Khi ngân hàng dính bẫy "siêu lừa" xe hơi

Thứ Năm, 09/01/2020, 08:10
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xuất hiện những băng nhóm chuyên làm giả giấy tờ xe ôtô rồi "đẩy" vào ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đây có thể coi là "bài học" chung đối với các tổ chức tín dụng trong vấn đề hoàn thiện, kiểm soát chặt chẽ công đoạn duyệt hồ sơ hỗ trợ vay vốn.

Vay tiền ngân hàng mua ôtô rồi… bán

Tháng 1-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết đã tiếp nhận, giải quyết đơn của Ngân hàng TMCP M. tố cáo một nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn thuê người đứng tên làm giả hồ sơ có thu nhập ổn định vay vốn ngân hàng theo gói sản phẩm hỗ trợ mua xe ôtô (tài sản đảm bảo cho vay là những ôtô đã mua).

Theo đơn tố cáo của ngân hàng, trong thời gian từ tháng 6-2019 đến tháng 8-2019, ngân hàng phát hiện nhóm khoảng 5 đối tượng đã thuê người đứng tên vay vốn ngân hàng tại 3 chi nhánh ở quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Thanh Xuân (TP Hà Nội) để mua 15 chiếc xe ôtô với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là dựng lên một... trưởng phòng của một doanh nghiệp, với thu nhập bình quân 40 triệu đồng/tháng để đứng tên trên hồ sơ vay vốn. Song qua xác minh thì ngân hàng tá hỏa khi phát hiện vị “trưởng phòng” này là kẻ vô nghề nghiệp, lại nghiện ma túy và đang đi… cai nghiện. Sau khi mua được ôtô bằng hồ sơ trưởng phòng giả mạo, các đối tượng mang bán hoặc đem vào các tỉnh phía Nam cầm cố.

Cơ quan chức năng đánh giá trong vụ việc này, không loại trừ khả năng vị “trưởng phòng” cũng bị mắc bẫy lừa trước những hứa hẹn, động viên: “Chỉ thuê đứng tên đăng ký và sẽ được trả công cả trăm triệu đồng. Ôtô mua từ tiền vay ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp thuê hàng tháng; doanh nghiệp trả tiền lãi và sau đó cả gốc lẫn lãi. Nếu doanh nghiệp không trả thì ngân hàng thu xe ôtô trừ nợ là xong. Người đứng tên vay sẽ không bị làm sao".

Vụ việc đang được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ. Song để có thể thu hồi lại số tài sản này không phải là đơn giản. Đáng chú ý, đây  không phải là vụ việc duy nhất mà nạn nhân là các nhân hàng.

“Ông trùm” Phùng Viết Đông cùng đồng bọn trong phiên xử tại TAND tỉnh Tây Ninh.

Tháng 7-2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định truy nã đối với Phạm Văn Hảo (SN 1988, trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội). Mặc dù bị cụt mất một bàn tay phải, song gã đã nghĩ ra một chiêu lừa đảo hết sức tinh vi khiến cho cơ quan Công an cũng như bị hại là các ngân hàng phải đau đầu giải quyết.

Đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội nhận được đơn của Ngân hàng TMCP P. (có địa chỉ tại Hà Nội) tố cáo đối tượng Phạm Văn Hảo lừa đảo trong việc thế chấp tài sản để vay tiền. Theo trình bày của ngân hàng này, Hảo xưng là lái xe taxi, đến ngân hàng đề nghị làm một hợp đồng vay tiền để mua chiếc xe du lịch để chở khách. Giá trị của chiếc xe là gần 1 tỷ đồng, ngân hàng sẽ giải ngân 70%.

Tiến hành thẩm tra, cán bộ ngân hàng xét thấy Hảo có đủ điều kiện để thực hiện hợp đồng nên đã xúc tiến các thủ tục cần thiết. Sau khi ký hợp đồng mua xe tại một đại lý và nộp các loại thuế phí, nhân viên ngân hàng đã cùng với Hảo đến Phòng Cảnh sát giao thông để đăng ký biển số xe ôtô mới.

