Mọi bà mẹ đều có thể viết sách?
Những cuốn sách của các bà mẹ này thực chất là nhật ký về con, những câu chuyện được ghi chép lại mỗi ngày. Từ đó, chọn lọc in thành sách. Khi nói về cuốn “Con nghĩ đi, mẹ không biết”, nhà báo Thu Hà tự nhận mình chỉ là một bà mẹ “có nhiều sai lầm, chẳng có chỉ số IQ cao và Xu-Sim cũng không có những tố chất đặc biệt”.
Tuy nhiên, “cuốn sách viết về những trải nghiệm thật, và hoàn toàn là sự thật của ba mẹ con tôi, có niềm vui, có nước mắt và có những khoảnh khắc “A ha!” khi tôi tìm ra những bí mật hạnh phúc của quá trình con lớn lên. Tôi tin rằng ba mẹ là người thầy quan trọng nhất của con cái và trường học lớn nhất của con cái chính là giáo dục trong gia đình”.
Chủ đề “Mọi bà mẹ đều có thể viết sách” nhận được sự hưởng ứng của nhiều phụ huynh. |
Nhà báo Thu Hà vốn là một nhà báo, những điều chị viết ra được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, từ khi viết về con, facebook chị càng ngày càng hot. Cuốn sách kể trên là tập hợp những bài viết trên mạng đã được được chọn lọc của chị.
Những bài viết của Thu Hà sinh động, thiết thực vì đó là những trải nghiệm thật của một bà mẹ có hai con đang trong tuổi ăn, tuổi học, của một người làm việc với trẻ em liên tục suốt 20 năm.
Và hành trình lớn lên cùng con của bà mẹ này đã chạm tới trái tim của nhiều người có lẽ là bởi sự chân thành và những chiêm nghiệm thật. Nhiều người yêu mến chị bởi những triết lý giáo dục hàn lâm được viết bằng lối kể chuyện giản dị, thực tế và sống động.
Nhà báo Thu Hà là tác giả cuốn sách “Con nghĩ đi, mẹ không biết” gây sốt. |
Vừa qua, nhân dịp giới thiệu cuốn sách “Bụng Phệ nhanh chân” của tác giả Lệ Chi, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức buổi nói chuyện xoay quanh nội dung “mọi bà mẹ đều có thể viết sách”. Nhiều ý kiến được đưa ra. Nhiều câu chuyện được gợi mở.
Ngay cả chủ đề “Mọi bà mẹ đều có thể viết sách” cũng được mở rộng biên độ, không chỉ giới hạn ở các bà mẹ nói riêng nữa. Những người làm bố, ông, bà, cô, dì, chú, bác, những người làm anh, chị… đều có thể trở thành một người viết sách nếu như có tình yêu với con trẻ.
Hiện nay, có không ít bố mẹ bận công việc bù đầu từ sáng tới tối, con cái được giao cho ông bà, người giúp việc chăm nom. Khi đi làm về, họ cũng chẳng có thời gian dành cho con trẻ, phó mặc con cho ipad, iphone… Nói gì thì nói, rõ ràng, việc viết nhật ký cho con, viết sách cho con cũng là một cách để gắn bó với con hơn ở thời buổi này.
Dịch giả Lệ Chi, người sáng lập thương hiệu Chibooks, tác giả cuốn “Bụng Phệ nhanh chân”: Không nên đặt nặng vấn đề thành nhà văn hay không?
Thực ra, để dự án mọi bà mẹ hay mọi phụ huynh đều có thể viết sách thành công, nó phải có thời gian, cần sự quyết tâm của phụ huynh. Khi tôi viết cuốn “Bụng Phệ nhanh chân”, tôi đã phải viết từ khi con đi nhà trẻ đến 5-6 tuổi. Nếu kiên nhẫn, ta sẽ thấy rằng, mỗi đứa trẻ đều có những nét hay, cũng như những điều ý nghĩa riêng. Mình có biết chọn lọc điều gì ra để viết, đó mới là vấn đề.
