Khốc liệt truy nã tội phạm ở Tây Bắc

Chủ Nhật, 16/04/2017, 13:35
Tháng ba ở Tây Bắc thật khắc nghiệt. Gió Lào ào ạt đem theo cái hơi nóng sực, khô rang đến khó chịu. Chúng tôi tìm đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Điện Biên để gặp một "ngôi sao" trong truy bắt đối tượng có lệnh truy nã, đó là Thượng tá Mùa A Dơ, Phó Trưởng phòng.


Trận tuyến không bình lặng

Tháng ba ở Tây Bắc thật khắc nghiệt. Gió Lào ào ạt đem theo cái hơi nóng sực, khô rang đến khó chịu. Chúng tôi tìm đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Điện Biên để gặp một "ngôi sao" trong truy bắt đối tượng có lệnh truy nã, đó là Thượng tá Mùa A Dơ, Phó Trưởng phòng.

Thượng tá Dơ cũng vừa cùng một tổ công tác của đơn vị trải qua hơn 2.000km để truy bắt đối tượng truy nã lẩn trốn ở các tỉnh phía Nam trở về tối hôm trước.

Các trinh sát Phòng PC52 phục bắt đối tượng truy nã.

Thượng tá Mùa A Dơ là người dân tộc Mông, sinh ra lớn lên ở vùng đất đại ngàn Tây Bắc. Anh thông thuộc địa bàn, phong tục tập quán và có nhiều kinh nghiệm trong đánh án.

Khi thành lập đơn vị này, anh về đầu quân cho đến nay. Ngồi nói chuyện với chúng tôi bằng chất giọng khàn khàn pha chút nắng gió vùng Tây Bắc, mái tóc đã điểm bạc, Thượng tá Mùa A Dơ kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm của nghề lính tầm nã mà anh đang theo đuổi.

Ít ai biết, trước khi "bén duyên" với nghiệp tầm nã, Thượng tá Dơ đã có gần 30 năm công tác ở Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Điện Biên. Cứ ngỡ trinh sát an ninh và trinh sát Cảnh sát truy nã chẳng liên quan đến nhau nhiều, nhưng chính chất an ninh thầm lặng lại giúp anh và đồng đội lập nhiều chiến công trong cuộc chiến đấu khốc liệt truy bắt đối tượng có lệnh truy nã.

Chia sẻ về đặc thù nghề nghiệp, Thượng tá Dơ đúc kết: "Đối tượng trốn truy nã biết rõ hình phạt nên cực kỳ tinh quái trong thủ đoạn hoạt động. Các đối tượng thay tên, đổi họ, một số đối tượng còn tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo.

Để truy theo đối tượng, các trinh sát phải mất nhiều công sức lần tìm, dựng lên từng mối quan hệ dù là nhỏ nhất của đối tượng. Đặc biệt, các đối tượng phạm tội bỏ trốn thông thường đều rất manh động nên dù đã lần ra địa điểm ẩn náu của chúng nhưng việc bắt giữ cũng không đơn giản".

Anh kể cho chúng tôi lần bắt tên Lò Văn Hồng ở xã Thanh Chăn, Điện Biên. Hồng từng bị kết án 7 năm tù về tội mua bán trái phép ma túy, sau khi thi hành án phạt tù xong, hắn lại tiếp tục "ngựa quen đường cũ" và nhanh chóng thiết lập, cầm đầu đường dây ma túy khét tiếng hoạt động hết sức tinh vi, xảo quyệt. Sau khi đường dây này bị triệt phá, Lò Văn Hồng bỏ trốn sang Lào.

Qua nguồn tin nhân dân cung cấp, biết hắn đang lẩn trốn ở Đội 2, xã Thanh Chăn. Hồng là đối tượng rất côn đồ và manh động, luôn thủ vũ khí "nóng" trong người sẵn sàng "ăn thua" khi gặp Công an.

Đầu năm 2013, Thượng tá Mùa A Dơ cùng đồng đội bí mật tiếp cận khu vực tên Hồng lẩn trốn, thấy động hắn rút súng bắn điên cuồng vào lực lượng truy bắt khiến một chiến sĩ bị thương rồi tiếp tục chạy trốn sang khu vực biên giới Việt - Lào.

