Học sinh khổ vì ngoại ngữ
Trong xu thế hội nhập và gia nhập vào một thế giới phẳng thì việc trang bị ngoại ngữ là cần thiết. Nhưng chuyện học cái gì, học như thế nào đối với con trẻ là việc hệ trọng, đâu có thể xem nhẹ được.
Giáo dục là trồng người. Giáo dục là phải xác định được vai trò của mình là cực kỳ hệ trọng đối với việc định vị vị thế, sự phát triển và sức mạnh của một dân tộc, một quốc gia trong tương lai mà con người là trung tâm của phát triển, chứ không đơn thuần chỉ là nhồi nhét kiến thức, hay lấy một vài tấm bằng để kiếm cơm. Hàng loạt cây ở đường phố Hà Nội trồng không đúng cách còn chết khô chết héo, nói gì đến chuyện "trồng" một con người hay cả một thế hệ con người.
Những ngày này câu chuyện dạy và học tiếng Nga, Trung, Nhật từ cấp tiểu học trong các trường phổ thông mới chỉ là đang đề xuất nhưng xem ra đã là vấn đề nóng. Tham gia diễn đàn có nhiều nhà quản lý, nhà giáo, phụ huynh và cả học sinh chưa đồng tình.
Đưa tiếng Nga, Trung, Nhật vào trường phổ thông - đây là một đề án cực kỳ quan trọng, nó tác động trực tiếp, sâu sắc đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Tác động không đơn thuần ở chuyện học viết học nói, mà còn tác động đến sự phát triển của con người và định hướng phát triển con người trong tương lai.
Thiết nghĩ với một dự án có ảnh hưởng lớn đến giáo dục như vậy, không phải cứ muốn làm là làm ngay được. Nóng vội áp đặt ý chí như thế sẽ vô tình biến con trẻ thành vật thí nghiệm cho những tính toán thiếu khoa học của người lớn.
Thiết nghĩ, muốn triển khai một đề án quan trọng như thế cần phải có sự tham khảo ý kiến nhiều bộ, ngành, ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học, ý kiến rộng rãi của nhân dân và của giáo viên, học sinh. Ngoài ra, đề án phải được thông qua Quốc hội phê chuẩn. Ngoại ngữ không phải là thứ có thể hồn nhiên làm theo ý muốn của riêng ngành giáo dục được.
Nói về ngoại ngữ thì tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế được phổ biến và sử dụng hầu hết ở các nước trên thế giới, điều này ai cũng biết. Đó là xu thế chung của toàn thế giới. Mà đã là xu thế thì muốn hay không muốn, ta vẫn phải theo, để có khả năng hội nhập sâu rộng, để vươn mình ra biển lớn.
Sau tiếng Anh là tiếng Pháp cũng khá phổ biến và từ lâu đã hình thành cộng đồng Pháp ngữ. Học ngoại ngữ nào? Học từ cấp nào? Vì sao?... Sao không phải là tiếng Pháp mà lại là tiếng Trung? Sao không phải tiếng Hàn mà lại là tiếng Nhật… Các nhà hoạch định chính sách giáo dục phải trả lời thấu đáo những câu hỏi này, vì câu trả lời ở đây không phải để thuyết phục riêng chúng ta, mà còn thuyết phục cả quốc tế.
Cho dù mới chỉ là đề xuất thôi, và dự kiến năm 2017 mới triển khai. Năm 2017 thì sát nách rồi, chỉ mấy tháng nữa. Và đang có khá nhiều câu hỏi đặt ra ở đây là liệu việc này có khả thi chăng, khi mà thực trạng những năm vừa qua ngành giáo dục đang xoay như đèn cù với những cải cách, những thay đổi chóng mặt đến mức giáo viên cũng không theo kịp, chứ đừng nói là học sinh.
Nguyên cái Thông tư 30 thôi mà đã chỉnh sửa đi chỉnh sửa lại mấy lần vẫn chưa phù hợp. Con trẻ đang lệch vai gù lưng vì chương trình học nặng nề không còn thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động thể chất, cũng như phát triển các kỹ năng sống khác. Giáo viên thì cũng không có thời gian để tư duy, để nghiên cứu sáng tạo, lên lớp cứ như cái máy cứng nhắc, khô khan nhàn nhạt, ảnh hưởng không nhỏ đến việc truyền thụ kiến thức và tiếp nhận kiến thức.
