Ký ức về trận chiến Điện Biên Phủ
- Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
- Chiến dịch Điện Biên Phủ qua tác phẩm hội họa
Sống tại Pháp đã hơn 20 năm, tôi có dịp đi khắp các vùng nước Pháp. Tại bất kỳ một ngôi làng nhỏ hay thành phố lớn nào cũng đều có tượng đài Tổ quốc ghi công, và một dòng chữ riêng biệt dành cho các chiến binh đã tử trận ở Đông Dương.
Ở những nơi ấy tôi cũng có dịp gặp các cựu binh Pháp và trò chuyện cùng họ. Không thể nói họ rất vui khi kể cho tôi nghe những kỷ niệm của họ tại Đông Dương nhưng quả là rất xúc động. Với một số người, trận chiến Điện Biên Phủ là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất họ đặt chân đến Đông Dương.
Nhưng với tất cả, hay chí ít là những người tôi gặp, thì Đông Dương hay Việt Nam đều trở thành một nơi rất đáng nhớ và thân thiện, con người Việt Nam quả cảm, thông minh và nồng hậu phóng khoáng. Nhớ vì yêu mến chứ không phải vì hận thù.
1. Tôi đến thành phố Tours để gặp ông Jacques Allaire. Khi nghe tôi trình bày ý định cuộc gặp, ông Jacques Allaire đã nói: “Tôi muốn nói trước khi chúng ta bắt đầu câu chuyện, đó là tôi không phải là người chiến binh giỏi nhất ở Điện Biên Phủ. Tôi chỉ là kẻ sống sót qua cuộc chiến”.
Hồi đó ông Jacques Allaire là Trung úy, chỉ huy một phân đội pháo Cao xạ ở tiểu đoàn 6 lính dù của Quân đội Thuộc địa, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Bigeard. Ông hồi hưu với quân hàm Đại tá, hiện sống cùng phu nhân tại một khu sang trọng quay ra sông Loire.
Tours cách Paris gần 300km. Đây là một thành phố đẹp, yên tĩnh với nhiều biệt thự có mái lợp đá cổ kính, đã trở nên thâm trầm theo thời gian và có dòng sông Loire chảy qua chia thành phố làm đôi nửa.
Đại tá Allaire đã đến Việt Nam ba lần trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Ông mở màn cuộc trò chuyện: “Tôi đã chiến đấu bảo vệ một cứ điểm, thậm chí là nhiều, như Eliane, Béatrice, Anne-Marie trên nhiều quả đồi”. Theo ông đây là vị trí đặc biệt, phải chỉ huy các cỗ mooc-chiê của tiểu đoàn, “chúng tôi có sáu cỗ.
Khi tình hình trở nên khẩn trương và trầm trọng, cấp trên gọi tôi qua máy radio đề nghị giúp đỡ yểm trợ các đồng đội đang chiến đấu dưới các giao thông hào, giáp lá cà với Việt Minh. Nhiệm vụ của tôi là vừa bảo vệ các đồng đội của mình, vừa chống trả Việt Minh”.
Tác giả và ông Pierre Flame. |
Ông kể rằng Việt Minh thường tấn công vào buổi tối, bởi khi tối đến, tấn công mà không bị phát hiện. “Chúng tôi chiến đấu ban ngày, nhưng tối cũng chiến đấu, và thi thoảng cả buổi đêm. Chúng tôi đã chiến đấu dữ dội từ ngày 13/3 đến 7/5/1954.
Chúng tôi đã phải chịu đựng sức ép của các đơn vị Việt Minh, chúng tôi đã tự hỏi liệu có ngày trở về không? Vị chỉ huy của tôi, trung úy Bourgeois đã bị hy sinh vì nhận một viên đạn vào giữa trán khi ông ấy thò đầu ra khỏi giao thông hào để quan sát tình hình”.
Nghe tôi hỏi cảm giác những phút cuối cùng của trận đánh năm ấy, ông Jacques Allaire trầm giọng nói: “Vào ngày cuộc chiến dừng, sự im lặng bao trùm lên khắp vùng đồng bằng, không một tiếng động, lúc ấy là một cái gì đó phi thực tế.
