Khi nghệ sĩ đưa tin đồn thất thiệt

Thứ Tư, 05/02/2020, 09:55
Một số nghệ sĩ có tiếng nói, có sức ảnh hưởng lớn cũng đưa tin sai lệch khiến tình trạng bệnh dịch virus corona thêm trầm trọng trên... mạng xã hội.


Trong khi dịch virus corona đang diễn biến khá phức tạp, cả hệ thống chính trị, xã hội, y tế Việt Nam cùng vào cuộc, đặt cảnh báo ở mức cao nhất thì trên mạng xã hội một loạt những tin đồn thất thiệt liên quan đến dịch bệnh được chia sẻ rầm rộ khiến người dân hoang mang. Đặc biệt một số nghệ sĩ có tiếng nói, có sức ảnh hưởng lớn cũng đưa tin sai lệch khiến tình trạng bệnh dịch thêm trầm trọng trên... mạng xã hội.

1. Đều là các nghệ sĩ nổi tiếng, có sức ảnh hưởng sâu rộng nhưng Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng đã vội vàng chia sẻ những thông tin nhảm nhí, chưa được kiểm chứng trên trang cá nhân của mình ngay khi Việt Nam xuất hiện trường hợp bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona. Những thông tin sai lệch của các nghệ sĩ nhanh chóng được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. 

Đại dịch virus corona đang bùng phát toàn cầu, đặt cả thế giới vào tình trạng báo động mức cao nhất, còn ở Việt Nam, cả hệ thống chính trị, xã hội, y tế đồng loạt vào cuộc, đang làm tốt nhất những gì có thể để ngăn chặn, kiểm soát, phòng dịch bệnh từ xa. Thế nhưng những thông tin thiếu kiểm chứng của những nghệ sĩ lớn khiến người dân thêm hoang mang, sợ hãi.

Cụ thể, sau khi báo chí đưa thông tin về việc phát hiện hai ca nhiễm virus corona ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), vào ngày 26-1, diễn viên Cát Phượng tiếp tục đăng tải thông tin theo kiểu “dự báo thời tiết” trên trang cá nhân: “Biết nói gì đây? Làm ơn nghĩ cho dân trước cũng là nghĩ cho chính bản thân mình. Dịch bệnh đã đến Q1, rồi sẽ lan tràn đến Q3, Q5, Q7…”.

Nữ nghệ sĩ cũng kêu gọi khán giả mua và dùng khẩu trang lọc khí thông minh AirPlus cho an toàn. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyên người dân chỉ cần dùng khẩu trang y tế cũng như đeo/tháo đúng cách; còn mặt nạ N95 hay các loại mặt nạ có van thở không hiệu quả hơn khẩu trang y tế trong việc phòng chống virus, chỉ khuyên dùng cho nhân viên y tế. Nhiều người cho rằng nữ nghệ sĩ vẫn chưa có kiến thức thấu đáo về dịch virus corona và cách phòng ngừa đúng quy định.

Cũng trong ngày 26-1, fanpage của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ thông tin 2 người Trung Quốc bị nhiễm virus corona đã chết tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là thông tin sai sự thật. Bài đăng này sau đó được fanpage Đàm Vĩnh Hưng xóa bỏ, chỉ còn giữ lại các chia sẻ mang tính cảnh báo về nguy cơ gây bệnh. Thực tế hai bệnh nhân này là cha con, người con đã khỏi bệnh và được xuất viện, còn người cha đang phục hồi khá tốt.

Còn về phía diễn viên Ngô Thanh Vân, vào ngày 31-1 cô chia sẻ bức xúc về việc hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam giữa đại dịch virus corona. Nữ diễn viên viết: "Nghe bạn nói, tối thứ 4, tức sáng sớm thứ 5 (30-1) vẫn còn chuyến bay trực tiếp từ Vũ Hán đáp vào Việt Nam. Tại sao? Chúng ta không phải đã ngưng rồi sao? Nguy hiểm quá. Chặn luôn đi chứ. Phải bảo vệ người dân và con em chúng ta chứ?".

Trong khi đó, vào thời điểm “đả nữ” của màn ảnh Việt đăng tải thông tin, Cục Hàng không đã dừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đi Vũ Hán và ngược lại, trừ bốn chuyến bay ngoại lệ đưa khách Vũ Hán đang ở Việt Nam về lại thành phố này. Những chuyến bay trên xịt khử trùng theo quy định và bay rỗng về lại Việt Nam. Mới đây nhất, NSND Hoàng Dũng cũng đã chính thức lên tiếng xin lỗi sau khi phát hiện thông tin từng chia sẻ trên trang cá nhân về dịch cúm corona là giả.

Một số facebooker bị triệu tập và xử phạt vì đưa tin thất thiệt.

