Lịch Tết đượm nghệ thuật truyền thống ăn khách

Chủ Nhật, 08/01/2017, 16:12
Dù là hình thức lịch block nội dung về những câu truyện nổi tiếng, hay những nét vẽ thanh thoát như thực như mơ trong lịch để bàn… thì những bộ lịch đều là tâm huyết nhiều năm của đơn vị làm lịch, những họa sĩ, nhà nghiên cứu… Nó cho thấy, mỗi tác phẩm lịch giờ đây không chỉ đơn giản như một công cụ xem ngày nữa mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật, mang tới cho người xem các cung bậc buồn vui trong 365 ngày mỗi năm.


Mới đây, tại Book Café Phương Nam (đường sách thành phố Hồ Chí Minh), Công ty TNHH An Hảo đã có buổi ra mắt cuốn lịch block đặc biệt “Truyện Kiều” nhân năm mới 2017. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, “Truyện Kiều” được giới thiệu trên lịch block với 3.254 câu thơ lục bát cùng lời chú giải và 365 bức tranh minh họa cho từng đoạn thơ trong tác phẩm này.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH An Hảo cho biết, thông qua bộ lịch “Truyện Kiều”, đơn vị cùng những người thực hiện hy vọng được góp thêm vào việc quảng bá “Truyện Kiều” bằng hình thức thể hiện mới tới đông đảo bạn đọc. Không chỉ vậy, đây cũng là dịp để mọi người cùng tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du với những đóng góp lớn lao của ông cho nền văn chương Việt Nam và thế giới…

“Mỗi năm làm lịch, đơn vị luôn suy nghĩ những block lịch làm ra phải có tính mỹ thuật và nội dung phải tôn vinh được những giá trị văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Ví dụ như những năm trước, chúng tôi có bộ lịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… thì năm nay chúng tôi tiếp tục đầu tư công phu để cho ra mắt bộ lịch block đặc biệt về “Truyện Kiều”, ông Minh Tuấn cho biết thêm.

Tác phẩm văn học “Đoạn trường Tân thanh” (“Truyện Kiều”) được thi hào Nguyễn Du sáng tác dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc”. Thiên tiểu thuyết diễm tình này được Nguyễn Du chuyển tải trong 3.254 câu thơ lục bát thấm đẫm hồn dân tộc Việt.

Trải qua hàng trăm năm, “Truyện Kiều” vẫn được xem là một kiệt tác văn chương, di sản văn hóa cốt Việt. Cho đến nay, đã có hàng trăm bản “Truyện Kiều” bằng chữ Nôm, Quốc ngữ và tiếng nước ngoài được xuất bản. Ngày nay, “Truyện Kiều” còn được giảng dạy trong nhà trường, được nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng, lưu truyền, nghiên cứu dưới nhiều hình thức như vịnh Kiều, bói Kiều, trích dẫn Kiều… và nay truyện lên lịch.

Thực tế, những năm trở về đây, thay vì “chuộng” lịch tường, người dân có xu hướng quay trở lại với lịch block. Tất nhiên, đó không phải những cuốn lịch block nhỏ bằng gang bàn tay dán lên một tấm bìa đơn giản như ngày xưa; mà trở thành một “tác phẩm nghệ thuật”, chứa đựng những hình ảnh tuyệt đẹp, những câu chuyện, những sự kiện… Năm qua, lịch block trở thành thể loại đẹp, sang trọng và đắt nhất trong số các loại lịch. Và cũng chính vì vậy, giờ đây mùa lịch cũng lại là mùa so tài của lịch block, thay vì lịch tường như trước đây.

Còn lịch bàn, đương nhiên chưa từng tham gia vào cuộc đua “ngôi vương” này, tuy nhiên cũng liên tục có những cải tiến, thay đổi, sáng tạo đột phá.

Lịch ''Truyện Kiều'' lần đầu tiên có đủ 3.254 câu Kiều.

Nhà nghiên cứu tham gia tác phẩm lịch với nhiều công phu

Vào mùa lịch 2017, không ngoại lệ, sản phẩm lịch được các “đại gia” làm lịch đưa ra cũng chính là lịch block. Thật sự, cũng phải “thầm phục” sức sáng tạo thể hiện sự đầu tư khá kỹ lưỡng về ý tưởng của các đơn vị làm lịch.