Để một cuốn sách dạng này gọi là sách văn học thì chỉ còn cách viết nhiều, viết nhiều mới lên tay được. Muốn sách gần gũi, sát với thực tế thì bắt buộc bà mẹ hay ông bố đó phải có trải nghiệm cùng với con thì mới hiểu con hơn. Qua mỗi câu chuyện, mỗi kỉ niệm cùng con, phụ huynh sẽ rút ra được một bài học gì đó.
Mọi bà mẹ viết sách nhưng mọi bà mẹ có trở thành nhà văn không? Tôi nghĩ, trước hết, chúng ta không nên đặt nặng vấn đề nhà văn hay không nhà văn ở đây, vấn đề là mình viết cái gì và những kỉ niệm ấy mang lại điều gì đó cho mình và con mình hay không.
Hai là, câu chuyện đó có nhiều ý nghĩa và chia sẻ được với nhiều bà mẹ cũng như ông bố hay không. Còn việc trở thành nhà văn hay không, bạn phải viết nhiều tác phẩm thì bạn mới trở thành nhà văn được.
Vì là người làm trong lĩnh vực xuất bản nên tôi thấy thị trường sách thiếu nhi đang có một nghịch lý thế này. Trong khi sách thiếu nhi nước ngoài được dịch và bán ở Việt Nam rất nhiều thì sách thiếu nhi “made in Vietnam” lại khan hiếm. Chưa kể, những người viết cho thiếu nhi hiện tại đều đã đứng tuổi. Những người đứng tuổi không thể hiểu rõ trẻ em hiện nay được nữa.
Trẻ con thời hiện đại đã khác trẻ con thời trước lắm rồi, các em đã hát “Lạc trôi” của Sơn Tùng MT-P, đã chơi những trò mà chúng ta cứ nghĩ chỉ dành cho người lớn. Thậm chí, các em xem gameshow, nhớ hết ai làm giám khảo, thí sinh vòng này vòng kia như thế nào. Chúng đã bắt đầu để ý tới vấn đề Biển Đông rồi (do nghe người lớn nói, xem thời sự).
Chưa kể, trẻ em thời nay đối diện với rất nhiều nguy cơ như bắt cóc, ấu dâm… Chúng biết hết. Nhưng có khi, người lớn chúng ta lại không để ý nên nghĩ chúng không quan tâm tới những câu chuyện xung quanh như vậy.
Trẻ con thời giờ quan tâm nhiều thứ hơn và sâu hơn so với cả trẻ em thời trước. Nhu cầu của trẻ em hiện đại cũng khác. Đọc khác, quan tâm về thế sự cũng khác. Những câu chuyện cổ tích xa xưa, mơ mơ màng màng đúng là hay, bổ ích nhưng không hẳn là phù hợp nữa. Cần có những câu chuyện hấp dẫn, thu hút trẻ em hiện nay.
Văn học thiếu nhi đang bị bỏ trống, trong khi đó, đối tượng này chưa phải là đối tượng chính để nhiều người viết hướng đến. Ngoài hợp thời, hợp các em hơn, những người viết sách thiếu nhi cần có sự kiên nhẫn, trải nghiệm thực tế, tiếp xúc với con trẻ nhiều hơn bằng một cách nào đó. Phải làm bạn với chúng, hiểu được chúng cũng như hiểu nhu cầu của chúng thì sẽ viết ra được những cuốn sách đúng nhu cầu trẻ nó cần.
Tất nhiên, không phải ai nói viết sách là viết được. Sách thiếu nhi đòi hỏi phụ huynh phải chơi nhiều với con. Và khi viết, phải bỏ qua trải nghiệm cá nhân tủn mủn của mình để viết về trải nghiệm của chính con trẻ.
Trẻ con thời giờ rất khác với trẻ con thời trước, nếu bố mẹ không quan tâm sâu sát, không để ý thì có thể, các em sẽ phát triển không có định hướng. Việc viết nhật kí cho con hằng ngày, viết sách cũng là một trong những cách để bố mẹ hiểu hơn, quan tâm hơn đến con mình.
