếp đến là tránh lãng phí tiền ngân sách. Người dân tự tổ chức họ sẽ huy động nguồn lực trong làng xã, trong cộng đồng dân cư của mình. 

Chính quyền nếu có vai trò, hãy giữ vai trò trong việc đề ra chủ trương, đường lối, quy định, hỗ trợ về an ninh an toàn, sao cho lễ hội được diễn ra tốt đẹp, không bị lạm dụng, biến tướng. Nếu dùng tiền ngân sách, cần phải đúng với quy định của Luật ngân sách, chỉ chi dùng vào những việc hợp lý, tránh trường hợp chi vô tội vạ, hoặc lấy cớ chi dùng vào lễ hội lại lấy tiền bỏ túi quan chức...

Bỏ bớt tập tục đỡ lãng phí tiền

Ngay từ những ngày đầu năm mới Mậu Tuất, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) đã có Công văn số 91/VHCS-QLHĐLH gửi các Sở VH-TT, Sở VH-TT&DL về việc Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. 

Công văn của Bộ VH-TT&DL đánh giá, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018 đã được diễn ra an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. 

Theo đó, tục đốt giấy tiền, vàng mã được nhiều ban tổ chức lễ hội quán triệt là phải hạn chế. Theo thống kê, mùa lễ hội hàng năm, hàng chục tỷ đồng của người dân đã được chi dùng để mua đổi ra tiền vàng, hàng mã, đốt trong các lễ hội. 

Đơn cử như ở đền Bà Chúa Kho, người ta sắm lễ tiền vàng có khi lên tới chục triệu đồng để dâng thánh thần, với niềm tin sẽ được ban tiền lộc dồi dào trong năm mới, sau đó mang đốt đi, vô cùng lãng phí. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã lên tiếng ủng hộ xóa bỏ việc đốt vàng mã tại các đền chùa. Tính ra một năm, một lượng tiền thật rất lớn trong nhân dân bị đốt đi, bằng hình thức “tiền thật mua tiền giả”.

Một số hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp gây lãng phí khác có thể kể ra như đặt quá nhiều hòm công đức, rải tiền lẻ, nạn chặt chém du khách, hay các hình thức lễ hội phô trương thái quá, đầu tư quá nhiều về hình thức bên ngoài... cần được chấn chỉnh lại. 

Năm nào cũng có chuyện người đi lễ hội ăn một bát phở bị tính giá trên trời, gửi một chiếc xe lúc ra phải trả tiền gửi cao chóng mặt. Những lãng phí này là do lỏng lẻo trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Cá biệt có những trường hợp, chính quyền đã móc nối, bật đèn xanh cho các nhóm xã hội được “thầu” bãi gửi xe, thu tiền du khách giá cao ngất ngưởng.

Thay đổi ý thức của người dân

Mọi hành động của con người đều bắt đầu từ nhận thức. Chỉ khi chúng ta nhận thức đúng về lễ hội truyền thống thì việc tổ chức, quản lý, phát huy nó trong đời sống hiện đại mới có được kết quả tốt. Giá trị của lễ hội là cố kết, biểu dương sức mạnh cộng đồng, hướng về cội nguồn, cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, lễ hội còn là hình thức bảo tồn, trao truyền các giá trị văn hóa. 

Cần phải tuyên truyền đến mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, cái “cốt lõi” căn bản đó của lễ hội, để từ đó mỗi người có một ứng xử đúng khi đến với lễ hội, tham gia vào các lễ hội. 

Đến với lễ hội là quá trình thanh lọc tinh thần của mình, thanh tịnh để có thể gặp gỡ với tiền nhân, lắng nghe tiền nhân, thấm nhuần các giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc. Lễ hội không phải nơi để người ta đến xin thánh thần, hối lộ thánh thần bằng cách đốt nhiều vàng mã, đút nhiều tiền lẻ vào tay các bức tượng, rải tiền lẻ khắp các lối đi... 

Khi người dân nhận thức được vai trò của mình trong một lễ hội, cũng như xác định được tâm thế của mình khi đến với lễ hội, họ sẽ không dễ dàng bị những kẻ nhân danh tín ngưỡng, nhân danh thánh thần lợi dụng lòng tin và lợi dụng cả túi tiền của mình nữa.

Thành Duy
.
.
.