Mũ bảo hiểm thông minh của thầy trò vùng cao

Thứ Năm, 21/12/2017, 14:33
Với sự đam mê sáng tạo, yêu nghề, thầy giáo trẻ Lê Thanh Nghị đã cùng học trò của mình là Lương Minh Hoàng (Trường THCS Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) làm ra chiếc "Mũ bảo hiểm thông minh" - khi đội mới khởi động được xe.

Chiếc mũ độc đáo này là một trong những sản phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi khoa học công nghệ. Sản phẩm được đánh giá cao khi mang nhiều lợi ích trong cuộc sống, đồng thời khích lệ, ươm mầm sáng tạo cho các em học sinh.

1. Những trận mưa phùn, con đường lầy lội sâu hun hút cũng không ngăn được chúng tôi đến với Trường THCS xã Liên Sơn. Một ngôi trường nghèo nhưng ở đó có những học trò ngoan và những người thầy hết mực vì nghề, hết lòng sáng tạo áp dụng những kiến thức vào thực tiễn của học sinh. 

Nhìn qua cánh cửa sổ, thầy Lê Thanh Nghị say sưa giảng bài cho học sinh, chúng tôi lặng lẽ chờ đợi tiết học kết thúc. Mới 37 tuổi nhưng thầy Nghị đã là Hiệu phó của nhà trường được 7 năm. 15 năm đứng lớp, thầy giáo trẻ luôn khắc khoải, trăn trở làm cách nào để các em học sinh vận dụng được những kiến thức đã học vào cuộc sống thực.

Lúc đầu, thầy trò thử nghiệm trên mũ bảo hiểm thời trang để giảm chi phí.

Cơ hội để thể hiện ý tưởng đã đến, vào tháng 9 - 2016, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Lương Sơn tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật đối với học sinh THPT trên toàn huyện. 

Thầy Nghị quyết định chọn một em học sinh thông minh và có niềm đam mê nghiên cứu kỹ thuật, cùng với mình làm ra một sản phẩm để đem đến cuộc thi. Tuy nhiên, với thầy Nghị đến cuộc thi ấy giải thưởng không quan trọng bằng việc sản phẩm của mình áp dụng vào thực tiễn như thế nào. Nó phải là một sản phẩm cần thiết nhất, gần gũi nhất đối với mỗi học sinh. 

Trong một lần trên đường đến trường, thầy Nghị nhận thấy rất nhiều học sinh đi học bằng xe đạp điện, tuy nhiên tỷ lệ đội mũi bảo hiểm là rất ít. Thấy có hỏi học sinh, thì rất nhiều em cho rằng không phải không có ý thức mà không đội vì hay quên. 

"Thực sự nhiều em cũng có ý thức lắm nhưng vì vẫn chưa có thói quen đội mũ bảo hiểm. Mặc dù băng rôn, khẩu hiệu kêu gọi, cảnh báo khắp nơi là các em phải đội mũ. Chính vì thế tôi trăn trở làm cách nào đó để mọi người ngồi trên xe máy, xe đạp điện buộc phải đội mũ đầy đủ để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của bản thân và người xung quanh"- Thầy Nghị chia sẻ.

Một bộ phận cảm biến được lắp vào cốp xe đạp điện.

2. Chính từ đó, ý tưởng sáng tạo ra "Mũ bảo hiểm thông minh" ra đời, thầy Nghị đã cùng em Lương Minh Hoàng sáng tạo thành công. Chiếc mũ đặc biệt này có tính năng rất đặc biệt, nhắc nhở người tham gia giao thông phải đội mũ trước khi chạy xe. Nếu chủ nhân chưa đội mũ, chiếc xe sẽ không thể khởi động được. 

Có thể nói, đây là ý tưởng độc đáo, có ý nghĩa rất lớn nhằm nâng cao ý thức, văn hóa của người tham gia giao thông. Cậu học trò thông minh Lương Minh Hoàng tỏ ra rất hài lòng với sản phẩm của hai thầy trò. 

