Kinh tế thế giới "ngấm đòn" COVID-19

Thứ Bảy, 22/02/2020, 15:14
Những khách sạn không có khách, khu du lịch vắng tanh, nhà hàng không thực khách; các nhà máy thiếu công nhân… Trong khi đó, ngày 19/2, Iran trở thành quốc gia thứ 28 có bệnh nhân nhiễm COVID-19. Kinh tế thế giới bắt đầu bị giảm tốc do hệ luỵ của COVID-19.


Khu du lịch không bóng khách, nhà máy thiếu công nhân

Một bầu không khí ảm đạm bao trùm bãi biển Pattaya, một trong những nơi được du khách Trung Quốc ưa thích nhất ở Thái Lan. Phía trước mặt biển, trước kia vốn là nơi nhộn nhịp, giờ vắng ngắt; những con tàu chở khách du lịch nằm im lìm trên bến và các lều quán của khu chợ nổi thật ảm đạm.

Các nhà hàng khu phố tại Chinatown ở Australia vắng bóng người do lo sợ COVID-19.

Trong khu trại voi Chang Siam Park, một điểm hút khách du lịch chủ đạo của thành phố, Ma Mya, người bán đồ lưu niệm cho biết thu nhập của bà bị giảm một nửa. Công viên này trước đây mỗi ngày đón 1.500- 2.000 khách nhưng giờ chỉ còn không quá 200 khách. "Tôi đã bị lỗ mất hai triệu bath (trên 60.000 đô la)", Nantakorn Phatnamrob, ông chủ của khu trại voi nói với phóng viên AFP.

Năm 2019, Thái Lan đón hơn 10 triệu khách Trung Quốc (chiếm 27% du khách nước ngoài), nhưng theo Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn, từ đầu tháng 2/2020, lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan đã giảm 86%. Ước tính tổn thất kinh tế liên quan đến đợt dịch này có thể lên tới gần 7,4 tỷ euro. Ở nước láng giềng Campuchia, khu đền nổi tiếng Angkor cũng không còn nhộn nhịp như trước. Tiền vé tham quan đã bị sụt giảm 30 đến 40%.

Để ngăn dịch COVID-19 lây lan, Trung Quốc buộc phải phong tỏa hoặc hạn chế người dân đi lại ở nhiều tỉnh và thành phố. Biện pháp này khiến hơn 780 triệu người Trung Quốc bị ảnh hưởng. Nhiều nước khác cũng khuyến cáo công dân nước mình tránh đến Trung Quốc.

Những biện pháp này đã tác động trực tiếp đến ngành du lịch và vận tải. Nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới như Air Canada, Air France-KLM, American Airlines, British Airways, Delta, Finnair, Lufthansa, United Airlines và Virgin Atlantic đã hủy tất cả các chuyến bay đến Trung Quốc.

Trong đó, hãng Cathay Pacific của Hồng Kông bị tác động nặng nề và đã phải yêu cầu toàn bộ 27.000 nhân viên nghỉ không lương tới 3 tuần. Các hãng tàu biển MSC Cruises, Costa Cruises và Royal Caribbean đã hủy các điểm dừng ở Trung Quốc, trong khi nhiều hãng tàu khác đã quyết định từ chối các hành khách đã từng đến Trung Quốc, Hồng Kông hay Macau trong 14 ngày trở lại.

Các doanh nghiệp sản xuất cũng gặp khó vì việc hạn chế công dân đi lại ở Trung Quốc. Theo khảo sát của Chi nhánh Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải ở 109 công ty, gần 50% doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho biết hoạt động trên phạm vi toàn cầu của họ đang bị ảnh hưởng dịch COVID-19 do sản xuất đình trệ.

Nhà máy lắp ráp máy bay của Airbus tại Thiên Tân bắt đầu hoạt động trở lại.

