Học thêm hè: Nỗi sợ “học kỳ thứ 3”
- Luật Giáo dục (sửa đổi): Trong giờ học thêm, ai quản lý hành xử của giáo viên?
- Phạt tiền đối với giáo viên ép buộc học sinh học thêm: Liệu có khả thi?
- Có tạo áp lực dạy thêm, học thêm?
Việc học thêm dày đặc trong hè đang lấy mất niềm vui nghỉ hè của các em, khiến cho không ít trẻ cảm thấy sợ nghỉ hè, khoảng thời gian đáng lẽ các em phải được vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm học hành vất vả ở trường.
Mỗi gia đình có một lý do khác nhau để cho con đi học thêm hè, nhưng tựu trung lại có thể kể ra các lý do cơ bản như giúp con nâng cao kiến thức, tránh xa thiết bị điện tử, trò chơi trên mạng, hoặc đơn giản là có chỗ trông trẻ...
Chị Lương Thị Chiến (Đống Đa - Hà Nội) chia sẻ: “Con mình sang năm thi cuối cấp rồi nên mình không thể không cho con đi học thêm. Các phụ huynh khác tất bật tìm chỗ học cho con, mình sốt ruột kinh khủng. Cũng muốn để con nghỉ ngơi trong hè đấy, nhưng sợ con không theo kịp các bạn, thi trượt thì chết. Con mình học thêm tuần 3 buổi Văn, Toán, Tiếng Anh. Đấy là nhiều kỹ năng khác mình còn cắt, con tập trung học kiến thức để sang năm thi thôi. Đưa đón con tuần 3 buổi cũng vất vả lắm, nhưng phải gắng chứ biết làm sao”.
Khi được hỏi con chị có vui vẻ đi học không, chị bảo: “Cháu phản đối ghê lắm, cứ đến giờ đi học mặt buồn so. Tôi phải động viên con, rồi con cũng đến lớp học thêm”.
Việc học thêm có thể nói áp lực nhất là với các học sinh cuối cấp, đặc biệt là với những em mà bản thân và cha mẹ có nguyện vọng thi vào trường các trường điểm. Muốn giành được một tấm vé vào trường điểm thì phần lớn các em phải nhanh tăng tốc bằng cách đi học thêm.
Ngay khi năm học vừa bế giảng, các lớp học thêm đã tấp nập khai giảng. Các em bị cha mẹ thuyết phục, thậm chí là ép buộc đến các trung tâm hay các địa chỉ giáo viên dạy thêm tin cậy để học thêm. Cá biệt có những gia đình thuê gia sư đến dạy kèm cho con tại nhà.
Một số giáo viên giấu tên khi được hỏi đều nói rằng, học sinh phải học thêm thì mới có khả năng thi vào được các trường điểm. Và ngay cả khi may mắn vào được, nếu không học thêm trước đó cũng khó mà theo kịp các bạn được. Ngay cả trẻ học mầm non, muốn vào các trường điểm cũng phải được cha mẹ cho đi luyện viết chữ, thậm chí luyện đọc, học Toán nữa.
Mùa hè cũng là mùa vô cùng nan giải cho bài toán gửi trẻ. Với học sinh tiểu học, 3 tháng hè ở nhà là 3 tháng các bậc phụ huynh khổ sở chuyện giờ giấc của con. Không có người trông trẻ, cha mẹ phải đi làm từ sáng tới chiều, nên gửi con đến các trung tâm học thêm là cách tốt nhất để bớt nỗi lo quản lý trẻ dịp hè. Những trung tâm học hè bán trú mọc lên ngày càng nhiều và mức học phí cũng không hề rẻ.
Anh Nguyễn Thành Trí, một nhân viên văn phòng cho hay, chi phí học hè cho con có khi còn cao hơn học ở trường. Các trung tâm học hè càng phong phú chương trình học, cơ sở vật chất tốt thì mức học phí càng ngất ngưởng, có khi lên đến cả chục triệu đồng/tháng bán trú.
“Tôi chọn một trung tâm vừa túi tiền cho con học, vì suy đi tính lại đây vẫn là cách hay nhất. Vì tôi không có thời gian ở nhà với con, cơ quan kỷ luật giờ giấc rất ngặt nghèo. Hơn nữa, nếu để trẻ ở nhà mà không có người lớn kiểm soát, chúng rất dễ sa đà vào máy tính, điện thoại, trò chơi điện tử hay ăn uống triền miên. Như thế, chúng dễ bị béo phì, lười vận động thì cơ thể trí não mệt mỏi, mắt cũng kém về thị lực, cha mẹ đi làm cũng khó mà yên tâm cho được. Đi học tích lũy kiến thức để sau này thi chuyển cấp cũng đỡ vất vả hơn”.
Việc học thêm mặc dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm, nhưng trên thực tế nó vẫn diễn ra ngày càng nhiều. Xâm nhập vào một số cơ sở dạy và học thêm tại địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) trong vai phụ huynh đi xin học cho con, chúng tôi khá dễ dàng đăng ký cho con theo học. Chỉ cần nộp tiền, điền tên con là có thể đến lớp ngay ngày mai. Môn học gì cũng có, từ Toán, Văn, Anh, đến múa, hát, đàn...