Sau khi đã sống như trong địa ngục trần gian nhiều tuần liền, khi trận chiến dừng lại, ta có cảm giác như đang ở trong một thế giới khác. Điều mà tôi ghi khắc nhất trong ký ức đó là khi trận chiến kết thúc, khi tôi nhận được lệnh dừng chiến, vì tất cả các quả đồi đều đã bại trận, chúng tôi hoàn toàn bị bao vây, và tại đó tôi hiểu rằng chúng tôi sẽ trở thành tù binh…”.
Năm 2018, Đại tá Allaire quay lại Việt Nam, “tôi nhận thấy dẫu đa phần thế hệ trẻ Việt Nam không còn nói tiếng Pháp nữa, nhưng họ nói tiếng Pháp về mặt Văn Hóa. Về mặt sâu xa,dân tộc Việt Nam đã giữ lại nước Pháp với mình”, Allaire nói.
Đại tá jacques Allaire. |
2. Theo dòng địa chỉ, tôi đến vùng Cherbourg để gặp ông Francois de Vaugiraud. Hiện ông trú cùng phu nhân tại một tòa lâu đài thời Phục Hưng giữa một khu điền trang mênh mông, xa hẳn khu dân cư khác, thuộc địa phận một khu mang tên Sainte-Marguerite-d'Elle. Đó là một vùng quê cận Tây Bắc nước Pháp, cách Paris trên dưới 400km.
Ông Francois de Vaugiraud có mặt tại Điện Biên Phủ từ tháng 1/1954 cho đến khi kết thúc trận chiến. Ông là Trung sỹ thuộc Trung đoàn Thiện xạ Marốc (Régiment Tirailleurs Marocain). Ông đóng chốt tại đồi Eliane2 cùng ban chỉ huy, được giao nhiệm vụ ghi chép tất cả những gì diễn ra trong ngày.
Có lẽ trận chiến này đã gây quá nhiều ấn tượng cho ông. Ông thậm chí bật khóc khi kể cho tôi nghe những ngày tháng bị bắt làm tù binh. Những nẻo đường đi từ Điện Biên Phủ về nơi tập kết tù binh ở Thanh Hóa: “Hàng ngày tôi nhìn thấy người chết, các đồng đội tôi cứ theo nhau ra đi, có người chết ngay cạnh tôi. Chết vì bệnh do vết thương không có thuốc điều trị và chết vì đói…”.
Được trả tự do về Pháp, sau khi được điều trị tích cực, ông đã đến châu Phi gần chục năm mà không hề muốn liên hệ với gia đình và bạn bè: “Tôi muốn có thời gian nhìn lại mình và suy ngẫm về cuộc sống”, ông nói với tôi.
Ông William Schilardi. |
3. Trong một quán cà phê nằm trong khu phố sang trọng thuộc quận 16 của thành phố Paris, tôi gặp ông William Schilardi, cựu binh tiểu đoàn 8 Lính Dù Thiện xạ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Ông có lẽ là người nhiều cảm xúc nhất trong số những người tôi đẵ gặp.
Lần đầu gặp ông, tôi hơi ngài ngại bởi có vẻ như những hình ảnh ngày ấy vẫn còn rất sống động trong ký ức ông. Mặt và mắt ông luôn đỏ trong suốt cuộc trò chuyện.
Có những lúc tôi nhận thấy những giọt nước mắt rịn ra, lăn dài theo sống mũi ông. Chiến đấu ở tuyến đầu trong trận chiến Điện Biên Phủ nên ông bị thương năm lần. Những khốn cùng mà ông phải chịu đựng trong suốt trận chiến cứ theo lời ông tuôn ra.
Dẫu vậy, chưa một lần ông mở lời trách cứ quân Việt Minh, mà ngược lại ông luôn hàm ơn những con người đã giúp đỡ ông trong chuyến đi bộ dài 700 km với hai chiếc nạng làm tạm, và những con giòi bọ rúc rỉa làn da thịt.