Khoảng 78% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ không có đủ nhân viên cho kế hoạch sản xuất tại Trung Quốc. Các biện pháp phòng dịch của chính quyền sở tại khiến các nhân viên gặp khó trong việc quay trở lại công việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Trong khi đó, 48% số doanh nghiệp cho hay việc đóng cửa kinh doanh đã tác động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, trong khi hầu hết những doanh nghiệp còn lại cho rằng sẽ bị ảnh hưởng trong tháng tới. Một cuộc khảo sát trước đó của AmCham cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc nhận định dịch COVID-19 sẽ khiến lợi nhuận của họ sụt giảm trong năm 2020, và một số doanh nghiệp đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc.

Chủ tịch AmCham Ker Gibbs lo ngại: "Hầu hết các doanh nghiệp đang thiếu nhân lực trầm trọng. Điều này sẽ có tác động xấu đến các chuỗi cung ứng toàn cầu". Theo báo cáo của AmCham, tình trạng thiếu nhân lực dẫn tới những xáo trộn trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Báo cáo của AmCham cũng cho thấy, khoảng 30% doanh nghiệp được khảo sát có kế hoạch dời hoạt động khỏi Trung Quốc nếu họ không thể mở cửa trở lại.

Nhưng COVID-19 còn gây ra hệ luỵ ở nhiều nơi trên thế giới. Các khu Chinatown từ Australia đến Mỹ trở nên vắng vẻ. Các nhà hàng bị giảm hơn 50% doanh thu. Ông Max Huang, chủ nhà hàng Juicy Bao, một trong mười nhà hàng tạo nên khu phố Chinatown lâu đời nhất tại Melbourne, Australia than phiền với phóng viên AFP: "Việc khách hàng hoang mang đang lan tràn. Khách hàng sẽ không đến ăn để có thể tránh được virus".

Tại Australia, lệnh cấm du lịch cũng khiến 100.000 sinh viên Trung Quốc không thể bay sang để bắt đầu năm học. "Khách hàng chính của chúng tôi đến từ Trung Quốc, vì vậy, việc bán hàng rất khó khăn", Su Yin, chủ cửa hàng bánh crepe ở một trường đại học tại Melbourne với số lượng lớn sinh viên Trung Quốc than thở.

"Thông thường chúng tôi có khách du lịch Trung Quốc đến vào thời điểm này, nhưng bây giờ thì không có ai cả", Tony Siu, quản lý của nhà hàng R&G Lounge nổi tiếng ở Quảng Đông tại San Francisco, Mỹ phàn nàn.

Kinh tế thế giới sẽ ra sao?

Ảnh hưởng từ sự bùng phát dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp ở Trung Quốc và trên thế đang đe dọa kéo giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Một thống kê cho biết nếu như giá trị sản xuất của Trung Quốc sụt giảm 10 tỷ USD, tổng giá trị sản xuất của thế giới sẽ giảm 6,7 tỷ USD.

Một dây chuyền sản xuất ôtô Toyota ở Trung Quốc.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ là những quốc gia sẽ cảm thấy sức nóng khi nhiều ngành công nghiệp sẽ phải hứng chịu những hệ luỵ. Trong báo cáo công bố ngày 19/2, Morgan Stanley cảnh báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu tiên năm nay có thể giảm xuống mức thấp kỷ lục 3,5% nếu hoạt động sản xuất tại nước này chưa phục hồi trở lại mức bình thường sau thời gian bị đình trệ do sự bùng phát của dịch bệnh.

Theo nghiên cứu gần đây của công ty nghiên cứu doanh nghiệp toàn cầu Dun & Bradstreet, sự bùng phát của dịch COVID-19 và tình trạng đóng cửa sản xuất trên diện rộng tại Trung Quốc có thể tác động tới hơn 5 triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới.

"Có bằng chứng cho thấy chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn, bao gồm cả bên ngoài Trung Quốc. Hơn nữa, nếu xét đến tầm quan trọng và mối liên kết của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới, việc các nhà máy tiếp tục đóng cửa sẽ gây ra tác động toàn cầu", Phó chủ tịch Moody's Madhavi Bokil nói.