Hơn ai hết Hoàng hiểu được ý nghĩa của chiếc mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, em nói: "Từ khi được thầy Nghị chọn để nghiên cứu chế tạo sản phẩm dự thi em rất vui. Thực sự đây là một sân chơi vô cùng bổ ích với học sinh chúng em. Em hy vọng sẽ có nhiều cuộc thi như thế này để lan tỏa đến nhiều bạn học sinh khác đam mê nghiên cứu kỹ thuật, đặc biệt với học sinh vùng cao như chúng em. Điều này sẽ giúp chúng em học đi đôi với hành, vận dụng kiến thức vào thực nghiệm sẽ giúp chúng em tránh được việc lãng phí thời gian vào các trò chơi vô bổ khác".

Ý tưởng đã có nhưng để thực hiện nó không phải là chuyện dễ dàng với thầy và trò. Suốt trong 2 tháng ròng, cứ hết giờ học ở lớp là họ lại dồn cả vào việc thực hiện ý tưởng. Kiến thức dù đã có nhưng việc chọn linh kiện lắp ráp, vật liệu và phương tiện để thử nghiệm là điều không hề đơn giản, nhất là khi họ lại ở miền núi. 

Sau gần một tháng đắn đo, suy nghĩ tìm đủ mọi phương án, hai thầy trò quyết định sử dụng các linh kiện điện tử hỏng và phần ruột bộ điều khiển của chiếc ôtô đồ chơi của trẻ con. Đang lúc khó khăn chồng chất, hai thầy trò vui mừng nhận được sự ủng hộ của cô Chu Lương, giáo viên chủ nhiệm lớp em Hoàng. Cô Lương đã mang chiếc xe máy điện của gia đình mình làm "vật thí nghiệm" cho hai thầy trò. 

Cô Lương cho biết: "Khi nghe hai thầy trò có ý tưởng làm "mũ bảo hiểm thông minh", tôi hết sức bất ngờ và vui. Thực sự đây là ý tưởng tuyệt vời, nó có tác dụng rất lớn đối với các em học sinh và những người tham gia giao thông. Chính vì thế tôi luôn ủng hộ, giúp đỡ bất cứ thứ gì mà hai thầy trò cần. Tôi rất tin tưởng vào sự thành công, bởi Hoàng là học sinh rất thông minh, em ấy có đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học từ những năm học trước".

Sản phẩm của hai thầy trò đạt nhiều giải thưởng.

Để chiếc mũ bảo hiểm và xe đạp điện ăn nhịp và vận hành theo nguyên lý cảm biến thì chiếc mũ được lắp một bộ phận điện tử, chúng được đặt ngay rìa và một công tắc nhỏ ở trên đỉnh mũ. 

Bên cạnh đó, trên mũ có một chiếc ăng ten rất nhỏ để thu nhận sóng. Chiếc xe máy điện cũng được lắp một bộ biến trở ở trong cốp với các linh kiện điện tử được hai thầy trò nhặt nhạnh, sưu tầm từ những thứ bỏ đi. Khi chiếc mũ và xe đạp điện đã có "kết nối" với nhau thì chỉ khi có mũ bảo hiểm mới khởi động được máy nổ. 

Chiếc mũ bảo hiểm khi đội lên đầu, công tắc nguồn sẽ được khởi động, chiếc xe máy lúc này sẽ phát ra tín hiệu nhận lệnh thì mới nổ máy được. Hoàng vừa ngắm nghía sản phẩm vừa giải thích nguyên lý hoạt động cho chúng tôi với giọng đầy hào hứng: "Khi mọi người đội mũ, mạch điện ở mũ sẽ phát ra tần số sóng và mạch trên xe nhận tần số sóng, khi đó zơ le mạch điện vận hành và đóng mạch điện phát ra âm thanh tuyên truyền giao thông với nội dung rất hay: "Chúc quý khách thượng lộ bình an. Học sinh Trường THCS  Liên Sơn luôn chấp hành Luật Giao thông"". 