Một vấn đề nữa khủng hoảng là nguồn giáo viên đáp ứng cho dự án này, nếu nó được thực thi. Ai cũng biết rằng hiện nay trên bình diện cả nước có đến 80%, thậm chí là hơn thế, các trường tiểu học, trung học cơ sở chưa có giáo viên dạy tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật.
Trước đây, chúng ta cũng đã từng dạy tiếng Nga, tiếng Trung trong các trường phổ thông, nhưng sau một thời gian dài việc này đã không còn được quan tâm và gần như bỏ hẳn dẫn đến bao nhiêu hệ lụy.
Đội ngũ giáo viên dạy tiếng Nga, tiếng Trung thì phần lớn đã cao tuổi, đã nghỉ hưu, hoặc chưa thì cũng đã chuyển nghề làm việc khác. Nay muốn triển khai được việc dạy các ngoại ngữ ấy rõ ràng phải cần đến hàng vạn giáo viên. Nhưng để có được hàng vạn giáo viên ấy thì ít ra cũng phải mất một khoảng thời gian 5 năm là tối thiểu để đào tạo.
Thông thạo một ngoại ngữ, lại kèm với các kỹ năng sư phạm để có thể đứng trên bục giảng truyền dạy học trò đâu phải chuyện một sớm một chiều đối với mỗi giáo viên. Rồi đâu chỉ cần có đội ngũ giáo viên ngoại ngữ chuẩn, mà còn cần phải có đầu tư trang thiết bị giảng dạy nữa. Phân tích như thế đủ thấy không phải ngon xơi, không “dưa bở” được đâu, các vị đề ra dự án này cần phải hết sức lắng nghe, nếu không muốn con em mình trở thành “vật thí nghiệm” thêm một lần nữa.
Nếu lập luận rằng học những ngoại ngữ ấy để làm phương tiện giúp các em sau này làm việc kiếm nghề thì xin lỗi, trừ một số rất ít em có năng khiếu, còn đại đa số học sinh học ngoại ngữ ở các bậc học phổ thông khi ra trường còn lâu lắm mới đủ khả năng sử dụng vào làm việc.
Thậm chí một số ngành, việc tốt nghiệp đại học ngoại ngữ cũng chưa chắc ăn đâu, còn phải học thêm nhiều lắm, đừng đùa. Giỏi một thứ tiếng là hiểu biết cả một nền văn hóa, khó lắm, mất thời gian lắm, sao ăn xổi ở thì như ta đang nghĩ được.
Ngay cả đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở các trường phổ thông hiện nay, rất nhiều người trình độ tiếng Anh cũng chưa đạt chuẩn chứ đừng nói là học sinh. Chúng ta đang còn bất cập trăm bề. Xử lý các vấn đề nội tại mà giáo dục đang mắc phải, rối rắm nhiều năm chưa gỡ ra đã là rất nhiêu khê rồi, giờ lại tiếp tục nảy sinh những vấn đề mới chưa đến đầu đến đũa, thì chung quy lại mắc sâu thêm vào cái vòng luẩn quẩn.
Như đã nói, ngoại ngữ học được là tốt. Nhưng, đối với các bậc học phổ thông, thiết nghĩ, hãy cứ tập trung mà đào tạo tiếng Anh cho tốt. Tiếng Anh có thể là môn học bắt buộc với tất cả học sinh ở các bậc học, vì đó là thứ ngoại ngữ phổ thông nhất nước nào cũng dùng, ở đâu cũng dùng.
Còn những ngoại ngữ khác như Nga, Trung, Nhật…thì nên chỉ là môn ngoại ngữ thứ hai để cho học sinh lựa chọn phù hợp với năng khiếu, sở thích, phù hợp với vùng miền và phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em trong tương lai mà thôi.
Đừng để học sinh phải khổ vì ngoại ngữ đến mức như vậy, các em đang phải khổ vì rất nhiều môn học khác trong nhà trường rồi. Đừng ép các em phải học quá nhiều ở cái lứa tuổi mà việc chơi cũng quan trọng như việc học.
Mới đây nhất, nếu các vị đọc bức thư của một em học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh trên truyền thông, trên mạng xã hội, nói về việc em kiệt sưc, sợ hãi, khi nghe đến chữ “học”, đủ thấy trẻ em của chúng ta đang căng thẳng như thế nào mỗi ngày đến trường. Cải cách, đổi mới giáo dục, phải luôn lấy con người làm đối tượng trung tâm và phải cực kỳ thận trọng. Vì những sai lầm nếu xảy ra, chúng ta sẽ phải trả giá bằng cả một thế hệ, rất đau xót.