Được quan tâm nhiều, do sự đặc biệt của tác phẩm mà bộ lịch này thể hiện, lịch “Truyện Kiều” đã trở thành câu chuyện “nóng” của mùa lịch năm nay. Đây là lần đầu tiên một quyển lịch đã sử dụng đầy đủ thơ trong Truyện Kiều và cũng là lần đầu tiên một quyển lịch có đủ 365 tranh minh họa “Truyện Kiều” cho đủ 365 ngày trong năm.

Đích thân một tiến sĩ nhiều năm gắn bó với ngành xuất bản đã phân đoạn để những câu Kiều được chia đều trong 365 ngày đó và ở mỗi ngày, ngoài những câu thơ, còn đầy đủ những chú giải các điển tích trong “Kiều”. Và đặc biệt, bản “Kiều” được chọn để làm lịch là bản “Kiều” của cụ Đào Duy Anh- bản in lần 2 có sửa chữa, bổ sung, nội dung NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 1993.

Còn những tranh minh họa trong quyển lịch do họa sĩ Hữu Hiếu thực hiện trong suốt… 2 năm. Điều đặc biệt, Thúy Kiều, Thúy Vân trong lịch không phải hình ảnh tiểu thư con nhà giàu; họa sĩ cũng không vẽ Kiều với trang phục Trung Hoa cổ hoặc trang phục biến tấu cổ vừa có nét Trung Hoa, vừa có nét Việt Nam mà chọn vẽ Kiều với những trang phục thuần Việt là áo yếm, áo tứ thân, khăn vấn đầu... Cây đàn mà Kiều sử dụng cũng không phải cây đàn tỳ bà như nhiều hình vẽ Kiều khác mà là cây đàn nguyệt của Việt Nam.

Theo chia sẻ của họa sĩ Hữu Hiếu, việc chọn trang phục và loại đàn này cũng là trên cơ sở nghiên cứu “Truyện Kiều” và tham khảo nghiên cứu của những nhà văn hóa nổi tiếng. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du có viết “Hiên sau treo sẵn cầm trăng”, tức là cây đàn Kiều đánh cho Kim Trọng nghe là đàn nguyệt (cầm trăng).

Tuy nhiên, sau đó Nguyễn Du lại có đoạn tả tiếng đàn của Kiều “So vần dây vũ dây văn/ Bốn dây to nhỏ gieo vần cung thương”, tức là cây đàn có 4 dây, trong khi đàn nguyệt của ta chỉ có 2 dây. Họa sĩ đã phải tìm hiểu nghiên cứu của Giáo sư Trần Văn Khê và biết rằng, cây đàn nguyệt cổ đúng là có 4 dây, tuy nhiên đã thất truyền và khi cải tiến lại thì chỉ còn 2 dây. Vậy nên, nhiều khả năng cây đàn Kiều đánh chính là đàn nguyệt.

Như vậy để thấy, không hề dễ dàng cho việc ra mắt một bộ lịch, mà không khác gì một tác phẩm nghệ thuật. Rất nhiều nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu về Kiều đã được đơn vị làm lịch mời vào cuộc; nghiên cứu, chọn bản Kiều, phân đoạn những câu Kiều cho phù hợp với mỗi trang lịch. Rồi bản thân họa sĩ cũng đã 2 năm đằng đẵng nghiên cứu để có thể đưa đủ 365 hình ảnh đẹp, nhưng đồng thời phải đúng về “Truyện Kiều”.

Được biết, bộ lịch trên gồm 365 bức tranh được họa sỹ Hữu Hiếu cùng các cộng sự thực hiện liên tục trong 20 tháng. Mỗi bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật minh họa cho từng đoạn thơ trong “Truyện Kiều”, giúp mang cho độc giả một cảm nhận mới về tác phẩm kinh điển này. Phần thơ và chú giải trong bộ lịch dựa vào bản in “Từ điển Truyện Kiều” của cụ Đào Duy Anh.

Mỗi tờ lịch block ''Truyện Kiều'' đều có vẻ đẹp và ý nghĩa riêng.

Chia sẻ về những bức tranh minh họa cho lịch “Truyện Kiều”, họa sỹ Hữu Hiếu cho hay: "Khi làm lịch này tính thẩm mỹ đẹp phải đặt lên hàng đầu vì lịch được mọi người treo trang trọng trong nhà. Để minh họa cho “Truyện Kiệu”, tôi phải nghiền ngẫm từng đoạn, từng câu Kiều để chọn điểm nhấn cho bức tranh. Có như vậy mới vẽ được cái hồn của từng đoạn thơ Kiều để minh họa trong từng tờ lịch".