Giờ ra chơi, chúng tôi hỏi một bé học lớp 3, đang học hè tại đây để sang năm lên lớp 4, về việc con có thích đi học hè không. Bé trả lời là không thích. “Con chỉ thích được ở nhà với bà nội thôi, nhưng bố con bảo phải đi học Tiếng Việt với Tiếng Anh, cuối tuần thì cho ở nhà với bà. Con chỉ thích đi chơi thôi, con không thích đi học hè, nhưng con phải nghe lời bố mẹ”.
Phương Liên, giáo viên một trường tiểu học quận Đống Đa cho hay: “Mặc dù có việc cấm dạy học thêm, nhưng nhu cầu của cha mẹ học sinh rất lớn. Kết thúc năm học họ đã hỏi giáo viên về việc có dạy thêm hay không. Nhiều bố mẹ lo lắng nếu con không đi học thêm sẽ không đuổi kịp bạn bè trong năm sau. Hơn nữa, việc kẹt thời gian suốt mùa hè khi trẻ được nghỉ cũng là một nguyên nhân khiến cha mẹ phải tìm đến các trung tâm dạy thêm. Giáo viên thì cũng muốn tăng thu nhập. Đây là câu chuyện từ cả hai phía, khó mà đổ lỗi cho bên nào”.
Cô Liên cũng nói thêm, muốn giảm việc học thêm vào mùa hè thì phải làm sao bớt nỗi lo thi cử trường điểm, trường tốt đi. Xu hướng hiện nay là bố mẹ nào cũng muốn con thi vào trường tốt, trường điểm, dẫn đến chạy đua về việc học thêm cho con. Việc này vô tình tạo một áp lực không nhỏ lên trẻ. Các con phải đi học theo mong muốn của bố mẹ. Trong khi đáng lẽ ra mùa hè là thời gian các con được vui chơi thỏa thích.
Một vấn đề nữa là ở các thành phố lớn hiện nay đang thiếu trầm trọng các sân chơi lành mạnh cho học sinh. Các em không có nơi để sinh hoạt các hoạt động tập thể, ngoại khóa, nên suốt mùa hè nếu không phải ở nhà thì cũng bị cha mẹ nhồi nhét trong các lớp học thêm.
Trần Tuấn Anh, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền, hiện đang dạy học thêm tại một trung tâm chia sẻ:
“Mặc dù đi làm thêm ở Trung tâm để kiếm thêm thu nhập mùa hè nhưng em cực lực phản đối chuyện các em nhỏ, đặc biệt là học sinh tiểu học phải đi học hè. Em nhớ lại những năm mình học cấp 1 và cấp 2 cũng thường xuyên bị cha mẹ đóng tiền dắt đến các trung tâm học thêm. Em rất chán, nhưng nếu không học thì bố mẹ bảo không ngoan.
Em gần như không có niềm vui trong dịp hè, ngoài vài chuyến đi du lịch tắm biển cùng bố mẹ. Giờ nghĩ lại em vẫn tiếc, em thấy mình bị mất nhiều niềm vui những mùa hè khi còn đi học đó. Nên theo em, các phụ huynh nên dành cho con mình nhiều thời gian hơn trong dịp hè. Làm sao để các bạn nhỏ được chơi nhiều hơn là phải học. Các em đã học hành vất vả suốt một năm rồi”.
Tiến sĩ tâm lý học Thế Hùng cho hay, nếu phụ huynh bắt con đi học thêm quá nhiều trong dịp hè sẽ dễ dẫn đến tình trạng con có tâm lý chán học, sợ đi học, ngại đến trường. Việc học sau này sẽ không còn là niềm vui mà trở thành gánh nặng với các con. Thậm chí có những em còn bị lo âu, trầm cảm, vì phải học quá nhiều. Việc này là rất nguy hại đến cảm xúc, thể chất của các em. Một số phụ huynh cho rằng con học càng nhiều càng giỏi là không đúng. Trẻ chỉ có thể học tốt khi chúng được vui chơi.
Không ai cấm học thêm, nhưng cha mẹ nên chia sẻ với con xem con thích học thêm môn nào nhất trong dịp hè, chọn lựa thời điểm học cũng như số buổi học phù hợp để các con không bị căng thẳng. Mùa hè cần nhất là trẻ được đi chơi, đi du lịch, dã ngoại, về quê, ngắm nhìn thiên nhiên, khám phá bản thân, môi trường sống, chia sẻ với người thân yêu, kết nối tình bạn.....
Hãy dành cho trẻ những mùa hè thật bổ ích, ý nghĩa. Việc học thêm nếu có hãy làm sao cho trẻ học mà vui, mà không bị căng thẳng. Cha mẹ đừng quên rằng, những mùa hè đẹp, đáng nhớ sẽ là những ấn tượng con mang theo suốt cuộc đời. Làm sao để các con lớn lên không bị ám ảnh bởi những mùa hè dày đặc lịch học thêm, như một học kỳ thứ 3 trong năm.