“Nhức nhối vô cùng. Tôi đã mất 5 năm để hồi phục về mặt tâm lý và 5 năm chữa trị cái chân bị liệt. Khi ấy tôi đã phát một lời nguyện nếu còn sống để ra khỏi các trại tù binh, vì ngày nào cũng có người chết, nếu sống sót khi ra trại, tôi sẽ tự nguyện dành đời mình để trợ giúp miễn phí giới trẻ và người già tàn tật mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì”, ông nói.
Và ông đã giữ lời cho đến tận ngày hôm nay, làm việc mà không có ngày nghỉ lễ tết, và “tôi cố gắng thông qua cách ứng xử của mình để đem lại tình thương yêu. Tôi đã trả giá cho chiến tranh, chiến tranh đã cho phép tôi lộ rõ bản chất thực của mình”.
Hiện nay, ông William Schilardi là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Điện Biên Phủ và Chủ tịch danh dự của Liên đoàn Thể thao quần chúng Pháp, chuyên giúp đỡ những thanh thiếu niên cơ nhỡ, dùng thể thao để khiến họ có một cuộc sống lành mạnh hơn. Ông cũng nhờ tôi tìm một đối tác là một Liên đoàn hoặc câu lạc bộ Thể thao ở Việt Nam để các ông có thể giúp đỡ và chia sẻ những hiểu biết của mình.
4. Len lỏi qua các con phố đông đúc, tôi đến gặp ông Pierre Flamen tại Montreuil, một thành phố khá lớn ở ngoại ô Paris. Ông để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất, tôi đã gặp ông nhiều lần. Những câu chuyện chiến tranh khắc nghiệt, hay những vụ bỏ trốn, qua lời kể cứ đều đều của ông, mọi chuyện đều trở nên lãng mạn và đầy tính nhân văn.
Ông kể chuyện mình mà như kể chuyện của ai đó. Ngày ấy, ông thuộc tiểu đoàn 6 lính dù và là Trung đội trưởng, chỉ huy 35 quân. “Tôi đã nhảy dù hai lần xuống Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên chúng tôi đã chiếm được một ngôi làng, nhưng sau đó lại rời đi, và nhảy dù lần thứ hai, và khi chúng tôi đến thì hai trong các cứ điểm đã rơi vào tay Việt Minh”.
Chiến dịch đầu tiên ông tham gia, đó là phản công quân Việt Minh, khi đó đã đặt một căn cứ ở phía Nam Điện Biên Phủ, cách mặt trận chưa đầy 2km, để tấn công sân bay Pháp. Đó là trận chiến đấu đầu tiên ông tham gia tại Điện Biên Phủ.
Vẫn theo lời kể của ông thì khi Việt Minh quyết định chiếm toàn bộ cứ điểm, và đã tấn công nơi mà quân Pháp gọi là 5 quả đồi, thì ông cùng với trung đội của mình đang ở cứ điểm Eliane1.
“Trong đêm, cứ điểm này bị thất thủ, nhưng ngay hôm sau, chúng tôi đã phản công và lấy lại được từ tay Việt Minh. Nhưng chúng tôi đã bị quân Việt Minh nã pháo dày đặc, chúng tôi nhìn thấy những đạn pháo từ phía họ lao đến, quay tròn trên đầu và rơi thẳng xuống cứ điểm của chúng tôi”.
“Đâu là sức mạnh của quân Việt Minh?”, đó là câu hỏi mà tôi đặt cho các cựu binh Pháp. Có rất nhiều câu trả lời và khá đa dạng, xin dùng câu trả lời của Đại tá Jacques Allaire: “Một chiến binh thậm chí là một người dân thường, khi họ quyết định chiến đấu vì nền tự do của Tổ quốc họ thì họ sẽ có nhiều động lực hơn một sứ mệnh khác. Các chiến binh Việt Minh rất năng động và hơn nữa họ còn có viên Chính ủy, điều này rất quan trọng, bởi vì người ta không thể hèn nhát trong một trận chiến của Việt Minh nếu ta là sỹ quan, hạ sỹ quan hoặc là một binh sỹ bình thường, bởi vì phải có ý chí chiến thắng, hơn nữa khi liên quan đến tự do, lấy lại nền độc lập của Tổ quốc mình. Chuyện hơi giống như cuộc kháng chiến của Pháp, người Pháp cũng muốn quân Đức đi khỏi đất nước họ”. |