Là một trong những người biên tập nội dung cho bộ lịch này, Tiến sỹ Quách Thị Thu Nguyệt cho biết: “Khi nghe tin làm người biên tập cho bộ lịch này tôi rất vui, trước kia Truyện Kiều đã được phổ biến dưới các dạng như vịnh Kiều, bói kiều… lần này là làm lịch Kiều, điều này khá thú vị bởi lịch không chỉ để xem ngày tháng mà gói trong đó là hồn dân tộc. Để đưa Truyện Kiều lên lịch mà lại chia thành 365 ngày là công việc rất khó, đòi hỏi người biên tập phải biết ngắt đoạn sao cho đủ 365 ngày. Về hình thức phải cắt câu làm sao để họa sỹ có thể minh họa nội dung, cái hồn của Truyện Kiều".

“Hy vọng bộ lịch Kiều này sẽ được hiện diện trong mọi gia đình, trong lớp học, nhà trường… để “Truyện Kiều” ngày càng phổ biến hơn. Hồi còn đi học, tôi chỉ được tiếp nhận Kiều thông qua các trích đoạn chứ không được tiếp cận toàn bộ tác phẩm như lần làm lịch này. Theo đó, mỗi ngày lật tờ lịch, người đọc có thể ngân nga đọc vài câu Kiều, dần dần nó ngấm vào tâm hồn của mỗi con người”, Tiến sỹ Thu Nguyệt chia sẻ thêm.

Là đơn vị cấp giấy phép xuất bản cho cuốn lịch block này, ông Lê Thanh Hà, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ý tưởng làm cuốn lịch về “Truyện Kiều” là ý tưởng độc đáo. Việc đưa tác phẩm văn học trên nền cuốn lịch sẽ đóng góp vào việc gìn giữ hồn cốt của tác phẩm văn học nổi tiếng của nước nhà. Việc xuất bản “Truyện Kiều”  theo kiểu lịch sẽ được phổ biến khá rộng, bởi nếu xuất bản “Truyện Kiều” theo sách, mỗi lần xuất bản chỉ khoảng 2.000- 4.000 bản, còn xuất bản bằng lịch có thể lên đến 20.000- 30.000 bản.

Những bức ảnh về Sài Gòn xưa được họa sỹ Trọng Lee tái hiện lại trong bộ lịch xuân.

Viết lên giấc mơ cổ tích qua lịch

Qua nét vẽ và góc nhìn của họa sĩ - KTS Trọng Lee, một Sài Gòn xưa đã hiện ra thật mới mẻ, lãng mạn trong bộ lịch để bàn vẽ tay “Sài Gòn xưa”. Ở đó, có những địa chỉ quen thuộc: Nhà thờ Đức Bà, Bùng binh cây Liễu, Thảo Cầm Viên, chợ Bến Thành, Thương xá Tax, Nhà hát thành phố… trong số đó, có những địa chỉ đã hoàn toàn biến mất…

“Sài Gòn xưa” chính là một trong những bộ lịch ra mắt của Phương Nam Calendar - một thương hiệu lịch của Công ty Sách Phương Nam; khi lần đầu tiên “lấn sân” sang làm lịch nên xem ra cũng lắm công phu, bộ lịch được vẽ tay hoàn toàn, in đẹp với số lượng bản giới hạn.

“Bộ lịch là một món quà tặng dành cho những ai yêu Sài Gòn, mơ về Sài Gòn và tặng cho những ai chọn những giá trị văn hóa, những kiến trúc cổ điển, tinh tế của vùng đất này để mà gìn giữ. Mỗi địa danh trên mỗi tờ lịch sẽ kể cho bạn nghe những biến đổi, những truân chuyên đã đi qua thành phố này qua hàng thế kỷ. Những địa danh đã từng gắn với tuổi thơ, gắn với niềm vui, hạnh phúc, sự bình an của biết bao thế hệ, của hàng triệu triệu người dân từ nhiều đời nay của thành phố này. Bộ lịch như níu giữ ký ức về những địa danh đã từng rất nổi tiếng nhưng đang dần dần biến mất…”, đại diện đơn vị làm lịch chia sẻ.

Là một họa sĩ trẻ có công ty thiết kế riêng (Le House), phong cách và lối sống hiện đại, nhưng mỗi công trình của Trọng Lee thiết kế đẹp như một giấc mơ. Trọng Lee vẫn mơ về một thế giới cổ tích trong khi anh sống giữa cuộc đời rất thực này. Được biết, để vẽ bộ lịch này, Trọng Lee đã phải mất 3 năm nghiên cứu, tìm hiểu và thực hiện.

Nguyễn Hoàng - Tuấn Minh
.
.
.