Theo nguyên tắc, sau khi được Cảnh sát giao thông cấp giấy đăng ký xe, ngân hàng sẽ giữ bản chính, còn người vay sẽ được cung cấp bản sao chứng thực. Khi tham gia giao thông, người vay sẽ mang theo giấy này kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của ngân hàng còn hiệu lực để sử dụng nếu cơ quan chức năng kiểm tra. Sau khi cán bộ ngân hàng đã cầm giấy đăng ký gốc, Hảo được giao xe và lái về.

Thế nhưng, chỉ chưa đầy một tuần sau, đối tượng đã tiếp tục mang chiếc xe ôtô này đi "cắm" tại một ngân hàng khác để ôm về gần 1 tỷ đồng. Vậy là một chiếc xe ôtô được "cắm" ở 2 ngân hàng để vay số tiền lớn. Khi sự việc lộ tẩy, cả 2 ngân hàng đều nhận chiếc xe thế chấp là của mình. Và, sau khi cơ quan công an thông báo thủ đoạn tinh vi của đối tượng để qua mặt cán bộ ngân hàng, các bên mới đều giật mình tỉnh ra.

Thủ đoạn của Hảo là sau khi nhận được giấy hẹn từ Phòng Cảnh sát giao thông, có được các thông tin cần thiết, đối tượng lập tức làm giả một Giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô với các thông số giống hệt trong giấy hẹn.

Đến ngày Cơ quan đăng ký hẹn trả kết quả, Hảo đã nhanh tay tráo Giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô giả (Hảo đã thủ sẵn trong người) cho cán bộ ngân hàng mang về, còn gã giữ lại đăng ký thật. Ngoài ra, Hảo còn làm giả "Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân" nhằm hợp thức hóa việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của các bị hại, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khẩn trương tiến hành điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức", khởi tố bị can để điều tra. Tuy nhiên Hảo đã bỏ trốn. Tháng 7-2019, Cơ quan Công an ra quyết định truy nã đối với Hảo.

Phùng Viết Đông chuyên dùng xe ôtô Lexus nhập khẩu từ nước ngoài để lừa đảo.

1.001 trò lừa đảo

Nhắc đến những "siêu lừa" buôn bán xe hơi, không thể không nhắc đến đối tượng Phùng Viết Đông (SN 1980, trú tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội). Một mình gã hiện đang là bị án của hai vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" đã được các cơ quan tố tụng của Hà Nội và tỉnh Tây Ninh điều tra, xét xử.

Thủ đoạn của Đông cũng có nhiều phần khác với Đào Xuân Mạnh. Đông thường "ôm" xe ôtô nhập lậu từ nước ngoài. Để hợp thức hóa cho những chiếc xe gian, Đông thuê người làm giả Giấy đăng ký để bán cho người khác kiếm lời; hoặc gã thuê người khác đứng tên để mang đi cầm cố tại ngân hàng kiếm bộn tiền rồi… biến mất.

Nhưng có một điểm mà giới buôn xe lậu lại rất ''nể'' Đông là dù đã từng bị bắt quả tang khi đang di chuyển trên một chiếc xe nhập lậu, song Đông và đồng bọn chỉ bị tạm giữ ít ngày rồi được tại ngoại. Trong thời gian đó Đông và đồng bọn tiếp tục sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo ngân hàng và người dân khác với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Phải cho đến đầu năm 2017, vụ án này mới được lật lại khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Đông và đồng bọn. 

Liên quan tới vụ án này, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội" xảy ra tại các cơ quan tư pháp huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh để điều tra việc bỏ lọt hành vi buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của nhóm đối tượng trên.