Mặc dù nhiều nhà máy tại một số tỉnh, thành Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại trong tuần này, các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định rằng việc khôi phục sản xuất chỉ đạt 30-50% so với mức bình thường. Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết họ hy vọng các doanh nghiệp tại Trung Quốc sẽ khôi phục sản xuất được từ 60-80% mức thông thường vào cuối tháng này và sẽ trở lại bình thường vào giữa đến cuối tháng 3.

Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus đã bắt đầu tái khởi động dây chuyền lắp ráp thân máy bay phản lực tại Thiên Tân từ tuần trước. Trước đó, Airbus thừa nhận hãng đang đứng trước nguy cơ không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường quốc tế đối với thân máy bay phản lực, trong bối cảnh nhu cầu tăng đột biến sau khi Boeing đình chỉ khai thác dòng máy bay 737 Max. Airbus cho biết nhà máy tại Thiên Tân đang hoạt động ở quy mô hạn chế, kỳ vọng xuất xưởng 6 sản phẩm/ tháng.

Hãng Volkswagen của Đức cho biết đã tái khởi động một phần một trong 15 nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc từ hôm 13-2. Các nhà máy còn lại sẽ lần lượt được tái khởi động sau đó. Trong khi đó, hãng General Motors của Mỹ thông báo đã xây dựng một tiến trình để lần lượt tái khởi động 12 nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc.

Toyota cho biết 4 nhà máy lắp ráp của tập đoàn này từng vận hành 2 ca làm việc mỗi ngày trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Tập đoàn này cho biết dự kiến sẽ mở lại 3 nhà máy, với chỉ 1 ca làm việc/ ngày.

Hiện chính phủ nhiều nước đã phải hành động để hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ với các thách thức mới, và giới doanh nghiệp cũng phải chủ động đối phó.

Hàn Quốc đã thông báo một kế hoạch khẩn cấp trị giá 420 tỷ won (356 triệu USD) để cung cấp các khoản vay cho các hãng hàng không, các hãng vận tải, công ty du lịch và nhà bán lẻ đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. "Chúng ta cần áp dụng mọi biện pháp có thể mà chúng ta nghĩ đến để hỗ trợ nền kinh tế", tạp chí Financial Times dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhấn mạnh tại một cuộc họp nội các ngày 18-2.

Để đối phó với tình trạng giảm tốc, nhiều nền kinh tế châu Á đã đưa ra các biện pháp kích thích và tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã quyết định giảm lãi suất từ 1,25% xuống mức thấp kỷ lục 1% nhằm giúp nền kinh tế chống chọi với một loạt  thách thức.

Ngân hàng này cho biết chính sách tiền tệ nới lỏng hơn sẽ giúp doanh nghiệp và các hộ gia đình xoay xở trong bối cảnh các nguy cơ đang gia tăng do nợ nhiều lên. Giới phân tích dự đoán BoT sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm nữa, có thể là trong tháng 3. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện một loạt biện pháp để gỡ khó cho giới doanh nghiệp, trong đó có cắt giảm thuế, nới lỏng các điều khoản trả nợ và kéo dài thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân từ tháng 3 sang tháng 6.

Singapore, Philippines, Indonesia và nhiều nước khác cũng đã phát đi tín hiệu sẵn sàng điều chỉnh chính sách nếu cần thiết. Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết có đủ khả năng để giảm lãi suất trước sự suy yếu của tình hình kinh tế do dịch bệnh. Ngân hàng Trung ương Philippines cũng hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 3,75% trong tháng 2-2020.

Ngày 17-2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định giảm lãi suất 10 điểm cơ bản từ mức 3,25% xuống còn 3,15%/năm trong khoản vay trị giá 200 tỷ NDT (khoảng 29 tỷ USD) khoản vay trung hạn (MLF) nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế. Việc giảm lãi suất ngắn hạn rồi trung hạn và bơm thanh khoản được xem là động thái mở đường cho việc giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) của Trung Quốc, dự kiến sẽ được điều chỉnh vào 20-2 tới.

Tại Nhật Bản, số liệu vừa được công bố hôm 17-2 cho thấy GDP của Nhật Bản đang suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong 6 năm là một tín hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể nhanh chóng hành động.

Ngọc Trang (Tổng hợp)
.
.
.