Một vành đai, một con đường: Kỳ vọng và rủi ro

Thứ Ba, 23/05/2017, 09:25
Ngày 14-5, Trung Quốc chào đón 29 nguyên thủ quốc gia và các quan chức của Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới tới Bắc Kinh để tham dự diễn đàn về sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (OBOR).


Dự án khủng

OBOR là sáng kiến được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm 2013, với lời hứa sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 60 quốc gia. OBOR còn được gọi là “Con đường tơ lụa” mới, là 1 trong 3 chiến lược quốc gia chính và trở thành một chương trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 của Trung Quốc.

Mục tiêu của “Con đường tơ lụa” là tạo một tuyến thương mại từ châu Á, qua châu Âu và Trung Đông và tới châu Phi, với một mạng lưới hậu cần và giao thông khổng lồ, sử dụng đường bộ, cảng biển, đường sắt, đường ống, sân bay, các mạng lưới điện xuyên quốc gia, và thậm chí cả các tuyến cáp quang.

Sơ đồ về "Một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc đề xuất.

Kế hoạch này bao hàm 65 quốc gia, chiếm tổng cộng 1/3 GDP toàn cầu và 60% dân số thế giới, tức vào khoảng 4,5 tỷ người - theo ước tính của Oxford Economics.

Tại sự kiện ngày 14-5, Bắc Kinh đã cam kết sẽ đầu tư một nguồn ngân sách khổng lồ cho OBOR, bao gồm tăng thêm 14,5 tỷ USD cho Quỹ Con đường tơ lụa hiện tại, hơn 50 tỷ USD tiền vay từ 2 ngân hàng chính sách và khoảng 8 tỷ USD tiền hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển và các cơ quan quốc tế ở các nước nằm dọc con đường thương mại mới này.

Anh, Mỹ hoan nghênh

Trung Quốc cho biết nước này dự định nhập khẩu 2.000 tỷ USD các sản phẩm từ các quốc gia tham gia vào OBOR trong 5 năm tới. “Chúng tôi sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ không xuất khẩu hệ thống xã hội và mô hình phát triển và thậm chí sẽ không áp đặt quan điểm của mình vào các nước khác. Để thúc đẩy “Một vành đai, một con đường”, chúng tôi sẽ không đi lại lối mòn cũ. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tạo ra một hình mẫu mới của sự hợp tác và các bên cùng có lợi” - ông Tập cho biết.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Tổng thống Nga Putin bên lề Hội nghị ngày 14-5

Trước sự “hào phóng” của Bắc Kinh, hầu hết các nước tham dự sự kiện đều rất hoan nghênh. Bộ trưởng Tài chính Anh cho biết, Anh là một “đối tác tự nhiên” của Con đường tơ lụa mới, trong khi Thủ tướng Pakistan, Nawaz Sharif, một đồng minh thân cận của Bắc Kinh, đã khen ngợi “tầm nhìn và sự khéo léo” của Trung Quốc.

Đại diện Mỹ, cố vấn Nhà Trắng Mattt Pottinger cho hay nước này hoan nghênh các nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy sự kết nối cơ sở vật chất như một phần của sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, và các công ty Mỹ có thể cung cấp các dịch vụ giá trị hàng đầu.

Ấn Độ lo ngại

Trong khi đó, Ấn Độ từ chối cử đại biểu tới Bắc Kinh vì không hài lòng với Trung Quốc xung quanh việc phát triển hành lang thương mại 57 tỷ USD qua Pakistan, đi qua cả khu vực tranh chấp lãnh thổ ở Kashmir.

“Không một quốc gia nào có thể chấp nhận dự án đã bỏ qua những mối lo ngại cốt lõi về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Gopal Baglay cho biết.

Ông Baglay cũng cảnh báo các nước khác về nguy cơ nợ nần từ dự án của Trung Quốc. Theo Reuters, một trong những lời chỉ trích về kế hoạch OBOR là việc các nước tiếp nhận có thể phải vật lộn để trả nợ cho các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ được thực hiện và tài trợ bởi các doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc.

“Các sáng kiến kết nối phải tuân theo các nguyên tắc về trách nhiệm tài chính để tránh các dự án tạo ra gánh nặng nợ không bền vững cho các cộng đồng”, ông Baglay nói.

Diễn đàn OBOR còn có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayep Erdogan. Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang cũng có mặt tại diễn đàn nhân chuyến thăm chính thức của ông tới Trung Quốc từ ngày 11 đến ngày 15-5.

Ước Lễ
.
.
.