Kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn

Thứ Tư, 23/10/2019, 16:39
Chính phủ Trung Quốc vừa đưa ra các số liệu kinh tế mới nhất mang nhiều tin xấu hơn, khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có một bài phát biểu thừa nhận những "khó khăn đáng kể" đối với nền kinh tế.


Trong khi đó, Bắc Kinh cuối cùng đã lần đầu tiên xác nhận chi tiết về thỏa thuận thương mại Trung Quốc của Mỹ do Tổng thống Donald Trump công bố vào tuần trước.

Thỏa thuận thương mại

"Những gì phía Mỹ nói là tình hình thực tế, và phù hợp với những gì chúng tôi biết", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết vào ngày 15-10 về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Thỏa thuận được công bố tại Nhà Trắng vào ngày 11-10 sau khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến thăm để đàm phán thương mại. Tổng thống Donald Trump nói rằng Trung Quốc đã đồng ý mua hàng nông sản trị giá 40 tỷ - 50 tỷ đô la Mỹ để đổi lấy việc đình chỉ tăng thuế quan theo lịch trình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.

Việc xác nhận được đưa ra trễ 4 ngày, với ông Sảng và các quan chức khác trước đó từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên về thỏa thuận thương mại. Trong khi đó, truyền thông nhà nước đưa rất ít thông tin về điều này. 

Vào ngày 15-10, Cảnh Sảng đã cung cấp số liệu về số lượng hàng hóa nông nghiệp của Mỹ mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã mua từ đầu năm đến nay, lưu ý rằng Trung Quốc sẽ tăng tốc mua nhiều sản phẩm nông nghiệp của Mỹ hơn nữa. Ông Sảng nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Mỹ không có ý kiến khác nhau về giao dịch thương mại.

Theo nhà bình luận Tang Jingyuan tại Mỹ, sự chậm trễ này có thể do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác phải đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận này, sau khi đánh giá lập trường của chính quyền Mỹ. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với truyền thông vào ngày 14-10 rằng chính quyền Mỹ có thể tiến hành tăng thuế tháng 12 nếu thỏa thuận trong giai đoạn 1 không đạt được trước thời điểm đó. 

"Chính quyền Trung Quốc xác nhận thỏa thuận thương mại vì Trung Quốc thực sự cần thỏa thuận để có được các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, đặc biệt là thịt lợn", ông Tang nói với tờ Epoch Times vào ngày 15-10.

Kinh tế gặp khó khăn

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố số liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và Chỉ số giá sản xuất (PPI) vào ngày 15-10. Trong tháng 9, CPI của Trung Quốc đã tăng 3% so với năm ngoái. Giá thực phẩm đặc biệt tăng 11,2%, trong khi do thiếu nguồn cung, giá thịt lợn tăng 69,3% so với năm ngoái. Các loại thịt khác, chẳng hạn như thịt bò, thịt cừu, thịt gà và vịt, cũng có mức tăng giá từ 9,4- 18,8%.

Dịch bệnh sốt lợn châu Phi (ASF), lần đầu tiên bùng phát vào tháng 8 năm ngoái, đã làm suy giảm hoạt động kinh doanh lợn hơi ở Trung Quốc, khiến giá thịt lợn tăng vọt. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Trưởng phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, tại Nhà Trắng, ngày 11-10-2019

Từ nửa cuối năm 2019 đến nửa đầu năm tới, sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn ở Trung Quốc sẽ vào khoảng 10 triệu tấn", ông Wei Xin, một nhà nghiên cứu ngành chăn nuôi tại Ngân hàng Nhà nước CITIC, cho biết trên tờ Mạng lưới Kinh doanh (Business Network) thuộc hệ thống xuất bản của Nhà nước Trung Quốc. Trung Quốc là nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới.

Lin Guofa, Giám đốc nghiên cứu tại Bric Agri-Info Network của Trung Quốc, cho rằng sự thiếu hụt có thể cao hơn. Ông nói với Business Network rằng sản lượng năm 2019 có thể giảm từ 11 triệu - 12,75 triệu tấn. Sự thiếu hụt đã buộc Trung Quốc phải nhập khẩu thêm thịt lợn. Theo dữ liệu hải quan chính thức của Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 1,19 triệu tấn thịt lợn vào năm 2018. Trong 3 quý đầu năm 2019, nước này đã nhập khẩu thêm thịt lợn 1,32 triệu tấn.

Công ty dịch vụ tài chính FCStone có trụ sở tại New York ước tính vào tháng 8 rằng Trung Quốc cần khoảng 7 năm để trở lại mức sản xuất thịt lợn bình thường trước thời điểm dịch sốt heo châu Phi bùng phát, và sẽ cần nhập khẩu tổng cộng 3,3 triệu tấn thịt lợn vào năm 2019 và 4,2 triệu tấn vào năm 2020. 

Trong khi đó, Mỹ là nước xuất khẩu thịt lợn lớn thứ hai thế giới. Nhưng do tranh chấp thương mại đang diễn ra, Trung Quốc đã áp thuế trả đũa đối với một loạt các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, bao gồm cả thịt lợn. Do đó, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm đáng kể. 

Trong 8 tháng đầu năm nay, Mỹ đã xuất khẩu 93.245 tấn thịt lợn sang Trung Quốc, so với 351.774 tấn trong năm 2018 và 495.637 tấn trong năm trước đó, theo dữ liệu từ Liên đoàn Xuất khẩu thịt Mỹ.

Trong khi đó, chỉ số PPI của Trung Quốc đã giảm 1,2% trong tháng 9, so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vật liệu sản xuất giảm 2%, với giá cả trong các loại hình kinh doanh, dầu khí, than đá và kim loại màu trải qua sự sụt giảm mạnh nhất. Sự sụt giảm PPI cho thấy các ngành sản xuất của Trung Quốc đang chững lại.

Thừa nhận của Thủ tướng

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tổ chức một diễn đàn kinh tế tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây vào ngày 14-10, trong đó ông yêu cầu các tỉnh trưởng đưa ra các chính sách mới để kích thích nền kinh tế. "Nền kinh tế thực sự của Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn. Nhu cầu trong nước yếu kém, một số khu vực đang thiếu động lực phát triển", ông Lý Khắc Cường được trích dẫn trên truyền thông Nhà nước Tân Hoa xã.

Ông Lý đã yêu cầu các chính quyền tỉnh tăng cường nhận thức về lợi nhuận, gợi ý mức độ quan ngại của Bắc Kinh về nền kinh tế. Ông nói thêm rằng thương mại quốc tế là chìa khóa cho chính sách kinh tế của chế độ Trung Quốc. Thương mại quốc tế mà ông Lý nói đến bao gồm đầu tư nước ngoài, nhập khẩu và xuất khẩu. 

Ông Lý khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ. Việc Mỹ đình chỉ tăng thuế theo lịch trình đối với các sản phẩm của Trung Quốc có thể giúp Trung Quốc tăng xuất khẩu.

Vinh Trang
.
.
.