2. Dù nhanh chóng cải chính, lên tiếng xin lỗi cộng đồng mạng nhưng việc phát ngôn bừa bãi, chưa kiểm chứng thông tin của những nghệ sĩ Việt giữa tâm bão virus corona khiến nhiều người bất bình. Vì những trang cá nhân của những nghệ sĩ này có hàng trăm, hàng triệu lượt like, nên bất kì một phát ngôn nào cũng đều được like và share với tốc độ chóng mặt. 

Và đương nhiên sức ảnh hưởng của những status này cũng lan rộng trong cộng đồng mạng, khiến nhiều người tin tưởng đó là sự thật mà hồ nghi về khả năng điều trị, kiểm soát bệnh tật của Việt Nam. Nhiều người hoang mang về dịch virus corona từ những status của những nghệ sĩ này, nhưng cũng không ít người bày tỏ quan điểm bất bình cho rằng, là người của công chúng không thể cứ phát ngôn sai lại đăng đàn xin lỗi. 

Người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn càng phải thận trọng trong phát ngôn bởi mỗi lời nói ra của họ đều có khả năng dẫn dắt dư luận theo quan điểm, suy nghĩ của họ. Nhất là trong tình hình dịch bệnh virus corona đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

Luật An ninh mạng đã có hiệu lực, trong đó đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng không gian mạng như sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…

Hiện nay nhiều người của công chúng, người sử dụng mạng xã hội đăng tin, hình ảnh giật gân, bịa đặt, sai sự thật nhằm để câu “view”, câu “like” diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên giữa lúc dịch virus corona đang ở mức báo động toàn cầu, Việt Nam đã và đang kiểm soát khá tốt thì những thông tin bịa đặt của những nghệ sĩ nổi tiếng cũng như nhiều facebooker khiến người dân hoang mang, lái dư luận theo hướng tiêu cực đáng bị lên án và xử phạt nghiêm minh để răn đe.

Những tin đồn thất thiệt khiến người dân hoang mang.

Được biết, tối 31-1, đại diện Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM đã trực tiếp liên lạc với các nghệ sĩ Cát Phượng, Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng, mời đến làm việc vì "đưa tin sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng".

Cát Phượng cho biết đang ở quê, vì vậy Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM lên lịch làm việc vào ngày 5-2 và yêu cầu gỡ các thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh. Hiện tại, trang facebook của Cát Phượng không còn chia sẻ các bài viết và bình luận liên quan.

Trong khi đó, Ngô Thanh Vân cho biết đang ở Nhật Bản và sẽ làm việc với Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM vào ngày 3-2. Riêng Đàm Vĩnh Hưng, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM không liên lạc được qua điện thoại nên đã gửi giấy mời đến nơi cư trú của nam ca sĩ này.

Đại diện Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM tuyên bố Sở sẽ xử lý nghiêm theo Luật An ninh mạng đối với các tổ chức, cá nhân đưa thông tin không chính xác về dịch viêm phổi cấp do virus corona.

Không chỉ một số người nổi tiếng đăng tin thiếu kiểm chứng, thời gian vừa qua có không ít các facebooker đăng tin giả về virus corona và đã bị cơ quan chức năng triệu tập làm việc và xử phạt.

Theo thông tin mới nhất tính đến 12h50 phút ngày 2-2-2020 thì trên thế giới có 14.554 trường hợp nhiễm bệnh, 305 trường hợp tử vong nhưng riêng ở Việt Nam có 7 trường hợp nhiễm bệnh thì có 1 trường hợp đã khỏi, các trường hợp còn lại đều đang tiến triển tích cực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký quyết định về công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A. 

Nhiều trường học đã cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần nữa để phòng dịch. Như vậy mức độ công bố dịch đã được đẩy lên mức độ cao nhất. Đồng nghĩa với việc không có chuyện bưng bít thông tin và Việt Nam đang làm rất tốt việc kiểm soát, ngăn chặn phòng tránh dịch virus corona từ xa. 

Nên danh sách các bệnh nhân bị nhiễm virus corona dài dằng dặc được share trên mạng, trong các nhóm kín là thông tin giả mạo không đáng tin cậy. Muốn biết thông tin chính xác, người dân nên vào trang sức khoẻ và đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế cũng như trang chính thức của các bệnh viện lớn.

Trong khi các chuyên gia y tế, các bác sĩ, nhân viên y tế đang căng mình chống dịch, họ là những người phải trực tiếp tiếp xúc với các mầm bệnh thì lại luôn là những người tự tin và có cái nhìn tích cực vào đại địch thì các cư dân mạng, các “thánh chống dịch cõi mạng”, những kẻ buôn bán kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá các mặt hàng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay… lên cao ra sức tuyên truyền, đưa tin giả gây hoang mang u ám cho cộng đồng.

 Nhiều bác sĩ không quản ngại trong cuộc chiến phòng chống bệnh dịch cho nhân dân mà còn tích cực đấu tranh chống lại tin giả ngay trên mặt trận truyền thông, trên mạng xã hội bằng những bài viết hữu ích trên trang cá nhân cũng như các phương tiện thông tin đại chúng của mình.

Mai Ngọc
.
.
.