Nói về sản phẩm đặc biệt và người bạn cùng trang lứa, bạn Lương Văn Đạt chia sẻ: "Chúng em thường xuyên phải tham gia giao thông, tuy nhiên việc đội mũ bảo hiểm vẫn chưa được coi là thói quen hàng ngày, chỉ khi được nhắc nhở tận nơi thì mới đội mũ. Khi biết bạn Hoàng và thầy Nghị có sản phẩm "mũ bảo hiểm thông minh", em thấy rất hay, nó là sản phẩm thiết thực. Bạn Hoàng là người rất thông minh, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, chiếc "mũ bảo hiểm thông minh" của bạn ấy được giải cao là hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực, cố gắng của bạn. Đây cũng là động lực rất lớn để mỗi học sinh chúng em cần cố gắng, cần học tập để sau này giúp ích được cho đời".

Thầy Nghị được đánh giá là giáo viên trẻ nhiệt huyết và đam mê sáng tạo.

Theo thầy Nghị, khó khăn lớn nhất của chiếc "mũ bảo hiểm thông minh" này là các bộ phận được vận hành do từ trường nên rất dễ bị nhiễu sóng làm cho xe và mũ không cùng một mối liên hệ với nhau. Chính vì thế, phải trải qua 3 lần xử lý, tách rời các bộ phận để tạo những khoảng hợp lý thì chiếc mũ mới hoạt động trơn tru được. 

Sau hơn hai tháng hai thầy trò miệt mài làm việc, sản phẩn ra đời mang tên "mũ bảo hiểm thông minh". Hai thầy trò háo hức mang đứa con tinh thần của mình đi dự thi cấp huyện và cấp tỉnh. Hai lần mang chuông đi gõ thì cả hai lần sản phẩm "mũ bảo hiểm thông minh" đều đạt giải Nhì do Phòng GD & ĐT huyện Lương Sơn và Sở Khoa học Công nghệ Hòa Bình tổ chức. 

Đặc biệt hơn nữa, sản phẩm này mới đây đã đoạt giải Nhất ở thể loại Khoa giáo trong liên hoan phim quốc gia về an toàn giao thông do Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Cục CSGT tổ chức. 

Nói đến thành công này, Hoàng cười nói: "Thực sự đây là thành quả của sự nghiên cứu, mày mò của hai thầy trò. Bản thân em rất vui mừng vì được thầy Nghị tạo điều kiện giúp đỡ. Nó như một giấc mơ vậy, từ nhỏ em đã có mơ ước chế tạo ra một thứ gì đó có ích cho đời. Lúc còn bé, em thường xuyên phá hỏng đồ điện tử trong nhà, chỉ vì muốn được tìm tòi xem chúng hoạt động thế nào.

Làm ra chiếc mũ bảo hiểm thông minh này chỉ là bước đầu đối với một học sinh cấp 2 như em. Quy trình để làm ra nó không quá khó khăn, không tốn kém. Tuy nhiên để nó vận hành được trơn tru thì đã khiến em và thầy Nghị mất ăn mất ngủ. Em nghĩ, để mang chiếc mũ này ứng dụng vào thực tế thì cần phải chỉnh sửa, cải tiến sao cho thẩm mỹ và tiện dụng hơn nữa. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để có kiến thức, tiếp tục tìm tòi và sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích cho đời".

Dẫu biết chiếc "mũ bảo hiểm thông minh" còn những hạn chế, để áp dụng thực tế cần cải tiến hơn nhưng trên hết là thông điệp của cậu học trò lớp 9 muốn nói đó là: Mọi người hãy nâng cao ý thức khi tham gia giao thông vì bản thân và xã hội.

Phong Anh
.
.
.