Hãy điều chỉnh mình trước khi quá muộn

Thứ Hai, 11/04/2016, 09:18
Những con số thống kê dưới đây chắc chắn sẽ khiến chúng ta vô cùng lo lắng: Năm 2000, tại Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi là 126.000 ca. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ gần 200.000 ca và đến thời điểm này, ung thư đang trở thành vấn đề nóng khiến mọi người vô cùng quan tâm cũng như là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều gia đình.


1. Ai đó, một khi đã cầm trên tay tờ xét nghiệm chỉ cần có một chữ K (ung thư) trong đó, tôi tin là đến người vững vàng nhất, cứng rắn nhất cũng phải choáng váng, suy sụp. Vâng, dính vào ung thư có nghĩa là tử thần đã đến gõ cửa, cuộc sống chỉ được tính bằng tháng, bằng ngày và nhân viên y tế sẽ động viên bạn vô cùng chân thành: Muốn ăn gì thì ăn, muốn làm gì thì làm và muốn đi đâu thì đi. Tất nhiên, họ không bao giờ nói vế thứ hai là: Vì thời gian cho bạn không còn nhiều.

Những con số thống kê dưới đây chắc chắn sẽ khiến chúng ta vô cùng lo lắng: Năm 2000, tại Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi là 126.000 ca. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ gần 200.000 ca và đến thời điểm này, ung thư đang trở thành vấn đề nóng khiến mọi người vô cùng quan tâm cũng như là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều gia đình.

Minh họa của Lê Tâm.

Một giáo sư đầu ngành về ung bướu của Việt Nam cho rằng, lối sống dẫn tới 80% nguyên nhân gây ung thư, trong đó các yếu tố nguy cơ điển hình là hút thuốc, rượu bia và thực phẩm bẩn. Ngay cả lối sống sinh hoạt cũng có thể dẫn đến bệnh. Vậy đấy, trước khi đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc bị ung thư, chúng ta hãy trách bản thân trước. Lối sống không lành mạnh cộng với những thói quen sử dụng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích, thức khuya, làm việc quá sức, lười vận động… cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.

2. Suốt những ngày qua, có một cụm từ mà ta được nghe hằng ngày trên tuyền hình hay các trang báo mạng, đó là "thực phẩm bẩn". Có thể nói, thực phẩm bẩn là quốc nạn, ảnh hưởng trực tiếp đến giống nòi và thể lực một quốc gia. Nếu nhà nước, các cơ quan quản lý không vào cuộc với những biện pháp mạnh thì không biết sức khoẻ của người dân sẽ đi về đâu và số người mắc bệnh ung thư sẽ còn nhiều đến đâu.

Cách đây không lâu, trên các trang mạng xuất hiện một phóng sự ảnh ghi lại cảnh ngư dân Gành Đỏ (Sông Cầu, Phú Yên) đang nhuộm màu cho các giỏ ruốc trên bãi biển. Ngay sau khi đăng tải, những bức ảnh đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội và nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ cùng những bình luận bức xúc.

Ngư dân ở đây cho rằng, ruốc mới đánh lên sớm bị ngả sang màu trắng bạc, người mua sẽ chê nên phải dùng hóa chất tẩm màu cho đẹp mắt, dễ bán. Hóa chất tẩm màu không rõ nguồn gốc thì bán đầy đường. Hiện vẫn chưa có kết luận chính xác đó là loại hóa chất gì, nhưng có một điều chắc chắn chúng ta có thể biết được, khi hóa chất này vào cơ thể, dù trực tiếp hay gián tiếp, nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và nếu có dính vào bệnh ung thư thì cũng không phải là chuyện lạ.

Điều nực cười là việc tẩm màu cho ruốc diễn ra trong một thời gian dài, một lượng lớn ruốc bị nhuộm đã trôi nổi trên thị trường và biết bao người đã mua về sử dụng nhưng các cơ quan quản lý ở đây vẫn làm ngơ. Chỉ đến khi phóng sự ảnh trên được lan truyền trên mạng, các cơ quan hữu quan mới nháo nhào vào cuộc, cả các cơ quan pháp luật cũng ra tay để ngăn chặn tình trạng trên.

Rất nhiều việc trong thực tế chúng ta xử lý kiểu như vậy. Nghĩa là khi báo chí lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc mà không đưa ra những giải pháp mạnh để ngăn chặn từ gốc hoặc nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho người dân. Và những người dân trong cuộc mưu sinh vất vả đó đã bất chấp tất cả để thu lợi cho mình.

3. Dù không muốn nhưng rất nhiều lần tôi đã phải bước chân vào Bệnh viện U bướu Trung ương (Bệnh viện K Hà Nội), Bệnh viện Phổi Trung ương… để chăm sóc hoặc thăm người thân điều trị ung thư nơi đây. Mỗi người một bệnh, một phác đồ điều trị nhưng điều tôi có thể cảm nhận mỗi lần tới đây là sự ân cần của những người thầy thuốc và nụ cười trên môi những bệnh nhân.

Khi nỗi sợ hãi đã lên tới đỉnh điểm, người ta trở lại trạng thái cân bằng và hiểu rằng, phải sống thật vui vẻ, để người thân của mình không buồn phiền và sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng có mặt trên cuộc đời này.

Bệnh ung thư không chừa bất cứ người nào. Lạc quan sống và hy vọng, đó chính là liều thuốc tốt nhất giúp họ quên đi bệnh tật hiểm nghèo hay sự đau đớn thể xác trước khi trở về với cát bụi trần gian.

Tuấn Nguyễn
.
.
.