Nhà văn Võ Thu Hương: Nên khuyến khích phụ huynh viết sách
Khi các bà mẹ viết về con nói riêng hay những bậc phụ huynh viết về con nói chung thường có một chuyện thế này: hay xem con mình là nhất. Vì lẽ đó, mà khi viết, không thoát ra được, chỉ viết theo kiểu ghi lại nhật ký cho con. Nếu thế thì cũng chưa thể thành một cuốn sách được.
Gần đây, trên kệ sách có bộ ba tác phẩm: "SuSu và GoGo đi Paris", "SuSu và GoGo đi Tokyo", "SuSu và GoGo đi Singapore" của nhà văn Dương Thụy; hay “Bụng Phệ nhanh chân” của dịch giả Lệ Chi… - đây là 2 tác giả trước đây chưa viết sách thiếu nhi nhưng khi viết đã thoát ra được theo kiểu nhật ký tủn mủn và mang lại những giá trị khác nhau cho con trẻ.
Nhà văn Võ Thu Hương. |
Họ hướng dẫn những kĩ năng cần thiết cho trẻ, ví dụ như thay đồ nơi công cộng ra sao, đối xử với các bạn thú nhồi bông như thế nào… Tôi cho rằng, nếu chỉ đơn thuần viết rằng mẹ yêu con, mẹ thương con hay đơn thuần kể ra một câu chuyện nào đó xảy ra trong ngày thì không thể trở thành một tác phẩm.
Từ khi bùng phát mạng xã hội facebook, các phụ huynh thường viết status (trạng thái – PV) về con, cho con. Vì là status thì có một cái thú vị đó là người viết ra nó mang tâm thế chia sẻ, thoải mái nên giọng viết tự nhiên, tạo cảm giác gần gũi người đọc. Tuy nhiên, tập hợp những status dạng để ra sách và gọi nó là thể loại nào thì không hẳn là sáng tác, cũng không hẳn kĩ năng. Và nếu đó là những thông tin hữu ích, người ta cần đọc nó thì ta có thể tạm gọi đây là những cuốn sách chia sẻ.
Điều quan trọng nhất của một phụ huynh nào đó viết sách cho trẻ là chia sẻ được gì đó bổ ích hay không, hơn là việc khắt khe chăm chăm xét đó là sách văn chương hay là sách gì.
Có người lo ngại, với tình hình phụ huynh nào cũng có thể viết sách được sẽ gây ra sự hỗn loạn trong thị trường xuất bản. Nhưng thực ra, không phải bà mẹ nào cũng có thể viết sách được, kể cả những nhà văn chuyên nghiệp viết cho các con. Nên sách cho các bé thiếu vẫn rất thiếu. Thiếu những cuốn sách hay.
Gần đây, một số nhà văn có tên tuổi đã chuyển hướng sang viết sách cho thiếu nhi, tôi thấy chuyện này bình thường, không có gì lạ, nhất là sau khi họ có con và được trải nghiệm cảm giác làm mẹ, làm bố. Có người viết cho trẻ còn hay hơn viết cho người lớn trước kia.
Về câu chuyện mọi bà mẹ đều có thể viết sách, chúng ta nên khuyến khích. Tất nhiên, điều này không dễ và cũng cần phải học hỏi rất nhiều. Có những bà mẹ không học Văn, hoặc có người trước đây chưa từng viết cuốn sách nào nhưng khi viết, lại viết rất hay.
Có thể kể ra đây chị Trần Mai Anh, mẹ bé Thiện Nhân. Sự trải nghiệm và vốn sống của chị Mai Anh, cộng với việc, tự bản thân câu chuyện Thiện Nhân cũng được mọi người dành nhiều tình cảm và quan tâm đặc biệt nên khi mẹ bé ra sách, cuốn sách đó trở thành một hiệu ứng rất tốt.