Lúng túng, bất cập trong dạy và học thời dịch COVID-19

Thứ Hai, 02/03/2020, 07:21
Đã 3 tuần học sinh cả nước nghỉ học để tránh dịch COVID-19, câu chuyện dạy và học như thế nào vẫn nóng trên các diễn đàn. Một số kênh dạy học thay thế đã được nhiều trường phổ thông và đại học thực hiện, nhưng hiện chưa đánh giá được hiệu quả một cách chính xác.


Các nhà quản lý, giáo viên và phụ huynh tiếp tục lo lắng khi đã nhìn thấy những hạn chế về tư duy, về thói quen và nền tảng công nghệ để có triển khai dạy và học online…

Lo lắng với "giải pháp tình thế"

Chị Trần Thanh Hoa ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có hai con trai đều đang học tiểu học. Gần 3 tuần nay, vợ chồng chị thay nhau tranh thủ về nhà buổi trưa để trông con, nhưng điều làm chị Hoa lo lắng hơn cả là các con nghỉ học quá dài, kiến thức cũ sẽ bị mai một, trong khi kiến thức mới thì các con chưa được học.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào bài giảng là đòi hỏi cấp bách giúp các giáo viên có thể thích ứng với mọi thay đổi.

Chị cho hay giáo viên chủ nhiệm của hai con chị cũng nỗ lực gửi bài để phụ huynh in cho các con học, những ngày đầu bài gửi về khá đều đặn, nhưng đến tuần nghỉ học thứ 3 thì bài về ít hẳn. Theo chị lí giải, do các cô giáo chưa dạy được kiến thức mới cho học sinh nên với kiến thức cũ đã dạy thì bài vở cũng chỉ “nhào nặn” đến một mức nào đó là cạn kiệt.

Lớp học thêm tiếng Anh của con trai lớn của chị Hoa có tổ chức một buổi dạy “online” thử nghiệm, nhưng nhiều phụ huynh không hiểu cách tiếp cận phần mềm, nên em được học, em không được học, trong khi việc dạy học, đặc biệt là ngoại ngữ muốn hiệu quả phải có tương tác giữa cô và trò, điều này đã không đạt được. Các con muốn hỏi cũng không biết hỏi ai, làm sai hay đúng cũng không có ai chữa bài.

Với 96 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, số lượng học sinh khoảng 70.000, quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã gặp áp lực khá lớn khi 7 vạn học sinh nghỉ học để tránh dịch bệnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, cho biết trong 3 khối mầm non, tiểu học và THCS, Phòng quan tâm trước hết đến khối THCS, đặc biệt là lớp 9 vì liên quan đến kỳ thi chuyển cấp vào 10. Phòng đã triệu tập ngay các hiệu trưởng để chỉ đạo việc hướng dẫn học sinh tự học và nghe hiệu trưởng báo cáo việc hướng dẫn tự học như thế nào thông qua nhiều hình thức, trên trang web của trường phải có hướng dẫn để phụ huynh có thể tiếp cận được.

“Rất may mắn là trước đó, với khối THCS, chúng tôi đã họp với các giáo viên bộ môn để xây dựng ngân hàng đề thi của quận. Sau khi học sinh nghỉ học, việc này càng được đốc thúc làm thật nhanh. Hiện 8 bộ môn với 8 cơ cấu đề đã xây dựng xong. Học sinh ở nhà thông qua các đề có thể tự ôn luyện kiến thức được (mỗi học sinh có một tài khoản để có thể học mọi lúc mọi nơi, tự luyện, tự chấm điểm).

Hiện 100% học sinh THCS của quận Cầu Giấy đã có thể tiếp cận được phần mềm đề thi này. “Tuy có bỡ ngỡ khó khăn nhưng đây là cơ hội để giáo viên suy nghĩ để thay đổi, hướng tới không cần giảng nhiều trên lớp mà học sinh vẫn có thể tiếp thu kiến thức”, ông Tuấn cho hay.

Nhiều trường đại học đã áp dụng đào tạo trực tuyến. (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Trong khi nhiều trường phổ thông phải chọn phương án “liệu cơm gắp mắm” thì các trường đại học dường như chủ động hơn với việc dạy và học online. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, cho biết trước khi dịch bùng phát, nhà trường đã có một số khóa học theo hình thức “blended learning” (phối hợp giữa học trên lớp và ở nhà trên nền tảng trực tuyến).

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã trang bị để tiến hành học qua mạng, đảm bảo quản lý sinh viên trên online, các bài giảng, tài liệu học tập có thể trao đổi với sinh viên thông qua “acount” cấp cho sinh viên. Khi sinh viên bắt đầu nghỉ học, nhà trường quy định giáo viên phải gửi các bài học cho sinh viên, đảm bảo sinh viên các môn học phải được liên hệ với giảng viên.

Trường có hệ thống quản lý sinh viên trên bảng điện tử. Với sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp thì “việc dạy và học” vẫn diễn ra bình thường giữa thầy và trò, để các em đảm bảo tiến độ làm đồ án. Mặc dù dịch bệnh chắc chắn ảnh hưởng tới tâm lý dạy và học của giáo viên, sinh viên nhưng trường đã lên kế hoạch đảm bảo cho sinh viên học đủ 15 tuần.