Nguyên do là tháng 4-2015, Công an huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP HCM đã tổ chức bắt quả tang 3 đối tượng buôn lậu xe ôtô và làm giả giấy tờ cơ quan tổ chức Nhà nước gồm: Phùng Viết Đông, Nguyễn Đắc Tuyên và Phùng Tuấn Anh (cùng trú tại TP Hà Nội). Ba đối tượng này đang vận chuyển xe ôtô nhập lậu theo đường bộ từ biên giới Campuchia - Việt Nam về TP HCM thì bị bắt.

Đối tượng Phạm Văn Hảo đang bị truy nã về hành vi Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.

Tang vật do Cơ quan công an thu giữ gồm xe ôtô hiệu Lexus mang biển số Campuchia 2Z-7795, 4 điện thoại di động, 7 thẻ tín dụng các loại, 1 máy in màu, 1 laptop, 2 biển số xe, 1 giấy đăng ký xe photo có công chứng, 8.800USD, 21.750.000 đồng và nhiều loại giấy đăng kiểm xe ôtô giả khác có liên quan.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai Đông cùng với Tuấn Anh sang Campuchia mua xe ôtô giá rẻ đem về Hà Nội để bán kiếm lời. Đông cùng Tuyên đi xem xe và chuẩn bị biển số xe giả để gắn vào xe ôtô nhập lậu, còn Tuấn Anh làm giả các giấy tờ có liên quan để đối phó với cơ quan chức năng khi vận chuyển xe ôtô về Hà Nội.

Chiếc xe ôtô trên được các đối tượng mua với giá 39.000 USD, trên đường ra Hà Nội thì bị bắt giữ. Tuy nhiên nhóm đối tượng Đông, Tuyên và Tuấn Anh chỉ bị tạm giữ ít ngày rồi được tại ngoại. Và trong thời gian này, Đông tiếp tục rủ một số đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cũng bằng những chiếc xe ôtô hạng sang.

Theo tài liệu của Công an TP Hà Nội, năm 2015, qua mối quan hệ xã hội, Đông nói với Giáp Minh Hậu, sinh năm 1979, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội về việc Đông đang có lô hàng ôtô nhập khẩu ở cảng Hải Phòng cần bán gấp để làm thủ tục thông quan trước khi nhà nước tăng thuế nhập khẩu xe ôtô vào tháng 7-2016. Sau đó, Đông bàn bạc, rủ Hậu cùng tham gia kế hoạch kiếm tiền và Hậu đồng ý.

Để hợp thức hóa chiếc xe sang mang nhãn hiệu Lexus RX 450, Đông và Hậu đã thuê một người đàn ông tên Tuấn (chưa rõ lai lịch) làm giả chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu cho hai đồng phạm là Vy Ánh Hồng, sinh năm 1990, trú tại xã Đại Đồng, huyện Tràng Định, Lạng Sơn và Nguyễn Việt Anh, sinh năm 1983, trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đều là lao động tự do. 

Nhiệm vụ của Hồng và Việt Anh là sử dụng giấy tờ giả đó đứng tên đi đăng ký xe ôtô. Có được giấy đăng ký xe, Đông, Hậu đã mang xe ôtô được đăng ký bằng chứng minh nhân dân, hộ khẩu giả thế chấp vay ngân hàng lấy 3 tỷ đồng rồi chiếm đoạt.

Tháng 9-2018, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". HĐXX đã tuyên Phùng Viết Đông 18 năm tù, Giáp Minh Hậu 11 năm tù, Nguyễn Việt Anh 5 năm 6 tháng tù, Phùng Viết Lập 36 tháng tù treo, Tạ Hoàng Khánh và Vy Ánh Hồng cùng bị phạt 6 tháng tù, cho hưởng án treo.

Cũng trong tháng 9-2018, Tòa án nhân nhân tỉnh Tây Ninh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Phùng Viết Đông và Nguyễn Đắc Tuyên cùng 16 năm tù giam, Phùng Tuấn Anh 14 năm tù giam. Đây có thể coi là những bản án nghiêm khắc đối với những kẻ chuyên lừa đảo xe hơi, kiếm tiền bất chính.

Minh Tiến
.
.
.