Tìm kiếm các đối tác chiến lược mới để giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc

Thứ Sáu, 30/05/2014, 09:23
Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề “Những ràng buộc đối với tăng trưởng” do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức tại Hà Nội ngày 29/5.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Thành, trưởng nhóm tác giả thực hiện đề tài báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014 cho biết: Việc lựa chọn chủ đề “Những ràng buộc đối với tăng trưởng” muốn nhấn mạnh những tác động khách quan của kinh tế thế giới, của tình hình an ninh chính trị vào nền kinh tế Việt Nam đặc biệt qua sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trái phép tại vùng biển thềm lục địa Việt Nam, nhằm đánh giá sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam. Từ việc đánh giá sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam, nhóm tác giả muốn đề xuất với Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách kinh tế các mục tiêu ngắn hạn, trung và dài hạn về những ứng xử của kinh tế Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cụ thể là ứng xử của kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào nếu kinh tế hai nước Việt Nam và Trung Quốc trở nên xấu đi sau khi Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những gợi ý về việc Việt Nam cần phải chủ động tìm kiếm các đối tác chiến lược mới về kinh tế trong khu vực và trên thế giới để giảm dần sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi tình hình trên biển Đông đang diễn tiến phức tạp với những diễn biến khó lường.

Cũng theo TS Nguyễn Đức Thành, trong 5 gợi ý mà nhóm nghiên cứu muốn gửi đến Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc “Việt Nam cần xác định đối tác kinh tế chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN và xây dựng cơ sở hợp tác lâu dài tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. Đồng thời quan tâm đến nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế trong ngắn hạn. Ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư; Thúc đẩy tăng năng xuất kinh tế theo hướng trung hạn - dài hạn thông qua quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu. Và cuối cùng phân bổ nguồn lực tạo cơ chế khơi thông đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế biển, chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi” - TS Nguyễn Đức Thành cho biết.

Đồng quan điểm trên, TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng: Trong vấn đề ứng xử, lúc này kinh tế Việt Nam cần nhấn mạnh vào việc tránh “phụ thuộc” vào kinh tế nước ngoài, đặc biệt kinh tế Trung Quốc. Để làm được điều này cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa về điều hành kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng kinh tế năm 2014 dự báo sẽ dưới mức 5%

Trong báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2014, VEPR đã đưa ra mức dự báo hai kịch bản cho viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nay. Theo hai kịch bản này, tăng trưởng kinh tế năm nay có nhiều khả năng sụt giảm so với năm 2013. Ở kịch bản thấp, VEPR dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,15%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 4,88% (theo giá cố định năm 2010). Cả hai con số này đều thấp hơn 5,42% đã đạt được trong năm 2013 vừa qua.

Huyền Thanh
.
.
.