Khoảng trống pháp lý và lỗ hổng về nền tảng công nghệ

Tuy nhiên, sau 3 tuần nghỉ học của học sinh, sinh viên, hệ thống giáo dục của chúng ta đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là sự lạc hậu về nền tảng công nghệ thông tin nên khi cần ứng dụng công nghệ mới vào dạy và học trực tuyến thì hầu như các trường đều không thể triển khai. Đó là chưa kể những trường ở vùng sâu, vùng xa chưa có kết nối internet, wifi.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, cho rằng muốn triển khai dạy học trực tuyến, có tương tác thì phải đồng bộ, hạ tầng các trường phải đồng bộ với hạ tầng máy móc của gia đình học sinh, tuy nhiên hiện không phải gia đình nào cũng có máy tính, có điện thoại thông minh, không phải phụ huynh nào cũng biết những thao tác cơ bản để hướng dẫn con học trực tuyến nên các trường đều bị động dù đã cố gắng.

Vì vậy trong tương lai, Theo ông Tuấn, để không bị động thì hệ thống văn bản pháp lý phải có đủ để đảm bảo các điều kiện về cơ chế, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, yêu cầu thực tiễn đến đâu thì văn bản pháp lý phải đáp ứng đến đó, trong khi hệ thống văn bản hiện nay chưa đồng bộ, thiếu rất nhiều.

“Khi dịch bùng phát, chúng tôi hầu như không có một hướng dẫn nào cho việc dạy, học trực tuyến, các trường đều phải tự suy nghĩ, tự chủ động, ngồi họp bàn trên quan điểm không thể để các cháu ngồi chơi nên buộc Phòng Giáo dục và Đào tạo phải hướng dẫn tạm thời”, ông Tuấn nói.

 Còn theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, thực tế này đã đòi hỏi các trường phải chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quản lý công tác dạy và học. Những trường không làm được điều đó thì sẽ rất bị động khi mà sinh viên không tập trung ở trường và sống phân tán.

Thứ hai, dạy học online, một bài toán rõ ràng nên các trường phải suy nghĩ làm thế nào để ứng dụng CNTT trong dạy học nhiều hơn. “Nhu cầu của người học là luôn luôn có nhưng làm thế nào để dạy được sinh viên trong khoảng cách phân tán mà vẫn hiệu quả thì rất cần phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy”, PGS Thắng đề nghị.

Có nên dạy học qua truyền hình?

Ngày 26-2, trước tình hình cấp bách khi dịch COVID-19 có khả năng còn kéo dài, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ nhằm “thuyết minh giải pháp cho học sinh, sinh viên được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình trên cả nước trong mùa dịch COVID-19”.

Trước đó, ngày 20-2, Hiệp hội cũng đã có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng về vấn đề này. Hiệp hội kiến nghị tới Thủ tướng thay thế giải pháp cho người học nghỉ học, một giải pháp mang tính thụ động, bằng giải pháp chủ động hơn trong mùa dịch là không đóng cửa các trường học mà vẫn cho trường học tiếp tục hoạt động nhưng các trường phải chuyển qua phương thức học từ xa (bao gồm học hàm thụ, học trên truyền hình, học trực tuyến…) để tránh việc tập trung đông người học.

Trong các loại hình trên, hình thức dạy học trên truyền hình cho phép có thể áp dụng đại trà nên chỉ qua vài ngày đã được nhiều địa phương ủng hộ và hưởng ứng (ví dụ như Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang, TP. Hồ Chí Minh…). Tuy nhiên đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa thể hiện quan điểm về đề nghị này.

Trong văn bản kiến nghị ngày 26-2, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, dạy học trên truyền hình cho bậc học phổ thông ở Việt Nam có tính khả thi cao hơn so với dạy học trực tuyến bởi vì các điều kiện để triển khai hầu như đã có sẵn, bao gồm: Kênh truyền hình, đội ngũ đạo diễn truyền hình, đội ngũ kỹ thuật viên, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, hệ thống giáo án,…

Nếu không quá cầu toàn thì có thể thấy cách dạy trên truyền hình và cách dạy truyền thống giống nhau về cơ bản (chỉ khác đôi chút là ở chỗ trường hợp này người thầy đứng trước học sinh còn trường hợp kia người thầy đứng trước camera).

Đầu tư cho dạy học trên truyền hình sẽ không lớn nếu biết khai thác mạng lưới truyền hình quốc gia đang có (bao gồm cả truyền hình trung ương lẫn truyền hình địa phương) mà nhìn chung còn chưa sử dụng hết công suất…Hiệp hội còn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công nhận kết quả học tập trực tuyến của những trường đã áp dụng phương thức dạy học này.

Bình luận về kiến nghị này, Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội cho biết, việc này còn phụ thuộc vào vùng miền, môn học, đối tượng. Xây dựng ngân hàng bài giảng trên truyền hình phải phù hợp, nhưng hiện cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn việc này.

Do đó cần có sự chủ trì, chỉ đạo thống nhất của Chính phủ để đảm bảo việc dạy và học công bằng với các đối tượng.

Dạy lẻ tẻ tự phát thì không giải quyết được bài toán này và gây lãng phí nguồn lực. Còn PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng thì cho rằng, dạy trên truyền hình nếu thực hiện được thì phù hợp với cấp học phổ thông – bản chất là truyền bá kiến thức nên đòi hỏi kiến thức chuẩn. Còn bậc đại học thì chưa thể áp dụng vì bậc đào tạo này mang tính sáng tạo và đặc thù nhiều hơn.

Thu Phương
.
.
.