Lẽ nào chính quyền ”bị bịt mắt” trước công trình vi phạm?
Trước đó, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư cho xây dựng công trình cầu đáy kính với quy mô gồm 2 mố neo 10 x 15m, cao 10m; 2 trụ đỡ có kích thước 8 x 8m, cao 20 và 28m. Chủ đầu tư còn lắp dựng khung sắt lắp ghép nhà chờ rộng 8 m, dài 20m, cao 4m.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện tại công trình có 6 cây thông ba lá bị đốn hạ trái phép, trữ lượng 1,1m3, thiệt hại 270m2 rừng phòng hộ. Hiện công đoạn kéo dây neo và kéo dây đáy kính sắp hoàn thành, mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng công trình.
Cầu đáy kính ở Đà Lạt sẽ nối khu vực "vườn cây mê cung" (khu du lịch Thung lũng Tình yêu) với khu vực "vườn thơ Hàn Mặc Tử" (Khu du lịch Đồi mộng mơ) rộng 2,09m, khoảng cách giữa hai đỉnh trụ tháp là 255m.
Một ngày sau, ngày 14-1, UBND TP Đà Lạt ban hành Quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng. Nhưng điều kỳ lạ là UBND thành phố này yêu cầu trong 60 ngày, chủ đầu tư phải xuất trình giấy phép hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh, nếu không sẽ cưỡng chế công trình.
Lý giải việc xây dựng khi chưa có giấy phép, chủ đầu tư cho biết việc xây dựng cầu đáy kính được sự chấp thuận và ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng qua văn bản số 83/TB-UBND ngày 19-4-2019; cũng như văn bản số 1961 SKHĐT-XD ngày 25-11-2019 của Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Xây dựng Lâm Đồng. Tuy nhiên, do "nóng lòng muốn đưa sản phẩm du lịch mới này vào phục vụ du khách dịp Festival Hoa 2019 và tết Canh Tý" nên công ty vừa xây dựng vừa làm các thủ tục xin giấy phép xây dựng.
Cần phải nhắc lại rằng Thung lũng Tình yêu được Bộ Văn hoá -Thông tin công nhận là di tích thắng cảnh cấp Quốc gia từ năm 1998. Khu du lịch này đang được công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng quản lý, khai thác sử dụng. Đây là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Đà Lạt, mỗi năm thung lũng đón hàng triệu lượt khách.
Là di tích thắng cảnh cấp Quốc gia nên mọi hoạt động xây dựng đều phải được các cơ quan chức năng cấp phép. Vì vậy khi thông tin việc xây dựng trong suốt một thời gian dài mà chưa hề được cấp phép, chính quyền cơ sở cũng không hề phát hiện ra khiến dư luận ngỡ ngàng và bức xúc khi doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác lại ngang nhiên "ngồi" lên pháp luật như vậy.
Ngỡ ngàng bởi để xây một cây cầu hoành tráng như vậy người ta không hề làm lén lút mà ngang nhiên thi công hàng năm trời, ngang nhiên chặt cả thông, ngang nhiên đào bới, vậy mà từ phường tới thành phố Đà Lạt và cả các sở, ngành liên quan như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên- Môi trường… không hề hay biết. Chỉ tới khi công trình gần xong thì phường mới "phát hiện" ra.
Vì thế, sau khi thông tin việc chính quyền phạt 40 triệu đồng với chủ đầu tư, nhiều người đã bình luận rằng "Không phép khác với sai phép, đã không phép thì phải tháo dỡ; lý do gì cho chờ giấy phép? chẳng khác nào cho thời gian làm thủ tục hợp thức hóa sai phạm"; "Tình trạng xây dựng không phép trước, chịu phạt rồi hợp thức hóa sau ngày càng nhiều. Sự tiếp tay, ngó lơ + du di của chính quyền ngày càng việc này xảy ra liên tục, điển hình là vụ Trạm dừng chân ở Mã Pí Lèng... nếu không 1 lần mạnh tay tháo dỡ thì nó sẽ tiếp diễn mãi".
Người xưa có câu "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra" để nói về sự gian dối dù có giấu kỹ đến mấy thì cũng sẽ bị phát hiện. Chúng ta thường kêu gọi mỗi công dân phải "Sống và làm việc theo pháp luật".
Nhưng với việc xây dựng công trình không phép diễn ra công khai suốt nhiều tháng trời giữa thanh thiên bạch nhật vậy mà không bị cơ quan nào xử lý, chỉ tới khi công trình sắp hoàn thành thì chính quyền mới biết và đưa ra mức xử phạt kiểu "gãi ghẻ" như vậy thì rõ thực sự là coi thường luật pháp.