Sau nhiều tháng trời kiên trì bám đuổi, các anh cũng xác định được nơi ẩn náu chính xác của Lò Văn Hồng. Đúng 4h sáng một ngày cuối tháng 7-2013, Thượng tá Dơ cùng một tổ công tác đặc biệt đến khu vực biên giới Việt - Lào phối hợp với lực lượng An ninh tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào) tổ chức vây bắt, bí mật tiếp cận lán trại của Hồng ẩn náu ở bản Na Luông, huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ.

Thượng tá Dơ dẫn đầu một tổ trinh sát ập vào lán. Tên Hồng chống trả quyết liệt khiến anh bị thương, song anh và đồng đội sau đó đã khống chế được đối tượng, thu 1 khẩu súng quân dụng cùng 5 viên đạn...

Một lần khác, trong chuyên án bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Hạng Chù Dùa tại Pu Nhi, Điện Biên Đông. Hạng Chù Dùa, hay còn có tên gọi khác là Hạng A Chù, 40 tuổi tại bản Pu Nhi D, xã Pu Nhi. Dùa cầm đầu một đường dây ma túy xuyên quốc gia khét tiếng, buôn bán số lượng ma túy lên đến 137 bánh heroin.

Thượng tá Mùa A Dơ.

Dùa là đối tượng xảo quyệt, hắn thường xuyên thay đổi địa điểm, phương thức hoạt động. Đặc biệt hắn luôn mang trong người vũ khí quân dụng sẵn sàng ra tay khi có động.

Tháng 4-2013, nghi ngờ anh Sùng A Sáng "mách" cho cơ quan Công an biết về tung tích của mình, Dùa đã dùng súng AK bắn anh Sáng bị thương nặng. Sau đó, Dùa cùng Hạng A Chứ -  một đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm khác cùng trú tại bản Pu Nhi D, xã Pu Nhi chạy trốn vào rừng mang theo một khẩu súng CKC, một khẩu AK, 100 viên đạn, một khẩu súng ngắn và hai quả lựu đạn. Sau này khi bị bắt, chính tên Dùa đã khai, tháng 4-2013, Dùa và Chứ lên kế hoạch phục kích bắn hai đồng chí cán bộ Công an khi vào công tác tại bản Pu Nhi D nhưng không thành.

Thượng tá Dơ đã cùng đồng đội vạch ra kế hoạch để tóm gọn Hạng Chù Dùa, anh trực tiếp chỉ huy một đội truy bắt, truy tìm Dùa và Chứ. Sau gần 5 tháng truy theo dấu vết đối tượng, các anh đã nắm được thông tin Dùa vượt biên trở về thăm nhà. Một kế hoạch chi tiết được vạch ra.

Đợi đúng thời điểm Dùa bất ngờ nhất, 3 tổ công tác của Phòng PC52 chia thành 3 mũi đồng loạt áp sát nhà của hắn. Thấy "động", hắn rút ngay khẩu súng trong người bắn hai phát liên tiếp nhưng may mắn không trúng ai. Thượng tá Dơ lao đến vật lộn với tên này, tước vũ khí trên tay đối tượng. Tang vật thu giữ gồm 1 khẩu súng AK cùng 17 viên đạn, 2 bánh heroin.

Bắt truy nã cũng cần tấm lòng nhân ái

Hơn 30 năm gắn bó trong lực lượng Công an, trong đó có gần 10 năm theo cái nghề nguy hiểm bắt truy nã, Thượng tá Mùa A Dơ đúc kết: "Công việc truy nã, không phải cứ mang súng hô hào truy bắt đối tượng là tốt mà nhiều khi chinh phục, cảm hóa đối tượng mới là điều nên ưu tiên thực hiện.

Điện Biên là địa bàn miền núi, dân tộc, nhiều đối tượng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết sau đó sợ hãi bỏ trốn. Chính vì vậy, cán bộ Công an phải tìm cách cảm hóa, thu phục nhân tâm đối tượng. Việc làm này vừa đỡ tốn công sức, tiền của, lại vận động được đối tượng ra tự thú, phục thiện".

Những năm gần đây, ở Điện Biên số đối tượng có lệnh truy nã tăng nhanh do đây là vùng đất nóng của tội phạm ma túy, số vụ án ma túy hàng năm được các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Điện Biên triệt phá trung bình từ 200 vụ, kéo theo là số đối tượng liên quan đến các đường dây ma túy bỏ trốn ngày càng nhiều.

Đảm đương một nhiệm vụ như vậy nhưng Phòng PC52 hiện chỉ có 16 cán bộ chiến sĩ. Theo Thượng tá Mùa A Dơ, một năm trung bình đơn vị phải tiếp nhận, nghiên cứu hơn 100 hồ sơ đối tượng lên phương án và trực tiếp truy bắt.

Năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, Phòng PC52 Công an tỉnh Điện Biên đã bắt được 72 đối tượng, trong đó có 24 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm; vận động tự thú 13 đối tượng.

Có đối tượng bỏ trốn cả chục năm nhưng qua vận động đã ra tự thú. Trường hợp vận động đối tượng Đỗ Thị Phượng (41 tuổi) ở Mường Chà, Điện Biên là một ví dụ. Phượng phạm tội ma túy bỏ trốn từ năm 2007.

Quá trình xác minh, các anh đã phải lần giở hàng trăm ngàn trang hồ sơ, tài liệu, nhiều lần lặn lội không biết bao nhiêu lần tới Nghệ An, Sơn La, Tuyên Quang… nơi có mối quan hệ họ hàng, bạn bè với đối tượng để phục bắt nhưng Phượng vẫn lặn biệt tăm.

Các trinh sát bắt giữ đối tượng Vùi Văn Xiếng lẩn trốn 10 năm ở Luông Pha Băng (Lào).

Sau rất nhiều lần Thượng tá Mùa A Dơ cùng đồng đội sử dụng các biện pháp nghiệp vụ lần tìm đối tượng không thành công, qua tìm hiểu gia cảnh đối tượng được biết Phượng nay còn bố mẹ già và con nhỏ, các anh đã nhiều lần đến gia đình Phương nói chuyện, đả thông tư tưởng, vận động gia đình khuyên Phượng đầu thú để hưởng sự khoan hồng từ pháp luật.

Phải mất nhiều năm, gia đình mới hiểu và gọi Phượng đang lẩn trốn ở một bản hẻo lánh của huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An về đầu thú, kết thúc chuỗi ngày gần 10 năm trời lẩn trốn.

Vụ vận động đối tượng Mùa A Lềnh ở Mường Nhé cũng là một ví dụ điển hình. Lềnh là người di cư tự do đến Mường Nhé, do không biết rằng khu vực đó là rừng phòng hộ nên đã phát rừng khai hoang mở rẫy.

Khi bị các cơ quan chức năng "hỏi thăm", do thiếu hiểu biết, Lềnh không biết phạm tội gì, trong lúc hoảng sợ, đối tượng này nhanh chóng tháo chạy và bỏ trốn cùng một đối tượng khác.

Qua quá trình tìm hiểu xác minh, anh và đồng đội đã phát hiện ra Lềnh trốn trong rừng sâu, đối tượng bỏ trốn cùng Lềnh đã bị chết do sốt xuất huyết. Gia đình Lềnh cũng khó khăn nên không thể thường xuyên liên lạc và tiếp tế vì vậy đối tượng chủ yếu sống trong rừng.

Nắm được thông tin đó, Thượng tá Mùa A Dơ đã trực tiếp một mình vào bản vận động gia đình, mua quần áo, các đồ nhu yếu phẩm cần thiết "gửi tặng" Lềnh. Cùng là dân tộc Mông nên anh khéo léo tiếp cận, trò chuyện với người thân của Lềnh vận động anh ta ra tự thú.

3 tháng với hàng chục lần anh vào gia đình của đối tượng chỉ nói chuyện chứ không gây áp lực cho gia đình và đối tượng. Sau khi được gia đình vận động, khuyên giải, "người rừng" Lềnh đã trở về với cộng đồng tích cực tham gia cải tạo và góp công sức lớn trong việc thực hiện công tác dân vận tại chính địa phương nơi Lềnh sinh sống. Sau khi bàn giao cho cơ quan điều tra, Lềnh đã được đưa trở về hòa nhập với cộng đồng.

Đại tá Lê Công Bính, Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên: "Đồng chí Mùa A Dơ là một người luôn luôn có trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng chí luôn đi đầu trong các công tác, không quản ngại nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm, anh có nhiều thành tích trong công tác bắt, vận động đối tượng truy nã tự thú; luôn được các đồng chí trong phòng tin tưởng, tín nhiệm".

Bảng vàng thành tích của Thượng tá Mùa A Dơ: Huân chương Chiến công hạng Ba; 15 bằng khen của UBND tỉnh Điện Biên và Bộ Công an; hàng chục lần được Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên tặng bằng khen.

Thúy Hằng - Hoàng Thương
.
.
.