Mong mỏi trong mùa thi

Thứ Hai, 02/07/2018, 18:54
Các sĩ tử vừa trải qua một kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách: Thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. Nhà nào có con đi thi sẽ hiểu rõ mọi lo lắng, bồn chồn của những người làm cha, làm mẹ. Con cái là ước mơ của cha mẹ. Có ước mơ nhỏ bé, có ước mơ to lớn và kỳ thi này sẽ mở cánh cửa đầu tiên để chạm tay vào ước mơ.


Hơn 900 nghìn thí sinh dự thi trên khắp mọi miền. Một con số có phần nhỉnh hơn so với mọi năm. Rất may trời mát dịu, các thí sinh yên tâm trong phòng thi mà không phải chịu cảnh mồ hôi nhễ nhại. Bên ngoài cổng trường, các phụ huynh kiên nhẫn chờ đợi. 

Hẳn ai cũng cầu mong con em mình làm bài tốt nhất. Nhưng thi cử là một câu chuyện khác. Có em học giỏi nhưng điểm không cao. Lại có em học nhàng nhàng mà kết quả lại xuất sắc. Người ta gọi đó là học tài thi phận. Rằng sự may mắn sẽ đến với một số em và với kết quả này, cuộc đời các em sẽ rẽ sang một trang mới.

Minh họa của Lê Tâm.

Mỗi năm, Bộ Giáo dục - Đào tạo lại nghĩ ra một sự “cải tiến” nào đó với mong muốn kỳ thi THPT Quốc gia đảm bảo chất lượng cao nhất. Tất nhiên, không phải sự cải tiến nào cũng tạo được sự đồng thuận của mọi người. Những gì tốt đẹp vẫn cần được lưu giữ, phát huy, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các thí sinh.

Bạn mong muốn gì từ kỳ thi THPT Quốc gia? Với tôi, đó không chỉ là sự an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế mà còn phản ánh đúng chất lượng từng thí sinh, là sự phân hóa cần thiết với các bài thi, là không để xảy ra tình trạng đạt điểm tối đa 30 mà vẫn trượt đại học, là không còn những điểm cộng ưu tiên đầy bất công… Chỉ cần có vậy, các kỳ thi THPT Quốc gia sẽ trở nên ý nghĩa hơn cho mỗi thí sinh trước ngưỡng cửa cuộc đời.

2. Khi kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia đang diễn ra thì hơn một tuần nay, các tỉnh Tây Bắc mưa lũ tràn về. Những con sông, con suối hàng ngày hiền hòa, thơ mộng là thế bỗng trở nên hung dữ, nước dâng cao, cuồn cuộn đổ về đục ngầu, cuốn phăng nhiều thứ dọc hai bên bờ.

Chưa thể thống kê hết những thiệt hại về người và tài sản, chỉ thấy quặn lòng khi nhìn dòng nước hung tợn như cơn “đại hồng thủy” tàn phá cây cối, nhà cửa, hoa màu. Một số thí sinh ở Hà Giang, Lai Châu đã không thể tới được điểm thi. 

Với các thí sinh này, Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia đã chỉ đạo Hội đồng thi các địa phương thống kê báo cáo cụ thể, đồng thời đề xuất phương án xử lý để Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định phương án phù hợp vừa đúng quy chế, vừa đảm quyền lợi của thí sinh.

Nếu ai đã một lần đặt chân tới các lớp học tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, tôi tin họ sẽ có những giây phút lặng người với nỗi buồn dâng lên cùng sự xót xa với thầy trò nơi đây. Vâng, vùng sâu vùng xa còn nghèo lắm, thiếu thốn trăm bề.

Đổi mới giáo dục trong thời đại 4.0 là cần thiết, nhưng trước khi tiếp cận những văn minh nhân loại, những thành tựu đỉnh cao, hãy quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa tới những mái trường chênh vênh trên đỉnh núi quanh năm mây phủ, tới học trò lội suối trong những ngày buốt lạnh bởi không có một cây cầu bắc qua. 

Những đề án đổi mới ngành giáo dục sẽ trở nên sáo rỗng, không có sức sống trong thực tiễn bởi vẫn còn nhiều lắm những lớp học như thế, tại những nơi heo hút tận cùng của đất nước.

3. Tháng trước, cháu gái tôi cùng bạn về nước thăm gia đình. Cô bạn cháu tròn 20 tuổi, là người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Cháu này vừa nộp hồ sơ vào một Trường cao đẳng sư phạm ở Berlin. Trong bữa ăn, tôi hỏi chuyện cháu:

- Cháu đăng ký học khoa gì?

- Cháu học khoa Sư phạm đặc biệt.

- Sao gọi là Sư phạm đặc biệt?

- Dạ, là sau này cháu sẽ dạy những đứa trẻ khuyết tật.

- Vì sao cháu chọn công việc này?

- Vì cháu yêu thích. Vì những đứa trẻ đó rất cần những người như chúng cháu và vì cháu sẽ có nhiều cơ hội làm việc.

Cháu trả lời tôi hồn nhiên, ánh mắt lấp lánh.

Sau kỳ thi THPT Quốc gia, tùy vào kết quả thi, các bạn trẻ sẽ nộp hồ sơ đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng. Hãy cân nhắc chọn một ngôi trường vừa sức và nuôi dưỡng ước mơ của bạn. Khi có tình yêu với công việc, bạn sẽ tự tạo ra giá trị cho mình và cuộc sống chắc chắn nhiều ý nghĩa hơn.

Tuấn Nguyễn

.
.
.